Ngày mưa bàn cách chống và giảm độ ẩm cho nhà

Lục Bảo 2015-03-25 05:04
- Những ngày mưa dầm dề mang theo không khí ẩm ướt, khó chịu vào nhà. Hãy cùng chúng tôi giúp cho ngôi nhà của bạn luôn khô ráo và thoáng mát nhé.
Trong những ngày mưa rả rích thế này, chúng ta không khỏi "ngao ngán" khi mọi thứ trong nhà đều có cảm giác ẩm ướt, khó chịu khi đụng vào. Từ nền nhà đến tường nhà, từ vật dụng đến nội thất... Tình trạng ẩm thường xuyên cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng, khiến không gian trở nên bí bách, khó chịu, khiến việc đi lại, sử dụng đồ dùng cho việc sinh hoạt trở nên khó khăn... Nếu tình trạng ẩm kéo dài không chỉ gây ra nấm mốc, mà còn là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh tật, đe dọa đến sức khỏe của mọi người sống trong nhà. Vì vậy, hãy cùng Em đẹp sẵn sàng đối phó với ẩm mốc, để mọi người luôn cảm thấy thoải mái khi đánh bay được chúng ngay trong những ngày trời nồm ẩm.
1. Cách chống ẩm cho nền nhà
Trước tiên bạn có thể hiểu đơn giản, hiện tượng ẩm ướt nền nhà là do chênh lệch nhiệt độ (gradient nhiệt cao) giữa nền dưới và bề mặt trên nền làm hơi ẩm trong không khí ngưng tụ lại trên bề mặt nền nhà gây ẩm ướt.
Nếu bạn chuẩn bị xây nhà, hãy mặc ngay cho nền nhà một lớp áo giáp, giúp ngôi nhà của bạn sau này có "sức đề kháng" tuyệt vời trong những ngày trời nồm hay mưa gió ẩm ướt. Với nền nhà, bạn nên đào sâu xuống khoảng 15cm và rải đá dăm lên trên nền đất. Tiếp đó, dùng xi măng lát phẳng, để khô ráo, tiếp tục thêm một lớp nhựa đường dày dặn. Sau lớp nhựa đường, hãy lát thêm một lớp xi măng hoặc đá hoa lên trên. Với cách làm hơi cầu kỳ một chút, bạn sẽ không phải lo nền nhà bị ẩm ướt trong quãng thời gian sinh sống sau này.
Ngoài tạo nhiều lớp chống ẩm, bạn có thể xử lý theo quy trình do các kỹ sư Pháp truyền lại: Đào sâu nền nhà 50-75 cm (tùy khả năng đầu tư), san bằng nền đất, đổ cát vàng dày 35-45 cm, san bằng, sau đó đổ xỉ than 25-30 cm san bằng đều. Dùng dầm điện dầm đều nền, bổ sung thêm cát vàng vào lớp xỉ than này và tưới đều nước vào nền cho thật sũng ta sẽ tạo được lớp nền phân 2 lớp cát vàng ở dưới, xỉ than ở trên chắc chắn. Trước khi lát gạch nền trộn đều xi măng cát vàng khô (tỷ lệ như vữa xây) và trải đều 1 lớp cát vàng xi măng (dày khoảng 2 cm) lên nền xỉ than sau đó tráng một lớp vữa xi măng cát ướt (tỷ lệ xi măng: cát đen đã rửa sạch là 2:1) và chỉ việc dán gạch lát nền trên cùng.
Nếu đã xây nhà rồi, bạn lại cần đến một cách khắc phục khác, có thể đơn giản và nhanh chóng hơn. Đó là đặt ở góc phòng khoảng 10 kg vôi sống đã đựng trong thùng gỗ hoặc thùng giấy. Bạn chỉ nên mở thùng giấy đựng vôi khi thời tiết thật ẩm, khi nền nhà rất ướt để vôi có thể phát huy hết tác dụng của mình. Vôi sống là chất hút ẩm tốt nên có thể hút hết hơi ẩm trong phòng, làm cho phòng khô ráo. Bạn có thể thay thế vôi bằng than củi phơi khô khi trời ẩm ướt và nền nhà toát mồ hôi nhẹ. Bởi tác dụng hút ẩm của than củi không mang lại hiệu quả cao như vôi. Tuy nhiên, than củi lại có thể sử dụng nhiều lần. Khi sử dụng xong, bạn mang chúng ra phơi khô để dùng cho lần tiếp theo.
Theo các chuyên gia, nguyên tắc thiết kế sàn chống ngưng đọng nước (chống nồm) phải chọn các loại vật liệu phù hợp, đó là các vật liệu ốp lát mỏng như gạch men sứ, gỗ hoặc tấm lát bằng nhựa composit, vật liệu cách nhiệt nhẹ, gốm bọt.... Cần dùng vật liệu có quán tính nhiệt lớn để hạn chế đọng nước trên mặt sàn nhà. Các vật liệu lát phù hợp là gạch gốm nung có chiều dày nhỏ hơn hoặc bằng 10 mm, gạch men nhỏ hơn bằng 7 mm, vật liệu tấm nhựa nhỏ hơn hoặc bằng 5 mm, gỗ hoặc ván sàn nhỏ hơn hoặc bằng 15 mm. Kết hợp trải các loại thảm len, thảm đay, thảm cói (cần sấy khô vào những thời điểm có độ ẩm cao). Lớp vữa lót liên kết càng mỏng càng tốt. Nếu điều kiện cho phép, nên dùng keo liên kết để bỏ lớp vữa lót liên kết. Tiếp theo là lớp cách nhiệt cơ bản, có quán tính nhiệt nhỏ. Cần chọn vật liệu vừa chịu được tải trọng vừa có nhiệt trở lớn. Lớp chống thấm để bảo vệ lớp cách nhiệt khỏi ẩm do mao dẫn từ nền đất lên. 
Ngoài những cách mang tính kỹ thuật cao này, bạn có thể chăm chỉ thực hiện theo những cách thông thường trong những ngày trời nồm, như chăm lau chùi nhà bằng khăn khô, đóng cửa, bịt kín các kẽ hở càng kín càng tốt để hạn chế không khí ẩm vào nhà, mở máy điều hòa chế độ khô và máy hút ẩm để khử ẩm.
2. Cách chống ẩm cho tường nhà
Nếu chuẩn bị xây tường nhà, bạn có thể sử dụng cách phòng chống ẩm, chống thấm bằng cách: Xây tường bằng hỗn hợp 3 phần cát 1 phần xi măng, hoặc 4 phần cát 1 phần xi măng. Khi xây phải dùng bay miết mạnh để không còn khe hở. Vữa xi măng cát rất chóng khô và rắn chắc đảm đảm chống nước thấm từ bên ngoài vào trong. Khi trát tường cũng chỉ nên dùng loại vữa xi măng cát trộn nước vôi chứ không trộn vôi đặc. Sau khi trát tường được 20 ngày, có thể thực hiện bả matít hoặc sơn lót. Bả matít xong phải lau ướt hoặc làm sạch bụi bẩn rồi mới lăn sơn nước. Làm như vậy sơn sẽ bám chắc và có độ bền lâu, tránh tình trạng thấm nước làm hỏng sơn mốc tường.
Khi tường bị ẩm mốc, bạn có thể áp dụng biện pháp cắt nước mạch hồ vữa chân tường, các bước xử lý tuần tự thực hiện như sau: Đục tạo rãnh, quét một lớp vữa gốc xi măng, đây là loại vữa có tính năng độc đáo, nó có thể phát triển ninh kết trong các mao dẫn, các khe hở nhỏ, nhờ sự kích hoạt của nước, hay hơi ẩm. Sau đó trám lại bằng một hỗn hợp vữa, cát, xi măng được trộn thêm một liều lượng phụ gia nhất định, tạo nên một loại vữa có cường độ mà nước không có khả năng thẩm thấu qua được. Loại vữa hỗn hợp trên được trát trực tiếp lên bề mặt tường gạch, nhằm loại bỏ hoàn toàn những chỗ rỗng do thiếu vữa, nó đảm bảo rằng bề mặt đã bược phủ kín, có độ dày khoảng 0,5 cm. Quét 1 lớp vật liệu chống thấm gốc xi măng (công nghệ phát triển mạng tinh thể), nhằm củng cố và đảm bảo rằng: độ bền của hạng mục xử lý là vĩnh cửu. Tô vữa hoàn thiện, phục hồi lại mới như lúc ban đầu.
Tường nhà là nơi nếu thấm nước, ẩm mốc gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới sức khỏe nhất. Nếu chống thấm được bên ngoài rất tốt, nếu những vị trí tường liền kề không tô vữa được bên ngoài thì áp dụng chống thấm ngược bằng hóa chất thẩm thấu gốc Water Seal, cơ chế phản ứng vôi hóa bên trong vữa sẽ bít kín các lỗ mao rỗng, nứt chân chim, tạo thành một khối chống thấm bền vững. Ở nước ngoài hiện nay đa số sử dụng phương pháp phun dung dịch chống thấm Water Seal cho tường vữa, tường gạch. Với cơ chế phản ứng vôi hóa, Water Seal thẩm thấu sâu vào vật liệu và bịt kín tất cả các đường nứt nhỏ, các mao mạch rỗng. 
3. Cách chống ẩm cho trần nhà
Trần nhà và các bề mặt tường thường phải tiếp xúc trực tiếp với khí hậu khắc nghiệt, dễ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột gây nên hiện tượng co giãn, từ đó tạo ra vết nứt, thấm nước. Để hạn chế phần nào hiện tượng này, bạn nên sử dụng các biện pháp che chắn, giảm bức xạ cho tường nhà như lợp thêm một lớp mái che bằng tôn, ngói trên trần nhà. Ngoài ra nếu có điều kiện hãy trồng cây leo (như hoa giấy) kết hợp vòi phun nước ở mặt tường tiếp xúc hướng nắng nhiều để làm giảm ánh nắng trực tiếp rọi vào tường.
Trong xử lý chống thấm, có khoảng 50% liên quan đến đường ống cấp thoát nước. Chất lượng ống, quy cách thi công, xử lý mối nối... đều có thể sai sót gây thấm khó lường. Bên cạnh chọn đúng loại ống, thi công tốt, bạn nên định kỳ kiểm tra ống thoát nước trực tiếp từ trần nhà, ban công trước và sau mỗi trận mưa lớn để chắc chắn rằng miệng cống không bị tắc vì rác bẩn, bụi bặm. Đừng coi thường việc làm nhỏ này bởi trên thực tế đã có nhiều gia đình bị mốc tường chỉ vì ống thoát nước ở trần, ban công bị tắc mà không hề hay biết.
4. Cách chống ẩm cho đồ gỗ
Gỗ thường có các lỗ nhỏ li ti vì vậy chúng dễ dàng hút ẩm trong không khí và các mùi xung quanh nhất là đồ đã dùng lâu ngày hoặc cất trữ quá lâu trong nhà kho không dùng đến. Hãy dùng giấy nhám (còn gọi là giấy ráp) chùi hết lớp ẩm mốc bám bên ngoài đồ gỗ, sau đó dùng loại sơn bảo vệ chống ẩm sơn 2-3 lớp lên bề mặt gỗ. Lớp sơn này sẽ giúp chống lại nấm mốc.
Hoặc bạn có thể áp dụng cách khác, đó là sau khi đã tiến hành loại bỏ nấm mốc trên bề mặt gỗ, các bạn cần bảo quản đồ gỗ trong không gian khô ráo, thoáng mát tránh nấm mốc sinh sôi. Với những ngày nồm, độ ẩm lên tới 80>90%, các bạn nên sử dụng máy hút ẩm, đóng kín cửa phòng cho máy chạy trong một vài giờ... Với những chiếc tủ bằng gỗ, các bạn nên mua hạt chống ẩm chia thành từng gói nhỏ và bỏ vào các góc tủ.
5. Cách chống ẩm cho đồ điện
Với các thiết bị điện như TV, đầu đọc đĩa, amply, bếp từ, ấm đun nước… thường rất nhạy cảm với khí hậu ẩm thấp. Bởi vậy để khắc phục tình trạng này bạn cần cắm thiết bị liên tục ở chế độ chờ (standby), sẽ giúp nguồn điện trong máy liên tục hoạt động, sinh nhiệt, sấy thiết bị không bị ẩm. Bạn cũng nên duy trì mỗi ngày để dàn máy hoạt động một vài tiếng.
Ngoài ra, để tránh hiện tượng rò điện, bạn nên tránh kê trực tiếp tivi, điện thoại, máy tính, máy in xuống nền nhà hoặc kê sát vào tường. Nên đặt các thiết bị điện tử cao hơn mặt đất khoảng 1 m và cách tường 10 - 15 cm.
6. Cách chống ẩm cho quần áo
Tình trạng thời tiết ẩm mốc kéo dài, dễ khiến quần áo phơi rất lâu khô. Điều lưu ý đầu tiên, đó là bạn nên hạn chế giặt trong những ngày này. Nếu giặt thì phải đem phơi cho khô hẳn, đem là nóng hoặc sử dụng máy sấy để sấy thật khô ráo rồi mới cất vào tủ quần áo. Không nên hong quần áo bằng quạt vì sẽ chỉ khiến hơi nước ngưng tụ nhiều hơn. Ngoài ra, đừng quên cho vài viên chống ẩm vào tủ quần áo.
 
Lục Bảo
Nguồn ảnh: Isheatcool, Mnn
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Gửi người từng phản bội: Chỉ một lần quay đi, anh mãi mãi chẳng có đường quay trở lại!