Lý do tệ nhất khi kết thúc một cuộc tình: Vì mẹ anh bắt chia tay
Tin liên quan
Khi yêu thì không cần lý do, còn khi đã hết yêu người ta sẽ tìm cớ
Hit mới của Miu Lê ngay khi mới ra mắt đã leo thẳng lên top trending không chỉ bởi giai điệu cuốn hút, MV hấp dẫn mà còn bởi nội dung “gãi đúng chỗ ngứa” của nhiều chị em. Không lòng vòng, chủ đề chính của bài hát nằm ngay ở tiêu đề Vì mẹ anh bắt chia tay. Đây là lý do tan vỡ của nhiều cặp đôi nhưng ít được khai thác một cách thực tế và phũ phàng như trong sáng tác của Châu Đăng Khoa.
Trên mạng xã hội, nhiều người trẻ đã thảo luận sôi nổi về chủ đề này. Thời nào rồi mà còn có chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Đường đường là một người đàn ông mà lại thốt lên một lý do rất nực cười “vì mẹ anh bắt chia tay”. Chẳng lẽ lớn rồi mà mẹ bảo gì cũng nghe, đến hạnh phúc của đời mình cũng không thể tự quyết định được?
Đúng là khi yêu thì không cần lý do, còn khi đã kết thúc người ta sẽ tìm cớ, dù cái cớ có thể xàm đến đâu người ta cũng có thể nghĩ ra được. Tội nghiệp nhiều cô gái, đã bị người yêu đá, lại còn với một lý do rất trời ơi đất hỡi. Nếu một người đàn ông chia tay bạn gái vì lý do mẹ anh ta bắt phải làm thế thì lý do thật sự phía sau có thể không chỉ đơn giản như thế.
Một là cha mẹ anh ta phản đối thật và anh ta cũng không dám phản kháng, không dám đấu tranh để bảo vệ tình yêu của mình mà chỉ biết răm rắp nghe theo. Đây chính là kiểu đàn ông “mommy boy” điển hình.
Hai là anh ta thật sự muốn chia tay nên tìm đại một lý do. Có một số kiểu lý do kinh điển như “chúng ta không hợp nhau”, “anh muốn phấn đấu cho sự nghiệp”, “em xứng đáng với một người tốt hơn anh”,... Đó chính là biểu hiện của sự lươn lẹo bởi lý do thật sự phía sau có thể là “anh chán em rồi” hay “anh yêu người khác rồi”. Nhưng bằng việc vẽ ra một lý do thật cao thượng, anh ta vẫn vào vai trai tốt. Còn lý do “vì mẹ anh bắt chia tay” không chỉ thể hiện sự hèn yếu, bạc nhược của một người đàn ông mà ở đây anh ta còn ném “vai ác” cho người mẹ vì không muốn bị xem là kẻ phũ phàng, tệ bạc.
Là phụ nữ, hãy yêu một người đàn ông chứ đừng yêu nhầm “mommy boy”
Mommy boy (hay mother’s boy, mama’s boy) có thể hiểu là “con trai cưng của mẹ”. Đây là từ dùng để chỉ một người đàn ông phụ thuộc quá mức vào người mẹ, dù đã đến tuổi trưởng thành, tự lập. Những mommy boy có thể yếu đuối hoặc mang tính nữ, có thể gặp một số rối loạn nhân cách như rối loạn nhân cách tránh né và để người mẹ phải đóng vai người nuôi nấng, chăm sóc.
Việc gắn bó và phụ thuộc quá mức vào mẹ được xem là dấu hiệu của sự yếu đuối và bị xã hội kỳ thị ở nhiều nơi, tuy nhiên ở một số nơi, nó vẫn được chấp nhận hoặc coi là bình thường. Một mommy boy thường trao quyền kiểm soát cuộc đời mình cho người mẹ. Ngay cả việc lựa chọn bạn đời, họ có thể sẵn sàng chia tay bạn gái nếu mẹ không đồng ý. Nếu anh ta có cưới vợ thì cũng chỉ như có thêm một người mẹ nữa mà thôi.
Là con gái, ai cũng muốn được che chở, bảo vệ, lại vớ ngay phải một gã trẻ con to xác thích được nuông chiều, kết cục rồi sẽ ra sao?
Yêu một mommy boy, là chưa đẻ nhưng vẫn phải làm “mẹ”, mà kẻ đó chẳng biết bao giờ mới chịu lớn. Khi bạn cần một bờ vai để tựa vào, có khi anh ta còn đang gối đầu lên đùi bạn nằm xem bóng đá. Bạn giận dỗi bảo anh ta đi đi, anh ta bèn đi thật. Khi bạn ốm, anh ta cũng chỉ biết nhắn em nhớ nghỉ ngơi, ăn cơm, uống thuốc. Anh ta chẳng bao giờ có mặt đúng lúc bạn cần. Việc to nhỏ gì cũng do mình bạn quyết định, những từ như “trưởng thành”, “trách nhiệm” không có trong từ điển của anh ta. Một mommy boy cũng có thể yêu bạn, nhưng đó là một tình yêu gây mệt mỏi. Anh ta chẳng bao giờ mang đến cho bạn cảm giác an toàn.
Anh Thanh trong Sống chung với mẹ chồng là điển hình của một mommy boy được mẹ bao bọc từ trong trứng. Đi sắm đồ chuẩn bị đám cưới, mẹ cũng lẽo đẽo theo cùng, cần gì thì bảo mẹ chi. Đêm tân hôn, mẹ phục kích tận phòng của hai vợ chồng. Lấy vợ rồi nhưng việc gì Thanh cũng nghe theo mẹ, không có chính kiến. Đứng giữa mâu thuẫn giữa mẹ và vợ, anh ta chỉ biết nhăn nhó với câu cửa miệng “Thôi mà em!”, thậm chí còn nghe lời mẹ mà “đi đường quyền” với vợ. Lấy một mommy boy như vậy, kết cục chỉ có thể là ly hôn, không sớm thì muộn.
Dù với lý do gì thì một khi đàn ông chủ động buông tay, phụ nữ cũng không cần phải níu kéo bằng mọi giá
Thực ra hợp tan là chuyện thường ở đời. Đâu có mấy ai trọn đời trọn kiếp chỉ yêu có một người. Chia tay là chuyện vẫn thường xảy ra trong tình yêu. Có điều cách kết thúc như thế nào để thể hiện sự văn minh và tôn trọng đối phương. Có những cặp đôi sau chia tay vẫn giữ được mối quan hệ tốt, bởi vì họ không viện những cái cớ tào lao như “mẹ anh bắt chia tay”.
Cũng phải nhìn từ nhiều góc độ để thừa nhận rằng không phải tự nhiên mà cha mẹ lại phản đối mối quan hệ của đôi trẻ. Là bố mẹ, ai cũng muốn con cái yên bề gia thất, sinh con đẻ cái, thế nên việc họ phản đối chắc hẳn phải có lý do gì đó. Có thể nhiều người xem trọng việc môn đăng hộ đối, xuất thân, học thức, địa vị của con dâu tương lai. Có người lại phân biệt vùng miền, dân tộc. Có người không hài lòng vì sự vụng về hay cách cư xử chưa khéo léo của cô gái.
Tùy vào lý do mà cặp đôi có thể cân nhắc xem có thể thay đổi hoặc thuyết phục cha mẹ được không. Bởi lấy chồng là phải gánh cả giang sơn nhà chồng, nếu ngay từ “vòng gửi xe” đã không lọt mắt xanh của phụ huynh thì cưới nhau về sẽ rất khó sống yên ổn, hạnh phúc.
Chuyện tình cảm là chuyện của hai người, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về cả hai. Một người đàn ông thật sự yêu thương và trân trọng bạn gái mình, sẽ cùng cô ấy vượt qua khó khăn, thuyết phục cha mẹ chứ không coi sự phản đối của gia đình là cái cớ để chia tay. Dù với lý do gì đi chăng nữa thì một người đàn ông đã chủ động buông bỏ, phụ nữ cũng không nên níu kéo bằng mọi giá làm gì. Tình cảm không phải là thứ có thể cưỡng cầu.
Hằng Nga
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất