Làm sao để tự vệ trước sự ‘toxic’ của mạng xã hội?
Cộng đồng mạng Việt Nam bất ngờ, ngỡ ngàng khi Microsoft công bố khảo sát xếp hạng Việt Nam thuộc top 5 nước hành xử kém văn minh trên internet vào năm 2020. Ngay dưới bài đăng đưa tin của Đài truyền hình Việt Nam, một tài khoản Facebook đã vào văng tục: “Thấp cái***, căn cứ vào đâu mà đánh giá chứ!” Đủ để thấy không gian trên mạng vốn không hề trong lành, sạch đẹp.
Phía sau bàn phím và chiếc avatar ảo, người ta tha hồ làm tổn thương người khác
Đây là điều mà chính bản thân tôi đã tự mình trải nghiệm. Vào buổi học cuối cùng khóa học vẽ, thầy dạy chúng tôi bảo các em đừng vội vàng đăng những sản phẩm của mình lên các hội nhóm, các bạn chưa đủ giỏi để làm điều đó đâu. Nhiều năm làm nghề và lẳng lặng quan sát, có lẽ anh ấy đã rút ra được lời khuyên như vậy dành cho những học viên của mình.
Bản thân tôi đã nhiều lần chứng kiến, có người chia sẻ bức vẽ của mình lên một hội nhóm có hàng triệu thành viên. Bên cạnh những comment tích cực, không ít người để lại bình luận gay gắt chỉ trích người vẽ sai kỹ thuật, “nhỏ axit vào mắt tao còn hơn phải xem bức tranh này”. Tôi không hiểu vì sao họ có thể buông lời ác ý như vậy chỉ vì người ta vẽ không đúng theo cái “kỹ thuật” mà họ nói. Trên mạng ai cũng thích thể hiện, và việc một ai đó có một bức vẽ đẹp theo cái nhìn của số đông – vốn không quá rành về kỹ thuật khiến họ cảm thấy khó chịu. Với những người mới chập chững học vẽ, tay nghề chưa vững, có lẽ sẽ sốc mà buông bút trước những bình luận khó ở như vậy.
Tôi cũng từng rất hay chia sẻ bài review về những bộ phim mình yêu thích và choáng ngợp trước sự quan tâm của cộng đồng mạng dành cho bài viết của mình. Đăng lên trang cá nhân thì chẳng ai quan tâm nhưng đăng vào group tôi có cả nghìn lượt thích. Thời gian đầu, tôi còn vào like, trả lời từng cái comment với sự nâng niu, trân trọng. Nhưng rồi những bình luận trái chiều bắt đầu xuất hiện. Họ bắt đầu công kích người viết là đi seeding dạo cho phim, chỉ vì người ta khen bộ phim mà họ ghét. Điều đó khiến tôi nản lòng và không muốn sẻ chia điều gì nữa.
Những người sáng tạo nội dung trên mạng hẳn rõ nhất cảm giác khi phải chịu đựng những comment ác ý, nếu bị ảnh hưởng bởi những gì người ta nói về mình, có khi họ đã nghỉ làm nội dung từ lâu rồi. Họ cố tỏ ra mình mạnh mẽ, bình thản nhưng chỉ bản thân họ mới biết họ thất vọng và tổn thương rất nhiều.
Trên mạng có hai kiểu người chiếm đa số, người công kích bạn và người thờ ơ với bạn, rất ít người thật lòng quan tâm đến bạn. Bạn chia sẻ càng nhiều thì càng dễ thất vọng.
Bạn đã bao giờ cảm thấy kiệt sức chưa?
Mỗi dịp có drama, nick của người người, nhà nhà lại sáng đèn suốt đêm. Dù biết ngày mai vẫn phải đi làm mà đêm nay vẫn phải thức đến 1, 2 giờ sáng hít lấy, hít để để sáng mai không trở thành người tối cổ. Lội hàng nghìn comment toàn những lời chửi bới, cãi vã, công kích lẫn nhau. Suy cho cùng, cộng đồng mạng – những kẻ ngoài cuộc thích lót dép hóng cũng chỉ để mua vui cho bản thân trong chốc lát giữa cuộc sống vốn đã quá nhiều áp lực.
Vào những ngày dịch bệnh tăng cao, giãn cách, phong tỏa, người ta kè kè chiếc điện thoại trên tay, F5 liên tục để cập nhật thông tin về số ca nhiễm mới, nơi nào đang bị phong tỏa, có gần khu của mình không. Thói quen thường xuyên lên mạng xã hội dường như đã ăn sâu vào lối sống của người Việt. Sáng mở mắt ra phải vớ ngay lấy cái điện thoại check Facebook, đọc tin tức. Tối đi ngủ vẫn còn cố lướt newsfeed, xem video Tiktok như cố tìm kiếm ít phút thư giãn sau một ngày mệt nhoài.
Sẽ đến lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, lo âu, stress mà tác nhân không nhỏ đến từ hành động lướt mạng xã hội, tiêu thụ tin tức vô tội vạ như vậy.
Hãy tự lập nên một hàng rào bảo vệ bản thân
Bên cạnh những tác động tiêu cực, chúng ta không thể phủ nhận lợi ích tuyệt vời mà mạng xã hội đem lại. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu kết nối online lại càng trở nên cấp thiết. Nhưng làm sao để duy trì việc sử dụng mạng xã hội mà vẫn bảo vệ bản thân tránh khỏi những tác nhân tiêu cực?
Trước hết, hãy giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội, bằng việc quy định một khoảng thời gian cụ thể trong một ngày, bạn sẽ dùng mạng xã hội có kiểm soát và tránh được việc lướt Facebook vô thức. Nếu bạn là người “nghiện” mạng xã hội lâu năm, rất khó để có thể điều chỉnh thói quen ngay lập tức. Hãy bắt đầu bằng việc sử dụng thêm những app hỗ trợ giúp bạn kiểm soát việc truy cập mạng xã hội. Mạnh tay hơn nữa, có thể nhờ bạn đổi mật khẩu tài khoản. Hãy dũng cảm cách ly mạng xã hội một khoảng thời gian và bạn sẽ nhận ra mình không hề bỏ lỡ điều gì cả.
Thường xuyên dọn dẹp Facebook của bạn bằng việc thẳng tay bỏ theo dõi những fanpage, bạn bè mang lại cho bạn cảm giác tiêu cực, từ việc chia sẻ những tin sốc, giật gân đến việc khoe khoang quá đà, kích hoạt trong lòng bạn sự đố kỵ vào so sánh.
Điều quan trọng, bạn hãy luôn là chính mình, tỉnh táo trước hiệu ứng đám đông và không dễ bị cuốn theo cảm xúc của đám đông trong một sự việc nào đó. Tự bạn là một người dùng mạng xã hội có ý thức phải biết chọn lọc thông tin để biết loại ra những tin xấu, tiêu cực, vô bổ.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất