Trẻ xem phim porn và quyền riêng tư

HH 2022-03-18 13:03
- Một đứa trẻ xem ảnh nóng, phim porn và chat 18+ có phải là đang làm việc xấu hay không? Và nếu đó là hành vi xấu, cha mẹ có thể “nhân danh công lý” để cưỡng chế tài khoản cá nhân và kiểm tra facebook của con bất kỳ lúc nào hay không?

Câu chuyện về cách một gia đình nổi tiếng ứng xử khi phát hiện con trai 13 tuổi chat 18+ vẫn đang khiến cư dân mạng chia phe tranh cãi. Người mẹ, sau rất nhiều chỉ trích từ mạng xã hội, vẫn kiên quyết giữ lại bài viết kêu gọi các bậc phụ huynh kiểm tra facebook của con. Clip quay chính diện đứa trẻ 13 tuổi nhìn thẳng vào camera vừa khóc vừa xin lỗi mẹ, nhận sai và hứa sẽ không “tái phạm” vẫn còn nguyên trên youtube. Không có đơn vị bảo vệ trẻ em nào lên tiếng và dường như chính bố mẹ đứa trẻ không thấy rằng đoạn clip đã xâm hại con mình.

Trẻ xem phim porn và quyền riêng tư
Một người mẹ giận dữ đăng tải trên mạng xã hội nói về hành động đập điện thoại của con khi biết con xem nội dung 18+

Một đứa trẻ 13 tuổi chat 18+ trong group kín, hoặc có hành vi tương tự như xem ảnh nóng, xem phim porn có phải là đang làm việc xấu hay không? Và một đứa trẻ như thế có phải là hư hay không?

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ cần viện dẫn số liệu mà Tổ chức bảo vệ trẻ em trong thời đại số Guard Child công bố vào năm 2017: 75% - 90% thanh thiếu niên sống ở các nước phát triển đã xem nội dung khiêu dâm trên Internet trước khi bước sang tuổi 18; 70% trẻ em từ 8 - 18 tuổi đã vô tình gặp phải nội dung khiêu dâm trong khi lên mạng tìm thông tin làm bài tập về nhà; một tỷ lệ lớn dân số tiếp cận với nội dung khiêu dâm sau 10 tuổi.

Năm 2020, Ủy ban Phân loại phim Vương quốc Anh (BBFC) công bố một khảo sát về thực trạng trẻ em xem phim người lớn tại nước này. Theo đó, với hơn 2000 mẫu tham gia khảo sát, có 60% trẻ em 11-13 tuổi đã xem nội dung khiêu dâm, 51% số này cho biết đã xem phim người lớn trên một lần. Con số này ở trẻ 14-15 tuổi tăng lên 66%.

Bà Elizabeth Schroeder, Giám đốc điều hành tổ chức giáo dục giới tính Answer, Hoa Kỳ, cũng nói trên New York Times rằng: “Con bạn sẽ xem phim khiêu dâm ở một thời điểm nào đó. Đó là điều không thể tránh khỏi.”

Rõ ràng, chuyện trẻ em xem nội dung khiêu dâm không phải câu chuyện cá biệt của một gia đình hay một quốc gia nào. Trong thời đại số, đó là câu chuyện toàn cầu. Những nội dung 18+ tiếp cận trẻ em ở khắp nơi và trẻ em cũng có điều kiện để tiếp cận chúng một cách dễ dàng bất chấp các bộ lọc mà cha mẹ cài đặt để ngăn cản.

Vậy phải chăng, trẻ em ngày nay đại đa số là những đứa trẻ hư?

Tất nhiên là không thể như thế.

Cha mẹ cần trung thực hơn với chính mình

Các cha mẹ cần thẳng thắn với chính mình rằng, ở độ tuổi của các con, bản thân chúng ta có tò mò về sex hay không? Thế hệ những đứa trẻ của thập niên 80, 90 không hiếm người trải qua những buổi trưa đi xem trộm nhà hàng xóm làm “chuyện ấy” mà quên không đóng cửa sổ. Rồi những người bất đắc dĩ thấy bố mẹ làm “chuyện ấy” vì không có phòng riêng. Cả những cô bé cậu bé vô tình bị đống băng đĩa phim cấp ba Hồng Kông đập vào mắt trong cơn bão băng đĩa lậu tràn vào Việt Nam. Thời ấy, những đứa trẻ mới lớn chúng ta như bất kỳ trẻ con ở thế hệ nào đều tò mò về cơ thể và về “chuyện ấy” như một lẽ tự nhiên nhất của con người.

Trẻ xem phim porn và quyền riêng tư
Ảnh minh hoạ

Bố mẹ chúng ta đa số là không biết. Chúng ta không ai bảo ai luôn biết giữ bí mật bằng mọi giá, rồi lớn lên với muôn vàn những thắc mắc, hồ nghi, sợ hãi, xấu hổ mà không tìm được lời giải đáp. Trong đó, không ít người phải trả giá và không ít người đến tuổi trung niên mà vẫn chưa thực sự hiểu hết về tình dục.

Những đứa trẻ ngày nay cũng mang nỗi tò mò, háo hức khám phá y như thế. Nhưng chúng có quá nhiều cơ hội và cả cạm bẫy vây quanh. Thời của băng lậu và những căn hộ tập thể bố mẹ con cái ngủ chung một phòng năm xưa được thay thế bởi thời của web đen, group kín, truyện hentai, ảnh nóng… Hành vi khác nhau về biểu hiện nhưng giống nhau về bản chất. Và không thể nào quy kết sự tò mò giới tính bản năng ấy là xấu là hư.

Có nhiều mức độ và hình thức trong việc trẻ tiếp cận nội dung khiêu dâm: Vô tình tiếp cận, tiếp cận có chủ đích, bị dụ dỗ tiếp cận sâu và nghiện nội dung khiêu dâm. Không phải mức độ nào cũng mang tính độc hại. Trong trường hợp hành vi có tính độc hại, trẻ cũng chỉ là nạn nhân, không phải thủ phạm để quy kết đạo đức của trẻ. Đó hoàn toàn là một câu chuyện khoa học và trẻ đã có một hướng tiếp cận khoa học sai mà thôi.

Khi câu chuyện trẻ xem nội dung khiêu dâm được gọi đúng tên của nó là câu chuyện khoa học, sẽ không còn những phán xét, chỉ trích, giận dữ, phẫn nộ, đập nát điện thoại như cách mà người mẹ đang được mạng xã hội bàn tới đã làm. Chúng ta sẽ nhanh trấn tĩnh lại sau đôi phút bất ngờ, hoảng hốt và tranh thủ cơ hội vàng ấy để nói chuyện với con về những thứ con tò mò, chỉ cho con cách để có kiến thức về giới tính, tình dục đúng đắn nhất. Khi trẻ cảm thấy thỏa mãn sự tò mò, trẻ sẽ không còn hứng thú với web đen. Khi trẻ được tôn trọng và thấu hiểu, trẻ sẽ không phải lén lút, giấu diếm để rồi dễ bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào thế giới “đen”.

Song trên tất cả, không phải cái gì sai cũng quy về hư, xấu. Trẻ em luôn trong sạch hơn người lớn rất nhiều.

Đâu là biên giới giữa quyền bảo hộ của cha mẹ và thế giới riêng tư của con?

Cha mẹ thường có xu hướng cho rằng bản thân có toàn quyền với con cái của mình. Thực tế không đúng như vậy. Những đứa trẻ dù được ta sinh ra và nuôi lớn cũng vẫn là một thực thể độc lập với cha mẹ. Dưới 18 tuổi, trẻ được cha mẹ bảo hộ. Cha mẹ có trách nhiệm phải chăm sóc con, cung cấp cho con cái ăn cái mặc và sự giáo dục tốt nhất. Nhưng điều đó không có nghĩa cha mẹ muốn làm gì con cũng được, trong đó có việc đánh đập, bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần và xâm phạm quyền riêng tư.

Trẻ xem phim porn và quyền riêng tư
Đâu là ranh giới giữa quyền bảo hộ của cha mẹ và thế giới riêng tư của con?

Như chúng ta từng là những đứa trẻ, không ai muốn cha mẹ đọc trộm nhật ký của mình hay đọc trộm lá thư gửi cho cô bạn, cậu bạn mà mình cảm mến, nữa là bị cha mẹ công khai xâm phạm vào thế giới riêng tư đó với tư cách của “kẻ thống trị” - người sinh ra mình. Trẻ con bây giờ cũng vậy thôi, facebook, group chat cũng như những cuốn sổ nhật ký hay cánh thư tay năm xưa, đó là nơi mà chúng chia sẻ với bạn bè của chúng những điều bí mật của riêng bọn chúng, những thứ mà dù cha mẹ có cởi mở tới đâu cũng không được phép biết. Cha mẹ không có quyền xâm lăng vào lãnh thổ hợp pháp ấy, dù nhân danh bất kỳ điều gì. Nếu cố tình can thiệp thô bạo, đó là hành vi mang tính bạo lực, vi phạm quyền trẻ em nói riêng và quyền con người nói chung.

Sẽ nhiều cha mẹ phản đối, rằng nếu con cái họ đang gặp nguy hiểm trong thế giới riêng tư ấy thì sao? Cha mẹ có nhiều cách để bảo vệ con lắm và ai cũng có sự chân chính trong cách bảo vệ con cái mình. Nhưng, giữa hoa và súng, hòa bình và chiến tranh, mềm dẻo và cứng nhắc, ta nên chọn cái gì? Hãy chọn cái có thể khiến con cho phép mình được đặt đại sứ quán trong lãnh thổ của nó, ngoại giao hòa hảo đôi bên, thuận lợi để ta có được tin tức tình báo chính xác, kịp thời thay vì trừng phạt, cấm vận và đẩy nhau ra xa mãi mãi. Quan hệ ngoại giao quốc tế lúc nóng lúc lạnh theo thời cuộc và mỗi kỳ bầu cử, nhưng quan hệ cha mẹ - con cái nếu đã có đứt gãy, tổn thương thì rất khó để nối lại, chữa lành.

Và thêm nữa, không bao giờ nên mang tư tưởng bá quyền để đối xử với những đứa trẻ rất mực yêu thương của chúng ta.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết.

HH

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Thượng Đế ban tặng cho 12 chòm sao khả năng vượt trội gì?