Vợ chồng trẻ áp dụng Phật pháp dạy con không đòn roi, không hình phạt: Trẻ nhỏ như cây non, không phải khúc gỗ điêu khắc
Tin liên quan
Gia đình ấm áp, hạnh phúc của chị Ngọc Trâm.
Áp dụng Phật pháp trong cách dạy con
Cách đây 5 năm, chị Trương Dư Ngọc Trâm (29 tuổi, TP HCM) lập gia đình. Hơn 1 năm sau chị và chồng chào đón cậu con trai đầu lòng kháu khỉnh. Đến nay bé Tin đã được 3,5 tuổi, đây cũng là giai đoạn khiến chị Ngọc Trâm đau đầu tìm phương pháp dạy dỗ con.
Theo đuổi công việc kinh doanh, đồng thời cũng là một Phật tử, bà mẹ 29 tuổi luôn tin rằng mỗi đứa bé giống như một hạt giống, có sẵn một phần đặc tính riêng.
Chị Trâm chia sẻ với Emdep.vn: “Nếu cha mẹ là một người nông dân có tình yêu thương, cố gắng tìm hiểu về hạt giống ấy, có kiến thức để tạo được môi trường đất, nước, đặt con vào điều kiện phù hợp, không quá an toàn cũng không quá khắc nghiệt, hỗ trợ phân bón, cột leo, hay ngừa bệnh đúng lúc sẽ giúp hạt giống ấy phát triển được tối đa khả năng của mình.”
Tiếp thu và học tập từ Phật giáo, chị Trâm cho rằng trong mỗi đứa bé đều có sẵn cả Phật tánh và “Phàm tánh”, nhân cách bé không phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, nhưng cha mẹ là người kích dậy những hạt mầm bên trong của con. Có lẽ vì thế, bé Tin xuất hiện trong cuộc đời được chị Trâm coi là một cái duyên, phúc phần mà con nhận được.
Chị Trâm luôn dành thời gian để quan tâm, chia sẻ cùng con trai.
Cũng như nhiều người lần đầu làm mẹ, khi mang thai bé, chị Ngọc Trâm không có nhiều thời gian và chưa dành hết tâm sức để tìm hiểu về cách dạy con. Đến giờ, thỉnh thoảng chị vẫn hay nói đùa về khoảng thời gian bé Tin mới ra đời là thời điểm 2 đứa trẻ con chăm sóc 1 đứa trẻ con. “Mình vẫn hay tiếc về khoảng thời gian đó”.
Nhanh chóng nhận ra bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm dạy con, chị Trâm bắt đầu dành nhiều thời gian học hỏi qua sách. Vốn có sẵn sở thích đọc và tìm kiếm sách, bà mẹ 29 tuổi không nhớ hết số lượng sách đã đọc với hàng trăm góc nhìn khác nhau để giúp cho bản thân có cách nhìn đa chiều. Sau khi đọc sách, chị Trâm cũng dần đúc kết ra được phương pháp dạy phù hợp cho tính cách của bé Tin.
Bé Tin thường xuyên được bố mẹ giới thiệu cho nhiều cuốn sách hay.
Vừa đảm nhiệm vai trò nội trợ, vừa làm mẹ bỉm sữa, những lúc làm việc không tiện đọc sách chị Trâm lại đăng ký thêm sách nói để nghe. Theo chị để dạy con không nhất định phải đọc sách chủ đề nuôi dạy trẻ mà có thể lựa chọn nhiều cuốn sách có nội dung khác.
Chị Trâm cho biết: “Mình thường đọc các thể loại sách phát triển bản thân, Phật Pháp, Tâm lý… đây cũng là những thể loại sách vừa giúp mẹ phát triển tư duy vừa đúc kết được những thứ rất hữu ích để dạy con”.
Chồng chị Trâm luôn ủng hộ nhiều tình phương pháp dạy của vợ.
Học hỏi được cách dạy hiện đại, chị Ngọc Trâm nhận ra bản thân đã từng mắc phải sai lầm là đánh và phạt con. Bởi vậy, có thời gian chị rơi vào tình trạng bị stress, suy nhược cả tinh thần và sức khỏe, hay có suy nghĩ tiêu cực như bị trầm cảm.
Quyết định vực dậy tinh thần, chị Trâm nghiêm chỉnh nhìn lại và suy nghĩ về cách nuôi dạy bé Tin. Bà mẹ tâm sự: “Lúc đó mình nghĩ, nếu mình đánh con hay dùng hình phạt, con sẽ nghĩ nếu không vừa ý chuyện gì sẽ giải quyết bằng cách đánh người hoặc bắt ép người khác phải chịu khổ sở, rất hợp lý là con cũng sẽ làm vậy khi không vừa ý. Thế mà lúc con đánh người thì lại bị cha mẹ đánh lại hoặc phạt vì tội đánh người. Tâm lý sẽ rất ức chế”.
Con là cái cây đang phát triển, không phải tác phẩm điêu khắc
Đến nay, bà mẹ 29 tuổi vẫn hối hận vì khi bé trai hơn 2 tuổi chị mới nhận ra sai lầm và sửa chữa khá muộn. Nhưng theo chị, đây may mắn vẫn là thời điểm có thể bắt đầu lại. Chồng chị cũng là người khá tâm lý, biết lắng nghe và chia sẻ với vợ nên thống nhất quan niệm nuôi con.
Hai mẹ con luôn vui vẻ, trò chuyện cùng con trai.
Tuy nhiên, đôi vợ chồng trẻ khi ấy không nhận được sự ủng hộ của ông bà hai bên. Người thân cho rằng hai anh chị đang chiều chuộng con. Thời gian đầu chuyển sang phương pháp mới là khoảng thời gian rất gian nan, chị Trâm thú nhận đã từng muốn bỏ cuộc và nghi ngờ vào chính bản thân mình có chọn đúng hay chưa.
Bà mẹ chia sẻ: “Cha mẹ cần đủ bình an, đủ kiên nhẫn, nhìn con như chính con - một đứa trẻ bình thường, trẻ bình thường thì cần khám phá, chưa biết điều chỉnh cảm xúc, chưa biết xử lý tình huống, được sai là cái được tuyệt vời nhất trong giai đoạn này”.
Phương pháp dạy con khiến chị Trâm nhận thức rõ ràng, con càng lớn càng ít được sai hơn nên chị sẽ cho phép con sai nhiều nhất có thể, mỗi lần sai là một lần học được nhiều hơn. “Đứa trẻ lúc nhỏ không sai là đứa trẻ sẽ sai rất nhiều khi trưởng thành, đừng ép con là đứa trẻ hiểu chuyện như đứa trẻ nào đó hay như người lớn”.
Cu Tin rất hiểu chuyện, ngoan ngoãn và luôn vui vẻ.
Chị Trâm cho rằng không có cách thức nào cụ thể dạy con, cách duy nhất là cho con làm được càng nhiều việc càng tốt, hạn chế cấm đoán để có thể kết nối với con, để con xem mình là “Người cùng phe”. Bởi vậy, đóng vai “Người cùng phe” giúp chị có cơ hội góp ý, bàn bạc với con.
Thay vì làm “Người quản giáo” cũng chỉ khiến con e sợ, tránh né, không thể cùng nhau thương lượng thì chị Trâm chọn cách làm bạn để có thể chia sẻ, khiến con dễ tiếp thu từ đó điều chỉnh cảm xúc của bé Tin.
Nhờ vậy, sau hơn 1 năm áp dụng phương pháp “không đòn roi, không hình phạt”, bé Tin đã điều chỉnh được cảm xúc. Cụ thể, bất cứ khi bé trai có phản ứng khó chịu chỉ cần chị Trâm gọi “Tin đến đây với mẹ, mẹ muốn thương lượng với con” hoặc “Con muốn gì thì thương lượng, thuyết phục mẹ đi không được nóng giận” bé lập tức đi đến chỗ mẹ và chia sẻ quan điểm, ý kiến và cùng mẹ trao đổi, giải quyết vấn đề.
Bé trai luôn được trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống.
Bà mẹ Sài thành quan điểm: “Mình luôn xem con là một chiếc cây đang phát triển, không xem con là tác phẩm điêu khắc”. Bé Tin nhờ sự quan tâm, chăm sóc cùng phương pháp dạy phù hợp của chị Trâm và chồng đến nay đã tự chủ được cảm xúc, đồng thời cũng biết cách lắng nghe, chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn.
Phương Nga
Ảnh: NVCC
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất