Một ngày cùng bé vui chơi tại làng gốm Bát Tràng
Tin liên quan
Nằm ven con sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, Bát Tràng ban đầu là nơi 5 dòng họ gốm nổi tiếng xứ Thanh và dòng họ Nguyễn đất Minh Tràng tìm đến lập nghiệp. Ngày nay, các dòng họ trong làng vẫn giữ nghề cha truyền con nối để tiếp tục tạo ra các sản phẩm gốm tinh xảo, nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Thế nhưng, chỉ chưa đầy chục năm trở lại đây, làng gốm Bát Tràng mới được biết đến như một điểm du lịch thú vị dành cho các bạn trẻ và các gia đình có trẻ nhỏ, kể từ khi nhiều gia đình mở thêm hình thức kinh doanh mới: Dạy nặn gốm.
Để đi tới Bát tràng, bố mẹ có thể chọn cách đi bằng xe máy, đi bằng ô - tô nếu gia đình có điều kiện, hoặc bắt xe bus từ bến trung chuyển Long Biên, xe sẽ thả bạn ngay đầu làng. Đi bộ một chút qua các nhà bán gốm là đến chợ.
Chợ gốm Bát Tràng có bán rất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ gốm sứ. Bố mẹ có thể thỏa thích tìm bát đĩa, lọ hoa, đồ trang trí trong khi các bé sẽ mê mẩn với những tạo hình con thú đồ chơi đầy màu sắc bắt mắt của các sản phẩm gốm. Thế nhưng đây chưa phải là nơi thú vị nhất của các bé.
Có khá nhiều gia đình cung cấp dịch vụ nặn gốm dọc từ đầu làng vào đến tận trong chợ. Bạn có thể hỏi người dân, hoặc để ý các biển hiệu trên đường đi vào làng. Những gia đình này thường có sân rất rộng, thoáng, có nhiều bàn làm gốm để cho khách thăm quan xem và thử làm.
Nếu bạn muốn bé hiểu rõ hơn về lịch sử, quy trình làm gốm, thì đừng ngại hỏi chủ nhà để được nghe kể những câu chuyện thú vị mà chỉ người trong nghề mới biết rõ. Chủ nhà sẽ cung cấp cho bé một cục đất sét trắng khá to, một bát nước, một bàn xoay và hướng dẫn cho bạn cách làm thế nào để nặn cốc, nặn đĩa, nặn bát hay tô. Trông chủ nhà làm thì thật dễ dàng thế nhưng lúc bắt tay vào mới thấy "gian nan" làm sao.
Thế nhưng đây lại là trò chơi được các bé rất yêu thích. Bé nào đến đây cũng mê mải với việc đặt cục đất lên bàn xoay, rồi tự mình "hô biến" cục đất mềm dẻo thành những hình thù khác nhau. Đa số tác phẩm ban đầu đều là những hình thù khá kỳ quái, tức là không ra hình dạng gì khiến các bé phải phá lên cười thích thú. Nhưng sau quen tay, bé nào khéo sẽ nặn được những chiếc cốc hoặc bát hình tròn đơn giản. Bố mẹ cũng có thể thi làm cùng với bé để xem tác phẩm của ai đẹp hơn.
Nặn xong rồi, bây giờ là đến công đoạn làm khô sản phẩm. Công đoạn này phải mất đến 30 phút, nên gia đình có thể tranh thủ lúc này để đi ăn trưa ở ngay đầu chợ. Có bún chả, bánh tẻ, bánh sắn ăn khá ngon mà giá lại rẻ. Riêng bánh tẻ ở Bát Tràng rất nổi tiếng, có thể mua về nhà làm quà chỉ với giá 6.000 đồng một cặp.
Khi ăn trưa xong, cũng là lúc sản phẩm gốm vừa kịp khô. Bây giờ là lúc trang trí, tô màu cho sản phẩm. Tùy theo con mắt của bé mà bé có thể chọn màu và tự tay vẽ hình lên chiếc cốc của mình. Cuối cùng, chủ nhà sẽ sơn phủ bóng bên ngoài để sản phẩm được bền màu hơn. Bé đã có thể hân hoan cầm chiếc cốc về nhà rồi đấy.
Và dù có hơi méo mó, nhưng chắc chắn sẽ rất khó để mẹ dụ bé đổi sang một chiếc cốc khác mỗi khi bé muốn uống nước vì đây là sản phẩm made by bé mà. Chưa hết, ở những nơi này còn có cả tượng cho bé tô màu, có bán những đồ chơi làm từ sứ hình siêu nhân, Tôn Ngộ Không, Đường Tăng... có cả những con chim bằng gốm, cho một ít nước vào trong, thổi nhẹ sẽ tạo thành tiếng hót thánh thót rất hay.
Chi phí cho một buổi học làm sản phẩm thế này chỉ mất từ 30.000 đến 50.000 đồng một bé.
Thảo Nguyên
Ảnh: Sưu tầm
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất