Gen Z không mặn mà chuyện yêu đương, kết hôn, nghỉ lễ chủ yếu "ngủ nướng, bấm điện thoại"
Tin liên quan
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đang đến gần, tuy vậy, giới trẻ hầu như dành thời gian để ngủ nướng, bấm điện thoại thay vì ra ngoài hẹn hò, yêu đương. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa khiến độ tuổi kết hôn lần đầu ở nước ta ngày càng tăng.
Gen Z nghỉ lễ chủ yếu ngủ nướng, bấm điện thoại, không màng yêu đương, kết hôn
Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, Nguyễn Phương Thảo (SN 1999, Hải Phòng) được công ty cho nghỉ trọn vẹn 4 ngày, không phải làm bù. Thay vì lên kế hoạch đi du lịch hay gặp gỡ bạn bè như nhiều người khác, Thảo chọn thư giãn ngay trong chính căn phòng của mình.
"Thật sai lầm khi ra đường vào những ngày này, hàng quán phố xa chỗ nào cũng đông đúc chật kín người, em chọn nhà ngủ và bấm điện thoại", Thảo nói và cho biết trước khi kỳ nghỉ diễn ra đã từ chối nhiều lời rủ đi chơi của bạn bè, đồng nghiệp. Thậm chí cấp trên còn chê Thảo tẻ nhạt khi biết lịch trình 4 ngày nghỉ của cô chỉ xoay quanh việc ngủ nghỉ.
Gen Z không thích giao lưu, hẹn hò.
"Mới hai mấy tuổi đầu mà đã lười giao lưu gặp gỡ, chỉ thích nằm ì trong phòng, giới trẻ ngày nay lạ quá", đó là lời một chị đồng nghiệp U40 nói khi Thảo ngỏ ý không muốn tụ tập ăn mừng với công ty trong dịp nghỉ lễ.
23h đêm, phòng trọ của Nguyễn Vũ Anh Văn (1996, Thanh Hoá) vẫn sáng đèn bởi còn nhiều công việc đang chờ anh xử lý. Kể từ khi tốt nghiệp đại học đến nay, Văn duy trì làm 2 công việc cùng lúc để trang trải cuộc sống ở Thủ đô. Có thời điểm, anh phải làm tới 3 công việc một lúc.
Nhiều người quá bận rộn với công việc, không có thời gian yêu đương.
"Ngoài giờ hành chính làm việc tại cơ quan, tôi chạy thêm xe công nghệ vào các buổi tối từ 19h đến 22h30. Có ngày đông khách, ham quá nên tôi chạy xe tới nửa đêm", Văn nói.
Dù đã lên kế hoạch kỹ lưỡng cho việc lập gia đình nhưng suốt 5 năm nay, Văn không yêu ai. Ở Hà Nội một mình, chàng trai quê Thanh Hoá luôn muốn có bạn gái bầu bạn, chia sẻ buồn vui nhưng với quỹ thời gian hiện tại, Văn khó thực hiện ước mơ giản đơn ấy.
Tuổi kết hôn trung bình tăng nhanh, mức sinh thấp nhất lịch sử
Sáng 28/8 tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách và giải pháp nhằm ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp. Trong hội thảo, các chuyên gia công bố rằng tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt đang có xu hướng muộn hơn, từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (2019) và tiếp tục tăng lên 27,2 tuổi vào năm 2023. Đối với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1.
Phụ nữ ở thành thị cũng sinh con muộn hơn và ít hơn so với phụ nữ ở nông thôn. Mức sinh trên toàn quốc đang giảm dưới mức sinh thay thế, với tổng tỉ suất sinh năm 2023 chỉ đạt 1,96 con/phụ nữ, mức thấp nhất từ trước đến nay và có khả năng tiếp tục giảm.
Thế hệ trẻ đang lười yêu đương, kết hôn, ngại sinh con.
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cảnh báo rằng nếu không có chính sách kinh tế xã hội và dân số đột phá, Việt Nam có thể tiếp tục suy giảm mức sinh, giống như tình trạng ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay.
Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng Việt Nam vẫn còn thời gian để tăng mức sinh, dựa trên truyền thống gia đình và mong muốn của đa số thanh niên về việc kết hôn và có con. Nếu có chính sách phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên lập gia đình và nuôi con, các thế hệ tiếp theo có thể ổn định sau 20-30 năm nữa.
Khánh An (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất