Ít ai biết ở ngay Hà Nội có một ngôi làng mà hàng trăm năm qua, người dân giao tiếp bằng tiếng lóng

2017-07-09 07:39
- Xảo là nam, nhát là nữ, nam nữ tán tỉnh nhau gọi là bà tành còn khi đã yêu, câu tỏ tình ngọt ngào nhất mà người làng Đa Chất (Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội) muốn nghe lại là "xảo bằng dừa nhát" hoặc "nhát bằng dừa xảo"... Những mật ngữ mà khách từ xa tới, dù có căng tai lên nghe cũng không hiểu nổi.

Mật ngữ cổ bí truyền và chuyện về sự tế nhị của người dân Đa Chất 

Ở làng Đa Chất, không ai biết chính xác tiếng lóng ra đời từ bao giờ.  Bác Nguyễn Xuân Mai (SN 1952) - Phó thôn Đa Chất cho biết, dựa theo các bằng chứng lưu lại ở đình làng, nhiều nhà sử học cho rằng ngôi đình đó đã có tuổi đời 500 năm.

Tương truyền xưa kia vị Thành Hoàng khai sinh ra làng đã dạy cho nhân dân cách trồng lúa nước và từ đó, sinh ra nghề thợ cối. Chính vì có nghề thợ cối nên mới có tiếng lóng. Thế nên nhiều người đồn rằng thứ mật ngữ Đa Chất này đã có tuổi đời ngót nghét 500 năm. 

Bác Nguyễn Xuân Mai - Phó thôn Đa Chất. 

"Nhưng vị thần mà dân làng thờ phụng lại có truyền thuyết liên quan đến đời Văn Lang - Âu Lạc nên nhiều người bảo rằng tiếng lóng Đa Chất có khi đã ngàn năm tuổi. Lời qua tiếng lại đến giờ không ai biết chính xác nó có từ khi nào, những người năm nay gần 100 tuổi cũng chỉ biết từ đời họ đã thấy bố mẹ, ông bà nói tiếng lóng", bác Mai kể. 

Nghề thợ cối hiểu nôm na là những người chuyên xay xát gạo. Khi khoa học kỹ thuật còn chưa phát triển, máy xát gạo chưa ra đời, trong nhiều năm liền, nghề này ở Đa Chất phát triển mạnh mẽ. 

Trai tráng trong làng, chẳng ai lại không biết làm nghề bởi họ là lực lượng lao động chính. Phụ nữ thường ở nhà lo chuyện đồng áng, chăm con còn chồng họ mải miết đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. 

Những bức ảnh ghi lại cảnh đóng cối của người dân làng Đa Chất. 

Những chiếc cối hình tròn được làm từ tre. Để hoàn thành nó, 2 người thợ phải làm liên tục trong vòng 7 ngày. Khi hoàn thành, họ không đem cối ra chợ bán mà cứ 5 người hợp lại thành một nhóm, dùng cối để xay lúa thuê.

Thóc cho vào cối, xay bớt vỏ trấu sẽ được người thợ bỏ vào cối giã, loại bỏ sạch lớp cám bên ngoài, thu lấy những hạt gạo trắng. Công việc nặng nhọc nên hầu như chỉ có đàn ông làm. 

"Vì chỉ có đàn ông làm cho nên ngày xưa, việc học tiếng lóng mới là điều bắt buộc với tất cả nam giới trong thôn", bác Mai kể. 

Nghề thợ cối phải đi nhiều, tiếp xúc với nhiều lớp người khác nhau trong xã hội nên khi muốn bảo vệ lẫn nhau, giữ gìn bí kíp làm nghề và tránh mất lòng người khác, dân làm cối đã sáng tạo ra một thứ mật ngữ riêng biệt. Họ dùng nó để nói chuyện riêng, tránh người ngoài nghe được. 

Những di tích lịch sử ở làng Đa Chất 

Ngoại trừ những di tích này, đường làng ngõ xóm, nhà cửa - tất cả đều đã được bê tông hóa và xây dựng theo hướng hiện đại. 

"Ví dụ có lúc muốn trao đổi nghiệp vụ với nhau mà không tiện để người ngoài nghe thấy hoặc khi gặp người không tốt, muốn nhắc nhau phòng bị, chúng tôi phải sử dụng tiếng lóng", ông Đoan (cụ trông coi đình làng Đa Chất) chia sẻ. Ngày xưa, người Đa Chất xem đó như một phép lịch sự, thể hiện sự tế nhị của những người làm thuê. 

Ông Đoan dẫn các ví dụ: "Khi thấy người thợ phụ làm sai thợ cả sẽ nhắc "xảo xấn táo rồi, bệt ngáo kìa" (anh làm lỗi rồi, nhà chủ trông thấy kia kìa). Hoặc khi đi xa, thấy có kẻ móc túi thì sẽ nháy nhau mà nói rằng "có xảo bờm hách kìa". Nói như vậy để bảo nhau đề phòng mà kẻ móc túi vẫn không hiểu gì". 

Cuốn sách "Văn háo dân gian làng Đa Chất" ghi chép một số từ tiếng lóng cơ bản của người dân nơi đây. 

Ông Đoan bảo vì tính chất riêng tư như thế nên trước kia, tiếng lóng là điều bí mật của riêng người trong làng, không bao giờ truyền đạt hoặc giới thiệu ra bên ngoài. "Ngày xưa dạy tiếng lóng cho người nơi khác là điều cấm kỵ, các cụ mà biết là sẽ quở trách ghê lắm" .  Tuy nhiên, nghề thợ cối giờ đây đã dần mai một, tiếng lóng cũng dần mất đi vai trò quan trọng của nó nên người dân mới có thể thoải mái giải thích cho người nơi khác hiểu. 

Theo ông Đoan, tiếng lóng làng Đa Chất được sử dụng tùy vào từng trường hợp. Nếu như không có người lạ đến mà chỉ có người trong làng thì người dân nơi đây sẽ không nói tiếng của mình.  "  Thế nên ở trong làng nhưng nhiều phụ nữ không đi ra ngoài cũng không giỏi tiếng lóng " , ông Đoan nói thêm. 

Thứ ngôn ngữ chỉ "linh nghiệm" ở mảnh đất Đa Chất 

Khi mới gặp chúng tôi, bác Mai vui vẻ "bắn" một tràng tiếng lóng. "Thế xảo chớt, nhát chớt về tõi cái mở sưỡn của lõng hả", "Xảo sẫn sưỡn ngáo", "Xảo chớt nhát chớt thít mận thu" ... Nghe bác Mai nói một hồi, chúng tôi chỉ đứng há miệng, tròn mắt lên nhìn. Bác Mai cười bảo đó là mấy câu hỏi đơn giản. Bác hỏi chúng tôi về làng để hỏi về tiếng lóng đúng không, bạn nam kia đang quay phim à và mời chúng tôi uống nước chè. 

"Nói bằng tiếng lóng thì người ngoài không ai hiểu nổi, ngay cả người dân làng kế bên, ngay gần đây cũng không hiểu. Ai đi ra khỏi làng cũng dễ quên tiếng lóng mà người nơi khác đến thì khó lòng học được. Đấy chính là điểm thú vị, kỳ lạ nhất của tiếng lóng Đa Chất" , bác Mai cười. 

Theo bác Mai, tiếng lóng chỉ "linh nghiệm" với những người dân Đa Chất sống trên mảnh đất này mà thôi. 

Bác bảo tiếng lóng khó học dễ quên. Người nơi khác không giống dân làng Đa Chất được học tiếng lóng từ nhỏ nên khó bắt nhịp còn dân làng đi xa, không có môi trường giao tiếp nên dễ quên. 

Bác Mai cho chúng tôi xem cuốn sách về văn hóa dân gian làng Đa Chất. Cuốn sách này hiện đã thống kê được khoảng 200 từ vựng tiếng lóng của người dân nơi đây. Theo bác Mai, nếu học hết chỗ từ vựng này, mọi người có thể giao tiếp cơ bản với nhau bằng tiếng lóng. 

Cuốn sách mà bác Mai giới thiệu với chúng tôi. 

Tìm hiểu rồi mới thấy tiếng lóng Đa Chất khá thú vị. Người dân sáng tạo ra các danh từ để chỉ chung những vật có chức năng giống nhau và khi muốn gọi tên chính xác một vật, họ lại có các từ ghép kèm theo.  

Ví dụ chén, đĩa, bát, cốc, bình đựng nước đều gọi là "gành" nhưng nếu là chén uống rượu sẽ gọi là "gành thít cắng", chén uống chè gọi là "gành thít mận", bình đựng nước gọi là "gành quầng". Ngoài cách ghép từ, người dân còn sáng tạo tiếng lóng dựa theo các địa danh. Ví dụ xưa kia gần Đa Chất có ngôi làng Giáp Nhất, quanh năm sống bằng nghê trồng rau. Vì thế, người dân Đa Chất nghĩ ra từ mở giáp nhất để ám chỉ các loại rau. 

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống danh từ, tiếng lóng Đa Chất còn có bộ đếm riêng, "nhất" là 1, "lái" là 2, "thâm" là 3, "chớ" là 4, "lái lạp" là 12, "thâm lạp" là 13... 

Trong tiếng lóng cũng có hiện tượng đồng âm khác nghĩa và cùng 1 từ những ở vào hoàn cảnh khác nhau lại được diễn đạt hoàn toàn khác biệt. Ví dụ từ hai lòng có nhiều cách nói. Khi muốn nói người đàn ông hay phụ nữ kia hai lòng, dân làng sẽ gọi là "nhát trẩm" hoặc "xảo trẩm" còn khi muốn nói quả trứng có hai lòng, họ lại gọi là "đồi đạng lái đồi". 

ngôi làng

Đình làng Đa Chất. 

Anh Nghĩa (27 tuổi, người dân trong làng) tâm sự: "Tiếng lóng khá hay nhưng bây giờ mai một đi nhiều. Thế hệ 9X như mình không biết nhiều mà chỉ biết mấy từ cơ bản" . 

Trong khi đó, bạn Hạnh (học sinh trường THPT Phú Xuyên A) cho biết: "Mình được ông nội dạy tiếng lóng nên thỉnh thoảng, mấy bạn trong làng nói chuyện với nhau mà các bạn khác trong lớp cười ồ vì lạ lẫm và khó hiểu". 

Hạnh tâm sự, rất nhiều người trẻ như cô cũng muốn giữ gìn tiếng lóng, tuy nhiên vì nó không có nhiều tính ứng dụng như trước kia nên học xong rồi lại quên, chỉ có thể giao tiếp ngắn gọn với nhau bằng thứ tiếng này. 

"Tiếng lóng là nét văn hóa độc đáo ở Đa Chất nên chúng tôi rất mong sẽ giữ gìn được nó. Cuốn sách văn hóa dân gian làng Đa Chất hiện tại mới chỉ thống kê được 200 từ tiếng lóng, chúng tôi hy vọng có thể làm thành cuốn từ điển để sau này, con cháu Đa Chất không quên mật ngữ của cha ông", bác Mai nói thêm.  

Theo Thu Hường/Thời Đại

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Jack trích cát xê khủng từ Running Man để hỗ trợ trẻ em nghèo, nhưng chu cấp cho con ruột 5 triệu mỗi tháng