Tiếng hét thất thanh trong đêm khiến điều dưỡng viên tá hỏa

2017-08-18 08:07
- Ở viện dưỡng lão, có trường hợp cụ bà ngoài tuổi 70 mắc chứng alzheimer. Một lần, bà tưởng tượng cảnh cháy nhà và “diễn” không khác gì diễn viên chuyên nghiệp. Vào lúc nửa đêm, khi mọi người say ngủ, bà hét thất thanh “cháy, cháy” rồi lao ra khỏi nhà. Bà còn hô hoán các cụ già khác thoát khỏi đám cháy, rồi dùng nước dập lửa khiến điều dưỡng viên được phen “thót tim”.

Làm ở vị trí Quản lý điều dưỡng tại một viện dưỡng lão ở Hà Nội, anh Đỗ Xuân Thắng (SN 1987), chia sẻ, ngoài chuyên môn, các điều dưỡng viên cần có sức khỏe, sự kiên nhẫn và lòng kính trọng với người cao tuổi mới có thể theo đuổi nghề. Anh cho rằng, nguyên nhân là do công việc chăm sóc người già không hề đơn giản. 

Một hoạt động của người cao tuổi ở viện dưỡng lão (Ảnh: Nhân vật cung cấp). 

Theo anh Thắng, vào viện dưỡng lão , mỗi cụ có một hoàn cảnh, tính cách khác nhau. Có cụ vào viện tạm thời vì lý do con cái đi công tác, bận xây nhà cửa… nhưng phần lớn người cao tuổi đều xác định ở đây trọn đời. Ở tuổi gần đất xa trời, các cụ thường cô đơn, sức khỏe yếu bởi vậy tính cách cũng có nhiều phần thay đổi. 

Anh chia sẻ: “Khó khăn nhất là chăm sóc các bệnh nhân mắc chứng alzheimer (sa sút trí tuệ). Đây là một loại bệnh gây ra sự thoái hóa toàn bộ não bộ và không thể phục hồi. Các tế bào thần kinh ở võ não cùng với các cấu trúc xung quanh bị tổn thương dần dần làm giảm khả năng phối hợp vận động, rối loạn cảm giác cuối cùng gây ra tình trạng mất trí nhớ cho người bệnh”. 

Với những trường hợp này, trong phòng người bệnh không thể bố trí nhiều đồ đạc thay vào đó là những vật dụng cơ bản, đơn giản nhất bởi nếu không họ sẽ sẽ phá đồ đạc và gây nguy hiểm đến bản thân. Ví dụ như nhiều cụ phá tung quạt, phá tung ti vi, gỡ tủ… 

Anh Đỗ Xuân Thắng và giây phút thư giãn cùng một cụ ông ở viện dưỡng lão (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

Anh Thắng kể: “Ông Đ. (85 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Vợ ông đã cao tuổi nên không thể chăm sóc cho chồng, các con đều thành đạt nhưng quá bận rộn với công việc cũng không thể lo lắng cho bố. Họ thuê người giúp việc nhưng cả hai ông bà đều khó tính nên các giúp việc đều lần lượt xin nghỉ. 

Lúc ông mắc chứng bệnh trên, vợ đành phải khóa trái cửa, để ông ở trong phòng. Suốt 2 năm không được ra ngoài thường xuyên, không có các mối quan hệ xã hội khiến ông ngày càng chậm chạp, các kỹ năng nghe, nói đều kém, sức khỏe và tinh thần ngày một xấu. 

Các con đã nhiều lần bàn bạc để đưa bố vào viện dưỡng lão nhưng bà mẹ gạt đi. Bà bảo: “Con cái đầy nhà, mẹ còn sống sao phải đưa bố vào viện dưỡng lão? Người ngoài biết thì mẹ giấu mặt vào đâu”. 

Sau 2 năm gần như bị “giam lỏng” trong nhà, cuối cùng các hành vi của ông càng ngày càng khó kiểm soát. Đỉnh điểm ông cho rằng nồi cơm điện là nhà vệ sinh và nhân lúc không ai để ý, ông mở nắp nồi và đi vệ sinh vào đấy. 

Thấy tình trạng của bố ngày một xấu, các con đành gọi điện nhờ nhân viên của viện dưỡng lão can thiệp. Sau khi nghe nhân viên cam kết sẽ chăm sóc ông cẩn thận bà vợ mới đồng ý để ông đi". 

Lúc vào viện, sức khỏe yếu ông không đi được. Sau một tháng ở môi trường mới được chăm sóc về y tế, ăn uống và được giao lưu với bạn bè tinh thần ông dần thoải mái. Ông bắt đầu ăn uống và tập vận động để đi lại. 

“Ông Đ. sống ở viện dưỡng lão như thế đến những năm cuối của cuộc đời. Hiện, ông đã mất”, anh Thắng chia sẻ thêm. 

Cũng mắc chứng sa sút trí tuệ, bà P. (Hà Đông, Hà Nội) vào viện dưỡng lão từ nhiều năm nay. Bà cho rằng mọi vật dụng ở viện đều là của mình. Quạt, ti vi treo tường... bà đều trèo lên ghế và tháo dỡ xuống. Sau đó bà đem cất hết vào tủ khóa trái lại. 

viện dưỡng lão

Bà P. luôn có ý nghĩ mọi đồ dùng trong phòng đều là của mình nên tìm mọi cách để cất giấu (Ảnh: Lê Thúy) 

Giấy vệ sinh của tất cả các phòng trong tầng bà gom lại cất hết xuống gầm giường. Ban đầu nhân viên ngạc nhiên không hiểu vì sao giấy vệ sinh nhanh hết như thế. Đến lúc lau dọn phòng họ mới phát hiện ra một loạt giấy vệ sinh do bà P. cất giấu. 

“Các cụ vào đây đều ở tình trạng tai biến, sức khỏe yếu… và mỗi cụ đều có những hoàn cảnh rất đặc biệt. Vừa chăm sóc sức khỏe, ăn uống vừa phải đối phó với những thay đổi tâm tính, hành vi của các cụ bắt buộc người điều dưỡng viên phải hết sức kiên nhẫn”, anh Đỗ Xuân Thắng nhấn mạnh. 

Cũng theo anh, vào ca trực đêm, các điều dưỡng viên thường xuyên phải xử lý trường hợp các cụ la hét, quậy phá. 

Có trường hợp cụ bà đã ngoài tuổi 70, những lúc trái gió trở trời tâm tính của bà lại thay đổi. Bà luôn nghĩ mình là cô gái mới ở tuổi 20, vừa lấy chồng và đón con gái đầu đời. 

Không chỉ suy nghĩ, bà thường xuyên có những hành vi để phù hợp với vai trò là một người mẹ nuôi con nhỏ. Bà ôm ấp, vỗ về một con búp bê và cho rằng đó là con của mình. Bà thường xuyên ẵm, bế cho con bú sữa mẹ, luôn tỏ ra bận rộn không khác gì một "người mẹ bỉm sữa" chính hiệu. 

Anh Thắng chia sẻ thêm, đôi lúc, bà lại tưởng tượng ra cảnh cháy nhà và “diễn” không khác gì diễn viên chuyên nghiệp. Vào lúc nửa đêm, khi mọi người say ngủ, bà hét thất thanh “cháy, cháy” rồi lao ra khỏi nhà. Không chỉ thế bà hô hoán kêu các cụ già khác thoát khỏi đám cháy rồi dùng nước dập lửa khiến các điều dưỡng viên được phen "thót tim". 

“Ban đầu mới nhận công tác này chúng tôi rất ngạc nhiên, bất ngờ nhưng sau một thời gian chúng tôi cũng dần hiểu và thông cảm với các cụ. 

Hầu hết đêm nào cũng có sự cố như các cụ sức khỏe yếu, bệnh nặng phải đi cấp cứu, các cụ không ngủ được dậy đi lại lung tung, đòi hỏi nhiều chuyện vô lý.... 

Mỗi đêm chúng tôi đều phải có ít nhất 3 người trực nhưng không lúc nào hết việc”, anh Đỗ Xuân Thắng khẳng định. 

Theo Ngọc Trang - Lê Thúy/Vietnamnet

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Cách xem mật khẩu WiFi đã lưu trên điện thoại, máy tính đơn giản