Boyhood: Sống chậm với tuổi thơ

Khôi Nguyên 2015-01-13 07:37
- Hành trình 12 năm của Boyhood không chỉ đơn thuần là một bộ phim điện ảnh mà nó còn là hành trình của ký ức, của sự trưởng thành nơi chất chứa đầy những kỉ niệm về giai đoạn đẹp, nhiều biến động nhất trong cuộc đời con người.
Với bất kỳ khán giả nào, khi xem "Boyhood" đều không khỏi cảm giác ghen tị với Ellar Coltrane – người thủ vai nhân vật nam chính Mason Evans. Phim khởi quay khi Ellar 6 tuổi và kết thúc ở năm anh bước sang tuổi 18 – tự lập và đầy chín chắn. Có lẽ, Boyhood là một trường hợp hiếm hoi ở Hollywood bởi hiếm có bộ phim nào được quay ròng rã suốt 12 năm với cùng 1 ekip dàn diễn viên chính như thế. Những biến thiên trong một hành trình không dài nhưng cũng không hề ngắn ngủi trong cuộc đời của con người được miêu tả chân thực, sống động. "Boyhood" xét trên bất cứ phương diện nào vừa là một tác phẩm điện ảnh, một bộ phim tài liệu quý giá. 
Câu chuyện trong "Boyhood" bắt đầu từ năm 2002 khi Mason, 6 tuổi cùng chị gái Samantha sống cùng bà mẹ đơn thân Olivia (Patricia Arquette) tại Texas. Cậu bé non nớt này tình cờ nghe được cuộc tranh luận giữa mẹ và bạn trai về việc cô không hề có thời gian rảnh rỗi cho bản thân. Mong ước của cô là gia nhập đại học Houston và có một công việc. 
Những câu chuyện trong cuộc đời Mason, gia đình cậu bé và các mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội thay đổi theo thời gian. Đó là khi Mason gặp lại cha mình vào năm 2003, là khi mẹ đưa cậu bé đến lớp học của mình năm 2004 rồi tình cờ quen vị giáo sư Bill Welbrock để rồi sau đó hai người từng đổ vỡ trong hôn nhân với 2 người con riêng về sống chung với nhau. Cuộc sống của Mason, mẹ và chị gái có nhiều thay đổi. Bố ruột cậu thường xuyên đến đưa hai chị em đi chơi. Ông bố dượng Bill bắt đầu nghiện rượu và đối xử tàn tệ với gia đình. Khi đó, 3 mẹ con lại bắt đầu một cuộc sống mới. Mẹ cậu đi bước nữa với Jim (Brad Hawkins), một sinh viên của bà và là một cựu quân nhân. Cha cậu cũng kết hôn với người phụ nữ khác và có con riêng. Bước ngoặt tiếp theo đó là khi Mason phát hiện niềm đam mê nhiếp ảnh của mình, có bạn gái và mẹ cậu lần thứ 3 li dị. Nhưng rồi cuộc tình của Mason với cô bạn gái cũng chấm dứt. Sau khi nhận giải nhì một cuộc thi nhiếp ảnh, hoàn thành bậc trung học cậu bước sang một trang mới cuộc đời. Bộ phim dừng lại ở thời điểm giữa năm 2013 khi Mason đến ở kí túc xá trường đại học bang Sul Ross và tình cờ quen cô gái mới trong chuyến đi picnic cùng nhau. Phim có kết thúc mở khi Mason nhận ra rằng trong cuộc sống này “những khoảnh khắc sẽ nắm bắt lấy chúng ta”. 

Ba mẹ con khi Manson còn nhỏ.

