Chuyện tình 'sét đánh' của cô gái Đắk Lắk, sang Phần Lan làm dâu

Quỳnh Trang 2020-12-10 08:00
- Vũ Thị Thúy sinh ra ở nơi nhiều nắng và gió, thấm đẫm giọt mồ hôi trong vườn cà phê nhưng duyên số đưa đẩy cô sang Phần Lan kết hôn.

Vũ Thị Thúy sinh ra ở nơi nhiều nắng và gió, thấm đẫm giọt mồ hôi trong vườn cà phê nhưng duyên số đưa đẩy cô sang Phần Lan kết hôn. 

Tình yêu 'sét đánh'

Từ nhỏ, cô gái Vũ Thị Thúy, thường gọi là Thúy Vũ (SN 1993) gắn bó với vườn điều, vườn cà phê và công việc nhà nông ở Đắk Lắk. 

Thúy chưa bao giờ mơ đến một ngày sang nước ngoài sinh sống nhưng cuộc gặp với kỹ sư người Phần Lan đã thay đổi cuộc đời cô gái nghèo. 

Vợ chồng Thúy yêu nhau sau 2 lần gặp gỡ. 

Cuối năm 2017, Thúy vào một app hẹn hò và nhận được lời kết bạn của Jyri Tapio (SN 1989). Khi trò chuyện cả hai đã cảm mến nhau. Họ quyết định gặp nhau ngoài đời thực. Sau đó một tuần, Jyri Tapio chính thức ngỏ lời yêu Thúy. Chàng trai 8X thổ lộ, anh đã độc thân 4 năm trước khi gặp cô. 

Một năm yêu xa, Jyri Tapio thấy không thể sống thiếu cô bạn gái Việt Nam nên quyết định cầu hôn, để được sống cùng Thúy. Jyri Tapio đã mời cô sang thăm nhà mình. Thúy tâm sự với mẹ, bà ngần ngừ không muốn con đi vì sợ Thúy bị lừa như bao câu chuyện đau lòng đã xảy ra. 

“Bố tôi mất sớm, cả đời mẹ tần tảo nuôi các con ăn học, chỉ mong có cuộc sống yên bình", Thúy chia sẻ. 

Khi biết mẹ người yêu không đồng ý, Jyri Tapio về thăm mẹ Thúy, tìm cách thuyết phục bà. 

Mẹ Thúy chứng kiến Jyri Tapio làm mọi điều vì con gái mình, mới bắt đầu mở lòng. Chuyến đi đầu tiên của Thúy sang Phần Lan kéo dài một tháng. "Gia đình Jyri Tapio rất thân thiện và Jyri Tapio là người chi trả toàn bộ chi phí cho chuyến đi này", Thúy nói. 

Lễ đăng ký kết hôn của Thúy và Jyri Tapio. 

Sau đó, họ gắn bó với nhau bằng tờ giấy đăng ký kết hôn, dự định hè 2020 sẽ tổ chức hôn lễ nhưng dịch bệnh Covid-19 đã khiến kế hoạch phải trì hoãn. 

Mỗi lần sinh con được ‘thưởng’ tiền 

Vợ chồng Thúy sống riêng, cách nhà bố mẹ chồng 5km. Sau khi làm thủ tục nhập cư, cô tham gia khóa học tiếng Phần Lan miễn phí 3 năm do nhà nước tổ chức và được trợ cấp thêm 23 triệu đồng. Các cư dân nhập cư học tiếng xong sẽ được hỗ trợ học nghề mình thích. 

Ngày mới nhập học, Jyri Tapio sợ vợ tủi thân nên xin cô giáo cho ngồi học cùng, đưa đón vợ sau khi tan học. 

“Tôi mới học 4 tháng thì nghỉ sinh em bé. Giờ ở nhà chăm con, khi nào em bé được 1,5 tuổi tôi sẽ đi học tiếp”, Thúy nói. 

Thúy hòa nhập với cuộc sống mới bên Phần Lan. 

Thời gian ở nhà chăm sóc con, Thúy ít ra ngoài nên gia đình chồng khuyên cô thử làm kênh Youtube khám phá cuộc sống Bắc Âu cho đỡ buồn. Từ ngày làm Youtube, Thúy quen và kết nối với mọi người nhiều hơn. 

Cô gái Đắk Lắk chia sẻ thêm, tại Phần Lan có hệ thống chăm sóc, theo dõi sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em. 

Nếu ai có thai sẽ gọi điện cho hệ thống để đặt lịch. Từ tuần thai thứ 8 trở đi sẽ bắt đầu lịch khám. Thai phụ sẽ được theo dõi, kiểm tra, xét nghiệm máu... 1 lần/tháng hoặc 2 lần/tháng, tùy vào tình trạng sức khỏe. 

Mỗi người sẽ có một y tá chăm sóc, theo dõi suốt hành trình mang thai, sinh nở và chăm con trong 3 năm đầu đời. Tất cả đều được miễn phí. 

Người mẹ bị trầm cảm hoặc có dấu hiệu trầm cảm thì y tá sẽ đến chăm sóc em bé 3 lần/tuần, để mẹ có thời gian hồi phục sức khỏe sau sinh, lấy lại tinh thần. Trường hợp y tá, bác sĩ khiến bệnh nhân không hài lòng, người đó có thể làm đơn đổi người khác. 

Ngoài chế độ sinh đẻ miễn phí, các bà mẹ mang thai sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiền chi tiêu hàng tháng, như Thúy, được hỗ trợ khoảng 16 triệu/tháng. 

Khi sinh nở, Thúy được chồng hỗ trợ việc chăm con. 

Chính phủ Phần Lan còn có chính sách khuyến khích sinh đẻ. Phụ nữ sinh càng nhiều con, càng nhận được nhiều tiền. 

“Gia đình sinh con đầu sẽ nhận 540 triệu, con thứ hai nhận 598 triệu, đứa thứ ba nhận 765 triệu, con thứ tư nhận 932 triệu và con thứ năm nhận hơn 1 tỷ. Ước tính, gia đình nào sinh 5 con sẽ nhận gần 4 tỷ đồng”, Thúy giải thích. 

Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu của Thúy khá tốt. Mặc dù người cao tuổi Phần Lan ít giao tiếp bằng tiếng Anh, chủ yếu nói bằng ngôn ngữ của họ nhưng mẹ chồng luôn sử dụng tiếng Anh để Thúy hiểu. 

“Mẹ chồng tôi là người tâm lý, bà đi đâu thấy gì hay, đẹp, dễ thương là mua cho con dâu. Việc gì liên quan đến em bé, bao giờ mẹ chồng cũng lịch sự hỏi: “Mẹ cho William ăn được không? Mẹ cho William đi chơi được không?...”, Thúy nhớ lại. 

Thời điểm cô mới sinh em bé được 1 tháng, hai vợ chồng sang nhà ông bà nội chơi một tuần. Ông nội quý cháu nhưng không dám bế, chỉ quanh quẩn bên nôi của em bé. 

“Ông giải thích, ở Phần Lan muốn bế em bé, phải xin phép người mẹ nhưng ông sợ phiền con dâu nên không dám bế nhiều. Tôi cảm động, bảo ông có thể bế cháu lúc nào thích. Từ đó, ông bế William liên tục, cháu ngủ mới đặt xuống”, Thúy vui vẻ kể. 

Trái ngọt hôn nhân của vợ chồng Thúy là bé William. 

Thúy khẳng định, chưa bao giờ cô nuối tiếc khi theo chồng sang đây. Cuộc sống hôn nhân của cô khá ngọt ngào. Buổi sáng, Jyri Tapio thường dậy sớm cho con ăn để Thúy được ngủ thêm. Khi nào đến giờ đi làm, anh mới bế bé vào và đánh thức vợ. 

“Chồng tôi không có thói quen tụ tập bạn bè vì anh không thích để vợ một mình. Mỗi mùa hè, anh đưa 2 mẹ con đi nghỉ dưỡng 2 tuần. Cả nhà cùng chèo thuyền, câu cá, bơi để thư giãn”, Thúy cho hay. 

Theo Vietnamnet

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vì sao bạn phải đến Đài Loan một lần trong đời?