Đi chơi cuối tuần cùng bé yêu tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

Thảo Nguyên 2015-10-16 15:00
- Nằm trong top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á, bảo tàng Dân tộc học tại Hà Nội là một điểm đến yêu thích dành cho các em bé mọi lứa tuổi.

Ý tưởng xây dựng Bảo tàng dân tộc học Việt Nam được ấp ủ từ những năm 1981 nhưng cho đến tận năm 1997, bảo tàng mới chính thức được khánh thành, mở cửa cho khách du lịch vào xem. Và từ đó đến nay, Bảo tàng dân tộc học luôn đứng top đầu trong những điểm đến yêu thích của các bạn trẻ và gia đình vào những ngày cuối tuần.

Rất dễ để đi đến bảo tàng, mẹ chỉ cần đi tới đường Nguyễn Văn Huyên là sẽ thấy một bảo tàng rộng đến 54ha - đủ để không bị lẫn với bất kỳ địa danh nào gần đó. Mẹ nhớ mua vé trước khi vào, gửi xe rồi bắt đầu chuyến đi thú vị, đưa bé đến với văn hóa của các dân tộc khác nhau trên cùng đất nước Việt.

Đi chơi cuối tuần cùng bé yêu tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam 1

Nằm trên khuôn viên rộng lớn với diện tích 54ha, Bảo tàng dân tộc Việt Nam là một trong những điểm đến yêu thích của các gia đình có con trẻ trong vài năm trở lại đây.

Với những bé ham thích tìm hiểu thì tòa nhà Trống Đồng là nơi mẹ nên khuyến khích bé dành nhiều thời gian hơn. Tại đây lưu giữ nét văn hóa của 54 dân tộc Việt dưới các hiện vật như trang phục khố, váy, khăn… đồ sinh hoạt như gùi, giỏ… các dụng cụ âm nhạc truyền thống làm từ ống tre, vỏ bầu, sáo, nứa... Bên cạnh hiện vật còn là bộ sưu tập các ảnh, phim tài liệu, tư liệu giới thiệu kỹ hơn cuộc sống hàng ngày cũng như các phong tục dân gian của từng dân tộc. Mẹ có thể nhờ hướng dẫn viên của bảo tàng để giúp bé hiểu rõ hơn từng nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc. Hoặc đơn giản hơn là mẹ hãy tự hướng dẫn bé tìm hiểu từ các chú thích liên quan dưới mỗi hiện vật hoặc tờ rơi có sẵn trong khu trưng bày.

Đi chơi cuối tuần cùng bé yêu tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam 2

Bên trong tòa nhà Trống Đồng là những đặc trưng khác biệt của 54 dân tộc Việt Nam. Bé có thể tìm thấy ở đây những trang phục, dụng cụ sinh hoạt, săn bắn và những thông tin thú vị cũng như các hiện vật sinh động của toàn bộ dân tộc Việt.

Còn với những bé ham hoạt động, chạy nhảy thì khu trưng bày ngoài trời là một địa chỉ không thể thú vị hơn. Ở đây có đến 10 công trình kiến trúc dân gian được các nghệ nhân kỳ công dựng lại. Bé nào cũng sẽ thích mê khi được trèo lên các bậc thang tại nhà rông của người Bana, nhà sàn của người Tày, nhà sàn dài của người Ê-Đê, nhà sàn thấp của người Chăm… tận tay chạm vào và ngắm nghía kiến trúc đặc trưng của nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà mái ngói của người Kinh và cả khu nhà mồ của người Giarai, người Cơtu… Mẹ hãy giới thiệu đến bé những nét cơ bản về cách xây dựng, bố trí khác nhau của các gian nhà/ bếp của từng dân tộc. Chạy chân trần trên những sàn nhà lợp bằng nứa, tre, ngắm bộ cồng chiêng, ché rượu cần và ngồi cạnh bếp lửa uống chén nước lá chắc hẳn sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên được của bé trong buổi dạo chơi này.

Đi chơi cuối tuần cùng bé yêu tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam 3

Các ngôi nhà sàn, nhà dài, nhà mồ của 10 dân tộc chính cũng được các nghệ nhân nổi tiếng kỳ công dựng lại trên khu vực thăm quan ngoài trời của Bảo tàng.

Vào cuối tuần, Bảo tàng còn có biểu diễn múa rối nước tại khu Thủy đình, nơi nghệ nhân nổi tiếng của 15 phường rối nước thay nhau biểu diễn 4 ca mỗi ngày là 10h, 11h30, 14h30 và 16h. Bé sẽ được tận mắt nhìn thấy các chú rối từ dân gian bước ra thật gần và sống động với các màn múa rối dân gian truyền thống như chú Tễu đầu trò, rồng phun lửa, Thạch Sanh đánh chằn tinh, chọi trâu…. cũng như gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân múa rối. Bảo tàng còn có khu nhà hàng ngay gần đó, mẹ có thể mua nước, mua kem hay các món ăn vặt cho bé như xúc xích, bánh ngọt… đảm bảo cho bé đủ sức để vui chơi và khám phá hết toàn bộ diện tích rộng lớn này.

Đi chơi cuối tuần cùng bé yêu tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam 4

Múa rối nước được biểu diễn miễn phí tại nhà Thủy đình ngoài trời, ngay gần khu nhà người Việt.

Vào những ngày lễ như Trung Thu, mùng 1/6, tại Bảo tàng diễn ra nhiều hoạt động vui chơi dành cho trẻ  nhỏ như đi cà kheo, kéo co, dạy làm bánh trung thu, làm đèn lồng, nặn tò he.... thu hút rất nhiều bé tham gia, mẹ nhớ  thỉnh thoảng kiểm tra lịch của Bảo tàng trong những ngày này để không bỏ lỡ các ngày vui cho bé.

Đi chơi cuối tuần cùng bé yêu tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam 5
Giờ mở cửa: từ 8h sáng đến 17h30 hàng ngày. Giá vé: 40.000 đồng/vé người lớn và 10.000 đồng/vé trẻ em.

Thảo Nguyên

Ảnh: Sưu tầm

(Theo Congluan)

Xem thêm:

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Đường tình dàn mỹ nhân Việt tuổi Sửu: Người hạnh phúc viên mãn, kẻ lận đận