Rèn con tự ngủ từ những ngày chào đời, mẹ xứ Thanh thành công ngoài sức tưởng tượng

Văn Anh 2019-06-01 11:00
- Các con khó tính hay dễ chịu, 80% đều do cha mẹ hình thành thói quen, với quan niệm đó chị Thanh Quế (Thanh Hoá) đã tự đúc kết ra những kinh nghiệm quý giá và áp dụng thành công trong việc rèn con tự ngủ hiệu quả.

Trẻ sơ sinh thật sự rất khó đoán, có bé vui vẻ, có bé thì thờ ơ và có bé thì thường hay khó chịu. Nhưng chắc chắn một điều luôn đúng đó là các con như 1 trang giấy trắng, mà người làm bố làm mẹ tô màu giấy như thế nào, bé sẽ như vậy. Rất nhiều mẹ thường ngưỡng mộ các mẹ Tây khi thấy họ nuôi con rất nhàn, em bé có thể ngủ riêng từ bé và ít khi nào đòi bế ẵm, nhưng chúng ta không biết đằng sau đó là cả quá trình uốn nắn.

Rèn con tự ngủ từ những ngày chào đời, mẹ xứ Thanh thành công ngoài sức tưởng tượng

Bé Huy Khánh vô cùng đáng yêu và bụ bẫm (Ảnh: NVCC)

 Theo đó, chị Quế cho rằng một em bé khi chào đời không hề có nhu cầu bế ẵm, rung lắc, à ơi, hát ru, tất cả những việc đó là nhu cầu của mẹ, cũng chính bởi nhu cầu này đi quá giới hạn nên đã hình thành nên thói quen xấu cho bé. Cho nên, nếu muốn con ngoan mà mẹ nhàn thì tốt nhất ngay từ những ngày đầu tiên, hãy đặt ra một quy định với bé và những người trong gia đình, đó là không được rung lắc, đung đưa khi bế em bé.

 “Tôi chẳng do dự nhiều lắm khi rèn cho con tự ngủ ngay từ những năm tháng đầu đời. Khi bắt tay vào thực hiện, tôi chuẩn bị rất kỹ nào là khăn quấn bé, ti giả…Bên cạnh đó, quấn chặt bé khi bé sinh ra giúp bé không giật mình chới với, cảm giác yên tâm như trong bụng mẹ, nhà mình quấn bé Huy Khánh đúng 3 tuần đầu mới thả 2 tay ra, tôi luôn lưu ý cho con bú đúng cữ, đúng giờ và cẩn thận ghi chép lại giờ bú của bé trong tháng đầu, đây là điều hết sức cần thiết để thiết lập thời khoá biểu của bé sau này”, chị Quế chia sẻ.

Rèn con tự ngủ từ những ngày chào đời, mẹ xứ Thanh thành công ngoài sức tưởng tượng

Con được mẹ rèn tự ngủ ngay từ những tháng đầu đời (Ảnh: NVCC)

Tất nhiên, việc con khóc trong quá trình rèn ngủ là điều không thể tránh khỏi, bởi vậy nên chị Quế đã chuẩn bị tinh thần và biện pháp ứng phó. Theo kiến thức chị tìm hiểu được, một bé sơ sinh khoẻ mạnh tháng đầu chỉ khóc vì nhu cầu "sinh lý", đó là: đói, bỉm dơ, môi  trường quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu các mẹ loại trừ được 3 vấn đề trên mà bé tự nhiên khóc khi đang ngủ say thì mẹ hãy kệ bé, bởi bé có bản năng tự trấn an và chìm vào giấc ngủ lại. 

Mọi người nên hiểu khái niệm “kệ” một cách chuẩn xác nhé, kệ nghĩa là: không bế lên rung lắc, không vỗ vỗ con mà chỉ đến bên bé để tay lên ngực bé, giữ tay con nếu con giật mình để có cảm giác an tâm. Hãy cho con tự trấn an mình, tự chìm vào giấc ngủ. Biết là các mẹ rất cưng con, chỉ muốn ôm con ngay khi con khóc nhưng hãy nghĩ rằng mẹ có thể ôm con lúc sơ sinh - những ngày đầu tiên, nhưng vài tháng phải như vậy sẽ rất stress. Trong trường hợp bé bú xong khóc ré và cứ ưỡn bụng lên không có lý do, khóc gắt gỏng, khóc kiểu khác khi đói, mẹ hãy tìm hiểu lý do. Có thể bé đầy bụng, bé khó chịu nên khóc, lúc đó hãy sử dụng phương pháp bế dựng áp bụng bé vào vai trên, tay giữ đầu, tay ấn nhẹ bụng bé vào vai bạn. Nhằm giúp con ợ hơi nhanh hơn, nhưng vẫn nhớ quy tắc: không rung lắc đứng lên à ơi”, bà mẹ 9X lưu ý.

Rèn con tự ngủ từ những ngày chào đời, mẹ xứ Thanh thành công ngoài sức tưởng tượng

Nhờ vậy nên việc ăn ngủ của Huy Khánh rất khoa học, con hay ăn chóng lớn (Ảnh: NVCC)

Chị Quế cho rằng, ban ngày, từ lúc bé dậy sau giấc ngủ đêm trở đi hãy mở tivi, mở nhạc, tất cả mọi người cứ nói chuyện ầm ĩ, cười đùa, ban ngày sao cứ cho bé làm quen như vậy, không nhất thiết phải kéo rèm tối hay cần giữ im lặng. Nếu ngày đầu tiên khi về nhà mà bé được tập như thế, thì ồn cỡ nào bé vẫn ngủ được, nếu không chỉ im lặng bé mới ngủ được thì người cực nhất chỉ là mẹ thôi.

Ban đêm từ 7h tối trở đi, hãy lau mặt, vệ sinh thân thể và thay một bộ đồ sạch cho bé. “Tôi tuân thủ nghiêm ngặt giờ giấc như vậy cho bé Huy Khánh, tiếp đó mở đèn ngủ màu vàng, không mở tivi, mọi thứ đều nhẹ nhàng hơn ban ngày. 8h tối con được cho bú đi ngủ và 9h30 là ngủ say. Đến khoảng 1h đêm bú một cữ, 5h sáng bú một cữ ngủ đến 8-9h sáng, mẹ kệ con không gọi dậy, cho con ngủ theo nhu cầu.

"Thông thường, trong tháng đầu con đều ngày ngủ say đêm lại tỉnh, nhất là thời điểm 1-2h sáng tỉnh như sáo, ọ oẹ, vặn mình nhưng ba mẹ tuyệt đối không bế em lên, dù em đang có vẻ khó chịu, vì mẹ đã kiểm tra, bỉm sạch, không đói, không nóng. Do đó, tôi quyết định kệ con, thế là Huy Khánh tự ọ oẹ khoảng 30 phút rồi tự đi vào giấc ngủ”, mẹ trẻ xứ Thanh tâm sự.

Rèn con tự ngủ từ những ngày chào đời, mẹ xứ Thanh thành công ngoài sức tưởng tượng

Thực ra có nhiều lúc bé vặn mình khó chịu, rồi khóc ré lên rất sốt ruột, chị Quế và chồng cũng đấu tranh tâm lý khá dữ dội, cứ nhìn nhau rồi hỏi có bế con lên không, ru con không và rồi quyết định để kệ con, vì nghĩ đến những điều tốt đẹp hơn sau này cho bé. Cũng có lúc con bú no và ngủ say trên tay mẹ, đặt xuống khoảng 15 phút  lại tỉnh như sáo, lúc ấy chị Quế quyết định cho con ngậm ti giả và quấn chặt, kê cao con lên như "giả vờ" được bế, khi con ngủ say thì kệ con luôn, không sửa tư thế gì hết, miễn là con phải quen với việc tự cho mình ngủ.

Với chị Thanh Quế, phương pháp này được áp dụng và thành công đến 80%. Tuy nhiên, bà mẹ trẻ khuyên rằng không nên thực hiện đối với những bé sinh non, thiếu tháng, bé đang có vấn đề về sức khoẻ. Bên cạnh đó, cần phải bổ sung Vitamin D dạng giọt cho bé sơ sinh mỗi ngày đến ít nhất 6 tháng tuổi, đây là việc rất quan trọng giúp bé khoẻ mạnh hơn.

Văn Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 sao Hàn tiếc ngẩn ngơ vì từ chối siêu phẩm nhường hào quang cho người khác