Ảnh: Những người mang căn bệnh thế kỷ vẫn sẵn sàng "bán thân"

Hạnh Nguyên Mai 2014-11-05 21:02
- (Em đẹp) - Họ là những người nghiện mang trong mình căn bệnh thế kỷ đang vật lộn để sống nốt những ngày cuối đời khó khăn và bệnh tật.
Đầu những năm 80, tại những thành phố nhỏ ở phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tệ nạn ma túy trở thành nỗi ám ảnh. Theo sau đó, những năm 90 đại dịch HIV bắt đầu hoành hành ở khu vực này. Nguồn tài nguyên có thể khai thác trong khu vực ngày một khan hiếm, khiến cho một số lượng lớn công nhân thất nghiệp tìm đến ma túy. Trong số đó có một bộ phận những con nghiện nữ, bất chấp nguy cơ lây nhiễm HIV, vẫn chọn con đường "bán thân" để có tiền mua thuốc khiến cho HIV không ngừng gia tăng.

Cùng tận thấy cuộc sống của những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng vẫn "bán thân":


Thành phố Cá Cựu ở phía Nam tỉnh Vân Nam là khu vực có số lượng mỏ khai thác thiếc lớn nhất thế giới và được mệnh danh là "làng công nhân". Vào những năm 1953, việc khai thác quặng thiếc đã đem lại nguồn lợi khổng lồ cho những người dân ở đây. Tuy nhiên, gần 60 năm qua đi, ngày hôm nay "làng công nhân" đang phải gánh chịu những vấn đề như: nghiện ngập, HIV bao phủ lên những mỏ khai thác bỏ hoang.


Một tòa nhà bỏ hoang ở Cá Cựu, địa điểm tập kết của những con nghiện. Đầu những năm 90, ma túy, heroin như một đại dịch quét qua thành phố này. Rất nhiều những người trẻ tuổi vốn chân chất, thật thà tìm đến với ma túy để rồi mang trong mình căn bệnh thế kỷ.


Trong một con hẻm nhỏ ở Cá Cựu, một "gái bán hoa" đang đứng đợi khách. Họ đi khách với giá từ 10 Nhân dân tệ (khoảng 30.000 đồng) đến 60 Nhân dân tệ (khoảng 200.000 đồng) để có tiền mua thuốc phiện.


Hai con nghiện đang chích thuốc, công an ở khu vực này coi đây là những hình ảnh quen thuộc hàng ngày. Chích thuốc là hình thức được các con nghiện sử dụng nhiều nhất. Khi lên cơn nghiện thì việc sử dụng chung bơm kim tiêm với "bạn nghiện" là điều rất bình thường. Đây chính là lý do chủ yếu khiến đại dịch HIV có cơ hội bùng phát ở đây.


Trên một bức tường trong một nhà vệ sinh công cộng ở Cá Cựu gắn đầy những kim tiêm đã được các con nghiện sử dụng qua.

Một trong những "phố đèn đỏ" nổi tiếng nhất ở Cá Cựu. Mặc dù dưới sức ép của báo giới, hoạt động mua bán mại dâm ở đây không còn diễn ra công khai, tuy nhiên ở đây vẫn tồn tại những quán karaoke mại dâm trá hình.


Thịnh Tiểu Ni đã có một quãng thời gian dài làm gái và nghiện hút. Trên cơ thể cô là vô vàn những vết sẹo do tiêm chích, thậm chí đến ven ở mạch máu trên người cũng không thể nhìn thấy được nữa. Mỗi ngày cô phải chích 3 lần vào sáng, chiều và tối, số tiền kiếm được nhờ việc bán thân đều dùng để mua thuốc.

Đặng Ly - 41 tuổi đã có 10 năm nghiện hút, mặc dù mỗi ngày đều sử dụng methadone để cai nghiện nhưng có những lúc lên cơn nghiện cô vẫn chích ma túy.


Bạn trai của Đặng Ly cũng là một con nghiện, hai người yêu nhau đã được 5 năm. Bạn trai cô bị dị tật ở chân nên mọi việc trong nhà đều do Đặng Ly lo liệu. Trên đường đi chợ qua một cửa hàng quần áo, cô nói: “Đã 10 năm rồi, tôi không mua quần áo mới”.


Nghiện ngập cùng với HIV đang từng ngày tán phá cơ thể Tiểu Quyên. Nhìn cô, người ta thường tưởng là một người phụ nữ 60 tuổi bệnh tật chứ không phải 42 tuổi như tuổi thật. Đôi mắt đục, lờ đờ, quầng mắt sưng mọng, da xám, môi nứt nẻ. Để có tiền hút, cô đi khách với giá 30 tệ (khoảng 100.000 đồng). Tiểu Quyên cũng đã từng ngồi tù 6 năm do buôn bán ma túy.


Tiểu Quyên là bệnh nhân quen thuộc của một trung tâm cai nghiện, cô dùng thuốc methadone mỗi ngày. Dù cao hơn 1m6, nhưng Tiểu Quyên chỉ nặng 36kg, đến đi lại cũng trở thành một việc khó khăn, thậm chí cô phải dùng đến chiếc ô để đứng vững. Mỗi lần sử dụng Methadone từ 5 đến 10 tệ. Tuy nhiên một bạn nghiện của Tiểu Quyên nói, muốn có số tiền ít ỏi này, Tiểu Quyên cũng cần đi khách mới có được.

Dương Quyên - 31 tuổi đã có 10 năm sử dụng ma túy. Năm 2004 sau khi phát hiện bị nhiễm HIV, cô ly hôn với chồng. Mỗi ngày cô lấy của người mẹ già 70 tuổi khoảng 2 tệ (khoảng 6000 đồng) rồi ngồi xe buýt đến trung tâm y tế để uống thuốc methadone.


Dương Quyên đã ở thời kỳ phát bệnh, việc đi lại hoàn toàn phải nhờ vào đôi nạng.


Trạch Tiểu Bình - 45 tuổi, sử dụng thuốc phiện từ năm 18 tuổi. Năm 2004 phát hiện ra bị HIV. Tiểu Bình đang điều trị tại Bệnh viện Truyền nhiễm thành phố Cá Cựu. Gia đình đã không còn khả năng chi trả cho việc chữa trị của anh. Không ai chăm sóc, mỗi ngày Tiểu Bình chỉ ăn mỳ ăn liền để cầm hơi.


Ngô Cương 45 tuổi đã tiêm chích ma túy trong suốt 20 năm liên tục. Điều này khiến cho các cơ ở hai đùi của anh bị hoại tử không còn khả năng đi lại. Mỗi ngày Ngô Cương phải ngồi xe lăn để đến bệnh viện lấy thuốc methadone, tuy nhiên có những lúc việc sử dụng methadone không làm Ngô Cương cắt được cơn nghiện.

Tại một bệnh viện ở Cá Cựu, 1 bà mẹ già 80 tuổi túc trực bên cậu con trai 30 tuổi vì nghiện ngập mà nhiễm HIV. Vì không có 10 tệ (khoảng 30.000 đồng) trả tiền giường nên 2 mẹ con chỉ có thể nằm chung trên 1 chiếc giường đơn.


Mai Tiểu Phượng cũng là một trường hợp tương tự, vì mắc bệnh HIV, cô bị chồng bỏ. Cô cùng mẹ già và con nhỏ sống trong một căn nhà đi thuê. Mặt hằn những nếp nhăn, căn bệnh thế kỷ đang từng ngày từng giờ hủy hoại cô. Tuy nhiên có những lúc lên cơn nghiện cô vẫn bất chấp tất cả để đi khách.


Trong nhà Tiểu Phượng bây giờ tất cả đều trông vào đồng lương hưu ít ỏi của người mẹ. Vì con gái và cháu ngoại, cứ đến cuối tháng người mẹ già lại phải nghĩ cách đi vay mượn ở khắp nơi. Tiểu Phượng lo lắng cho tương lai của đứa con nhỏ, sau khi cô chết đi sẽ không có ai chăm sóc đứa bé vô tội. Có rất nhiều người nghiện bị gia đình ruồng bỏ, tuy nhiên trên thực tế gia đình họ cũng đang phải gánh chịu những nối đau mà không phải ai cũng thấu hiểu.


Một bức ảnh chụp từ năm 1995 được mẹ Mai Tiểu Phượng giữ gìn cẩn thận. Trong ảnh Tiểu Phượng là cô gái cao ráo, xinh đẹp. Gần 20 năm qua đi Tiểu Phượng của ngày hôm nay đang sống những tháng ngày mà HIV vào giai đoạn phát bệnh. Tiểu Phượng 40 tuổi của ngày hôm nay toàn thân yếu ớt, da xạm, hàm răng dưới rụng gần hết, tai cũng không còn nghe rõ nữa.

Mỗi ngày Tiểu Phượng đều đến trung tâm y tế ở Cá Cựu để được dùng thuốc methadone. Vì đã ở giai đoạn phát bệnh nên việc đi lại của Tiểu Phượng rất khó khăn.


Vào mỗi dịp cuối tuần Tiểu Phượng lại cùng mẹ và con trai đi dạo. Về bệnh tình của con gái, mẹ Tiểu Phượng rõ hơn ai hết. Bà cũng biết con gái không còn sống được bao lâu. "Tôi chỉ hi vọng con gái có thể sống thêm vài năm. Còn tôi có thể sống đến 80 tuổi để còn chăm lo cho cháu ngoại", bà chia sẻ.

Hạnh Nguyên Mai
(Dịch theo SN)
logo smaill


Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Loạt mỹ nhân Việt sang Mỹ du lịch, chữa bệnh nhưng trở về lại có baby 'đính kèm'