Bệnh quai bị đang vào mùa: Mẹ đừng tự chữa theo những mẹo QUÁI ĐẢN này mà hại con

Thu Hà 2017-08-25 11:00
- Bôi vôi tôi, tổ tò vò, thậm chí đắp lên chỗ sưng dịch của giun đất là những lời đồn về cách chữa bệnh quai bị được không ít người truyền tai nhau, vô tư áp dụng.

Mách nhau bôi vôi, tổ tò vò, giun đất…

Hai tuần trước, con trai chị Vân Anh (Hà Nội) bỗng dưng quấy khóc nhiều, sốt và đau nhiều phía dưới mang tai. Sốt sắng tra google, chị tự “chẩn đoán” con mắc bệnh quai bị.

Để biết chắc con bị bệnh gì, chị đã đưa con đến nhà bác sĩ thường xuyên khám cho con. Bác sĩ kết luận con chị bị quai bị, kê đơn thuốc hạ sốt, bù nước và dặn dò kiêng khem cẩn thận, không để con chạy nhảy, hoạt động mạnh vì bệnh này có thể biến chứng gây viêm tinh hoàn dẫn đến vô sinh sau này. Hơn nữa, cháu có thể bị sưng lên cả hai mang tai.

Bệnh quai bị đang vào mùa. Mẹ đừng tự chữa theo mẹo quái đản mà hại con!

Bôi vôi là một trong những mẹo chữa quai bị các mẹ thường mách nhau. Ảnh minh họa.

Sợ má con sưng lên như lời bác sĩ nói, chị Vân Anh đã tức tốc gọi điện hỏi ông bà ngoại ở quê kinh nghiệm chữa. “Ông bà mách lấy một ít vôi loại các bà dùng để ăn trầu trộn với mật ong rồi đắp hỗn hợp đó lên chỗ quai bị đang mọc là khỏi bệnh”, chị kể

Theo lời mách của ông bà ngoại, mỗi ngày chị Vân Anh đắp vôi cho con hai lần. “Bôi vôi thấy con đỡ sưng má. Nhưng có lẽ do vôi và mật ong nóng nên vùng da đắp bị đỏ. Để chắc ăn, tôi vẫn cho con nghỉ học một tuần từ lúc chữa quai bị bằng vôi để tránh lây sang các bạn khác”, chị Vân Anh chia sẻ.

Một trường hợp khác, chị Phương Thanh (quê ở Bắc Giang) đã dùng tổ tò vò nghiền với mật ong để chữa bệnh quai bị cho con. “Buổi chiều, con đi học về tự dưng thấy hơi đau ở mang tai trái. Sáng hôm sau, mang tai con đã sưng “như cái bát úp vào mặt”. Nằm viện được năm ngày, con hết sưng nhưng cứ ăn là đau cứng hàm lại. Con xuất viện về nhà được một hôm thì sưng tiếp bên còn lại. Nản lòng, không muốn cho con nhập viện nữa”, chị Thanh tâm sự.

Một người hàng xóm đã mách chị lấy tổ tò vò bằng đất sét nghiền nhuyễn ra, trộn với mật ong rừng đắp cho con là khỏi. Nghe vậy, chị Thanh liền đi tìm cạo đất sét ở tổ tò vò như lời người hàng xóm mách để chữa bệnh cho con.

“Sau khi đắp, má con đỡ sưng, giảm đau. Nhưng tôi khá lo, không biết cách làm này có hại gì không?”, chị Thanh thắc mắc.

Hiện có rất nhiều mẹo chữa bệnh quai bị được mọi người mách nhau. Như dùng nước cốt lá muồng trâu trộn với nước thuốc lào hòa trộn để bôi vào vị trí hai ba lần mỗi ngày.

Một mẹo khác “quái đản” hơn là dùng khoảng 3 – 4 hạt gấc kết hợp với một nhúm …quai bị cói hoặc chiếu rách đem đốt thành than và nghiền nát. Trộn đều 2 thứ trên với nhau rồi hòa với dầu vừng, sau đó bôi vào chỗ viêm sưng hàng ngày.

Thậm chí có người mách chữa quai bị bằng… dịch của giun đất. Theo đó, người ta sẽ lấy dịch giun đất bằng cách bắt 2 – 3 con giun đất cho vào cốc, cho vào đó thêm một chút đường trắng và đợi 30 phút. Sau đó, lấy bông thấm chất dịch do giun tiết rồi đắp nên nơi bị sưng, ngày thay 2 đến 3 lần.

Tự ý áp dụng, cẩn thận chuốc họa

Trao đổi với PV Em Đẹp, Thạc sĩ Nguyễn Đình Liên, chuyên khoa Ngoại – Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định y học cổ truyền có những bài thuốc chữa bệnh quai bị hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, chữa bằng y học cổ truyền chỉ phù hợp với trường hợp bệnh nhẹ, phát hiện sớm.

Bệnh quai bị do vi rút nhóm ARN thuộc họ Paramyxovirut gây ra. Bệnh lây trực tiếp bằng đường hô hấp qua tiếp xúc giữa người bệnh và người lành. Do vi rút nên bệnh có thể tự khỏi. Bản chất của điều trị dù theo y học cổ truyền hay Tây y vẫn là nghỉ ngơi, hạn chế vận động, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Vấn đề ở đây là người bệnh có thực sự bị quai bị hay bị một bệnh khác dễ nhầm lẫn với triệu chứng quai bị như u hạch dưới hàm, tắc ống tuyến nước bọt…?”, Thạc sĩ Nguyễn Đình Liên nói.

Theo Thạc sĩ Đình Liên, trong trường hợp bị bệnh quai bị thực sự, nếu điều trị không cẩn thận sẽ gây biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não. Người bệnh tự chữa mà không biết bệnh gì, giai đoạn bệnh nào thì rất nguy hiểm!

Thạc sĩ Đình Liên đã từng gặp trường hợp bệnh nhi bệnh quai bị tự điều trị ở nhà. Đến ngày thứ tư của bệnh, người nhà cho đi khám thì phát hiện con bị xoắn thừng tinh chứ không phải bệnh quai bị. Điều đáng tiếc là bệnh nhi này đã phải cắt bỏ tinh hoàn.

Bài thuốc dân gian hiệu quả từ hạt gấc cháy

Hiện thời tiết đã bắt đầu giảm nắng nóng. Nhiệt độ hạ xuống là điều kiện lý tưởng để vi rút gây bệnh quai bị phát triển. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. “Bệnh quai bị đang vào mùa. Nếu có biểu hiện đau, sưng đỏ mang tai, đau vùng dưới hàm, tốt nhất người bệnh cần đến khoa truyền nhiễm để được khám và điều trị đúng cách, tránh gây biến chứng và nhầm lẫn với bệnh nguy hiểm khác”, Thạc sĩ Liên khuyến cáo.

Bệnh quai bị đang vào mùa. Mẹ đừng tự chữa theo mẹo quái đản mà hại con!

Hạt gấc điều trị quai bị là bài thuốc dân gian có hiệu quả thực tế đã chứng minh. Ảnh minh họa. 

Nếu chẩn đoán đúng bệnh quai bị, người bệnh có thể kết hợp điều trị bằng y học cổ truyền nhưng phải theo đơn của bác sĩ y học cổ truyền sẽ có hiệu quả tốt nhất.

“Bài thuốc y học cổ truyền được áp dụng đơn giản nhất, có hiệu quả, không độc hại là đốt cháy hạt gấc, giã nát hòa với dấm ăn, bôi nhiều lần vào góc hàm 2 bên ; chú ý tránh để dung dịch vào mắt. Các mẹ cần lưu ý các bài thuốc dân gian khi đắp hay bôi vào vùng mang tai cần đảm bảo  rõ nguồn gốc, vô khuẩn, vệ sinh cho trẻ”, Thạc sĩ Đình Liên lưu ý thêm. 

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Không phải Trấn Thành - Tóc Tiên, Hoa hậu Phạm Hương và Hồ Ngọc Hà mới như song sinh