10 điều đặc biệt quan trọng mẹ cần biết khi chăm sóc bé sơ sinh

Nguyễn Mai 2015-03-06 08:10
- Trước khi sinh con, có thể các mẹ đã đọc hàng tá kiến thức để sẵn sàng làm mẹ. Tuy nhiên, chăm sóc con trong thực tế khó khăn hơn các mẹ nghĩ nhiều.

Tuy nhiên, có 10 điều cơ bản nhất mà bất kỳ bà mẹ nào cũng cần biết khi mới sinh con:

1. Chăm sóc đặc biệt cho bé trong 6 tháng đầu
Với một số mẹ, việc chăm sóc em bé mới sinh có vẻ nhẹ nhàng như không; tuy nhiên, hầu hết các mẹ khác lại cảm thấy khó khăn và vô cùng lúng túng khi chăm con, thậm chí ngay cả khi không phải sinh lần đầu tiên.
Lời khuyên dành cho các mẹ lúc này là hãy cứ bình tĩnh và đừng lo lắng quá mức, chỉ cần mẹ luôn luôn để mắt đến bé, không bao giờ được lơ là bất cứ điều gì vì trong 6 tháng đầu tiên, bé cần được chăm sóc một cách đặc biệt. Giai đoạn này, cơ thể con còn rất non nớt, bé cũng chưa thể thể hiện được với bố mẹ khi bị đau, khi con nóng, lạnh, đói bụng hay cảm thấy khó chịu,...
2. Linh động xử lý từng tình huống
Mẹ có thể đã đọc được rất nhiều mẹo chăm sóc trẻ sơ sinh và coi đó là những quy tắc bất di bất dịch nên làm theo. Nhưng có 1 thực tế là không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, và tùy vào từng biểu hiện cụ thể của bé mà mẹ nên áp dụng các cách xử lý tình huống khác nhau. Ví dụ, không nhất thiết mẹ phải cho bé sơ sinh dùng thuốc chống hăm khi da con rất nhạy cảm với các loại thuốc đó. Nếu việc giữ vệ sinh da sạch sẽ và khô thoáng có thể giúp bé cải thiện tình hình, mẹ không bôi gì lên da trẻ là cách làm tốt nhất. 
3. Hiểu rõ những thứ trẻ sơ sinh cần
Có lẽ rất nhiều mẹ tỏ ra lo lắng vì không biết khi nào bé buồn, no, đói, khó chịu hay sợ hãi,... đúng không? Đơn giản là vì bé sơ sinh không thể nói cho mẹ biết bé đang cảm thấy như thế nào, và điều duy nhất mẹ có thể làm là để ý và tìm hiểu từ những dấu hiệu nhỏ nhất trở đi. Nếu bé bị cảm sốt liên tục, mẹ cần tìm hiểu lý do thời tiết, cách giữ nhiệt hay làm thoáng mát cơ thể trẻ đã đúng chưa. Nhiệt độ cơ thể của bé sơ sinh thường cao hơn người lớn, việc đùm bọc quá nhiều tã lót có thể làm trẻ nóng bức, khó chịu, chảy mồ hôi và dẫn đến việc con bị ốm sốt. Và nếu mẹ thấy bé khóc thì có thể do con đói, nhưng không phải chỉ khi đói bé mới khóc đâu. Có thể con đang đau ở đâu đó, hoặc bé khóc vì... cần thay tã cũng nên. Hãy chú ý đến từng dấu hiệu của con để rút kinh nghiệm cho những lần sau.
4. Mẹ cũng cần thư giãn
Hai tháng sau khi sinh là thời gian tốt để các mẹ mới sinh nghỉ ngơi một chút. Nếu điều kiện cho phép, mẹ nên đi spa để làm căng da, mát-xa để thư giãn các cơ và cải thiện vẻ đẹp sau khi sinh. Về cơ bản, ít nhất các mẹ nên chú ý ăn uống đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và làm những việc mình thích để quay lại đời sống thường nhật như mọi người xung quanh, tránh để tâm trạng rơi vào trạng thái stress.
5. Tìm sự giúp đỡ khi chăm con
Chăm con một mình quả thực là việc làm quá sức với một bà mẹ vừa mới sinh. Vì thế đừng bao giờ từ chối sự giúp đỡ của những người thân xung quanh hay một người giúp việc, bởi có những việc mẹ không thể “phân thân” để làm khi phần lớn thời gian của mẹ là cho con bú và thay tã, bỉm cho con.
6. Chăm sóc con là nhiệm vụ của cả cha và mẹ
Cả bố và mẹ đều có nhiệm vụ phải chăm sóc con, ngay cả khi đứa trẻ cần đến sự chăm sóc của mẹ nhiều hơn. Mẹ hãy "chia quyền" chăm sóc con cho bố bằng những hành động thiết thực như bế ẵm, cho ăn hay tắm cho con,... Một vai trò quan trọng nữa của bố là chăm sóc cả về mặt tinh thần lẫn hành động cho mẹ, bằng cách ở bên cạnh động viên, chăm sóc sức khỏe cho vợ sau sinh.  
7. Học hỏi kinh nghiệm của những bà mẹ khác
Là một bà mẹ chu đáo, bạn đừng quên học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Tuy nhiên, hãy cân nhắc khi áp dụng bất cứ lời khuyên nào cho con, bởi như đã nói ở trên, không phải mẹo nào cũng có tác dụng với tất cả những đứa trẻ và trường hợp của bạn hoàn toàn có thể là một ngoại lệ.
8. Cho bé sơ sinh bú sữa mẹ
Điều này có lẽ không cần phải nói nhiều vì bất cứ mẹ nào đều hiểu rõ về tầm quan trọng của sữa mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng và trí tuệ cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, mẹ cũng cần quan tâm đến vấn đề làm sao "sản xuất" đủ sữa cho con, đặc biệt là trong tháng đầu tiên sinh nở. Việc cần làm để có nhiều sữa hơn lúc này là ăn uống và bổ sung các loại thực phẩm lợi sữa và cho trẻ bú đúng cách. Thông thường, mẹ nên cho bé bú khoảng 3 – 4 tiếng một lần, tránh tình trạng cho con ngậm đầu vú cả ngày. 
9. Cân đối thời gian ngủ nghỉ của cả mẹ và bé
Trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian của chúng để ăn và ngủ. Song điều đó không đồng nghĩa với việc cả mẹ và con được ngủ như nhau. Để không bị kiệt sức vì thiếu ngủ do phải chăm sóc con, các mẹ nên cân đối việc ngủ nghỉ của bé để sao cho bé ngủ đủ giấc, ăn đủ no và ngoài các việc chăm sóc trẻ khác, mẹ vẫn có đủ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn hoàn toàn vào buổi trưa và ban đêm.
10. Mát-xa và cho trẻ tập các bài tập thể dục nhỏ
Việc cho trẻ vận động trong những tháng đầu tiên sau khi sinh rất có lợi cho sức khỏe thể chất và cả sức khỏe tinh thần của con. Cụ thể, khi được mát-xa hay tập các bài tập thể dục nhỏ, các mạch máu của trẻ được lưu thông, cơ và khớp của trẻ được bôi trơn. Tiếp đó, sự thoải mái cơ thể tác động lên não bộ của bé giúp con được thư giãn hơn. Các mẹ có thể quan sát sự thích thú và vui vẻ của bé khi được vận động qua ánh mắt, nét cười và các động tác đập tay, đập chân của con. 
Nguyễn Mai Nguồn: LH
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những phản ứng kì lạ của cơ thể xảy ra khi chúng ta yêu thật lòng