Tết này, những tật xấu nào cần bỏ để có được tình thân thật?
Tin liên quan
Khó có thể phủ nhận rằng công nghệ, cụ thể là những chiếc điện thoại smartphone hay máy tính bảng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống con người, thậm chí với giới trẻ có thể xem như người bạn không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích như giúp kết nối mọi người với nhau, giải trí, cung cấp thông tin nhanh hay hỗ trợ học hành, công việc… việc lạm dụng công nghệ cũng dần hình thành những thói quen xấu cho người trẻ. Tuổi trẻ là khoảng thời gian tuyệt nhất của mỗi con người, thế nhưng, không ít người trẻ đang phí phạm nó khi để những tật xấu làm ảnh hưởng.
Chụp ảnh mọi lúc mọi nơi
Không ít người có thói quen chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc thú vị trong cuộc sống nhưng không phải là chụp mọi lúc mọi nơi. Khi đi ăn món gì dọn lên - chụp, 5 phút chỉnh lại tóc một lần - chụp, vào WC - chụp, đi thử quần áo - chụp… và rất nhiều những tình huống oái oăm khác. Bản thân bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu đang chuẩn bị ăn hoặc chờ thử đồ, vào WC nhưng lại phải đợi người khác chụp được tấm ảnh ưng ý?
Vui vẻ với người xa lạ, khó chịu với người quan tâm mình
Không ít bạn trẻ thời nay có thói quen dựa vào những nút like, những bình luận vô thưởng vô phạt để tạo niềm vui cho cuộc sống của mình.
Cũng từ đó, họ có thể ngồi hàng giờ để nhắn tin cho những người xa lạ thậm chí còn chưa gặp mặt ở ngoài nhưng lại từ chối một cuộc hẹn cafe, ăn uống với những người bạn thật sự. Đến khi bị góp ý lại cảm thấy khó chịu, cho rằng đó là những mối quan hệ phiền phức.
Chìm trong thế giới ảo
Lâu dần, họ bị bủa vây bởi những giá trị không có thật và chìm trong thế giới ảo. Những bạn trẻ chọn cách nhắn tin thay vì trò chuyện trực tiếp, dành hàng giờ xem những đoạn clip du lịch trên mạng xã hội để xuýt xoa nhưng khi được rủ đi cùng lại từ chối hoặc không thực sự tận hưởng chuyến đi, chăm chăm chụp ảnh khoe lên trang cá nhân nhưng đến khi hỏi lại vùng đất đó có những trải nghiệm gì thú vị, họ lại hoàn toàn không thể nhớ được.
Tình trạng này cũng sẽ “giết chết” những mối quan hệ xung quanh khi giới trẻ có thể hẹn hò, café nhưng đến quán là việc ai nấy làm, thỉnh thoảng rời mắt khỏi màn hình điện thoại để hỏi vài câu nhát gừng.
Cũng đừng xem thế giới ảo là nhà để có thể thoải mái chia sẻ mọi thứ về cuộc sống của mình. Có không ít những câu chuyện về nhân viên bị đuổi việc do nói xấu sếp trên mạng xã hội, sinh viên bị kỷ luật vì trót nói xấu giảng viên hay nhà trường… nên đừng để bạn rơi vào những tình huống dở khóc dở cười đó chỉ vì thói quen chuyện gì cũng mang lên mạng xã hội. Đó là chưa kể đến việc những thông tin do bạn chia sẻ hoàn toàn có thể bị sử dụng theo mục đích xấu.
Quên đi tình thân gia đình
Những ngày lễ Tết, thay vì quây quần bên gia đình dọn dẹp nhà cửa, ăn những bữa ăn đầy đủ thành viên và cùng trò chuyện về một năm đã qua, vẫn có những bạn trẻ ngay cả khi ngồi bên bàn ăn vẫn cắm mặt vào điện thoại, một tay gắp thức ăn và một tay lướt liên tục.
Sẽ không có gì đáng nói nếu cuối năm, bạn vẫn phải miệt mài với công việc nhưng nếu chỉ đơn giản là lướt facebook, xem phim… có lẽ bạn nên bỏ điện thoại xuống và tận hưởng những phút giây đầm ấm không phải ai cũng có được như thế.
Sử dụng điện thoại khi đang tham gia giao thông
Mải mê sử dụng điện thoại khi đang tham gia giao thông, đi bộ trên đường. Đây vốn là một vấn đề muôn thuở, bị lên án khá nhiều nhưng dường như các bạn trẻ vẫn chưa thể từ bỏ thói xấu này. Không những gây nguy hại cho chính bản thân mình mà còn có thể khiến những người xung quanh bị vạ lây chỉ bằng một phút lơ đễnh trả lời tin nhắn hay nghe một cuộc điện thoại.
Nhiều bạn trẻ thường biện minh bản thân có thể làm nhiều việc cùng một lúc nhưng dù giỏi đến đâu, bạn vẫn phải rời mắt khỏi màn hình để nhìn vào điện thoại. Trong trường hợp quá gấp, bạn hoàn toàn có thể dừng xe tấp vào lề đường để tiếp tục cuộc đàm thoại.
Quá lệ thuộc vào điện thoại
Smartphone dù có thông minh đến mấy, tiện lợi bao nhiêu vẫn chỉ là công cụ phục vụ cho con người nhưng đối với nhiều bạn trẻ, họ lại xem đó là một món đồ không thể thiếu và cảm thấy bức rứt nếu phải xa chiếc điện thoại thân yêu.
Tìm thông tin cũng dùng điện thoại, thà nhờ “chị Google” để tìm hướng giải quyết cho một vấn đề nào đó trong học hành, công việc thay vì tự bản thân suy nghĩ, có thể một buổi trưa không ăn uống nhưng không thể sống thiếu điện thoại…
Điện thoại là công cụ rất hữu hiệu để hỗ trợ con người nếu nó được sử dụng một cách thông minh, hiệu quả và có văn hóa.
Với những chức năng ngày càng được tối ưu, điện thoại có thể giúp kết nối mọi người với nhau, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp, hỗ trợ công việc… chứ không nên trở thành một thứ “nghiện” của con người dẫn đến những tác hại không đáng có.
Vậy ngoài những tật xấu kể trên, còn có những thói quen xấu nào của người trẻ sẽ khiến tình thân, tình bạn bè bị ảnh hưởng? Tất cả sẽ được bật mí trong một video có sự góp mặt của Jun Phạm - nam nghệ sĩ đa năng của showbiz Việt để các bạn trẻ có thể tham khảo và nhìn nhận lại các hoạt động của bản thân suốt một năm qua.
Từ đó, mọi người có thể loại trừ những thói quen chưa tốt để đón một năm mới thật vui vẻ và không khiến người đối diện phải khó chịu vì mình.
Theo Saostar
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất