Răng đen xì, hóa miệng cá vì làm răng sứ: Mắc tới 3 trên 4 biến chứng nặng nhất, sao dám nói bền gấp 5 lần răng thật
Tin liên quan
Cô gái hóa miệng cá vì làm răng sứ
Mới đây, cô gái có nickname T.N đã vừa bức xúc vừa đau khổ khi đăng đàn lên tiếng về việc răng cô hiện tại đã bị hư hại nặng vì làm răng sứ ở cơ sở nha khoa kém chất lượng, thiếu trách nhiệm. Chia sẻ của T.N cùng hình ảnh bộ răng đen xì nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Được biết cách đây 2 năm, cô được người quen giới thiệu đến phòng khám đa khoa này ở Hà Nội để bọc răng sứ. Tuy nhiên, khác với những mơ tưởng được bền lâu và đẹp như sao, chỉ một thời gian ngắn sau đó T.N đã phải khóc thét khi hàm răng bị chảy máu chân răng, viêm lợi, lớp răng sứ bị đen xì, hư hỏng nặng.
Hình ảnh hàm răng sứ đen xì, hư hỏng nặng của T.N khiến dân mạng hoảng hốt.
T.N cho biết: ‘Từ khi làm xong lợi viêm, chảy máu suốt, chân răng cứ thấy bị đen rồi có cái răng thì nhìn qua sứ đã thấy đen từ trong rồi. Mình cũng tới bảo kiểm tra lại thì bác sĩ cứ nói đủ lý do rồi kêu về bôi thuốc sẽ đỡ'.
Dù đã về nhà bôi thuốc như theo chỉ định nhưng tình trạng viêm răng không hề giảm đi, sau một thời gian lớp sứ bị tụt xuống khỏi lợi để lộ cả chân răng.
Cuối cùng, tình trạng không thuyên giảm nên chị T.N đã đến phòng khám nha khoa khác để gỡ bỏ lớp sứ bọc bên ngoài. Hiện tại, răng chị T.N có nguy cơ bị hỏng, gãy hết những cái răng bị mục đen.
Cô nàng đã mắc tới 3/4 biến chứng nặng nề khi làm răng sứ
Về vấn đề này, Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Khắc Vinh, Nha khoa Lạc Việt đã có những nhận định sâu sắc. Theo đó, cô gái này đã mắc phải 3/4 biến chứng nặng nề khi làm răng sứ: viêm lợi, viêm quanh răng, đau và gãy răng sau khi bọc răng sứ.
"Tôi đã xử lý khá nhiều ca là hậu quả của bọc răng sứ, trong đó tôi ghi nhận 3 tai biến hay gặp là viêm lợi - viêm quanh răng, gẫy răng và tổn thương quanh chóp răng và thật đáng buồn, 2 trong số đó có nguyên nhân từ bác sĩ, đó là viêm lợi do kỹ thuật phục hình không tốt và tổn thương quanh chóp do điều trị tuỷ không tốt", Bác sĩ Khắc Vinh cho biết.
Cần khẳng định rằng bọc răng sứ là một phương pháp phục hồi cho những trường hợp có khiếm khuyết về hình thể và màu sắc răng được y văn thừa nhận và vẫn được áp dụng phổ biến trên toàn thề giới. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, trong quá trình hành nghề chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp lạm dụng răng sứ một cách thái quá, để lại nhiều hệ luỵ cho người bệnh.
Bọc răng sứ là phương pháp phục hình răng bằng cách mài nhỏ chiếc răng thật của mình rồi bọc ra ngoài một chiếc vỏ sứ.
Phương pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ:
- Viêm lợi, viêm quanh răng: Đây là biến chứng thường hay gặp nhất khi bọc răng sứ. Nguyên nhân có thể do vệ sinh răng miệng không tốt, do kích ứng vật liệu (tỉ lệ này rất ít) hoặc do kỹ thuật thực hiện của bác sĩ và/ hoặc kỹ thuật viên chế tác răng không tốt.
Viêm lợi do bọc răng sứ thường tiến triển dẫn tới viêm quanh răng. Điển hình là tiêu xương ổ răng dẫn tới răng lung lay rồi rụng răng.
- Đau sau khi bọc răng sứ: Nhóm tai biến này đa phần đến từ lỗi tiên lượng hoặc kỹ thuật điều trị của bác sĩ không tốt. Đau sau bọc răng sứ thẩm mỹ cũng rất hay gặp, nguyên nhân có thể do viêm tuỷ răng, khớp cắn không tốt dẫn tới sang chấn khớp cắn, hoặc có thể do bác sĩ mài quá sâu vào lợi dẫn tới viêm lợi cấp tính sau khi gắn răng sứ, ....
- Gẫy răng sau một thời gian bọc sứ: trường hợp này thường xảy ra với những răng đã chữa tuỷ, đặt biệt hay gặp khi bọc răng sứ cho răng hô, móm, lệch lạc. Vì khi đó bắt buộc phải chữa tuỷ răng, mặt khác thân răng sứ thay đổi hướng so với thân răng cũ, làm cho hướng thân răng và chân răng sau bọc không trùng nhau, lực nhai không truyền theo trục dọc chân răng nên rất dễ bị gẫy thân răng sau một thời gian sử dụng.
- Loạn năng thái dương hàm sau khi bọc răng sứ thẩm mỹ:
Đây là tai biến nặng nề và khó khắc phục nhất. Khi bọc răng sứ thẩm mỹ hàng loạt răng, khớp cắn bị thay đổi. Nếu bác sĩ không nắm rõ về cắn khớp sẽ dẫn tới tái lập sai về khớp cắn, các răng lồng mùi không ổn định, rối loạn các hướng dẫn răng khi hàm thực hiện chức năng sẽ dẫn tới loạn năng thái dương hàm.
Ngoài ra các biến chứng như vỡ răng sứ, ăn nhai khó khăn... Là những biến chứng rất hay gặp khi bọc răng sứ thẩm mỹ.
Thạc sĩ, Bác sĩ Khắc Vinh.
Vì tỉ suất lợi nhuận của răng sứ thẩm mỹ quá cao dẫn tới rất nhiều trung tâm nha khoa đổ vào làm răng sứ thẩm mỹ và trung tâm nào cũng quảng cáo rất hay, tuy nhiên không phải địa chỉ nào cũng uy tín và chất lượng. Theo tôi, khi các bạn đi làm răng sứ hay bất cứ một thủ thuật y khoa nào, cần phải tìm hiểu rõ bác sĩ sắp làm cho mình là ai? Bằng cấp? Chứng chỉ hành nghề? Kinh nghiệm? có một vấn đề rất nhạy cảm là có những người hàng ngày mặc áo blu, trực tiếp mài răng người bệnh nhưng lại không phải là bác sĩ, họ tìm nhiều cách để qua mặt các cơ quan quản lý.
Tôi khuyên các bạn đặc biệt là các bạn trẻ chỉ nên bọc răng sứ thẩm mỹ khi thực sự cần thiết và chỉ bọc răng sứ khi men răng các bạn không đẹp, hình thể răng bị mẻ, vỡ hoặc không đẹp. Tuyệt đối không được bọc răng sứ nếu răng các bạn bị móm, hô, chen chúc lệch lạc vì nó sẽ để lại rất nhiều hệ luỵ kéo dài đến hết đời bạn. Lựa chọn tốt nhất trong trường hợp này là niềng răng.
Làm răng sứ phải đảm bảo những điều gì để không gây ra biến chứng
1. Chỉ định của răng sứ rất rõ ràng: dùng để thay đổi màu sắc va/hoặc hình thể răng, không có chỉ định điều trị chỉnh hô, móm hoặc khắc phục răng khấp khểnh, do vậy để không gây ra biến chứng thì điều đầu tiên bác sĩ phải làm đúng chỉ định đã.
2. Kỹ thuật thực hiện của bác sĩ tốt: sửa soạn cùi răng (mài răng) rất quan trọng. Mức độ mài phải vừa đủ, nếu mài ít quá thì răng sứ xấu, mài nhiều quá thì răng sẽ bị yếu, mài quá sâu dưới lợi sẽ phá vỡ khoảng sinh học dẫn tới viêm quanh răng, là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới mất răng hàng loạt, đây là lỗi kỹ thuật rất nguy hiểm nhưng đáng tiếc lại vô cùng thường gặp trên lâm sàng. Ngoài ra các giai đoạn như lấy dấu, lắp răng và đặc biệt là căn chỉnh khớp cắn cũng rất quan trọng.
3. Kỹ thuật chế tác răng sứ tại labo phải tốt. Để bọc răng sứ không gây ra biến chứng thì khâu chế tác răng sứ cũng rất quan trọng. Tuy nhiên khâu này phụ thuộc chủ yếu vào kỹ thuật thực hiện của bác sĩ trên lâm sàng.
4. Vệ sinh và sử dụng răng sứ đúng cách: để tránh bị viêm lợi sau bọc sứ cần có chế độ vệ sinh răng miệng tốt hơn: lấy cao răng mỗi 6 tháng và đánh răng đúng cách ngày 2 lần.
Cần nhấn mạnh rằng, không có 1 loại răng nào bền và tốt hơn răng thật của chính mình. Nhiều trung tâm quảng cáo răng sứ của họ bền gấp 5 lần răng thật là không có căn cứ.
Cách khắc phục cho những trường hợp biến chứng
Cách khắc phục thì tuỳ theo từng loại biến chứng cũng như nguyên nhân gây ra biến chứng đó.
Chẳng hạn như khi bạn bọc răng sứ bị viêm lợi thì tuỳ theo nguyên nhân, nếu chỉ do vệ sinh không tốt thì tăng cường vệ sinh, nếu sót chất gắn thì làm sạch chất gắn, nếu do răng sứ làm không tốt, không khít sát thì bỏ răng sứ làm lại răng khác, nếu do mài quá sâu dưới lợi (vi phạm khoảng sinh học) thì phải phẫu thuật tái lập khoảng sinh học, cắt lợi, ...
Hoặc như bị gẫy răng cũng tuỳ mức độ, có thể tái tạo lại răng gẫy rồi bọc sứ lại, hoặc phải nhổ bỏ trồng răng implant...
Còn trong trường hợp nang quanh chóp thì bắt buộc phải phẫu thuật hoặc chữa tuỷ lại.
Để răng sứ được bền lâu bạn cần đánh răng ngày 3 lần, dùng chỉ tơ làm sạch kẽ răng và lấy cao răng mỗi 6 tháng 1 lần.
Taurus
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất