Vợ đòi ăn Tết nhà ngoại, Tết chưa đến đã 'hốt'
Tin liên quan
Cứ đến cuối năm, mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều cặp vợ chồng lại nảy sinh mâu thuẫn về chuyện Tết nội - Tết ngoại. Nhiều gia đình vẫn mang nặng tư tưởng "nội hơn ngoại" nên luôn muốn con dâu ưu tiên đón Tết ở nhà nội.
Vợ chồng tranh cãi nảy lửa vì vợ đòi ăn Tết ngoại
Thu Mây, 30 tuổi, vẫn còn nhớ như in cái Tết bốn năm trước. Năm đó, cô mang bầu 37 tuổi, tăng tới 20kg nên cơ thể nặng nề, ì ạch. Cô muốn về nhà ngoại ăn Tết, nếu có sinh con thì cũng sinh con ở nhà ngoại luôn. Nhưng chồng cô giãy nảy phản đối. Anh nói rằng: "Anh là con trưởng, em là dâu mới. Không về người ta cười vào mặt bố mẹ anh".
Cả hai lời qua tiếng lại, không ai nhường ai. Mây cho rằng chồng gia trưởng, vô tâm, chỉ biết đến bản thân mình. Giận chồng, cô không nhìn mặt, không trả lời, tối ngủ nằm hẳn góc tường. Gần một tuần, cặp vợ chồng chiến tranh lạnh.
Thương kể, cách đây vài năm, anh Đạt, chồng chị tự nhiên nói: "Hai năm đón giao thừa bên nội sẽ cho vợ con đón một giao thừa bên ngoại". 10 năm đón Tết ở nhà nội, từ việc sắm sửa, chợ búa, cỗ bàn ngày Tết đều một tay chị vun vén. Đến trưa mùng 2, cả nhà khăn gói về quê ngoại rồi ở đó hết kỳ nghỉ Tết.
Chị Thương rất mừng vì trong lòng lúc nào cũng mong được đón ngày Tết ở quê ngoại như thời con gái. Trong lòng chị Thương, Tết quê ngoại năm nào cũng đầm ấm với nhiều hoạt động truyền thống. Câu nói của chồng khiến chị háo hức, hồi hộp được đón một cái Tết ở nhà ngoại.
Mấy năm dịch bệnh, rồi người này đẻ, người kia bận công tác nên kế hoạch tất cả các chị em gái cùng ăn Tết nhà ngoại không thành. Năm nay là dịp phù hợp nhất, song khi Thương bàn với chồng, anh phủ nhận chưa từng có ý định đó. Anh nói rằng em thích đón Tết ngoại thì đi một mình, anh với 2 con về ăn Tết với ông bà nội.
"Tôi cứng họng. Một mình tôi về Tết ngoại khác gì đang tuyên bố với cả thiên hạ vợ chồng bất hòa. Và bố tôi thì càng không chứa vì bố mẹ nào cũng chỉ mong con vợ chồng hòa thuận. Hơn nữa, con thứ hai của tôi còn chưa cai sữa", chị Thương giãi bày.
Vợ chồng anh Thể, chị Lý ở TP HCM đã kết hôn 6 năm, ngoại trừ một năm con vừa sinh, còn lại năm nào cũng về ăn Tết nội nửa tháng. Nhà nội ở Huế, cách 1.000 km, nên mỗi năm chỉ về một lần dịp này. Năm nay bỗng dưng chị Lý, vợ anh vùng lên đòi ăn Tết ngoại.
Song chị Lý cự cãi, đã 5 cái Tết ở quê chồng, anh thấy vui nhưng chị không thấy vui. Anh được ăn, được chơi, còn chị chỉ có điệp khúc rửa bát, nấu cơm. "Nhà em có hai chị em gái, từ lúc em lấy chồng, đã 6 năm bố mẹ đón Tết một mình. Nếu không phân chia Tết nội Tết ngoại thì có thể đến lúc bố mẹ chết, em cũng sẽ không được ăn Tết với ông bà nữa", chị nói. Ai cũng có cái lý của riêng mình và không ai chịu nhường ai. Chỉ còn ba tuần nữa đến Tết mà vì chuyện này, vợ chồng anh lục đục.
Làm sao để cân bằng Tết nội - Tết ngoại?
Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga (Hà Nội) cũng cho biết có "cực kỳ nhiều người vợ trầm cảm, căng thẳng" về việc này. "Họ chia sẻ ngày nào được nghỉ là phải khăn gói về quê nội luôn ngày đó. Họ ở nhà chồng những ngày quan trọng nhất, còn nhà ngoại chỉ được về một chút trước hoặc khi gần hết Tết. Ở nhà chồng họ phải vất vả phục vụ gia đình chồng, anh em chồng, trong khi bố mẹ đẻ lại không được tròn chữ hiếu. Họ cảm thấy đang bị bên trọng bên khinh", bà Nga chia sẻ.
Theo nhà tâm lý, mâu thuẫn chủ yếu xuất phát từ việc người phụ nữ đã không được về Tết với bố mẹ mình, lại phải lo nhiều việc nhà chồng. Trong khi người chồng những ngày đó chỉ vui vẻ với anh em, bạn bè, nhậu nhẹt sớm tối, bỏ mặc vợ con.
Tết cổ truyền là một dịp vui vẻ và đáng nhớ, theo thạc sĩ Lã Linh Nga, nếu người chồng quan tâm, thấu hiểu và san sẻ với vợ thì Tết sẽ vui và không còn những trận cãi vã nữa. "Một khi người vợ đã quen thuộc với gia đình chồng giống như gia đình mình, không còn áp lực làm dâu ngày Tết, chắc chắn họ cũng không buồn tủi nữa. Ngày Tết với họ lúc đó ở đâu cũng được, miễn có chồng có con", bà Nga cho hay.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng cho hay Tết nội - Tết ngoại là mâu thuẫn thường gặp nhất của các cặp đôi mới cưới. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều gia đình vẫn còn tư tưởng lỗi thời, coi trọng Tết nội hơn Tết ngoại. Giải pháp cho vấn đề này, theo ông, vẫn là phải bỏ tư tưởng lỗi thời đó. Nam nữ ngày nay bình đẳng, con dâu hay con rể đều phải có trách nhiệm với bố mẹ hai bên như nhau. "Không chỉ những người trẻ, mà thế hệ ông bà, bố mẹ cũng phải thay đổi", ông Hòa nói.
Anh Chi (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất