Học mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam cách dạy con tập nói cực hay (P2)
Tin liên quan
>> Học mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam cách dạy con tập nói cực hay (P1)
"Nam bắt đầu nói những tiếng đầu tiên khi 10 tháng tuổi và đến khoảng 20 tháng trở ra thì nói thành câu. Xác định đây là giai đoạn quan trọng giúp con phát triển ngôn ngữ nên mình tập trung chơi với con, chủ yếu thông qua những câu chuyện. Mình luôn có niềm tin rằng, đó không chỉ là sự tích lũy vốn từ, đó còn là nền móng giúp con nhìn cuộc đời với những yêu thương trong trẻo. Những câu chuyện của mình cũng 'vớ vỉn' lắm, lại không có hình vẽ minh họa như các quyển truyện in nhưng chẳng hiểu sao, Nam rất thích. Cứ mỗi lần mẹ kể hoặc chơi trò chơi cùng các câu chuyện là hứng thú vô cùng. Bên cạnh những câu chuyện, mình tiếp tục dùng trò chơi như một phương pháp dạy học hữu dụng.
1. Cùng con chơi đồ hàng:
Trò chơi này mình chắc rằng tuổi thơ ai cũng đã từng chơi. Mình hay dẫn Nam ra công viên chơi đồ hàng. Cũng là những đồ vật như lá cây, thìa nhựa, gạo, cát, sỏi, hoa, quả… nhưng mỗi hôm mình thay đổi “hàng” một chút với mục đích là Nam làm quen được với nhiều danh từ. Mình cũng nâng dần mẫu câu. Lúc Nam mới bập bẹ, thì chỉ nói từ đơn “mua”, sau tăng dần thành câu: Tôi mua. Rồi nâng dần thành đoạn hội thoại:
- Bác ơi, bán cho tôi cái lá.
- Vâng, lá của bác đây, năm đồng bác nhé. Bác còn mua thêm gì nữa không?
- Cho tôi thêm ba viên sỏi.
- Vâng, nhưng tôi chỉ bán có hai viên thôi, một viên tôi để dành tặng con tôi.
- Con bác là ai thế?
- Con tôi là Nam, nhưng mà bạn ấy còn đang ngủ. Bạn ấy hay ngủ dậy muộn bác ạ.
Đến đây thì Nam bắt đầu cười. Mình sẽ nói thêm:
- Nhưng mà bạn ấy cũng rất ngoan. Nên tôi vẫn để dành sỏi để bạn ấy chơi. Bác vui lòng cầm tạm hai viên nhé. Tôi lấy mười đồng. Tôi cảm ơn bác nhé.
- Vâng, thế cũng được. Tôi xin. Tôi cảm ơn bác.
Đó là đoạn hội thoại mình đã ghi lại, mình đóng vai người bán hàng, còn Nam là người mua hàng. Khi ấy Nam 3 tuổi.
Đoạn hội thoại ấy giúp Nam nhớ được số đếm, đồng thời biết cách sử dụng mẫu câu cảm ơn, xin lỗi. Thật là vui phải không?
2. Chơi “người bí mật”
Trò chơi này mình giúp Nam thích đọc sách, thích nghe kể chuyện. Mình sẽ đóng vai “người bí mật”. Mình sẽ nấp vào một góc nào đó. Nam sẽ nhắm mắt nhé. Mình bắt đầu đọc nhưng giả nhiều giọng khác nhau, khi là giọng ông già, giọng bà lão, giọng em bé… Nam có hai nhiệm vụ: Đi tìm chỗ có “người bí mật” và phải nhắc lại xem mẹ vừa đọc gì, mẹ đóng giả giọng của ai. Trò này giúp Nam biết lắng nghe và phân biệt âm thanh rất tốt. Cũng có khi đổi vai, Nam là “người bí mật” nhưng mà Nam giả giọng thì buồn cười lắm. Ngọng nghịu và đáng yêu. Mình cứ giả vờ như không tìm ra để Nam phải “bịa” ra câu chuyện dài dài một tí (cười).
3. Chơi “cùng làm cùng hát”
Trò này thì vui ơi là vui ấy. Mình bắt đầu rèn luyện cho Nam từ khi con hơn 2 tuổi. Trò chơi như sau:
Mình đặt trước mặt Nam những đồ dùng cá nhân: Áo khoác, quần (quần đùi thôi nhé, cho con dễ xỏ chân), găng tay, mũ, tất, giày. Mình sẽ hát hoặc đọc một đoạn thơ. Nam phải nghe và đoán xem mẹ đang nói tới đồ vật gì và dùng đồ vật đó đúng mục đích.
Ví dụ, với cái áo khoác:
Trời lạnh quá
Gió thổi ầm ầm
Cây cối ngả nghiêng
Ôi tôi rét quá
Tôi rên hừ hừ…
Tôi cần phải….
(Nam sẽ hô lên: mặc áo khoác)
Mặc áo khoác
Chẳng khó đâu
Cho tay vào
Rồi kéo khóa
Nam nhớ nhé
Cứ từ từ
Cứ từ từ (sẽ đọc đến khi Nam mặc xong)
Ôi, không còn
Rên hừ hừ
Bạn thật cừ
Bạn Nam ơi!
Thế là xong cái áo. Đến đôi tất chẳng hạn:
Khụ khụ khụ
Ai ho đấy?
Hình như kiến
Hay là mèo
Khụ khụ khụ
Tôi nhớ rồi
Có bạn nhỏ
Đang bị ho
Vì để chân
Luôn lạnh buốt
Bạn ấy cần
Bạn ấy cần...
(Nam sẽ nói: cần đi tất)
Đi tất vào
Đi tất vào
Giơ chân nào
Luồn thật khéo
Kéo nhẹ nhàng
Đừng vội vàng
Kẻo bị ngã
(Màn đi tất này vui nhất vì Nam vốn rất vụng về nên toàn bị ngã lăn quay khi xỏ được bàn chân vào tất, mình sẽ hỗ trợ, vừa đọc thơ, vừa giúp Nam).
Đấy, toàn là những bài thơ “bịa đặt” giúp Nam hiểu công dụng của từng thứ và lại thấy vui khi tự phục vụ nữa. Tất nhiên, mình cũng có hỗ trợ Nam để con không thấy nản. Và cũng không phải hôm nào cũng với tất cả đồ vật mà mỗi hôm một ít. Khi Nam hoàn thành, hai mẹ con sẽ diện luôn trang phục ấy để cùng đi chơi.
Trò chơi này cũng có thể biến tấu với các đồ vật khác như kéo cắt giấy, túi đựng đồ chơi, cặp đựng sách vở...
4. Nói yêu mẹ
Mình luôn nghĩ, cảm xúc là một thứ cần nuôi dưỡng bền bỉ. Một trong những cách đó là con biết nói yêu bố, yêu mẹ một cách tự nhiên. Mình hay thấy các bà mẹ mỗi khi muốn con thơm, chỉ cần chìa má ra là con tự động thơm lấy thơm để. Yêu ơi là yêu luôn! Mình cũng thế. Mình có trò chơi thế này, mình sẽ đọc một câu chuyện hoặc một bài thơ, trong đó sẽ có những động tác: ôm, chạm má, sờ tóc, vỗ về... Khi nào nghe đến những từ ấy, Nam sẽ làm các động tác ấy dành cho mẹ. Còn khi nghe thấy: 'Mẹ yêu con' thì Nam sẽ nói: 'Con cũng yêu mẹ lắm!'. Vì Nam rất thích nghe kể chuyện nên trò chơi này với Nam quả là một món quà. Con được ngồi chăm chú nghe. Ban đầu, mình làm mẫu cho Nam, dần dần Nam sẽ tự làm. Đây là ví dụ về một câu chuyện như thế nhé:
Hôm nay chim non được mẹ cho phép đi chơi. Chú vui lắm. Chú vẫy cánh liên hồi (làm động tác). Chú nhìn trời xanh: Chao ôi đẹp quá! Chú bay qua đóa hoa cúc. Chú cất tiếng: Chào bạn Hoa cúc!
Bỗng nhiên, chú thấy mây đen tối sầm. Chao ôi, sao Mặt Trời đi đâu vậy? Chú dừng lại, đậu trên cành cây anh đào, lòng đầy lo lắng. Làm sao biết đường trở về nhà đây? Chim non òa khóc nức nở.
Bỗng nhiên, chú nghe tiếng gọi: Bé con của mẹ ơi! Con đang ở đâu? Ôi, đúng tiếng của mẹ rồi. Mẹ ơi, mẹ ơi, con đây này! Chú đập cánh tíu tít gọi mẹ.
Mẹ sà xuống. Chú ôm chầm lấy mẹ. Mẹ âu yếm thơm lên đôi má chim non: Đừng sợ, mẹ đây rồi! (mẹ thơm). Chim non vòng tay qua cổ mẹ. Chú thấy thật an toàn bên cạnh mẹ mình. Chú thủ thỉ: Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm! (Nam nhắc lại). Ừ, mẹ cũng yêu con! Con bay theo mẹ nhé, hai mẹ con mình sẽ trở về nhà, trời sắp mưa rồi.
Chim non tíu tít theo mẹ. Có mẹ, mây đen không còn đáng sợ nữa. Có mẹ, chim non thấy vui ơi là vui!
Sau khi Nam đã thuộc truyện, mình còn phân vai để đóng khi thì Nam là chim non, khi thì Nam là chim mẹ. Rất vui nhé!
Mình nghĩ, nhờ những câu chuyện như thế, Nam thể hiện tình yêu bố mẹ một cách tự nhiên. Và mẹ trao cho con cảm giác ấm áp, an toàn, tin cậy mỗi khi con nói yêu mẹ hoặc được mẹ nói yêu con.
6. Dùng rối tay để kể chuyện
Ở Nhật, các con rối tay được dùng rất phổ biến (tuy giá hơi đắt). Mình có mua một vài con nhưng về sau mình cắt giấy tự làm lấy. Mình in trên mạng hình các con vật (in màu), dán trên một tấm bìa. Lấy thanh tre (hoặc bút, hoặc thước) ghim vào làm cán. Lấy găng tay đen đi vào và cầm “con rối” tự tạo. Và thế là câu chuyện sẽ bắt đầu.
Phần viết hôm trước, mình có nói sử dụng câu chuyện làm bài tập. Mình làm như sau: Khi mình kể chuyện, mình sẽ nhắc đến một vài đồ vật. Những đồ vật này mình đã giấu đâu đó trong nhà, khi mình kể xong, Nam sẽ đi tìm cho đủ các đồ vật đó. Bài tập này đòi hỏi Nam phải chăm chú lắng nghe lại còn được trổ tài “thám tử” nên Nam rất hứng thú. Đây là một số câu chuyện nho nhỏ của mình:
* Câu chuyện: Nỗi vất vả của gà mẹ:
Mình sẽ ngồi nấp sau cái bàn, chỉ để mỗi rối tay thôi nhé
Gà mẹ la lên: Cục tác, cục tác. Cả làng trầm trồ: À, chị gà mái lại vừa cho ra đời một quả trứng đó. Đúng vậy, một quả trứng vừa xuất hiện (lăn ra quả trứng). Quả trứng nhỏ, trắng xinh xắn. Gà mẹ vui sướng. Chị ta tiếp tục la lên để báo hiệu cho mọi người: Cục tác, cục tác.
Ngày qua ngày, chị gà mái đã cho ra đời được 10 quả trứng bé xinh trong ổ (đếm từ 1 đến 10). Và kể từ hôm ấy, cả làng không thấy chị xuất hiện. Chị nằm trong ổ. Chị ôm ấp những quả trứng. Chị biết, nếu chị đi ra ngoài, những quả trứng sẽ bị lạnh và không thể nở thành con. Chị cứ nằm mãi, từ sáng sớm đến đêm khuya. Lông chị rụng từng mảng. Chị ăn uể oải. Chị mệt ơi là mệt. Nhưng chị nghĩ đến những quả trứng ấm nóng dưới bụng mình.
Một buổi sáng, bỗng nhiên những quả trứng cựa mình. Chúng nứt vỏ. Từ trong quả trứng, những đôi mắt đen láy mở ra. Chị gà mái sung sướng. Chị bước ra khỏi ổ. Nhưng lần này, chị chỉ kêu khe khẽ: Cục cục, cục cục. Chị gọi đàn con.
Chị cũng muốn la to lên để cả làng đều biết sự xuất hiện những chú gà con. Nhưng chị sợ sẽ làm lũ con giật mình. Và cũng bởi, chị quá mệt.
Gà con tíu tít chạy theo chân mẹ, chạy đến cây cam, cây mận trong vườn. Chúng chắc hẳn sẽ nhớ mãi về hơi ấm mà gà mẹ đã dành dụm để giúp gà con chào đời.
“Bài tập” sau khi nghe câu chuyện trên:
- Tìm quả trứng (Nam sẽ chạy vào tủ lạnh)
- Khi được gà mẹ ấp, quả trứng sẽ nở thành gì?
- Đọc thêm bài thơ: Mười quả trứng tròn
- Em có yêu đàn gà con không? Em có thương gà mẹ không?
- Gà mẹ kêu thế nào khi đẻ trứng? Kêu thế nào khi dẫn đàn gà con đi ăn?
- Đóng vai gà con và gà mẹ đi kiếm mồi (Mình kêu cục cục, Nam kêu chiếp chiếp. Có lúc mình chạy nhanh, có khi mình chạy chậm, nhưng Nam đều phải chạy theo, vừa chạy vừa kêu, chiếp chiếp chiếp chiếp...)
* Câu chuyện: Những cái kẹo
Một chú bé có 3 cái kẹo. Chú muốn mang những cái kẹo đó tặng cho bạn của mình. Trên đường đi, chú gặp một chú kiến đang ngồi khóc tỉ ti.
- Ồ, kiến ơi, bạn sao thế?
- Tôi đói quá. Trời mưa nên đường lụt, tôi chẳng thể đi kiếm ăn.
- Vậy à, tớ tặng bạn cái kẹo nhé.
Kiến cảm ơn cậu bé ríu rít và đón lấy cái kẹo. Cậu bé tiếp tục đi. Nhưng cậu bé thấy đói và cậu thèm ăn kẹo. Giá mà được ăn một cái kẹo nhỉ? Cậu nhủ thầm. Nhưng mình đã hứa là sẽ đem cho bạn rồi. Cậu nghĩ vậy và tiếp tục bước đi. Đến nơi, cậu bỏ trong túi ra hai cái kẹo và nói: Tớ tặng bạn này. Bạn ăn đi, kẹo ngon lắm. Bạn cậu mỉm cười thật tươi: Tớ cảm ơn. Tớ rất thích ăn kẹo. Mà cậu ăn cùng với tớ nhé.
Thế là hai cậu bé ngồi ăn kẹo trong ánh nắng vàng rực rỡ.
“Bài tập” cho câu chuyện này:
- Tìm cái kẹo (mình có gợi ý địa điểm)
- Cậu bé có mấy cái kẹo? Cậu đã cho ai? Khi cho xong còn mấy cái?
- Em có muốn tặng kẹo cho bạn không? Khi đưa tặng em nói thế nào?
- Còn nếu được tặng, khi nhận em sẽ nói thế nào?
Kết thúc “bài tập” sẽ là màn ăn kẹo. Cho nên Nam rất thích những câu chuyện có xuất hiện đồ ăn.
Những câu chuyện đó viết ra thì dài nhưng thực sự chỉ cần vài phút là sẽ kể được cho con. Mình thường tranh thủ chơi với con vào giờ chiều, khi đón Nam đi học về. Vừa tắm táp vừa kể, hoặc khi con đã tắm xong. Lúc Nam còn nhỏ, mình cũng thống nhất là ăn uống sẽ giản tiện để không mất thời gian quá nhiều vào việc nấu nướng. Buổi tối cũng là thời gian tuyệt vời để chơi. Ngoài ra tận dụng tối đa hai ngày nghỉ cuối tuần.
Mình đã từng nói, những điều mình chia sẻ này, mình mới chỉ áp dụng trên mỗi mình Nam. Trong khoa học, nếu chỉ có một 'case study' thì xem chừng các kết luận khoa học không được chắc chắn. Vì thế, mình không chắc là những điều mình viết sẽ có hiệu quả với các em bé khác. Mình chỉ hy vọng đó là những gợi ý xinh xắn cho các bà mẹ mà thôi.
Thực sự, khi có con, mỗi bà mẹ đã trở thành một nhà phát minh. Những phát minh từ niềm vui. Những phát minh từ trái tim. Hãy tin rằng, bạn chắc chắn sẽ làm tốt và con bạn, dù có thể không phải đứa trẻ dẫn đầu trong lớp học nhưng khi được sống trong không khí tràn ngập sự yêu thương, chắc chắn sẽ là một đứa trẻ nhân hậu. Mình thích câu nói này: 'Ngọn cây tìm sự cô đơn trên cao còn ngọn cỏ tìm niềm vui dưới mặt đất. Là một ngọn cỏ để tận hưởng niềm vui bé nhỏ, điều đó chẳng quá tuyệt vời hay sao?'"
TA (Theo FBNV)
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất