Hà Nội: Vừa đến trường, hàng chục học sinh và giáo viên bị mẩn ngứa, phát ban
Tin liên quan
Sự việc xảy ra ngày 12/3, tại trường THCS An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), khi các em học sinh đến lớp thì bất ngờ xuất hiện một số triệu chứng như mẩn ngứa, phát ban trên da tay, da mặt, có em không thể học tiếp phải xin nghỉ về nhà.
Không chỉ có các em học sinh, một số giáo viên cũng bị mẩn ngứa, khó chịu. Đến khoảng 10 giờ sáng ngày 12/3 số lượng học sinh bị ngứa đã tăng lên đến vài chục em (khoảng 30 học sinh).
Trường THCS An Khánh, nơi xảy ra sự việc.
Một cô giáo dạy khối 9, trường THCS An Khánh cho biết, ngay sau khi thấy có biểu hiện trên nhiều học sinh, các em đã được đưa xuống phòng y tế nhà trường, sau đó phải chuyển sang trạm y tế xã nhờ bác sĩ can thiệp.
Sự việc được báo cáo lên BGH nhà trường, có học sinh phải gọi điện cho phụ huynh đến đón về nhà.
Em C.T.N (học sinh lớp 6 của trường THCS An Khánh) cho biết, cả lớp có gần 40 học sinh thì khoảng chục bạn bị mẩn ngứa, rát ở da tay, mặt phải xuống phòng y tế bôi thuốc. Sau khi bôi, một số bạn đã bình thường trở lại, còn một số bạn khác vẫn mẩn đỏ, phát ban.
Học sinh bị mẩn ngứa phải xin về gia đình.
Bà Nguyễn Thị Huyền – Hiệu trưởng trường THCS An Khánh xác nhận thông tin trên và cho biết, theo thống kê ban đầu có khoảng 20 - 30 em học sinh có các biểu hiện dị ứng. Các học sinh bị rải rác chứ không tập trung ở một lớp.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, trước ngày xảy ra sự việc (tức 11/3) nhà trường có tổ chức phun thuốc muỗi, nhằm phòng chống dịch sốt xuất huyết và đó có thể đây là nguyên nhân khiến các học sinh bị dị ứng, mẩn ngứa.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên nhà trường phun thuốc, từ đầu năm đến nay nhà trường đã phun tất cả 3 lần.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã thông báo cho học sinh toàn trường nghỉ học để tiến hành tổng vệ sinh trong chiều 12/3. Sáng ngày 13/3, học sinh tới trường học tập bình thường.
Sau khi phun thuốc muỗi tình trạng mẩn đỏ, phát ban có thể xảy ra với những người có cơ địa dị ứng.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Nhật Cảm – GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, việc dị ứng sau khi phun thuốc muỗi có thể xảy ra với những học sinh có cơ địa dị ứng.
Do vậy, nếu bị dị ứng với hóa chất phun muỗi thì các thầy cô giáo cần phối hợp với y tế nhà trường để chăm sóc, khi dấu hiệu nặng hơn cần đưa đến các trung tâm y tế.
Về thời gian cách ly tối thiểu sau khi phun thuốc để đảm bảo sức khỏe, ông Cảm cho rằng, hóa chất phun thuốc được Bộ Y tế cấp phép, đảm bảo an toàn, thời gian cách ly tối thiểu chỉ từ 1 đến 2 giờ đồng hồ. Do vậy, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về tình trạng này bởi nếu không tiến hành phun thuốc muỗi trẻ không may mắc phải sốt xuất huyết còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần.
Nguyên tắc cần thực hiện khi phun hóa chất diệt muỗi:
1. Phải sơ tán toàn bộ người ra khỏi nhà trước khi phun hóa chất.
2. Di chuyển hoặc che đậy cẩn thận các loại thức ăn, vật nuôi, vật dụng trong nhà.
3. Các hộ gia đình cần mở tất cả các cửa ra vào, kể cả cửa sổ.
4. Trong khi phun thuốc, cần tránh xa cửa sổ và cửa ra vào hoặc tạm rời khỏi nhà và khu vực phun thuốc cho đến khi phun xong.
5. Trẻ em và người lớn đều không được đi theo sau nhân viên phun thuốc. Mọi sinh hoạt tại các hộ gia đình trở lại bình thường sau khi phun từ 60-90 phút là an toàn.
Một số người có cơ địa dị ứng, trẻ nhỏ và một số người bệnh mãn tính như hen phế quản… cần phải cần tránh khỏi nơi phun thuốc khoảng 2-3 tiếng.
6. Hóa chất sử dụng phải là hóa chất được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và lưu hành.
7. Nếu người dân tự phun hóa chất diệt muỗi, cần phải có sự hướng dẫn của nhân viên y tế, đặc biệt là tỷ lệ pha và hướng dẫn cách ly an toàn.
Sức sống mãnh liệt của bé gái 8 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng
Bé gái 8 tuổi bị sốc sốt xuất huyết gây tổn thương gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu,… đã may mắn thoát khỏi "cửa tử" sau nhiều ngày nằm bất động...
Theo Lê Phương/Khám phá
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất