“Cãi” bác sĩ, con khỏi ốm không cần dùng thuốc

2014-06-11 07:38
- (Em đẹp) - Hơn 1 tháng tuổi thì Rô Ron bị cảm cúm và ho lần đầu tiên do lây từ bố. Nếu không nhờ bà ngoại chắc con đã phải uống kháng sinh hoặc tệ hơn phải nằm viện khi mới chỉ 40 ngày tuổi.

Buổi chiều hôm trước bố đi công tác về và có dấu hiệu hắt hơi, cảm cúm nhẹ. Vì nghĩ không sao nên bố vẫn chơi và bế Rô Ron như thường lệ. Vậy mà sáng hôm sau bố bắt đầu bị đau họng và sốt cao. Còn Rô Ron thì đến chiều tối cũng bắt đầu ấm đầu, đo nhiệt độ tai gần 38 độ. Nửa đêm con bắt đầu húng hắng ho và có dấu hiệu ngủ li bì nhiều hơn thường lệ.

Lần đầu tiên làm mẹ, lại đọc quá nhiều thông tin về các biến chứng xấu của bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh như Rô Ron nên mẹ rất sợ. Ngay lập tức mẹ đưa Rô Ron đi khám tại 1 phòng khám tư gần nhà. Bác sĩ khám rất nhanh và kết luận Rô Ron bị viêm phế quản co thắt cùng 1 đơn thuốc kèm kháng sinh, kháng viêm và giãn phế quản.

Chưa bao giờ mẹ nghĩ con lại bị ốm khi mới chỉ hơn 1 tháng tuổi
 (Ảnh minh họa, nguồn Mymommymentor.com)

Bế Rô Ron từ phòng khám về, mẹ như “đi trên mây”, nước mắt lã chã, thương con mới bé xíu xiu đã bị ốm (điều mẹ chưa từng nghĩ đến vì con bú mẹ hoàn toàn và mẹ vẫn tin rằng 6 tháng đầu đời của con có kháng thể từ sữa mẹ sẽ không bị ốm đau gì). Về tới nhà thì bà ngoại cũng vừa tới. Bà hỏi han kỹ càng lại tiến trình khám bệnh, xem đơn thuốc và bảo bố đi mua 1 chiếc ống nghe tim phổi.

Bà nghe lại phổi cho Rô Ron (bà không phải là bác sĩ nhưng có kinh nghiệm vì hồi bé mẹ liên miên bị viêm phế quản). Sau đó bà bế Rô Ron, đếm nhịp thở của con, bảo mẹ cho con bú rồi đưa ra quyết định, chưa cho con uống thuốc vội, cần bình tĩnh theo dõi thêm. Theo bà, sức khỏe con vẫn khá ổn, có thể tự kháng virus và chưa cần dùng kháng sinh. Rô Ron mặc dù ho, sốt nhẹ và có dấu hiệu ngủ nhiều nhưng không bỏ bú, nhịp thở 45 – 50 lần/phút. Với những bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh thì chủ yếu là do virus (điều này cũng đúng vì Rô Ron lây từ bố) thì nên duy trì chế độ chăm sóc tốt giúp trẻ tự khỏi bệnh.

Tất cả những điều bà nói, mẹ đều biết hết nhưng trong lúc “mụ mị” mẹ không còn nhớ gì hết. Thực là may trong những trường hợp như thế có bà sáng suốt chỉ dẫn từng chút từng chút. Trong suốt 1 tuần tiếp theo đó, bà cùng mẹ đã chữa cho con bằng những biện pháp rất đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng.

Thứ nhất, bà “giao nhiệm vụ” cho mẹ phải đủ sữa để Rô Ron được bú đầy đủ. Lúc con ốm, mẹ lo nên bị ít sữa, bà đã bắt mẹ ăn và ngủ đầy đủ (bà ở lại chăm con cùng để mẹ có thời gian nghỉ) cho ra sữa để con bú. Ngoài ra, mẹ còn ăn nhiều đồ ăn có tác dụng chữa cúm như tỏi, nước trầu không mật ong với hi vọng sẽ tiết vào sữa. Coi như bú mẹ là con cũng đang uống “thuốc” vậy.

Trừ thời gian bú mẹ ra thì trong suốt 1 tuần Rô Ron ngủ với tư thế áp vào ngực mẹ hoặc bà 24/24. Với tư thế này con ngủ ngon nhất, không bị ngạt mũi, không bị trớ, không giật mình. Con ngủ rất êm nên lấy lại sức rất nhanh (chỉ có mẹ và bà là mỏi nhừ lưng vì luôn phải ở 1 tư thế ngồi hơi ngả vào thành giường và rất ít khi được cử động).

Rô Ron ho và khò khè trong họng rất nhiều. Để long đờm thì bà hay vỗ lưng (thường là sau lúc bú mẹ). Mỗi lần vỗ lưng xong Rô Ron trớ rất nhiều thứ nhầy nhầy, vàng vàng. Lúc bú xong là lúc đờm trong họng loãng ra, vỗ lưng (bà dùng 5 ngón tay khum khum lại và bế dốc con lên vai và vỗ chừng 4-6 phút) sẽ giúp trớ đờm và ợ được hơi, sẽ nhanh khỏi và kì diệu là vỗ lưng khá mạnh nhưng Rô Ron chỉ trớ đờm nhớt chứ không trớ sữa.

Ngoài ra thì mẹ còn hút, rửa mũi cho Rô Ron (cái này mẹ học của ông bác sĩ khám hôm trước). Mẹ đặt con nằm nghiêng, xịt chừng 1/3 lọ nước muối sinh lý loại 10ml vào mũi bên trên sao cho chảy xuống mũi dưới và hút nhẹ nhàng bằng dụng cụ hút mũi. Sau đó cho con nằm nghiêng sang bên kia, đảo vị trí 2 bên mũi và làm tương tự. Mỗi lần làm hết chừng 1 lọ nước muối sinh lý 10ml. Mỗi ngày làm 1-2 lần, còn lại là nhỏ mũi 3 -5 lần (2 giọt mỗi bên). Có những lúc con bị ngạt mũi, rửa không ra (hoặc vừa rửa xong lại ngạt) thì bà lấy sợi tóc rửa sạch, xoắn thừng lại và ngoáy mũi, gây kích thích để con hắt xì ra nước mũi. Cách này rất hiệu quả vì hồi đó con bé quá mẹ cũng không dám hút rửa mũi nhiều.

Nhờ hút rửa mũi con dễ thở hơn rất nhiều
(Ảnh minh họa. Nguồn Boots.com)

Để thông mũi hàng ngày bà còn nấu 1 nồi nước lá sả, bưởi, hương nhu và ngũ sắc để xông. Nói là xông nhưng thực ra là bế Rô Ron ngồi cạnh nồi nước lá để “ngửi” chừng 1-2 phút. Nhẹ nhàng vậy thôi vì lúc đó con mới hơn 1 tháng, mọi thứ đều còn rất non nớt.

Thêm vào đó môi trường xung quanh cần yên tĩnh và thoải mái để con ngủ được nhiều nhất (hầu như con chỉ thức dậy để ăn và vệ sinh, thời gian còn lại con chỉ ngủ, mẹ chẳng bày trò chơi hay nói chuyện nhiều với con như mọi hôm). Mẹ “nghiêm cấm” mọi cuộc thăm viếng để không làm phiền con (mẹ “đắc tội” với rất nhiều người vì chuyện này).

Đặc biệt, mẹ và bà duy trì chế độ theo dõi nhịp thở và tiến triển bệnh cho con rất chặt chẽ. Cứ 20 phút mẹ lại đếm nhịp thở cho con 1 lần (với độ tuổi như Rô Ron nếu nhịp thở nhanh hơn 60 lần/phút hoặc quá chậm thì đó là dấu hiệu bệnh trở nặng) và cứ mỗi 2-3 tiếng bà lại lắng phổi cho con. Mọi người luôn trong tình trạng nếu có dấu hiệu xấu đi sẽ đưa con đến bệnh viện ngay (vì không uống thuốc nên mẹ rất sợ từ nhiễm virus con sẽ bị bội nhiễm mà nặng lên).

Cứ như vậy sau 1 tuần, Rô Ron khá lên, con ngủ ít hơn và bắt đầu cười, hóng chuyện trở lại. Để yên tâm, mẹ lại cho con đi khám lại 1 bác sĩ khác,  con vẫn còn chảy mũi và chưa khỏi ho. Bác sĩ khám cho con kỹ hơn, kết luận viêm mũi họng và cũng kê kháng sinh Ceclor kèm thuốc nhỏ mũi co mạch. Lần này mẹ tự tin hơn vì kết luận con không bị viêm phế quản, ăn nhiều hơn, chơi nhiều hơn, hoạt bát hơn nên vẫn không cho con uống thuốc. Kiên trì đúng 10 ngày nữa thì con khỏi hoàn toàn.

Mẹ Rô Ron
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


3 cách an toàn và dễ làm để rã đông thịt