Manson và nhân vật ông bố ruột.
So với hầu hết các bộ phim thuộc thể loại tâm lý, gia đình "Boyhood" không có một kết cấu phức tạp vì phim đi theo mạch thời gian tăng tiến. Những chi tiết, biến cố xảy ra trong cuộc đời của Mason, gia đình anh thậm chí rất đỗi bình thường mà chúng ta có thể bắt gặp ở đâu đó trong xã hội. 12 năm với 39 ngày quay phim, hành trình từ thơ ấu đến khi bước chân vào giảng đường đại học của Mason là chuỗi sự kiện gắn bó khăng khít với nhau theo một mạch ngầm logic.
Điểm thú vị của "Boyhood" đó là, hành trình dài dằng dặc ấy được miêu tả có chọn lọc chứ không kéo dài lê thê kiểu một phim hành trình. Ở đó khán giả cảm nhận hết được: những trận cãi vã trong gia đình, những niềm vui lớn nhỏ, những rạn nứt, những hiểu lầm, cuộc nổi loạn ở tuổi vị thành niên, cảm xúc yêu đầu tiên, niềm hân hoan và sự thất vọng trong sự nghiệp… của tuyến nhân vật chính. Có những chi tiết tưởng chừng là biến cố lớn trong cuộc đời nhưng lại bị lãng quên trong khi đó, có những sự cố rất nhỏ lại đọng lại mãi mãi. Tất cả điều đó là điều đặc biệt, sự ấn tượng và có phần ám ảnh của "Boyhood". 

Mason và cô bạn gái mới quen ở trường đại học trong chuyến đi picnic.
Suốt từ năm 2002 đến năm 2013, đạo diễn Richard Linklater đồng thời là nhà sản xuất, tác giả kịch bản đã phải thuyết phục toàn bộ dàn diễn viên tham gia xuyên suốt bộ phim. Cách tiếp cận này mang đến cho ông không ít rủi ro bởi sẽ có người ra đi, có người ở lại hoặc có những biến cố trong quá trình quay phim. Tuy nhiên, điều may mắn là toàn bộ các nhân vật chính được duy trì từ đầu đến cuối phim với cảm xúc rất liền mạch dù thực tế quá trình quay phim liên tục ngắt quãng. Hai nhân vật cha và mẹ ruột của Mason cho thấy sự trưởng thành rất nhiều trong diễn xuất. Nhưng điều may mắn lớn nhất với vị đạo diễn này đó chính là Mason – một đứa trẻ địa phương dễ thương, hồn nhiên khi còn bé; trong sáng và đầy tò mò khi dậy thì và thực sự chu đáo, trưởng thành khi bước sang tuổi 18. Với một bộ phim giả tưởng thì ekip thường phải tìm ít nhất 3 diễn viên mới có thể hóa thân vào dạng vai như thế này. Tuy nhiên, Ella Contrane đã khiến tất thảy mọi người phải ngạc nhiên bởi nét diễn nếu dùng chữ tự nhiên chưa thể bộc lộ hết được tố chất của chàng trai trẻ này.  

Hành trình 12 năm của nhân vật của Mason qua các thời kì từ khi 6 tuổi đến 18 tuổi.
"Boyhood" có những chi tiết vô cùng đắt giá, thường tập trung trong các cuộc đối thoại giữa người cha với hai con của mình. Những đứa trẻ tự hỏi sẽ như thế nào nếu cha mình ngủ với một cô gái tóc đỏ mà anh trò chuyện trong nhà hàng. Những bối rối của Samantha khi cô bé tâm sự với cha về chuyện tình đầu tiên của mình. Lời khuyên của người cha dành cho con trai làm thế nào để hạ gục một cô gái trong buổi hai cha con đi picnic. Tất nhiên, trong cuộc đời của Mason có quá nhiều cột mốc. Đó là khi cha mẹ li dị, là khi mẹ cưới vị giáo sư rồi chia tay; khi bà trở thành giảng viên đại học và kết hôn, li hôn với sinh viên của mình; khi cậu bé phát hiện niềm đam mê nhiếp ảnh của mình và có cuộc tình đầu tiên… Tất cả những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cả về tâm và sinh lý. Có lúc, những tưởng Mason sẽ rơi vào trầm cảm nhưng ngược lại tất cả chỉ khiến cậu bé thêm trưởng thành, suy nghĩ chín chắn và ngày càng đàn ông hơn. Chắc chắn, không ít ông bố bà mẹ khi xem "Boyhood" sẽ rút ra cho mình được không ít những bài học đắt giá về cách nuôi dạy con, cách chứng kiến con mình trưởng thành. Chính bởi yếu tố chân thật, không giấu diếm cả những hành vi mang tính cực đoan, những bi kịch được miêu tả nên phim càng thuyết phục hơn.
Tất nhiên, phim có những trường đoạn chưa thực sự hấp dẫn, hoặc đôi phút nào đó gây cảm giác nhàm chán. Tuy nhiên, nếu xét tổng thể bộ phim tốt hơn rất nhiều so với những gì bản thân đạo diễn mong đợi. Còn với phương diện là khán giả, xem "Boyhood" là một sự thưởng thức để soi mình trong đó và ít nhiều nhận ra: À, biết đâu đó trong cuộc đời này chúng ta cũng từng trải qua một hoặc nhiều hơn thế những khoảnh khắc như Mason. Nhưng, đáng tiếc thay chúng ta chỉ có thể ghi lại chúng qua những trang nhật kí, qua những hình ảnh được chụp lại chứ không thật sự sống động như Boyhood.
 
 
Thông tin thêm:
"Boyhood" được chiếu tại Bắc Mỹ ngày 11/7/2014 tại 4 rạp chiếu và mang về doanh thu hơn 387.000 đô la Mỹ. Phim sau đó được mở rộng lên con số 34 rạp chiếu và có doanh thu hơn 1,1 triệu đô la Mỹ. Tháng 8/2014 phim có mặt tại 771 rạp chiếu, mang về doanh thu gần 2 triệu đô la Mỹ. Tính đến thời điểm tháng 12, tại Bắc Mỹ doanh thu của phim đạt hơn 24 triệu đô la Mỹ, nâng tổng doanh thu toàn cầu lên con số hơn 43 triệu đô la Mỹ trong khi ngân sách làm phim chưa đến 4 triệu đô Mỹ. 
Không mấy ngạc nhiên khi phim nhận được những đánh giá vô cùng tích cực. Trang Rotten Tomatoes cho phim điểm số 9,3/10. 98% trong tổng số 257 bài nhận định về phim là tích cực. Trang Metacritic chấm phim đạt điểm số 100 dựa trên 49 bài nhận định. Đây cũng là đánh giá cao nhất dành cho một bộ phim trên trang web danh tiếng này. Cả hai trang phê bình điện ảnh đều đánh giá "Boyhood" là một trong những phim hay nhất năm 2014. 
Trong bài nhận định trên tờ The New York Times, nhà phê bình Manohla Dargis gọi "Boyhood" là “kiểu mẫu của chủ nghĩa hiện thực trong điện ảnh”. Nhà phê bình Peter Travers của tạp chí danh tiếng Rolling Stone đánh giá đây là phim xuất sắc nhất năm. Peter Bradshaw của The Guardian đánh giá đây là “một trong những phim xuất sắc nhất thập kỷ”. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chọn "Boyhood" là bộ phim yêu thích nhất trong năm của mình.
Tính đến thời điểm này, phim tham gia khoảng 60 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ và thường xuyên được xướng tên ở 2 hạng mục: Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Patricia Arquette – người thủ vai bà mẹ trong phim thường xuyên được vinh danh Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Việc giành giải Phim chính kịch xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất tại Quả Cầu Vàng 2015 khiến "Boyhood" tràn trề cơ hội thẳng tiến và là ứng viên hàng đầu tại Oscar 2015. 
 

Khôi Nguyên
Nguồn ảnh: IMDb
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

15 phút tập săn cơ buổi sáng