Kiểu bạo hành nhiều cha mẹ vẫn đang mắc phải khiến trẻ...tự ti về bản thân mình

Khánh An 2017-03-28 06:50
- Bạo hành con bằng lời nói sẽ gây ra nhiều hậu quả khủng khiếp hơn cha mẹ tưởng tượng.

Dạy con bằng lời mắng mỏ là sai lầm

Trong ký ức của H. (21 tuổi, Hà Nội), chưa bao giờ em được bố nhẹ nhàng khuyên bảo. Mà thay vào đó chỉ là những tiếng nạt nộ và mưa đòn. Những người hàng xóm sống gần nhà chẳng lạ gì chuyện em bị chửi rủa mỗi ngày.

Không chỉ mỗi khi làm gì sai, có khi vô cớ mặc chiếc áo mới cũng bị bố mắng nhiếc tiêu hoang phí, không biết tiết kiệm. Mỗi lần H. đạt điểm kém khi còn là học sinh hay thi trượt học sinh giỏi, cô bé lại phải chịu đựng những lời đay nghiến đến đau lòng. Những lời chửi rủa ấy kéo dài mấy ngày liền, có những lúc Hoài chỉ biết bịt tai để không phải nghe.

Cô bé giờ đã là sinh viên nhưng những lời mắng mỏ của bố ngày nào vẫn in hằn trong tâm trí. H. muốn quên nhưng dường như không thể quên được. Giờ đây, bố đã nhẹ nhàng hơn nhưng H. vẫn cảm thấy sợ khi làm việc gì đó sai.

Cho nên, trong cuộc sống, cô gần như không dám làm sai lời bố mẹ, tất cả mọi chuyện đều do gia đình quyết định và luôn luôn phải làm đúng mọi thứ, kỳ vọng của gia đình. Chính vì vậy, đôi khi H. cảm thấy cuộc sống vô cùng áp lực, nhưng rồi cũng chỉ biết nén nước mắt vào trong.

Cẩm Nhung (sinh năm 1992, một cô giáo mầm non tại nội thành Hà Nội) cũng mang trong mình ký ức buồn về những trận chỉ trích, chửi mắng như cơm bữa của người bố yêu gà chọi hơn… yêu con. Bố vốn rất thích chơi gà chọi, trong một lần Nhung lỡ tay làm xổng con gà chọi “cưng” của bố, Nhung bị mắng thậm tệ, thậm chí bố còn đánh nhiều roi lên người.

Có bữa Nhung nấu cơm muộn, bố cũng không tiếc lời mắng chửi. Nhung chẳng thể nhớ nổi đã có bao nhiêu lần bị bố đánh và chửi. Tuy đã trở thành một cô giáo mầm non nhưng ký ức những ngày bạo hành từ thể xác đến tinh thần khiến khoảng cách giữa hai bố con Nhung luôn xa vời vợi. 

Xin đừng giết con bằng lời nói, bố mẹ ơi!

Khi nói về vấn đề này, tiến sĩ Vũ Thu Hương tỏ ra rất bất bình. Bởi quan niệm cũ “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, nhiều mẹ thường dạy con bằng bạo lực, thậm chí thoải mái trút tức giận lên những đứa nhỏ non nớt.

Tiến sĩ Hương khẳng định, mắng mỏ, chỉ trích, sỉ nhục trẻ cũng là một dạng bạo hành, ngược đãi ngay tại gia đình, chứ không chỉ roi vọt mới là bạo hành như mọi người thường nghĩ.

Vết thương trên da thịt do đòn roi có thể lành lại. Nhưng vết thương trong tinh thần con do cha mẹ đem lại sẽ dai dẳng rất lâu, thậm chí không thể hàn gắn lại được.

“Bị mắng mỏ, sỉ nhục, con sẽ không muốn gần gũi cha mẹ nữa. Lâu dần, con sinh ra tính lì lợm, cục cằn. Nỗi ám ảnh bị người thân yêu nhất bạo hành bằng lời nói nhiều khi cản trở bước chân trưởng thành của nhiều đứa trẻ. Bởi trẻ lớn lên với vết thương rất lớn trong tinh thần. Đó là nỗi tự ti luôn nghĩ mình xấu, vô dụng, hậu đậu. Trẻ không dám thể hiện bản thân mình, không dám vượt qua cái suy xét đời thường để đưa ra những sáng kiến mới. Ngược lại, có cháu sẽ có xu hướng thích bạo lực, giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực”, tiến sĩ Thu Hương cảnh báo.

Là một người mẹ, nữ tiến sĩ kiên quyết phản đối việc cha mẹ dạy bảo con bằng cách mắng mỏ, chỉ trích, xỉ nhục. “Các con trở về nhà sau một ngày học hành cần được tâm sự, sẻ chia. Chứ không phải là tiếng la hét ầm ĩ của cha mẹ - người mà con yêu quý, trông đợi nhất trong gia đình. Cha mẹ hãy bình tĩnh lắng nghe khi đối diện với những tâm tư, sai lầm của con, để cho con lời khuyên thấu đáo. Càng mắng mỏ, đánh đập con, càng chứng tỏ cha mẹ đang bất lực khi dạy con”, tiến sĩ Thu Hương nhấn mạnh.

Nỗi đau bạo hành bằng lời nói diễn ra dai dẳng hàng ngày, hàng giờ và kéo dài cả mấy năm trời. Phía sau những trận bạo hành đó là con đường rất dài để các em phục hồi tâm lý, tìm lại ước mơ của mình...

Khánh An

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 phút tập luyện mỗi ngày ngay trên giường giúp eo theo, dáng đẹp