Tuổi 20 dễ dàng hơn với 10 bài học cuộc sống này
Tin liên quan
The Present Writer (hay Chi Nguyễn) là một Tiến sĩ giáo dục, hiện đang giảng dạy tại một đại học ở Mỹ. Kênh YouTube của cô thường xuyên đăng tải các video chia sẻ kiến thức, kỹ năng học tập và bài học cuộc sống. Ở tuổi 34, cô có những lời khuyên đầy sâu sắc dành cho những người trẻ tuổi 20 đang hoang mang trước cuộc đời.
1. Thay đổi để tìm hiểu chính mình
Tuổi 20 được coi là tuổi trưởng thành nhưng kỳ thực ở tuổi này rất ít người biết chính xác mình là ai. Tính cách, phong cách và tầm nhìn của mỗi người vẫn chưa được định hình hoàn chỉnh. Bởi vậy chúng ta không nên tự đóng khung vào một khuôn mẫu nào đó. Dịu dàng hay hầm hố, “bánh bèo” hoặc tomboy; hãy thử mọi loại phong cách để tìm ra đâu là kiểu người chúng ta muốn trở thành. Bạn không thể biết mình là ai, mình muốn gì nếu chỉ ngồi im một chỗ và tưởng tượng. Đừng ngại thay đổi, vì thay đổi chính là cách để hoàn thiện bản thân.
2. Tích lũy vốn cá nhân
Nghe đến “vốn cá nhân”, có lẽ nhiều người sẽ lập tức nghĩ đến tiền bạc. Tiền đúng là một loại vốn, nhưng vốn cá nhân thì bao gồm nhiều hơn thế. Đó là những giá trị giúp nâng cao tầm vóc của một người.
Có nhiều cách để tích lũy vốn cá nhân. Con đường đầu tiên phải kể đến là học tập ở trường học. Học ở đây không chỉ có trên sách vở, bên cạnh việc đọc sách để tích cóp tri thức hàn lâm, vốn cá nhân còn được tích lũy thông qua các hoạt động của cá nhân ngoài xã hội, thông qua rút kinh nghiệm từ những người đi trước...
3. Học đi đôi với trải nghiệm
“Học” thôi chưa đủ, còn cần phải có “hành”. “Hành” là cách giúp bạn xác định con đường đang đi đã đúng hay chưa.
Bạn nghĩ rằng mình đã chọn đúng ngành học, nhưng khi bắt tay vào làm trong thực tế, bạn chợt nhận ra công việc của ngành này không như tưởng tượng. Vậy nên khi còn trẻ đừng ngại xông pha, phải trải nghiệm thật nhiều, chúng ta mới biết được con đường nào là phù hợp nhất với mình.
4. Đặt giá trị học hỏi lên trên tiền bạc
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của tiền bạc, tuy nhiên ở tuổi 20, chúng ta cần biết ưu tiên những giá trị học hỏi hơn. Gia sư, phục vụ quán ăn, chạy xe công nghệ, thậm chí là thực tập không lương, bất cứ công việc nào cũng đem lại những kiến thức và kỹ năng mà trường học không dạy.
Ai ra trường cũng hy vọng có được một công việc lương cao, nhưng cần hiểu rằng để có được mức lương như thế, bản thân bạn cũng phải có một năng lực tương xứng. Đó là thứ mà bạn có thể đạt được ở tuổi 20 nếu bản thân biết đặt giá trị học hỏi lên trên giá trị tiền bạc.
5. Chọn những mối quan hệ chất lượng
Trong chúng ta hẳn ai cũng có nỗi lo âu về ánh mắt của người khác, sợ bị soi mói, bị đánh giá, bị phán xét, thế là chúng ta tiêu tốn thời gian cho những mối quan hệ làng nhàng và những người không tôn trọng mình. Kết quả chúng ta không những không nhận về giá trị tốt đẹp nào mà còn lãng phí khoảng thời gian quý giá.
Tuổi trẻ không dài, bởi vậy phải biết ưu tiên và chọn lọc những mối quan hệ thật sự xứng đáng. Chất lượng bao giờ cũng tốt hơn số lượng.
6. Đừng quan trọng hóa thất bại
Albert Einstein từng nói: “Kẻ nào chưa từng mắc phải lỗi lầm là kẻ chưa bao giờ thử làm việc gì cả”.
Đừng quá đặt nặng vấn đề thất bại, vì điều đó chứng tỏ bạn đã dũng cảm bắt tay vào làm. Điều quan trọng không phải thành công hay thất bại, mà là bạn học được điều gì sau lần vấp ngã ấy.
Khi gặp chuyện không như ý muốn, đừng vội nản chí, thay vào đó hãy ngồi lại và tự tìm ra bài học cho bản thân.
7. Đừng để sự bất bình đẳng trong xã hội làm bạn chùn chước
Tuổi 20 là khi chúng ta ý thức rõ ràng về sự bất bình đẳng trong xã hội. Chúng ta nhận ra có những người sinh ra đã ở vạch đích, không cần nỗ lực cũng dễ dàng đạt được những thứ mà người bình thường dù có cày ngày cày đêm cũng chưa chắc có được.
Đối với vấn đề này chỉ có một cách giải quyết, đó là tin tưởng vào bản thân, không để những yếu tố bên ngoài làm bản thân chùn bước. Khi bạn đủ giỏi, bạn sẽ không cần lo lắng vị trí của mình bị thay thế. Hãy cứ tập trung vào bản thân, sử dụng năng lực cá nhân để chống lại sự bất bình đẳng của xã hội.
8. Tự định hướng
Trong thời đại thông tin bùng nổ ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng tìm được những cách giải quyết vấn đề chỉ bằng một cú click chuột. Chúng ta biết đến những câu trả lời của người khác nhưng lại không biết đâu là đáp án của cuộc đời mình.
Tự định hướng là một việc vô cùng quan trọng. Nếu bạn chưa biết mình là ai và mình muốn gì, hãy thử bắt đầu với mô hình Ikigai hoặc “Chính Bắc” để tìm ra con đường phù hợp với mình nhất.
9. Nghĩ về “sự nghiệp” thay vì “công việc”
Có nhiều người đi làm chỉ vì mục đích kiếm đủ tiền cho một ngày ba bữa, nhưng ở tuổi 20, hãy nghĩ nhiều hơn đến sự nghiệp của bản thân. Đừng làm mỗi thứ một ít, mà hãy biết chọn lọc những công việc tiệm cận với sự nghiệp trong mơ.
10. Đừng tuyệt đối hóa mọi thứ
Cuộc đời không tồn tại trắng đen rõ ràng, không có gì hoàn toàn đúng và cũng không có gì hoàn toàn sai. Ngay cả các nhà khoa học, các chuyên gia còn có những ý kiến không thống nhất. Bởi vậy mỗi người trẻ hãy tự tạo cho bản thân một tư duy mở, đón nhận mọi quan điểm khác biệt rồi từ đó lọc ra, chọn giữ lại những quan điểm mà bản thân cảm thấy phù hợp nhất.
Cuộc đời nằm trong tay mỗi người. Biết được những bài học trên, tuổi 20 của bạn sẽ dễ dàng và hạnh phúc hơn.
Vivian (Tổng hợp)/ Theo The Present Writer
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất