“Rối loạn nhân cách”: Trào lưu mới của điện ảnh xứ Hàn

Tắc Kè 2015-04-21 19:15
- Xu hướng này đang làm "mưa bão" trong nền điện ảnh xứ Hàn trong thời gian qua.

Từ lâu, điện ảnh Hàn Quốc đã bắt đầu xuất hiện những bộ phim có pha trộn các yếu tố viễn tưởng. Tiên phong cho trào lưu này có thể kể đến một loạt các bộ phim nổi tiếng như My Love from the Stars, Dr. Jin, Rooftop Prince, Secret Garden,…

Tuy nhiên, trước sự lạm dụng quá nhiều các tình tiết phi thực tế, các nhà làm phim đã bắt đầu sử dụng những câu chuyện khoa học hơn, mới mẻ hơn, những tình huống có thực trong cuộc sống, nhưng được hư cấu một cách hài hước, lãng mạn để lôi kéo người xem.

Và một trong những trào lưu được các đạo diễn chọn lựa nhiều nhất gần đây chính là “Rối loạn nhân cách”.

Một nhân vật, nhiều tính cách đang là trao lưu trong các bộ phim Hàn Quốc.

Good Doctor : Hội chứng Bác học

Good Doctor chính là bộ phim đầu tiên áp dụng chứng rối loạn nhân cách vào các tuyến nhân vật.

Phim kể về Park Shi Ohn ( do diễn viên Joo Won thủ vai) bị mắc hội chứng bác học và bệnh tự kỷ rối loạn từ lúc nhỏ, dù đã trưởng thành nhưng trí não của anh vẫn như cậu bé 10 tuổi. Vượt qua mặc cảm của bản thân và sự thành kiến của xã hội cùng với sự giúp đỡ của người thân anh quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành một bác sĩ khoa nhi.

“Hội chứng bác học” (Savant) mô tả người có khuyết tật về tâm thần hoặc thể chất, nhưng họ lại gây kinh ngạc về một kỹ năng hoặc lĩnh vực cụ thể. Những người mắc hội chứng Savant thường có các kỹ năng thiên bẩm, nó xuất hiện đột ngột và vượt trội hơn so với người khác ở một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, họ lại thường bị khiếm khuyết về tâm lý hoặc rối loạn phát triển thần kinh và rất dễ mắc bệnh tự kỉ.

“Good Doctor” là bộ phim đầu tiên mang các chứng mệnh đa nhân cách vào các nhân vật.

It’s Okey, That’s Love

Đây là bộ phim áp dụng triệt để chứng rối loạn nhân cách. Trong It’s Okey, That’s Love, đạo diễn Kim Kyu-Tae đã đưa vào các hội chứng ám ảnh tình dục (tên khoa học là Genophobia), chứng khó kiểm soát hành động và lời nói (tên khoa học là Tourette Syndrome) và chứng tâm thần phân liệt, đa nhân cách (tên khoa học là Schizophrenia). Đây đều là những chứng bệnh thường gặp ở những người rối loạn nhân cách.

Ba nhân vật trong “It’s Okey, That’s Love” mắc phải chứng rối loạn nhân cách

Trong phim, Gong Hyo Jin vào vai nữ bác sĩ có những ám ảnh trong quá khứ về chuyện ngoại tình của mẹ. Cô lớn lên trong sợ hãi và mắc chứng sợ quan hệ tình dục. Cuộc sống của cô gặp nhiều trở ngại cho đến khi nút thắt trong quá khứ được tháo gỡ.

Lee Kwang Soo chỉ tham gia một vai phụ. Nhân vật của anh mắc chứng rối loạn thần kinh, mất kiểm soát lời nói khi xúc động mạnh. Căn bệnh của anh xuất phát từ bạo lực, và thiếu sự quan tâm từ nhỏ.

Jo In Sung vào vai một nhà văn mắc chứng tâm thần phân liệt bị gây ra bởi chấn thương tâm lý thời thơ ấu. Triệu chứng của anh bao gồm những ám ảnh về quá khứ, cũng như xuất hiện những ảo giác của thính giác và thị giác. Cho đến khi tự tìm giải quyết được những ràng buộc, mong muốn của bản thân, Jo In Sung mới có thể tiếp tục cuộc sống và được làm chính mình.

Nam chính Jo In Sung tự tưởng tượng ra một nhân vật không có thật và bảo vệ người đó.

Kill Me, Heal Me & Hyde, Jekyll and I – Bộ đôi “đa nhân cách”

Đây là một trong những bộ phim ăn khách nhất của điện ảnh Hàn Quốc thời gian gần đây. Ngoài diễn xuất của các diễn viên thì phải kể đến việc áp dụng những tình tiết ly kỳ, hài hước của chứng rối loạn đa nhân cách.

Ji Sung trong bộ phim Kill Me Heal Me mắc phải chứng đa nhân cách nặng. Anh luôn đánh giá thấp năng lực của mình, để ý tới cái nhìn của người khác, tự ti trước cuộc sống. Anh mắc căn bệnh "sạch sẽ" và "ám ảnh", sợ động vật, sợ bóng tối và khá nhút nhát. 7 nhân cách khác nhau cùng tồn tại trong cơ thể của anh là hậu quả do ảnh hưởng sâu sắc từ cách giáo dục nghiêm khắc, thậm chí có phần nhẫn tâm của gia đình.

Ji Sung đã phải hoá thân thành 7 nhân vật khác nhau trong cùng một vai diễn.

Còn Goo Seo Jin (Hyun Bin) trong Jekyll & I, do những tổn thương thời thơ ấu, anh  mang trong mình căn bệnh tồn tại hai nhân cách, một mặt là chàng trai vô cùng dịu dàng và tốt bụng với tất cả mọi người, nhưng mặt kia lại là con người lạnh lùng tàn nhẫn. Chính sự xuất hiện của HaNa (Han Ji Min) và tình yêu của cô đã giúp anh trung hoà được hai nửa đối lập trong con người mình.

Hai tính cách đó trong con người Goo Seo Jin đều chiếm được cảm tình của nữ chính HaNa. Do đó, cô không muốn phải mất đi người nào cả, dù cả hai cùng là một.

Tạm kết:

Ngày càng có nhiều phim Hàn Quốc sử dụng chứng bệnh đa nhân cách cho các nhân vật của mình. Hình thức này đem đến cho phim Hàn một cách thể hiện mới, thoát ra khỏi những motif quen thuộc dễ gây nhàm chán trước đây. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều các tình tiết này khiến cho bộ phim trở nên rắc rối và thiếu thực tế.

Tắc Kè
(Nguồn: Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Loạt người đẹp Việt đua nhau khoe vòng eo nhỏ xíu khi ở nhà mùa dịch