Con ăn vạ, giãy như lươn, mẹ 9X chỉ làm hành động 'kỳ diệu' này cực ấm áp lại hiệu quả tức thì
Tin liên quan
Đa số các bà mẹ có con trong độ tuổi lên 2, lên 3 đều từng chứng kiến cảnh con giãy đành đạch như lươn, gào khóc hàng tiếng không biết mệt. Bé Nem – con gái đầu của chị Trang cũng không ngoại lệ.
Chị Trang và con gái đầu lòng - bé Nem (Ảnh: NVCC)
“Hôm đó, trên tivi chiếu bài hát yêu thích của Nem. Tuy nhiên, con đã không tìm thấy chiếc micro của mình để "biểu diễn". Vậy nên, con đã gào khóc tới tận 10 phút. Theo thói quen, chúng ta sẽ thường: "Làm sao? Nín ngay, nói mẹ nghe nào".
Đương nhiên, cái loa phường kia vẫn phát thanh không ngừng nghỉ. Mình thường nói vui rằng, bị rót volume cực đại vào tai huyết áp của mẹ không nhảy số mới lạ. Như vậy, nhà đang bị bão cấp 5 đổ bộ thì xuất hiện thêm bão cấp 10 vào bờ. Hai mẹ con căng thẳng, quát tháo nhau, tình cảm sứt mẻ”, bà mẹ 2 con tâm sự.
Nhưng thay vì xử lý mang tính bản năng, chị Trang nhấn mạnh đôi khi chỉ cần một chiếc ôm và sự sẻ chia ấm áp, mẹ sẽ khiến “quả bom” ngưng phát nổ. Theo đó, bà mẹ trẻ chia sẻ vài tip đối phó cực hay khi cơn ăn vạ của con ập đến như sau:
Ngưng yêu cầu con nín khóc
Tiếng khóc là cách để con xả cảm xúc. Người lớn đôi khi còn bế tắc với kho tàng ngôn ngữ, huống hồ con đang trong giai đoạn tập nói. Không thể hiện được ý muốn bằng tiếng nói, con chỉ có thể lựa chọn tiếng khóc - ngôn ngữ đã theo từ ngày lọt lòng mẹ. Mẹ hãy để con khóc, như một cách xả cảm xúc tiêu cực.
Hình ảnh Nem ăn vạ gào khóc khi không tìm thấy micro của con (Ảnh cắt từ clip NV)
Mẹ Nem cho rằng, việc của mẹ lúc này là tôn trọng tiếng khóc của con. Mẹ hãy chờ đợi và cố gắng kiềm chế cảm xúc của chính mình.
Trấn an con bằng chiếc ôm ấm áp
Bà mẹ trẻ hướng dẫn thêm: “Khi tiếng khóc của con không còn "mãnh liệt" như lúc đầu, mẹ hãy hỏi con: "Con có muốn mẹ ôm con không?". Đương nhiên, con sẽ không nói “có” ngay lúc đó.
Điều này, cũng như việc bạn cãi nhau với người yêu và bỏ đi, nhưng trong lòng rất muốn người ấy chạy lại ôm mình. Mẹ hãy nhắc đi nhắc lại câu hỏi, để con thực sự muốn và bật ra câu trả lời. Nếu con lắc đầu, mẹ hãy chuyển câu hỏi thành câu khẳng định: "Mẹ rất muốn ôm con, con cũng thế phải không con yêu".
Đồng thời, mẹ hãy dang tay và tiến lại phía con. Khi mẹ hành động trước, con sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Mình thường vừa ôm, vừa xoa lưng phần dưới gáy cho con. Ở vị trí này tập trung rất nhiều dây thần kinh, giúp trấn an và tạo cho con cảm giác dễ chịu”, bà mẹ 2 con nhấn mạnh.
Cái ôm ấm áp là "vũ khí" kỳ diệu của chị Thu Trang giúp con nhanh chóng kiểm soát cảm xúc (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh đó, chị Trang cũng đưa ra phương án nắm bắt vấn đề bằng các câu hỏi và gọi tên cảm xúc của con như: “Con đang tức giận phải không?”, “Con đang buồn lắm à?”, “Con tức giận vì việc này phải không?”, “Con buồn vì chuyện này à?
Lúc này, con đã giảm hẳn cơn tức giận xuống. Bởi con được chia sẻ, được an toàn trong vòng tay mẹ, được mẹ quan tâm, thấu hiểu.
Đưa ra phương án xử lý và bài học rút ra cho con
Bà mẹ Hà thành cho biết, đến giai đoạn này con đã hoàn toàn mềm lòng, đứng về phía mẹ. Mẹ hãy phân tích cho con hiểu, hành động vừa rồi của con không mang lại điều con cần và muốn. Thay vào đó, con sẽ cần làm gì trong tình huống này.
Trong hành trình lớn lên cùng con, chị Trang mong muốn chọn cách được làm bạn của con. Bởi vậy, chị luôn cố gắng tạo cho con cảm giác an toàn, cảm giác được cha mẹ chia sẻ, thấu hiểu khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, chị muốn con biết dù cả thế giới có quay lưng, con vẫn có cha mẹ bên cạnh che chở và yêu thương vô điều kiện.
Như vậy, việc trẻ em gào khóc, ăn vạ là những biểu hiện bình thường trong quá trình phát triển của con. Tuy nhiên, điều quan trọng chính là cha mẹ cần biết cách xử lý với tất cả sự kiên nhẫn và bao dung. Không có đứa trẻ nào hư, chỉ là con chưa có điều kiện để hiểu về cảm xúc và biết cách kiểm soát cảm xúc của mình mà thôi.
Văn Anh
Ảnh: NVCC
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất