Gia đình vợ Việt chồng Mỹ đưa con vượt gần 4000km về quê ngoại đón Tết cổ truyền

Phương Nga 2023-01-22 07:15
- Sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, nhưng 7 năm nay chị Phạm Ngọc cùng chồng là anh Michael và hai con nhỏ chưa khi nào vắng mặt trong ngày đón Tết tại Việt Nam cùng bố mẹ.

Mỗi khi Tết đến xuân về điều ý nghĩa nhất của mỗi gia đình có lẽ là sự sum họp, quây quần bên mâm cơm chờ giao thừa. Sau khi kết hôn với anh Michael (người Mỹ) chị Ngọc Phạm đã quyết định cùng anh sống và gây dựng sự nghiệp tại Nhật Bản thay vì ở lại Việt Nam hay Mỹ. Tuy ở xa quê, nhưng từ 7 năm nay chưa năm nào chị Ngọc và gia đình nhỏ không về quê ngoại đón Tết cùng ông bà, với chị đây cũng là cách giúp các con hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc.

Gia đình vợ Việt chồng Mỹ: 7 năm đưa con vượt gần 4000km về quê ngoại đón Tết cổ truyền

Chị Phạm Ngọc (sinh năm 1993)  hiện đang làm nghiên cứu thị trường cho chi nhánh Nhật Bản của một công ty có trụ sở ở Mỹ. Ngoài ra, chị còn có một vài khoản đầu tư thụ động và kinh doanh nhỏ. Chồng chị là anh Michael (sinh năm 1992, người Mỹ), anh đang làm việc bán thời gian online và theo học Khoa học máy tính - Lập trình. 7 năm bên nhau, Michael và Ngọc lần lượt chào đón hai người con đáng yêu là bé trai Lucian (4 tuổi) và em gái Nova (2 tuổi).  Khác với nhiều cặp đôi vợ Việt chồng ngoại quốc, đôi vợ chồng trẻ lựa chọn sinh sống tại một đất nước thứ 3 là Nhật Bản, không phải quê hương của vợ hay chồng.

Đứng trước quyết định này của chị Ngọc, chị cho biết có rất nhiều câu hỏi vì sao chồng Mỹ, vợ Việt lại chọn sống ở Nhật. Chia sẻ với Emdep.vn chị cho biết: “Thực ra nếu sống ở Mỹ hoặc Việt Nam sẽ dễ dàng hơn cho việc phát triển sự nghiệp của 2 vợ chồng. Về Việt Nam vừa có gia đình, bạn bè thân quen, vừa là môi trường đầu tư, phát triển năng động. Ở Mỹ thì công việc tốt đã sẵn có cho cả hai”.

Gia đình vợ Việt chồng Mỹ: 7 năm đưa con vượt gần 4000km về quê ngoại đón Tết cổ truyền

Chị Ngọc và anh Michael đã có sự chuẩn bị sẵn sàng vì cả hai hiểu rõ chọn sống ở Nhật là một thử thách lớn vì vợ chồng không giỏi tiếng Nhật, cơ hội tìm kiếm việc làm rất hạn chế. Được biết, vài năm trước sau khi về chung một nhà cả chị Ngọc và chồng đã từng suy nghĩ đến việc định cư mua nhà ở Mỹ. Nhưng sau khi có con, mọi dự định đã thay đổi, hai vợ chồng đều thống nhất sẽ ở lại Nhật vì nhiều lý do, trong đó chị Ngọc nhắc đến các mối nhân duyên ấm áp, cảm giác bình yên, an toàn, cảnh sắc thiên nhiên, giáo dục mầm non, hỗ trợ ưu đãi của nhà nước trong việc nuôi con…

Đặc biệt, một lý do lớn nhất để đi đến quyết định ở lại Nhật phải kể đến là cơ hội để con được phát triển trong một môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Sau thời gian sinh con, nuôi dạy con tại một đất nước mới cả chị Ngọc và chồng đều cảm thấy đây là một hành trình thú vị với nhiều lợi ích cho con. “Con của mình được phát triển nhận thức về giá trị văn hóa; khuyến khích thái độ tích cực đối với sự đa dạng, khác biệt; cởi mở hơn với những trải nghiệm và ý tưởng mới; phát triển khả năng thích nghi và hòa nhập…” chị Ngọc cho hay.

Gia đình vợ Việt chồng Mỹ: 7 năm đưa con vượt gần 4000km về quê ngoại đón Tết cổ truyền

Nova - cô con gái của chị Ngọc được sinh ra ở Việt Nam, mới 20 tháng tuổi con đã có thể hiểu và nói được tiếng Việt, tiếng Anh. Đến hơn 25 tháng cả nhà lại chuyển sang Nhật, tính đến nay Nova mới bắt đầu đi học ở trường Nhật được 6 tháng nhưng đã bắt đầu giao tiếp và hát các bài hát tiếng Nhật. Anh hai Lucian (4 tuổi) cũng đang dần thích nghi với môi trường giao tiếp đa ngôn ngữ với bố, mẹ và bạn bè, thầy cô ở trường học.

Hiện tại, cả 2 bạn đang sử dụng cùng lúc 3 ngôn ngữ: ở trường - tiếng Nhật, ở nhà - tiếng Anh với ba, tiếng Việt với mẹ. Chị Ngọc cho biết để duy trì thói quen sử dụng tiếng Việt ở nhà cần đến sự nỗ lực và kiên trì của ba mẹ. 

“Nhiều lúc mình cảm thấy thật áp lực và mệt mỏi khi con không chịu đáp lại những câu hỏi tiếng Việt của mình. Lúc đấy chồng luôn ở bên động viên và nhắc nhở để mình không bỏ cuộc trong việc giữ gìn, trau dồi vốn tiếng Việt cho con. Chồng cũng ủng hộ và tạo điều kiện để mình được kết nối với các gia đình người Việt trong khu vực”, bà mẹ gốc Việt bộc bạch.

Gia đình vợ Việt chồng Mỹ: 7 năm đưa con vượt gần 4000km về quê ngoại đón Tết cổ truyền

Để con có nhiều hiểu biết và trau dồi vốn ngôn ngữ, hai vợ chồng chị Ngọc thường xuyên giao lưu với bạn bè đến từ các quốc gia khác, tích cực tạo ra nhiều trải nghiệm văn hóa, duy trì các truyền thống và phong tục như: lễ Tết, Trung thu, Giáng sinh, Halloween, tham gia các sự kiện văn hóa ở Nhật,...

Mỗi khi tham gia các hoạt động này, chị Ngọc thấy cả hai con luôn phấn khởi, hào hứng. Tuy sinh sống ở nước ngoài nhưng chị và anh Michael  vẫn không quên việc nuôi dưỡng trong con tình yêu quê hương, hướng về cội nguồn. “Hầu như ngày nào mình cũng cùng con gọi điện nói chuyện với ông bà, gia đình, và nhắc lại những kỷ niệm đẹp khi cả nhà ở Việt Nam”.

Bà mẹ 2 con từng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, bày tỏ mối lo ngại, học ngoại ngữ sớm con có bị rối loạn ngôn ngữ không? Sau một thời gian dài tìm đọc các bài viết nghiên cứu, và với kinh nghiệm đồng hành cùng con chị Ngọc và chồng tự tin khẳng định rằng việc sử dụng một lúc nhiều ngôn ngữ sẽ không gây rối loạn ngôn ngữ hay làm trẻ bị chậm nói. Ngược lại, việc để con tiếp xúc với đa ngôn ngữ còn tác động tích cực đến sức khỏe não bộ, giúp con phát triển tư duy có chiều sâu. 

Gia đình vợ Việt chồng Mỹ: 7 năm đưa con vượt gần 4000km về quê ngoại đón Tết cổ truyền

“Hai bạn nhỏ nhà mình theo thời gian đã hình thành một phản xạ rất nhanh trong việc lựa chọn ngôn ngữ tại thời điểm nói, dễ dàng nhận ra rằng mình cần nói tiếng Anh với ba, nói tiếng Việt với mẹ, và sử dụng tiếng Nhật ở trường, khi giao tiếp với hàng xóm. Điều quan trọng là phải đặt ra định hướng rõ ràng, lựa chọn một phương pháp phù hợp và kiên định với nó. Đồng thời cha mẹ phải dành thời gian trò chuyện tương tác với con thật nhiều chứ không nên phó mặc cho các kênh ca nhạc, hoạt hình trên TV, youtube”, chị Ngọc tiết lộ.

Thay vì về Mỹ hay Việt Nam để theo đuổi đam mê phát triển sự nghiệp, kiếm thật nhiều tiền đưa con đi học ở trường quốc tế, các lớp học kỹ năng vợ chồng chị Phạm Ngọc chấp nhận lùi lại một bước, chọn con đường chậm rãi hơn ở Nhật để mang đến cho con một môi trường học tập vui chơi tự nhiên, chất lượng hơn. Bản thân chị Ngọc cũng học hỏi được rất nhiều và có thêm thời gian đồng hành bên con trong giai đoạn vàng của sự phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo.

Tuy vậy, Nhật Bản vẫn chưa phải là bến đỗ cuối cùng của gia đình vợ Việt chồng Mỹ. Chắc chắn trong tương lai gần chị Ngọc và chồng sẽ tìm kiếm trải nghiệm mới ở một vùng đất khác để 2 thiên thần nhỏ có thể tiếp xúc và trải nghiệm nhiều hơn.

Gia đình vợ Việt chồng Mỹ: 7 năm đưa con vượt gần 4000km về quê ngoại đón Tết cổ truyền

Sống xa con cháu, bố mẹ hai bên gia đình của chị Ngọc và anh Michael lúc nào cũng thương xót, nhớ nhung chỉ trực chờ mỗi dịp Tết để mong ngóng ngày gia đình bay về Việt Nam quây quần, sum họp.

Do điều kiện, cũng đã 7 năm nay anh Michael chưa có cơ hội về Mỹ thăm gia đình. Nhưng đổi lại, dịp Tết năm nào anh cũng đưa Ngọc và 2 con về Việt Nam đón Tết cổ truyền cùng bố mẹ vợ. Đến nay, chàng rể ngoại đã có tổng cộng 7 cái Tết ở Việt Nam. Mỗi lần xuống sân bay gia đình 4 người lại được ông bà ngoại và anh em gia đình chờ sẵn, cả nhà ôm nhau bày tỏ nỗi nhớ và hạnh phúc khi được đoàn tụ sau một năm.

Gia đình vợ Việt chồng Mỹ: 7 năm đưa con vượt gần 4000km về quê ngoại đón Tết cổ truyền

Hai bé Lucian (4 tuổi) và Nova (2 tuổi) cũng không quá lạ lẫm với cách đón Tết tại quê ngoại. Các bé khoác lên mình bộ áo dài truyền thống, cùng ông bà bố mẹ đi chụp ảnh với hoa mai, hoa đào, xin chữ từ ông Đồ, cầu mong cho một năm may mắn, bình an. Anh Michael tuy là người Mỹ nhưng đến nay đã thông thạo tất cả văn hóa đón năm mới của Việt Nam, các món ăn cổ truyền cũng được anh tự tay chế biến cùng gia đình và yêu thích khi được thưởng thức. 

Năm nay, vì một số lý do nên gia đình chị Ngọc ở lại đất nước mặt trời mọc đón Tết, đây cũng là năm đầu tiên trong đời chị xa nhà dịp năm mới. Được biết, anh chồng ngoại quốc Michael rất thông thạo văn hóa đón Tết cổ truyền của Việt Nam, anh nhanh nhẹn, nhiệt tình sắm sửa đồ để trang trí nhà cửa để đón Tết. Các câu đối, giỏ quà, hoa đào cũng được cặp vợ chồng chuẩn bị tươm tất. Hiện đôi chị Ngọc và chồng đang chuẩn bị công đoạn cuối cùng, đặc biệt là các các món ăn truyền thống ngày Tết: bánh chưng, dưa hành củ kiệu, thịt ngâm mắm, giò thủ,...để đầy đủ hương vị, phần nào giúp cặp đôi đỡ nhớ nhà hơn.

Gia đình vợ Việt chồng Mỹ: 7 năm đưa con vượt gần 4000km về quê ngoại đón Tết cổ truyền

Ngoài ra, chị Ngọc cũng tìm chút niềm vui nho nhỏ bằng cách tự tay lựa chọn những món quà xinh, vừa ngon vừa bổ, gói ghém theo ý của mình để gửi tặng đến ba mẹ và anh chị nhân dịp Tết đến xuân về. Hai thiên thần nhỏ cũng ngỏ ý thắc mắc tại sao năm nay không thể về Việt Nam ăn Tết, có lẽ cả Lucian và Nova đã rất nhớ không khí đầu xuân năm mới nhộn nhịp, vui vẻ và thân thiện tại quê ngoại ở Việt Nam.

Năm nay không thể về thăm gia đình tại Việt Nam nhưng sự chuẩn bị đầy đủ mâm cơm Tết xa nhà tại Nhật có đủ bánh chưng, nem rán, mâm ngũ quả để cùng gia đình nhỏ đón Tết là niềm vui riêng và an ủi với gia đình chị Ngọc. Gia đình chị Ngọc sẽ đón giao thừa cùng ông bà ngoại qua màn hình điện thoại. Những lời chúc sức khỏe, may mắn, bình an cùng tiếng cười giòn rã qua điện thoại có lẽ sẽ giúp chị Ngọc cùng chồng và các con cảm nhận được phần nào sự sum vầy to lớn của cả đại gia đình.

Gia đình vợ Việt chồng Mỹ: 7 năm đưa con vượt gần 4000km về quê ngoại đón Tết cổ truyền

Phương Nga

Ảnh: NVCC

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bài tập với gối giúp nàng mập có được thân hình thon gọn