Ca nương 6 tuổi xác lập Kỷ lục Guiness VN sau 3 tháng tự học
Tin liên quan
Chiều 22/9/2016 BTC Kỷ lục Guiness Việt Nam chính thức xướng tên tài năng nhỏ tuổi Đặng Tú Thanh (sinh năm 2000, ở Hà Nội), danh hiệu “Nghệ sĩ hát nhạc dân tộc nhỏ tuổi nhất” Việt Nam. Tuy chỉ mới 6 tuổi nhưng cô bé này đã có thể hát thuần thục các làn điệu dân ca truyền thống, đặc biệt là những thể loại rất khó như: hát xẩm, chèo, xoan, ca trù, vọng cổ…
Tú Thanh trình diễn tiết mục hát văn “Cô đôi thượng ngàn” trong lễ xác lập kỷ lục.
Phóng viên Emdep đã có cuộc trò chuyện ngắn với chị Bùi Thanh Huế, mẹ của Tú Thanh để tìm hiểu về ca nương nhỏ tuổi.
- Chị có thể chia sẻ về quá trình phát hiện khả năng hát nhạc dân tộc của cháu được không?
Ngay từ lúc mang thai cháu, tôi đã thích nghe nhạc dân tộc. Có lẽ vì thế mà cháu có chút năng khiếu bẩm sinh ngay từ lúc mới sinh. Năm 3 tuổi, cháu đã rất dạn dĩ trong việc ca hát, thể hiện ca khúc thiếu nhi và trình diễn trên các sân khấu trường, hội nghị. Thời gian gần đây, gia đình thấy cháu hát dân ca theo các bài trên kênh Youtube, của nhiều ca sĩ gạo cội như NSƯT Hà Thị Cầu, NSƯT Thu Huyền, Thanh Loan…, và các cuộc thi.
Khi thấy có đăng tuyển chương trình “Người hùng tí hon 2016”, bé nói muốn tham gia, muốn hát xẩm, hát xoan như cụ Hà Thị Cầu. Tôi rất bất ngờ nhưng vẫn cho con thử. Đây cũng là lần đầu tiên con tham gia một cuộc thi truyền hình lớn nên tôi cũng rất lo lắng. Khi con được công nhận bằng Kỷ lục Guiness, bản thân tôi và gia đình vẫn chưa hết bất ngờ vì khả năng của con.
Mặt khác, do gia đình tôi không có ai theo nghệ thuật, chỉ tập trung về kinh doanh nên trường hợp của bé trong cả dòng họ cũng rất đặc biệt.
- Thời gian cháu làm quen ở lĩnh vực này lâu chưa chị?
Thú thật, cháu thích hát từ còn nhỏ, nhưng nếu để nói chính xác thời gian cháu làm quen với các bộ môn này thì chỉ mới 3 tháng. Cháu tự học ở nhà qua kênh youtube, không học thêm thanh nhạc và từ từ bắt chước theo cách hát, động tác… như các nghệ sĩ lớn.
- Danh hiệu đến quá sớm với Thanh có khiến gia đình lo lắng nhiều không?
Gia đình tôi không lo lắng nhiều vì chúng tôi luôn dạy dỗ con và theo dõi quá trình con phát triển tài năng. Gia đình tôi rất ủng hộ và tạo điều kiện cho con nuôi dưỡng ước mơ trở thành nghệ sĩ hát các dòng nhạc dân tộc. Chúng tôi cũng khuyến khích con mình gìn giữ và phát triển nghệ thuật dân tộc.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng có cách quản lý riêng của mình để cho cháu tập trung vào việc học nhiều hơn. Ví dụ, mỗi ngày cháu chỉ được xem Youtube tầm 30 phút theo sở thích với sự kiểm soát từ gia đình, chúng tôi cũng theo dõi con xem gì, nội dung phù hợp lứa tuổi hay sở thích cá nhân của bé hay không. Cuối tuần, gia đình cho cháu xem nhiều hơn là 1 tiếng. Những ngày nghỉ, chúng tôi mới nhận lời cho cháu biểu diễn, nhưng cũng xem xét rõ ràng tính chất và thường là chỉ những hội nghị địa phương hay thành phố.
Một trích đoạn hát xẩm của bé Đặng Tú Thanh.
- Rất nhiều trường hợp, bố mẹ khi thấy con phát triển tài năng và được sớm được công nhận sẽ tập trung cho cháu phát triển, chạy show để nổi tiếng. Chị nghĩ sao về điều này?
Tôi từng xem nhiều thông tin này từ báo chí. Tôi cảm thấy thương những đứa trẻ ấy và càng thương con mình hơn nếu điều đó làm mất đi tuổi thơ của chúng. Tôi không muốn sau này nhìn lại, con mình lại hối hận vì không có quãng thời gian được vui chơi đúng lứa tuổi, không có kỷ niệm tuổi thơ. Bây giờ, bố mẹ phải phục vụ con cái, chứ không phải để con cái kiếm tiền phục vụ bố mẹ.
Với bé Tú Thanh, chúng tôi sẽ không xảy ra trường hợp cho cháu chạy show, nghỉ học để dấn thân vào showbiz kiếm tiền. Bằng khen cháu nhận định chỉ mang giá trị tinh thần cho gia đình, chứ không phải là thứ đánh đổi lấy sự nổi tiếng của bé.
- Có bao giờ chị nghĩ vì sao bé không chọn dòng nhạc phù hợp lứa tuổi, mà lại chọn những thể loại quá già, thậm chí là rất khó so với độ tuổi lên 6 của bé?
Có chứ, tôi vẫn thường tự hỏi: “Liệu điều này có làm bé già trước tuổi hay không?”. Nhưng tôi vẫn ủng hộ con mình làm theo điều cháu muốn. Tuy cháu học hỏi phong cách diễn của các nghệ sĩ gạo cội, nhưng Tú Thanh vẫn giữ được nét riêng của cháu, dễ thương, thỉnh thoảng cháu cũng thay đổi một số câu từ phù hợp với độ tuổi.
Chẳng hạn, trong lần gần đấy cháu diễn vở “Thị Mầu lên Chùa” có một câu nói: “Nhà mày có mấy chị em?”, cháu đã chủ động hỏi ý kiến tôi đổi từ “Mày” thành từ “Mầu”, vì cháu không thích sử dụng từ không đẹp. Tôi nghĩ đó là một cách sáng tạo của con và làm cho con già trước tuổi.
Bằng Chứng nhận Guiness của Hội kỷ lục Việt Nam công nhận bé Tú Thanh là "Nghệ sĩ hát các dòng nhạc cổ truyền dân tộc của Việt Nam nhỏ tuổi nhất".
- Vậy gia đình có định hướng rõ ràng cho bé hay không?
Chúng tôi vẫn cho bé tiếp xúc nhiều hơn với các bộ môn nghệ thuật dân tộc, để bé tự học hỏi và xây dựng ý thức là chính, chứ chúng tôi không bắt ép bé. Tôi vẫn khuyên bé phải cố gắng củng cố mọi điều để xứng đáng với danh hiệu mà Kỷ lục Guiness đã công nhận. Ngoài ra, gia đình vẫn tập trung cho bé học văn hoá là chính.
- Khi nổi tiếng sớm, chị có lo cháu có biểu hiện "ngôi sao" không?
Tôi quan niệm, trẻ con là ảnh hưởng từ người lớn, gia đình. Tôi vẫn theo sát con để hướng con tới hình ảnh hoà đồng, thân thiện, đúng với lứa tuổi và không bị đặt nặng vào danh hiệu “nghệ sĩ” ngay khi còn nhỏ. Tôi không khuyến khích con mình sống kiêu căng, có tính xấu… Nếu phát hiện, gia đình sẽ có hình thức uốn nắn bé phù hợp.
- Xin cảm ơn chị!
Vũ Quân
Đặng Tú Thanh được tìm thấy khi tham gia chương trình “Người hùng tí hon 2016”, cháu khiến các giám khảo sững sờ khi trình diễn dạn dĩ trên sân khấu.
Trước đó, năm 2015 chương trình này cũng phát hiện 2 kỷ lục gia nhỏ tuổi khác là cặp anh em sinh đôi có khả năng ảo thuật Minh Quang (4 tuổi) - Minh Nhựt (5 tuổi), nhận kỷ lục Guiness “Nghệ sĩ xiếc nhỏ tuổi nhất Việt Nam”.
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất