Mục tiêu năm mới: Bạn không cần làm tốt mọi việc mà chỉ cần làm đúng việc
Tin liên quan
Đầu năm mới, ai cũng hào hứng lên cả list những mục tiêu trong năm và rồi phần lớn từ bỏ khi bước qua năm mới được vài tuần, thậm chí vài ngày. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao năm mới đến rồi mà những mục tiêu của… năm kia bạn vẫn chưa kịp hoàn thành? Phải chăng bạn chưa biết cách đặt mục tiêu phù hợp?
Những suy nghĩ sai lầm cản trở bạn thành công
Bạn lập ra cả tá những việc muốn làm vì cho rằng mọi thứ đều quan trọng như nhau. Trên thực tế, chúng ta khó có thể công bằng với tất cả mọi việc. Luôn có những việc bạn cần ưu tiên hơn trong từng giai đoạn của cuộc đời và việc của bạn là phải tìm ra đúng việc bạn nên ưu tiên vào từng thời điểm.
Bạn tin rằng mình có thể làm được nhiều việc cùng lúc nhưng sự thật cơ chế hoạt động của bộ não người không giống như những cái máy. Não chỉ có khả năng tập trung trong một khoảng thời gian nhất định. Bị kẹp giữa hai việc, bạn sẽ mất thời gian để thay đổi sự tập trung vào việc mới. Làm nhiều việc cùng lúc, bạn sẽ phải trả giá bằng thời gian và hiệu quả. Các nhà nghiên cứu ước tính trung bình chúng ta mất 28% thời gian mỗi ngày thiếu hiệu quả do đa nhiệm mang lại.
Đừng hy sinh sức khỏe của bạn bằng cách làm quá nhiều việc. Không giống một cỗ máy, cơ thể bạn không thể tháo rời từng bộ phận để bảo trì và việc “sửa chữa” có thể rất tốn kém. Vì thế hãy quản lý năng lượng của bạn để có cuộc sống như bạn mong muốn.
Bạn muốn sống kỷ luật hơn nhưng việc duy trì kỷ luật khó hơn bạn nghĩ. Hãy thay kỷ luật bằng việc xây dựng hệ thống thói quen tốt, loại bỏ những thói quen xấu.
Nhiều người đề cao sức mạnh ý chí nhưng ít ai biết rằng ý chí là một loại tài nguyên hạn chế và bạn phải thật sự biết cách tiết kiệm ý chí của mình. Đừng phân tán ý chí của bạn, hãy để dành nó cho việc quan trọng nhất.
Càng ít càng tốt
Thay vì lên danh sách những việc muốn làm vào năm tới, bạn nghĩ sao nếu thay bằng danh sách những việc nên bỏ? Theo quy luật 80/20 thì 80% hiệu quả công việc được tạo ra bởi 20% những việc bạn làm trong ngày. Vậy nên, hãy tìm ra những việc mang lại hiệu quả cao nhất và loại bỏ những công việc không hiệu quả.
Bạn có thể lên danh sách những hoạt động chiếm nhiều thời gian của bạn nhưng không hiệu quả. Lập danh sách những hoạt động mà bạn thấy có ích hơn để thay thế. Thử thực hiện những hoạt động mà bạn mới thêm vào.
Hãy để điều quan trọng nhất định hướng cho bạn mỗi ngày. Thay vì bận rộn cả ngày với danh sách dài những việc cần làm, hãy để ý đến hiệu quả. Khi đã tìm ra những điều quan trọng, hãy tiến đến cực điểm hơn nữa bằng cách tìm ra điều quan trọng nhất. Nói “không” với bất cứ điều gì khác cho đến khi việc quan trọng nhất của bạn được thực hiện.
Nhiều người bận rộn suốt cả ngày không phải vì công việc của mình mà vì họ đã không biết cách nói “không”. Khi bạn nói “có” với điều gì đó, tức là bạn đang nói “không” với những thứ khác. Đừng để cái miệng của bạn trở thành gánh nặng cho cái lưng của bạn.
Mục tiêu - đặt sao cho đúng?
Hãy đặt những mục tiêu “thông minh”, cụ thể mục tiêu phải tuân theo các tiêu chí SMART (Specific - cụ thể, Measurable - đo lường được, Achievable - khả thi, Realistic - thực tế, Time-bound - thời hạn hoàn thành). Nếu thiếu bất kỳ một trong những yếu tố kể trên thì đó không phải là một mục tiêu phù hợp. Ngay cả với những mục tiêu không định lượng thì bạn cũng cần đưa ra một tiêu chí nào đó để có thể đánh giá hiệu quả.
Đừng đặt những mục tiêu tầm thường nhưng cũng tránh những mục tiêu vượt quá tầm với kẻo sẽ mất hứng thú trước khi bắt đầu. Hãy đặt ra những mục tiêu đủ thử thách để bạn phải thật sự nỗ lực và phát triển bản thân.
Michelangelo đã nói: “Điều nguy hiểm hơn đối với mỗi chúng ta không phải là đặt mục tiêu quá cao để rồi thất bại, mà là đặt mục tiêu quá thấp và dễ dàng đạt được mục tiêu.”
Cách tốt nhất để tận hưởng cuộc sống là hoàn thành hoàn thành một mục tiêu, đồng thời bắt đầu thực hiện mục tiêu tiếp theo. Nếu bạn chưa từng đặt ra những mục tiêu dài hạn, bạn nên bắt đầu nghĩ về những điều bạn muốn làm được trong vòng từ 1 đến 10 năm tới. Những mục tiêu ngắn hạn cần từ 1 ngày đến 1 năm để hoàn thành và nó phải gắn kết với những mục tiêu dài hạn.
Bạn cần thường xuyên xem lại và đánh giá những mục tiêu của mình. Có những mục tiêu không còn phù hợp với hiện tại, có thể điều chỉnh hoặc thay thế bằng mục tiêu khác. Giá trị của việc đặt mục tiêu không nằm ở việc bạn phải hoàn thành chúng mà để bạn trở thành người có đủ phẩm chất đạt được mục tiêu đó. Khi bạn thành công, giá trị lớn nhất bạn có được là kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và những phẩm chất bạn đã rèn luyện trong quá trình chinh phục mục tiêu.
Bạn càng chinh phục những mục tiêu của mình, càng nhiều cơ hội mới sẽ mở ra. Hãy khao khát và bạn sẽ nhận được điều bạn muốn.
Năm mới đến, chúc bạn sẽ trở thành phiên bản tuyệt vời hơn của chính mình.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất