Nhà văn Hoàng Anh Tú: 'Tết nếu chỉ mình phụ nữ quán xuyến thì cũng chẳng còn là Tết nữa đâu'

Quỳnh Trang 2022-02-01 00:45
- Phụ nữ và Tết có một mối liên hệ rất... truyền thống. Câu chuyện tưởng rất cũ này năm nào cũng là chuyện mới. Nhưng nói như nhà văn Hoàng Anh Tú, đã đến lúc phụ nữ nên biết từ chối việc trở thành một người hoàn hảo.
Nổi danh từ một cây bút của báo Hoa Học Trò, Hoàng Anh Tú được nhiều người biết đến là nhà văn của lứa tuổi đôi mươi. Trong mắt mọi người, anh Chánh Văn tuy có đôi chút bí ẩn nhưng rất dịu dàng, đáng yêu và tâm lý hết mức. 

Hoàng Anh Tú từng giữ chức vụ Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, chủ bút của ấn phẩm 2!; tác giả một số đầu sách về kỹ năng dạy con. Anh ủng hộ bình đẳng giới và có nhiều quan điểm tiến bộ về hạnh phúc, gia đình và vai trò của người phụ nữ. Đầu xuân Nhâm Dần 2022, Emdep.vn đã có cuộc trò chuyện với "anh Chánh Văn" Hoàng Anh Tú quanh chủ đề vai trò của người phụ nữ trong ngày Tết.

'Phụ nữ hãy giảm bớt áp lực cho bản thân mình, Tết là để vô tâm, vô lo và vô nghĩ!'

1 năm mới sắp đến rồi và chủ đề về quê đón Tết luôn thu hút đông đảo sự quan tâm của các gia đình người Việt. Nhiều người phụ nữ đã có gia đình thì luôn cảm thấy sợ về quê chồng, ở nhà chồng đón Tết vì quá nhiều thủ tục ăn uống, dọn dẹp, chúc Tết... Câu chuyện tưởng rất cũ này nhưng năm nào cũng vẫn là chuyện mới. Ở góc nhìn của một người đàn ông anh thấy thế nào ạ? Theo anh, người đàn ông trong gia đình nên làm gì để thể hiện tình cảm, san sẻ bớt gánh nặng với người vợ vào dịp Tết?

Quả thực câu chuyện này đúng kiểu “Tết hẹn lại lên”. Gần như năm nào tôi cũng phải trả lời hàng tá câu hỏi của những người vợ, người mẹ cứ đến Tết là lại lo mất ăn mất ngủ, mà dường như nhiều năm rồi vẫn chưa cải thiện được là bao. Có thể do cánh đàn ông chúng tôi vẫn vô tư và vô tâm quá. Nhưng tôi nghĩ cánh chị em cũng góp phần vào việc này không kém đâu. Bằng những status khoe mình “khéo tay ngày Tết”, bằng những lời trách cứ lẫn nhau vì nhiều chị em Tết đoảng. Và phần đông vẫn là nhiều chị em tự buộc vào mình bởi những sự áy náy nếu không làm.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: 'Phụ nữ hãy giảm bớt áp lực cho bản thân mình, Tết là để vô tâm, vô lo và vô nghĩ!'

Tôi cho rằng Tết là để vô tâm, vô lo và vô nghĩ. Tất cả phải bắt đầu từ chính chị em. Chị em phụ nữ cần học cách từ chối những gì mình không làm được, mình không thích và không muốn làm. Hãy chỉ làm những điều khiến mình thấy hạnh phúc. Tất nhiên, cả các anh đàn ông nữa. Nếu thương vợ, hãy cùng san sẻ với vợ. Thời của những dịch vụ sẵn rồi. Bánh chưng có thể đặt mua, cỗ bàn có thể đặt nấu, dọn dẹp có thể đặt người…

Tất nhiên, nếu kinh tế quá khó khăn thì hãy giản lược đi. Đừng tạo ra áp lực cho bản thân mình nữa. Năm nay Covid nữa, bớt đi lại chúc tụng đi. Tết bớt bày vẽ, dành thời gian nhiều hơn để trò chuyện nhiều hơn, lắng nghe nhau nhiều hơn. Nếu bị ép, hãy biết phản kháng. Chị em phụ nữ đừng trở thành người hoàn hảo nữa. Hãy là chính mình đi. Đừng đi qua mùa Tết bằng những áp lực nữa.

Nhiều người mẹ, người vợ quá đảm đang, quá cầu toàn vì vậy trong ngày Tết họ dành phần lớn thời gian để chăm lo, cơm nước, dọn dẹp mà chẳng có thời gian cho bản thân. Người ta bảo phụ nữ như thế không tốt cho bản thân họ nhưng lại tốt cho gia đình cho dòng họ và cho truyền thống văn hóa. Anh nghĩ sao về quan điểm này?

Đó đương nhiên là quan điểm xưa cũ. Thời đó, người ta coi phụ nữ như một công cụ phục vụ. Những lời khuyên lẫn những lời khen, ca ngợi đức hy sinh của người vợ, người mẹ rất nên đưa vào bảo tàng. Không phải thời nay phụ nữ không cần hy sinh hay không cần quan tâm đến truyền thống, gia đình mà chỉ đơn giản là CÙNG NHAU. Muốn truyền thống, muốn gia đình thì phải cùng nhau mà làm thôi.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: 'Phụ nữ hãy giảm bớt áp lực cho bản thân mình, Tết là để vô tâm, vô lo và vô nghĩ!'

Tết đâu chỉ thành Tết từ bàn tay phụ nữ? Tết chỉ có thể thành Tết với sự góp tay của cả gia đình. Tôi cũng không ủng hộ những người phụ nữ lười biếng. Nhưng tôi cũng chẳng khen những phụ nữ một tay lo tất cả. Bởi Tết nếu chỉ mình phụ nữ quán xuyến thì cũng chẳng còn là Tết nữa đâu.

Cá nhân anh thiên về cái Tết truyền thống hay Tết hiện đại: Cái Tết được quây quần bên ông bà cha mẹ hay chỉ đến thăm hỏi như thường lệ rồi vợ chồng con cái đi du lịch tận hưởng một dịp nghỉ lễ đúng nghĩa?

Tôi chưa khi nào phân định rạch ròi đâu là Tết truyền thống và đâu là Tết hiện đại. Bởi mỗi người sẽ có 1 cách để sử dụng Tết như ý họ muốn. Có những người đưa gia đình đi chơi xa, du lịch hay những người chọn ở nhà quây quần bên ông bà cha mẹ đều đang sử dụng Tết theo quan điểm của họ. Có những người quanh năm quây quần bên ông bà rồi, Tết là dịp để có không gian riêng. Và ngược lại. Thế nên chia phe lên án người không đón Tết như mình dường như là mình định kiến và áp đặt quá.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: 'Phụ nữ hãy giảm bớt áp lực cho bản thân mình, Tết là để vô tâm, vô lo và vô nghĩ!'

Cá nhân tôi vẫn nghĩ: Tết là HẠNH PHÚC. Bạn hãy làm điều khiến bạn HẠNH PHÚC, vậy thôi. Như bản thân tôi, có năm thì quây quần cùng ông bà, có năm lại đi chơi xa. Tất cả tùy theo cảm xúc của mình trước mỗi Tết mới. Mà cũng buồn cười lắm nhé, có những năm tôi đưa gia đình đi du lịch thì lại nhớ thương giây phút quây quần bên gia đình. Hay những năm quây quần bên gia đình, lòng lại cứ chộn rộn thèm được đi chơi xa. Đấy, đến chính bản thân mình còn mâu thuẫn thế, sao lại đi trách cứ người không đón Tết giống mình?

Tết là CÙNG NHAU. Là chồng cùng vợ, là vợ cùng chồng, là cha mẹ cùng con, là con cùng cha mẹ. 

Có một câu đúc kết vui như thế này: Tết với đàn ông là ăn Tết nhậu Tết, với phụ nữ là làm Tết, chỉ những người trẻ mới thực sự là chơi Tết. Để cân bằng giữa ăn - làm và chơi Tết cho các thành viên trong gia đình, theo anh vai trò của người đàn ông là gì? Điều đó có khó khăn với những gia đình vẫn giữ lề tục truyền thống hay không ạ?

Tôi vẫn cho rằng Tết là CÙNG NHAU. Là chồng cùng vợ, là vợ cùng chồng, là cha mẹ cùng con, là con cùng cha mẹ. Chúng ta có thể chọn sử dụng một cái Tết theo cách mà tất cả chúng ta muốn. Tôi luôn bảo lưu quan điểm rằng không có Tết truyền thống hay Tết hiện đại, không có Tết nếu chỉ một người làm, một người ăn, một người chơi. Chúng ta chỉ có Tết khi tất cả chúng ta cùng chụm lại, cùng ăn, cùng làm, cùng chơi. Ý nghĩa của Tết là như vậy.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: 'Phụ nữ hãy giảm bớt áp lực cho bản thân mình, Tết là để vô tâm, vô lo và vô nghĩ!'

Với riêng gia đình anh, ngày Tết là ăn - làm hay chơi?

Với gia đình tôi, Tết là khi con không cần phải nghĩ về học hành, vợ chồng tạm gác lại công việc. Và chúng tôi sẽ cùng nhau biến những ngày Tết thành những ngày trọn vẹn bên nhau.

Những người trẻ bây giờ cũng cảm thấy sợ Tết vì khi đi chúc Tết phải trả lời những câu hỏi khó từ họ hàng, người thân về chuyện lương thưởng (năm Covid thu nhập tất nhiên là giảm), con cái... Anh Chánh Văn có thể gợi ý một số câu trả lời những câu hỏi này được không?

Hỏi vô duyên thì cứ đáp vô tâm. Tôi đã “mách nước” với nhiều bạn trẻ như vậy. Bởi biết không, những “người quê” kho từ vựng của họ chẳng nhiều. Đôi khi họ chỉ hỏi vì quen miệng, quan tâm kiểu nhàm chán như vậy. Nên hãy trả lời bằng sự vô tâm thôi. Có nghĩa là đôi khi chỉ cần bằng câu trả lời vô thưởng vô phạt, có khi chỉ cần một câu cảm ơn và một lời chúc chân thành. Tết mà, sao cứ cả nghĩ quá mà làm gì.

Còn tất nhiên, nếu gặp những “hàng xóm” truy vấn quá, hãy rời đi vì họ không thể làm hỏng cảm xúc ngày Tết của mình. Cuộc sống hôm nay đã thay đổi nhiều rồi, nếu họ vẫn đang ở những năm một ngàn chín trăm hồi đó với những câu hỏi vô duyên đó thì chúng ta cứ về lại năm của chúng ta đang sống thôi. Đôi khi, Tết cũng sẽ dạy chúng ta một bài tập về sự học cách bao dung vậy.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: 'Phụ nữ hãy giảm bớt áp lực cho bản thân mình, Tết là để vô tâm, vô lo và vô nghĩ!'

1 năm qua, dịch Covid-19 hoành hành làm thay đổi, đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của tất cả người dân trên thế giới, theo anh dịch Covid-19 có làm chúng ta "xa mặt cách lòng" hay không?

Tôi lại nghĩ Covid khiến chúng ta ngưng và hạn chế tiếp xúc vật lý nhưng nó lại khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn trong sự quan tâm, tinh thần. Covid khiến chúng ta lo sợ vĩnh viễn mất nhau hơn nên sẽ chăm hỏi han nhau hơn. Covid khiến chúng ta không thể gặp nhau nhưng luôn dõi theo nhau. Chúng ta đeo khẩu trang nhưng khẩu trang không phải thứ ngăn trở chúng ta dành cho nhau những nụ cười trên mắt.

Chúng ta tránh tiếp xúc nhưng chúng ta vẫn dành cho nhau cảm xúc. Chúng ta giữ khoảng cách nhưng chúng ta gần nhau bằng sự quan tâm, sự thiết tha. Chúng ta không tập trung đông người nhưng chúng ta vẫn có thể tạo ra những bữa tiệc trên không gian mạng, bằng công nghệ.

Xét cho cùng, Covid chỉ khiến những mối quan hệ vô thưởng vô phạt, nhàm chán sẽ phải nhường chỗ cho những mối quan hệ giá trị hơn. Bởi mỗi chúng ta giàu nghìn tỷ hay nghèo rớt mồng tơi, chúng ta đều công bằng trong việc có cùng 24h như nhau. Là chúng ta sẽ dùng nó thế nào, cho ai và thiết tha đến đâu thôi.

Anh có thể bật mí một chút về gia đình anh sẽ đón Tết như thế nào trong năm nay khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như trong thời điểm hiện tại không ạ?

Năm nay gia đình tôi sẽ không được xuống đường ngắm pháo hoa nhưng chúng tôi sẽ cùng nhau ngắm pháo hoa qua tivi. Gia đình tôi vẫn sẽ qua thăm hỏi các cụ, cùng nhau một bữa Tất Niên rồi mừng tuổi nhau năm mới. Sẽ như mọi năm, mùng 2 hoặc mùng 3, chúng tôi xuất hành. Năm nay có thể không được đi chơi xa thì chúng tôi sẽ đi loanh quanh Hà Nội. Tết mà, quan trọng nhất với gia đình tôi vẫn cứ là CÙNG NHAU. Chỉ vậy thôi là đã thành cái Tết.

Cám ơn nhà văn Hoàng Anh Tú đã tham gia trả lời phỏng vấn từ báo Emdep.vn. Chúc anh và gia đình năm mới an khang thịnh vượng, gặp nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào!

Quỳnh Trang (Thực hiện)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Nếu tim vẫn đầy thương tổn, đừng nên vội vã kiếm tìm tình yêu