Chuyện lạ Việt Nam: người lao động không muốn tăng lương!

2015-08-20 07:02
- Chúng ta hãy hình dung bức tranh lương - thưởng của người lao động Việt Nam? Lương thì chạm đáy mà thưởng thì gần bằng không.
"Fight for 15”, hàng vạn người Mỹ tuần hành đòi phải được trả 15 dollar cho 1 giờ lao động là mức lương tối thiểu có thể sống được, bởi thực tế ở hầu hết các bang thu nhập chỉ bằng nửa số đó. Thế nhưng theo Reihan Salam viết trên tạp chí Slate thì: “Tăng lương tối thiểu lên 15USD có thể làm hại hàng triệu người yếu đuối”. 
 Đấy là câu chuyện nước Mỹ. Câu chuyện mà đòi tăng lương thì vẫn cứ đòi, và tăng lương hay không tăng lại còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp, dù chính quyền các bang thúc ép. Người ta tính rằng các vùng thu nhập chỉ 7,25 dollar/1 giờ, chi phí thấp; thì giá cả sẽ bị đẩy lên cao, tiền lương thực tế giảm sút, tác động xấu đến hàng chục triệu người lao động nước Mỹ. Tăng lương và niềm vui nỗi buồn của người lao động Việt Nam cũng giống như câu chuyện nước Mỹ, nhưng còn thêm bi hài ở chỗ: Có một bộ phận người lao động dù thu nhập rất thấp, nhưng… không muốn tăng lương?
Chuyện lạ Việt Nam: người lao động không muốn tăng lương!
 Hiện nay, kinh tế nước ta dù được đánh giá là đã nhúc nhích khởi sắc, nhưng vẫn đang ở chu kì khủng khoảng trầm trọng. Bất động sản đóng băng, kích cầu quyết liệt mà vẫn như trà hâm; biệt thự bỏ hoang, nhà liền kề cỏ mọc, căn hộ đìu hiu. “Nhiều doanh nghiệp, thậm chí còn không đủ tiền trả lương cho nhân viên, thiếu nợ ngân hàng, thiếu nợ thuế, thiếu cả bảo hiểm xã hội”. Sản phẩm doanh nghiệp làm ra không tiêu thụ được, ế thừa chất đầy ứ trong kho; nếu cứ kéo dài thì sẽ quay trở lại thời bao cấp khan hiếm tiền mặt, phải trả lương cho công nhân bằng phân đạm, mì tôm, xích líp, săm lốp xe đạp…
 Chúng ta hãy hình dung bức tranh lương - thưởng của người lao động Việt Nam? Lương thì chạm đáy mà thưởng thì gần bằng không. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã làm cuộc “khảo sát 1.600 lao động thuộc các ngành dệt may, giày da, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử tại 10 tỉnh thành với 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương. Kết quả cho thấy, 20% lao động không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, 41% vừa đủ trang trải và chỉ 8% có tích lũy”.
Hiện nay, dù có tăng lương như phương án đề xuất thì mức sống tối thiểu của người lao động cũng chỉ đảm bảo 50-60%.Mức lương thấp chỉ đảm bảo cho cuộc sống đạm bạc, thậm chí sống dặt dẹo không phải ai cũng “nằm trong chăn mới biết chăn có rận” để mà cảm thông, chia sẻ. Có các mệnh phụ phu nhân xúng xính kiêu kì đều đặn đi shoping, hay vào siêu thị Big C sai nhân viên nhặt khuân "vô thiên lủng" đồ đông lạnh: Cá hồi Ấn độ, thịt bò Úc, vây cá mập Nhật bản, rau Đà Lạt, nấm linh chi Hàn quốc…vv  lên ô tô chở về nhà ăn dần, hay chỉ ăn rau sạch lợn gà sạch từ cơ sở nuôi trồng riêng ở nông thôn; thì cũng còn nhiều các chị các cô công nhân mỗi chiều tan ca về ghé qua chợ cóc mua thực phẩm, đi suốt từ đầu đến cuối chợ cứ đắn đo, tần ngần chọn lựa từng bó rau muống giá rẻ, so kè từng đồng mua cá mè ươn và thịt ba chỉ ế cuối ngày. Ở nông thôn lương hưu trí tưởng rằng chi tiêu tằn tiện cũng sẽ trang trải đủ cho cuộc sống nghèo thanh bạch, nhưng cứ thử trong nhà có một người ốm đi viện, hay có một đứa con vào đại học là phải… bán bò bán lợn ngay, đôi khi bán sạch cả lúa thóc để chi tiêu.
 Rất nhiều công nhân ở các khu công nghiệp dệt may, giầy da, điện tử… làm ca kíp gần như không có ngày nghỉ. Sáng đi làm mệt nhọc, đêm ngủ hoặc đi ca đêm thì ban ngày mỏi mệt lăn ra ngủ như kéo gỗ; họ chung nhau thuê nhà chỉ dám chọn căn phòng cấp 4 chật hẹp đủ chỗ nằm ngủ và một góc nấu ăn, không còn thời gian để đi chơi bời, giao du, gặp gỡ… nên con gái thì ế chồng, con trai thì ế vợ. Nếu có “tình yêu bếp dầu”, “tình yêu mắm muối” thì cũng mau tan, sau những ngày góp gạo thổi cơm chung trong căn nhà trọ tồi tàn. Một giờ nắm tay nhau chạy chân trần trên thảm cỏ xanh mát dưới trăng vàng, hay mặc bikini dập dềnh trên sóng biển xanh trong thiên đường tình yêu chỉ là giấc mơ xa vời của người lao động ở khu công nghiệp… Lương thấp lo ăn, lo thuê nhà còn chưa đủ. Con gái thợ may, thợ giày da… chỉ dám dùng phấn son Tầu; chứ dưỡng da Vichy, hay mỹ phẩm Hàn Quốc thôi, cũng chỉ là ước mơ, là xa xỉ. Thời gian ca kíp tối mặt, không rảnh để hẹn hò. Thì tình yêu ơi ở đâu?
 Vậy mà, có một bộ phận người lao động vẫn không muốn tăng lương. Cái nghịch lý này thực ra là bi hài vừa xót xa vừa buồn cười. Người lao động muốn tăng lương, nhưng phải tăng như thế nào để đồng lương thực tế có giá trị, chứ mới rục rịch tăng thì giá đã vọt lên mấy lần thì đừng tăng sẽ có lợi hơn. Qua nhiểu lần mới rục rịch tăng lương, điều chỉnh lương thì giá cả thị trường đã lên chóng mặt. Có đi chợ mới biết thương người vợ tần tảo lo toan. Có đi chợ thì mới biết đồng tiền “bốc hơi” nhanh như bị mất trộm.
 Nhà nước cũng muốn tăng lương, nhưng doanh nghiệp thì không, đó là mâu thuẫn muôn đời muôn kiếp không tan. Nhà nước tăng lương cho khối hành chính còn lấy từ tiền thuế để trả. Doanh nghiệp lấy tiển ở đâu? Nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh luôn nhắm cái đích là lợi nhuận. Họ phải tính toán chi phí tối đa, trong đó chi phí để trả lương và thưởng cho người lao động luôn là bài toán hóc búa đau đầu. Càng giảm chi phí nhân công thì lợi nhuận càng cao. Doanh nghiệp chẳng dại gì dễ chấp nhận một văn bản hướng dẫn tăng lương của nhà nước, mà ông chủ đọc xong đã thấy mình mất tiền mất của như mất trộm. Áp lực trả lương sẽ dẫn đế tình trạng phá sản ở một số doanh nghiệp đang loay hoay “trụ hạng”. Trong khi năng xuất lao động giẫm chân tại chỗ, doanh thu không tăng, thậm chí đứng im và giảm sâu bởi khủng hoảng kinh tế; lại phải mất một khoản tiền lớn để… tăng lương cho người lao động do sức ép của nhà nước. Tiền ở đâu để bù đắp vào khoản doanh thu bị “bốc hơi” này?
Thứ nhất là, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh hợp lý có hiệu quả (không mấy doanh nghiệp làm được). Thứ hai là, sa thải bớt công nhân, hoặc bố trí làm việc luân phiên để giảm chi phí. Thứ ba là, tăng giờ làm và cắt tiền thưởng. Cả ba điều này thì hai điều sau mới nằm trong tầm tay của giới chủ doanh nghiệp, đồng thời họ buộc phải ra tay vì sự tồn tại của doanh nghiệp. Tăng lương nhưng cũng phải hết sức thông cảm và chia sẻ với các doanh nghiệp trong tình trạnh khủng hoảng kinh tế hiện nay đang chạy nhắng lên “giật  gấu vá vai”. Họ buộc phải co kéo cái chăn hẹp quỹ lương “đắp dọc thì hở hai bên/ đắp ngang thì lạnh như tiền cái chân”. Đến kỳ trả lương cho công nhân là lo… bạc mặt.
 Người lao động đứng trước áp lực của việc làm và lương thực tế, dù muốn hay không vẫn phải cắn răng chấp nhận một mức lương còn thấp hơn lương tối thiểu để có việc làm, có thu nhập, dù ít ỏi còn hơn là… thất nghiệp trắng tay. Dù biết đi làm thêm tăng ca là bị bóc lột, nhưng còn phương án nào hơn là ở nhà thất nghiệp, nằm co bụng đói? Các phương án điều hành nền kinh tế vượt qua khủng khoảng, phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời có chính sách bình giá, kìm giá, giảm giá hàng hóa thực phẩm, điện nước, xăng dầu,... mới vừa giúp người lao động hưởng lợi từ đồng lương thực tế, vừa giảm khó khăn áp lực cho doanh nghiệp… thì tăng lương mới có hiệu quả tốt.
Sương Nguyệt Minh
(Theo Thatmah)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Sai thời điểm thì đã sao nếu anh thật lòng yêu em