Bạn không cần lúc nào cũng tỏ ra mình ổn, vì ai cũng có lúc 'không hạnh phúc như vẻ ngoài của họ'
Tin liên quan
Chúng ta có quyền được buồn không?
Có một lần tôi đăng lên blog một bài viết chia sẻ tâm trạng của mình. Blog thông thường như chốn riêng tư của mình tôi, không có nhiều người đọc và hầu như chẳng có ai comment bao giờ. Thế nhưng sau khi tôi đăng bài đó, tôi lại nhận được một comment của độc giả rằng bạn đã theo dõi tôi một thời gian, cũng đọc được những bài viết thú vị trên blog của tôi. Bạn cho rằng với một blogger thì ít nhiều những gì mình viết ra đều có ảnh hưởng đến người khác. Bạn cho rằng một bài viết thể hiện sự buồn bã, u ám thế này tôi không nên đăng vì sẽ có tác động tiêu cực đến người đọc, nhất là những bạn trẻ.
Tôi thở dài, quyết định xóa bài viết đó.
Sau này tôi lập ra một blog mới với mục đích ban đầu là chia sẻ những trải nghiệm, quan điểm và kiến thức của mình. Thỉnh thoảng tôi cũng có đăng những bài viết hay podcast chia sẻ về cảm xúc cá nhân, thường là những lúc tôi cảm thấy buồn bã, hoang mang, thất vọng. Không có độc giả nào comment bảo tôi đừng đăng những nội dung “tiêu cực” như vậy nữa, song một thời gian tôi đã gỡ xuống những bài viết đó. Chỉ là tôi cảm thấy những bài viết đó đã hoàn thành xong sứ mệnh của chúng rồi, đó là giúp tôi giải tỏa tâm trạng, thời điểm đó đã qua và hiện tại tôi không muốn mang nỗi buồn của mình ra phơi bày nữa. Tôi cũng tự đặt ra tiêu chí là sau này chỉ chia sẻ những thứ có ích, tích cực với người khác thôi. Còn tâm trạng của mình, mình sẽ giải tỏa bằng cách khác, ở nơi khác.
Những người trông có vẻ sống tốt, thì ra cũng có lúc họ không hạnh phúc như mình tưởng
Không hiểu sao thời gian gần đây, khi tôi lướt YouTube, Facebook lại được đề xuất những video của những vlogger tôi từng theo dõi, sau một thời gian dài tôi không còn cập nhật những nội dung mới nhất của họ nữa. Có thể vì mối quan tâm của tôi đã thay đổi, tôi tìm đến những vlogger mới và bỏ theo dõi những người cũ. Cũng có thể vì những vlogger cũ đã không còn cập nhật nội dung mới trong thời gian dài mà tôi cũng không để ý.
Trước đây tôi có theo dõi một vlogger Trung Quốc với những video hài hước về chú mèo Niệu Niệu của anh ấy. Niệu Niệu là “idol” giới trẻ, có khả năng “thao túng tâm lý” cộng đồng mạng Trung Quốc lẫn Việt Nam bằng sự cục súc nhưng không kém phần đáng yêu của mình. Nhưng công lao lớn nhất phải kể đến bố của Niệu, một vlogger đầy sáng tạo, yêu động vật, đã kiên nhẫn bắt lấy những khoảnh khắc độc nhất của mèo cưng và dày công biên tập thành những video hấp dẫn. Anh không phải là một vlogger lấy thú cưng của mình ra quay qua loa câu view rồi chèn quảng cáo. Mỗi video của bố Niệu đều chỉn chu, hấp dẫn bởi anh đã bỏ vào đó rất nhiều thời gian và chất xám.
Mèo Niệu nổi tiếng trong "ao hồ".
Bố con Niệu từng “mất tích” khỏi mạng xã hội một thời gian, sau này khi idol comeback, cộng đồng mạng mới biết gia đình họ đã trải qua nhiều chuyện đến thế. Chỉ trong một mùa hè, họ liên tiếp gặp vận xui, từ nhà bị bão đánh sập, phải chuyển nhà, bị cách ly, rồi mèo bị bệnh, bản thân bố Niệu cũng bị bệnh. Tất cả tạo nên một áp lực tâm lý lớn khiến bố Niệu có thời gian rơi vào trầm cảm. Anh bất lực đến nỗi phải cầu cứu đến cả những khía cạnh tâm linh như mời đạo sĩ đến xem phong thủy căn nhà. Những clip gần đây, bố Niệu bớt tấu hài hơn trước, giọng nói cũng buồn buồn, không có tiếng cười sảng khoái như mọi khi.
Một vlogger khác mà tôi từng theo dõi là bạn Cheri Hyeri, một người Hàn Quốc thông thạo tiếng Việt. Bạn là vlogger toàn thời gian và mới đây làm thêm mảng kinh doanh tự do. Sau gần 10 năm làm vlog, bạn đã gặt hái được những thành tựu như sở hữu kênh YouTube có hơn 1 triệu lượt theo dõi, kiếm được nhiều tiền, mua nhà, mua xe và có điều kiện đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. Nhưng sự thành công đó được đánh đổi bằng rất nhiều áp lực, mệt mỏi. Bạn phải đối mặt với sự ghen ghét, đố kị của những người khác, bạn bị coi thường, bị lợi dụng khi mới chân ướt chân ráo bước vào mảng kinh doanh. Cuối năm 2022 là thời điểm Hyeri kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, nhiều lần bạn đã cố xốc lại tinh thần, tự nhủ bản thân phải tập trung vào công việc, kiếm tiền và ra nội dung đều. Kết quả là bạn đã cho ra những video nhạt nhẽo, vô hồn, không cảm xúc. Trong một video gần đây, Hyeri đã một lần kể hết những góc khuất đó.
Hyeri chọn kể ra những góc khuất phía sau sự nổi tiếng và thành công của mình.
Hóa ra, những người trông có vẻ sống tốt cũng có lúc họ không hạnh phúc như mình tưởng. Những người làm ra những video giải trí, mua vui cho người khác nhưng bản thân họ lại nuốt nước mắt vào trong. Đời ai mà chẳng có những tâm sự buồn, chúng ta chỉ nhìn thấy những gì người khác muốn chúng ta thấy thôi. Họ là những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng, nhưng cũng có những lúc yếu lòng chẳng biết trút bỏ vào đâu. Gỡ xuống hình ảnh mà người khác thường thấy, họ chọn sống thật với lòng mình, chọn chia sẻ với những người theo dõi mình, mở lòng tâm sự với những người xa lạ lại dễ hơn nói với bạn bè, người thân.
Cuộc đời này vẫn đáng để chúng ta cố gắng
Tôi đã từng nghĩ rằng mình không nên làm lây lan cảm xúc tiêu cực, nếu không chia sẻ được điều gì có ích cho người khác thì tốt nhất là nên im lặng, đừng kéo người khác tụt cảm hứng theo mình. Tôi không muốn người ta thấy mình yếu đuối, tiêu cực rồi cười chê mình hoặc là thương hại mình. Nhưng tôi lại không cảm thấy thế khi đọc những dòng status hay xem những vlog người ta giãi bày tâm trạng, cảm xúc thật của mình. Tôi thấy đồng cảm với họ, thấy họ dũng cảm khi họ dám bày tỏ cảm xúc thật của mình mà không sợ người đời phán xét.
Dù sao họ cũng là người có tầm ảnh hưởng, có lượng người theo dõi nhất định, từng có những thành tựu gì đó rồi nên họ mới có “quyền” thể hiện sự yếu đuối của bản thân. Còn mình đã làm được gì đâu mà cũng “đòi” mệt mỏi, yếu đuối? Đó là những suy nghĩ rất sai lệch mà tôi tự áp lên bản thân, rồi cố gượng ép mình vào một lối sống “toxic positive” (tích cực độc hại). Ai cũng có quyền được buồn, được yếu đuối. Nhưng người ta thích nghe những người thành công kể về thất bại của mình hơn là nghe những người bình thường nói về thất bại của họ. Ai quan tâm đến nỗi buồn của một người bình thường? Chính vì người ta không dám sống thật giữa đời thật nên phim ảnh mới cuốn hút đến vậy, bởi nhân vật trên phim dám nói ra những ẩn ức mà người ta không bao giờ dám nói.
Đôi khi, bạn sẽ nhận ra rằng cuộc đời này đầy rẫy những khó khăn, đau khổ, ngày vui thì ít mà ngày buồn thì nhiều. Bạn muốn có cái gì, bạn phải đánh đổi bằng một cái giá tương xứng. Cuộc đời lên bổng xuống trầm, nay được, mai mất là chuyện hiển nhiên. Ai rồi cũng sẽ trải qua những điều đó cả thôi, phim cũng thế mà đời cũng vậy. Nhưng rồi, bạn sẽ nhận ra rằng cuộc đời này vẫn đáng để chúng ta cố gắng. Như cảnh cuối cùng trong bộ phim Se7en, khi mặt trời lặn, Sommerset đã nhắc lại câu nói của Ernest Hemingway: "Thế giới là một nơi tốt đẹp và đáng để đấu tranh” - Tôi đồng ý với vế thứ hai”.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất