Ngày 20/11 tri ân... người yêu cũ: Ta có 'bài học' gì từ những lần chia tay?

Vy Cầm 2022-11-20 08:00
- “Bạn ơi, người đó đã trả lại cuộc đời bạn cho chính bạn rồi đó. Trong bạn còn rất nhiều giá trị, rồi bạn sẽ đứng vững được trên cuộc đời này” - thiền sư Minh Niệm.

“Người ta khổ vì thương không phải cách”

Khác với thời “ông bà anh”, tình yêu ngày nay có hạn định ngắn ngủi và mong manh hơn nhiều. Mỗi ngày trôi qua lại có thêm không ít cặp đôi lựa chọn đường ai nấy đi dù đã từng rất yêu. Có người chia tay vì không vượt qua nổi định kiến của gia đình, vì sự bất an khi thấy người kia không toàn tâm toàn ý, vì người thứ ba, hay cũng có cặp đôi ly tan sau những xung đột không thể dung hoà giữa những “cái tôi” ngất ngưởng. Vì sao chúng ta lại kém cỏi trong việc xây dựng các mối quan hệ lâu dài như vậy?

Nhiều người trẻ truyền tai câu bông đùa có phần chua xót: “Yêu vào là khổ. Không muốn khổ thì tốt nhất đừng yêu!”. Ấy nhưng từ thời thư tình còn được gửi đi trong bom rơi đạn lạc, nhà thơ Xuân Diệu đã sớm phát hiện ra lý do khiến tình yêu vụn vỡ: “Người ta khổ vì thương không phải cách. Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người”.

Học được gì từ những lần chia tay?

Vì sao chúng ta lại kém cỏi trong việc xây dựng các mối quan hệ lâu dài như vậy? Ảnh: Unsplash.

Những lý do “thương không phải cách” dưới đây có thể tháo gỡ phần nào cho nỗi niềm trăn trở vì sao tình yêu sớm phai màu:

Từ tâm thế tò mò háo hức chuyển sang sự đòi hỏi

Đời thật đẹp khi mới yêu. Ta chỉ có một khát khao được khám phá mọi ngóc ngách trong cuộc sống của người ấy. Mỗi ngày ta lại thấy ở họ thêm một điều thú vị, sao mà cuốn hút, lịch thiệp, quyến rũ, nội tâm sâu sắc biết bao! Thế nhưng thời gian chảy trôi, tâm thế tò mò thường sẽ dần nhường chỗ cho sự kỳ vọng. Thay vì hào hứng đón nhận đối phương, ta lại mong sự đảm bảo và trách nhiệm hơn cả. Khi câu hỏi “Anh/em là ai?” được thay thế bằng “Anh/em có gì cho tôi?”, mối quan hệ đã mất vui và chúng ta… thấy chán.

Đã từng yêu thuần khiết là vậy, thế nhưng cũng nhiều khi ta coi tình yêu như một trận cờ ganh đua thắng bại. Đi được một nước lại thêm hai nước. Đòi hỏi được là đòi hỏi. Người ấy không chỉ còn là người ta yêu, mà còn được coi như một sự bảo đảm vững chắc cho cả phần đời còn lại của ta. Nhìn quanh mạng xã hội ai cũng có cuộc sống sung túc, ta vội quay sang trách họ để mình phải thua kém bạn bè. Ta những tưởng khi nửa kia có được những phẩm chất mà người yêu/chồng/vợ “nhà người ta” có, thì ta ắt sẽ hạnh phúc hơn. Tâm thức xã hội chạy theo hình thức và khoe khoang đã và đang dần bóp nghẹt lấy những tình yêu vẫn còn trong trứng nước.

Khi sự kì vọng và đòi hỏi bắt đầu, chúng ta đang tự gieo cho mình sự nghi ngờ về bản thân và sự thất vọng về người khác. Cảm giác bất an rằng mình không thể “đặt cược tất cả” vào người này, ta tự xây một bức tường trong lòng mình và đối phương cũng vậy. Cả hai vắt kiệt nhau vì những mong cầu đến từ bên ngoài, tâm hồn sẽ trở nên ngày một xa cách.

Bạn có nhớ cảm giác khi nuôi một con mèo? Bạn cưng chiều nó chẳng vì điều gì cả, chỉ cần nó là nó thôi đã đủ đáng yêu rồi.

Sao chúng ta không thể yêu người như yêu một con mèo?

Ai cũng mong muốn được yêu khi họ là chính mình, không phải trở thành một ai khác mới xứng đáng được yêu thương. Bạn cũng vậy, người ta cũng vậy.  

Muốn tình yêu bền đẹp, hãy giữ tâm thế hiếu kỳ “Anh/em là ai?” – nghĩa là nhìn nhau trong sự vận động và phát triển, thay vì kỳ vọng áp đặt “Anh/em chỉ thế thôi sao?!”.

Vì ta yêu như một kẻ ăn mày

Rất nhiều người yêu theo cách của một kẻ ăn mày. Nghĩa là sống trong vật vờ thiếu thốn, chờ đợi người khác mang tình yêu đến cho mình. Họ như một kẻ đi xin tình: “Ai có tình yêu cho tôi với! Tôi cần tình yêu!”. Chỉ cần một ai đó bỏ một xu vào chiếc bát xin ăn của họ, họ tức thì mừng rỡ: “Anh thật tuyệt vời!”. Rồi khi người kia bỏ đi, họ đau đớn buồn khổ và lại rên rỉ: “Ai có tình yêu cho tôi với!”.

Nhiều khi ta “đói khát”, vật vã bằng mọi giá đi tìm cho mình thứ tình yêu bên ngoài. Hôm nay được cho sẽ vội nhai “ngấu nghiến”, ngày mai không có lại phải đi xin tiếp. Với tâm thế này, kể cả đang cô đơn hay đã yêu được một người, ta vẫn luôn luôn “đói”. Khi được đối phương yêu chiều quan tâm, ta thấy đủ. Nhưng khi họ lỡ vô tâm một lần, làm điều trái ý, không hiểu nhau, ta lại quay về thiếu thốn cùng cực. Ta đòi hỏi họ phải chữa lành những vết thương lòng mình bấy lâu nay, dù đó chỉ là trách nhiệm của riêng một mình ta. Ta quấn chặt, bám dính vào họ không dám rời nửa bước, đến mức khiến người ta ngộp thở. Bởi thiếu vắng họ, ta không còn thấy giá trị của chính mình. 

Trước khi yêu ta vốn đã đói khát, yêu vào ta vẫn tiếp tục đói khát. Khi người đó bỏ đi, ta thấy đất trời như đổ sụp, cuộc đời vô nghĩa.

Người đi một nửa hồn tôi chết. Một nửa hồn kia bỗng dại khờ” – Hàn Mặc Tử có lẽ cũng thuộc tuýp người yêu theo cách của một kẻ ăn xin. Thật ra chẳng ai có thể trao ai nửa cuộc đời mình. Chỉ là ta đã phó mặc một nửa đời mình phụ thuộc theo cảm xúc của đối phương, để khi họ rời đi ta chới với mà ngã quỵ. Sau một thời gian dài khi vết thương lành lại, ta sẽ lại tiếp tục: “Ai có tình yêu cho tôi xin với!”.

Nhìn xem, tình yêu vẫn luôn ở đây, bên trong bạn, bên trong những người thân yêu của bạn, trong chú chó nhỏ vẫy đuôi, trong em bé bi bô tập nói, trong anh shipper nhễ nhại mồ hôi đưa đồ cho bạn vẫn nhoẻn miệng cười. Tình yêu - cảm giác lâng lâng dễ chịu ấy vẫn luôn có sẵn trong cuộc sống, dù người đó có xuất hiện hay không cũng đều vậy cả. Chỉ là đôi khi ta quên mất, và sự có mặt của người kia chỉ để đánh thức cho ta biết đời ta thương yêu vẫn tràn đầy.

Học được gì từ những lần chia tay?

Hoài nghi và tâm lý ghen tuông, đề phòng

Trong cuộc sống, sự nghi ngờ đôi khi là thái độ rất cần thiết. Những điều xảy ra trước mắt chúng ta không nên tin tưởng tuyệt đối, nên hơn cả là tự nghi vấn rồi xông pha đi tìm cho ra câu trả lời đúng đắn. Song giữa đời sống có quá nhiều thị phi trên mặt báo hàng ngày, drama “trà xanh” hay “lòng xào dưa” không hồi kết khiến ta dễ hình thành thói quen cảnh giác quá mức, thậm chí với chính người mình yêu thương.

Nhất là những trái tim từng bị phản bội hay lừa dối một lần sẽ càng không dễ đặt lòng tin nơi người khác. Trong khi sự thực là không ai giống hệt ai, không chuyện nào giống hệt chuyện nào.

Tâm lý nghi ngờ nếu đi quá xa sẽ khiến người ta có những hành động sai lầm như lén phá mật khẩu để đăng nhập vào điện thoại của người kia, lục soát các hòm mail, tin nhắn mạng xã hội,... Dù người kia thực lòng tử tế và không có một dấu hiệu nào đáng nghi, ta vẫn không thể thoát ra tâm lý đề phòng của mình bởi “thà nghi lầm còn hơn tin lỡ”. Và hệ quả của nó chính là một tình yêu rạn nứt, sớm ngày cũng sẽ vỡ tan vì niềm tin đã không còn ở đó.

Ghen tuông mù quáng là bởi ta đặt cuộc sống của mình vào những yếu tố bên ngoài, lo sợ nghịch cảnh ập tới mình sẽ không sống nổi. Một người khi có nội lực đủ vững vàng sẽ không sợ người khác làm điều xấu sau lưng. Bởi họ tin, mình có đủ khả năng bình tâm đối diện trước mọi biến động cuộc đời.

Sau chia tay, ta được gì từ những khổ đau?

Đối diện với sự kết thúc luôn là điều không dễ dàng với bất cứ ai. Đừng ép mình phải “ổn”, phải “vui vẻ” ngay lập tức. Đau khổ sau chia tay là điều bình thường, vui vẻ phấn chấn mới là bất thường. Hãy cho mình thời gian để “xả” cảm xúc bằng nhiều cách như viết xuống, khóc một trận đã đời, tâm sự với một người bạn thân thiết, tập luyện một bộ môn mới (tập luyện sẽ giúp chúng ta giải phóng hormone endorphins mang lại cảm giác hạnh phúc),...

Học được gì từ những lần chia tay?

Dù có thể hơi "khó nghe", nhưng con người mà ta vừa chia ly ấy, đoạn tình cảm ấy, những khổ đau ấy đều xứng đáng được biết ơn, trân quý. Ít nhất, sự xuất hiện của họ đã cho ta thêm kinh nghiệm sống và đồng hành cùng một người khác. Đâu chỉ mình ta mất mát, họ cũng đã hy sinh một phần đời của họ cho ta, hành trình ở bên họ ta cũng nhận được rất nhiều giá trị.

Khổ đau còn giúp khả năng chịu đựng của mỗi người thêm mạnh mẽ. Nếu như không bị lừa dối, ta sẽ không biết rằng bên trong mình còn có một “đứa bé” dễ bị tổn thương. Nếu không bị bỏ rơi, ta sẽ không nhìn ra sự dựa dẫm đầy yếu đuối của bản thân trong suốt quãng thời gian bên người. Ta thấy được những nỗi sợ sâu thẳm trong mình đã góp phần tạo nên đau khổ và nhờ đó, điều chỉnh lại tâm thế và cách sống vững chãi hơn.

Để tìm lại sự bình an sau chia tay, thiền sư Minh Niệm đã đưa ra lời khuyên như vậy trong một tập podcast:

Bạn ơi, người đó đã trả lại cuộc đời bạn cho chính bạn rồi đó.

Trong hành trình yêu thương, bạn đã lao theo người đó, có thể bạn đã bỏ rơi chính mình từ rất lâu rồi. Bạn đã không đủ thương yêu bản thân mình, bạn đã không đủ tự do để sống hết đam mê của mình. Người đó không còn xem bạn là “số một” trong cuộc đời họ, không có nghĩa bạn sẽ không phải là “số một” của những người còn lại.

Người đó rời khỏi cuộc đời bạn vì họ không có khả năng tiếp tục chăm sóc khu vườn tâm hồn của bạn. Người đó trao lại chủ quyền đó cho bạn, có thể bạn sẽ chới với, khó chấp nhận vì vốn đã quen trao quyền cho họ bao lâu nay. Nhưng bạn biết không, cuộc đời này của bạn là của bạn. Bạn là người làm chủ nó, và bạn được quyền thiết kế nó theo bất kỳ kiểu nào bạn muốn.

Học được gì từ những lần chia tay?

Rồi bạn sẽ nhận ra rằng, người yêu thương mình nhất trên cuộc đời này không nhất thiết phải là một ai đó, mà phải là chính bản thân mình. Người đó nếu có yêu thương mình nhất trên đời, thì họ cũng phải thương chính họ nhiều hơn nữa. Hai người phải cùng thương yêu cuộc đời trước, đến với nhau để cùng chia sẻ, thì mối liên hệ đó mới có thể vững bền. Còn nếu một bên “lao” qua một bên để giao cuộc đời mình cho người kia, để người kia chịu trách nhiệm cho đời mình - thường nguy cơ đổ vỡ sẽ rất cao. Vì thực tế không ai làm được điều đó cả.

Khi người đó trả cuộc đời bạn lại cho bạn, có lẽ bạn nên biết ơn họ vì đã đúng lúc bạn cần tiếp nhận lại cuộc đời mình để chăm sóc. Vì suy cho cùng, có ai hiểu cuộc đời mình bằng chính mình, có ai thương mình bằng chính mình đâu?

Trong bạn còn rất nhiều giá trị, rồi bạn sẽ đứng vững được trên cuộc đời này”.

Người đời cho rằng có hai kiểu nhân duyên: thuận duyên là duyên lành, còn nghịch duyên là nhân duyên xấu. Thực ra bản chất của chữ duyên không có tốt hay xấu, thuận hay nghịch. Nhân duyên khởi tạo là nhờ sự tương thích giữa các tần số năng lượng mà thôi.

Ai cũng mong mình gặp được thuận duyên và khó chịu tránh né trước những nghịch duyên. Nhưng không hẳn thuận duyên lúc nào cũng tốt, đôi khi nó khiến ta dễ yếu đuối. Và cũng không hẳn nghịch duyên lúc nào cũng đáng sợ, đôi khi nó mang lại sự trưởng thành. Tuỳ thuộc vào thái độ sống của chúng ta, có những thuận duyên khởi tạo ban đầu sau này lại trở thành nghịch duyên và ngược lại, có những nghịch duyên của hiện tại lại có thể chuyển hoá thành thuận duyên của mai này.

Cũng như thiền sư Minh Niệm đã nói, khi bạn đủ vững chãi trên cuộc đời này và tự biết chăm bón cho khu vườn tâm hồn của mình thêm tươi tốt, bạn sẽ không còn quá quan trọng những yếu tố hay con người bên ngoài. Thư thái và tự tại, thuận duyên hay nghịch duyên đều được cả.

Tình yêu có thật sự hiện hữu hay không là tùy thuộc vào bản lĩnh và độ rộng rãi của trái tim mỗi người. Bí quyết là ta nên tỉnh táo nhìn ra mình trong mối quan hệ, nhìn thấy những phản chiếu của chính mình trong người đó, và thương người - thương mình sao cho đúng cách hơn.

Vy Cầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Nếu tim vẫn đầy thương tổn, đừng nên vội vã kiếm tìm tình yêu