Lạ lùng Nhật Bản

Tống Trần 2014-06-26 15:35
- (Em đẹp) - Bên trong lòng văn hóa Nhật Bản là cả một nồi lẩu sôi sục đầy sức sống trái với cái vẻ ngoài tưởng chừng như quá đỗi trang trọng và điềm tĩnh ấy.
Trong tâm trí của nhiều người, khi nghĩ về Nhật Bản, chúng ta thường nghĩ đến một nền văn hóa khép kín, tôn trọng các lễ nghi. Nhưng như một trái dưa hấu chỉ đến khi bổ ra mới có thể biết nó “ngon” đến chừng nào, bên trong lòng văn hóa Nhật Bản là cả một nồi lẩu sôi sục đầy sức sống trái với cái vẻ ngoài tưởng chừng như quá đỗi trang trọng và điềm tĩnh ấy.

Kanamara Matsuri, nơi “của quý” được tôn thờ

Không ai có thể ngừng sự ngạc nhiên khi biết đất nước với những người con gái thướt tha trong bộ kimono, thẹn thùng trong từng cử chỉ, lễ nghi ngay cả trong cách chào hỏi thường ngày ấy lại có thể tổ chức lễ hội tôn thờ dương vật.

Lễ hội bắt đầu vào tháng 4 hằng năm
Nhiếp ảnh gia: Chris McGrath, nguồn: Huffingtonpost

Truyền thuyết về sự ra đời của lễ hội cũng nhuốm màu kì dị như chính những gì mà nó tôn vinh. Ngày xưa, có một con quỷ đã chui vào trong tử cung của người phụ nữ và cắn dương vật của bất kì người đàn ông nào quan hệ với cô ta. Sau đó, người phụ nữ đã cầu xin một thầy pháp giải thoát cho mình. Thầy pháp liền làm một dương vật bằng sắt và dùng nó để bẻ gãy răng của con quỷ.

Từ đó, lễ hội Kanamara Matsuri (Lễ hội tôn thờ dương vật) được tổ chức tại đền Kanayama của tỉnh Kawasaki vào chủ nhật đầu tiên của tháng 4 mỗi năm để kỷ niệm sự kiện trên. Đến với nơi này, bạn sẽ không thể nào dừng há hốc mồm bởi cảnh tượng đang bày ra trước mắt. Một đoàn các chàng trai khỏe mạnh trong trang phục truyền thống khênh trên vai một của quý khổng lồ bằng gỗ tiến về phía trước. Đám rước được bao quanh bởi những con người đang nhảy múa không ngừng trong không khí hân hoan hội hè.

Không khí hội hè của lễ rước dương vật
Nhiếp ảnh gia: Chris McGrath, nguồn: Huffingtonpost

Hai bên đường là các quý cô ăn vận chỉn chu mân mê trên tay một dương vật làm bằng gỗ hoặc cho vào trong miệng thanh kẹo mút giòn tan có hình dáng tương tự. Các chàng trai vận trang phục truyền thống, mỗi người lại đeo trên mình một dương vật tạc từ gỗ to bằng cả thân người chụp ảnh cùng các du khách hiếu kỳ, gương mặt của ai nấy đều mang một vẻ tự hào hiếm thấy. Trong Kanamara Matsuri, người ta tạc hình của quý bằng đủ loại chất liệu để bán cho du khách. Tất cả những người Nhật Bản tham dự lễ hội với sự vô tư và một tâm thế hiển nhiên tương phản hoàn toàn với vẻ ngại ngùng của những vị khách phương Tây xa xôi.

Những cô gái trẻ trung xinh xắn cùng các viên kẹo hình dương vật
Nhiếp ảnh gia: Chris McGrath, nguồn: Huffingtonpost

Nhưng sự ngạc nhiên chưa dừng lại ở đây. Câu chuyện hấp dẫn nhất vẫn đang chờ đợi bạn ở phía sau. Với một đền thờ dương vật, bạn có bao giờ nghĩ người ta sẽ cầu xin điều gì? Kanamara Matsuri là nơi để những cô gái hành nghề mại dâm đến xin thần linh ban cho phép màu bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc các cặp vợ chồng cầu xin sự hòa hợp, yên ấm trong gia đình. Hiện tại, lễ hội này được dùng để nâng cao nhận thức về HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Du lịch về vùng thảm họa

Người Nhật luôn sáng tạo và lạc quan bất chấp hoàn cảnh khó khăn như thế nào. Trong trận sóng thần năm 2011, Sendai là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ một khu vực và đất nước dẫn đầu về du lịch, ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản rơi tự do. Trong nhiều tháng liền, lượng du khách đặt chân lên Nhật Bản gần như bằng con số 0. Nhưng chỉ sau khoảng nửa năm thiên tai, số lượng du khách đến Nhật đã tăng gần đạt mức cũ trước khi sóng thần xảy ra. Đặc biệt, giờ đây Nhật Bản lại có thêm mô hình du lịch mới là những tour trở về vùng thảm họa năm xưa ở Sendai.

Mùa xuân về ở Sendai
Nhiếp ảnh gia: Scott, nguồn: Japan-guide

Trái với những suy nghĩ trong tôi, tour về vùng thảm họa không nhuốm một thứ màu sắc bi quan hay tiếc nuối cho linh hồn những con người đã ra đi trong thảm họa. Ngược lại, nó lại cho chúng tôi thấy một Nhật Bản kiên cường và mạnh mẽ như thế nào.

Chúng tôi được đi đến Sendai, so với những năm về trước, Sendai giờ đây đã được khôi phục lại gần khá nhiều so với tình trạng trước khi sóng thần xảy ra trừ một số vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của phóng xạ. Người dân Sendai đã không còn buồn rười rượi với đôi mắt xa xăm như trong những tấm hình đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng khi thiên tai xảy ra. Họ hăng say lao động tái thiết lại mọi thứ trong khi vẫn không quên hội hè để hưởng thụ cuộc sống. Khi thấy gương mặt của tôi ngạc nhiên nhìn những đứa trẻ trong trại mồ côi với nụ cười rực rỡ như nắng chiều mùa hạ, người hướng dẫn viên nhìn tôi và nói thật chậm rãi: “Thứ quý giá nhất mà chúng tôi có chính là sự lạc quan, đó là sức mạnh để xây dựng nên tất cả những thứ cô đang thấy ở đây.”

Phần còn lại của hành trình, chúng tôi được leo lên một ngọn núi nhỏ vô danh ở Sendai. Mấy ai có thể ngờ ngọn núi xanh mượt mà như một hòn ngọc xinh xắn này lại từng hứng chịu một trong những thiên tai kinh khủng nhất của nhân loại. Dường như ngay cả cánh rừng nơi đây cũng vứt bỏ những ủ rũ đã qua đi để khoác lên mình sự rạng rỡ của sức mạnh tái sinh. Nhìn bao quát từ trên đỉnh núi xuống Sendai, tầm mắt của bạn sẽ ôm trọn cả cái thành phố nhỏ với những con người kì diệu ấy. Lác đác trên đỉnh núi là một vài cây hoa Anh Đào dù nhỏ bé nhưng cũng cố gắng góp chút nhan sắc cho cuộc sống này bằng những cụm hoa rực rỡ sắc thắm.

Trên đống tro tàn, sự sống lại nảy mầm rực rỡ đầy kiêu hãnh
Nhiếp ảnh gia: Scott, nguồn: Japan-guide

Chúng tôi ngồi dưới gốc cây Anh Đào, nhấp rượu sake cùng đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn bởi người hướng dẫn viên chu đáo. Mặt trời về chiều lững lờ trôi như một gã nghệ sĩ bất cần tới cuối chân mây, rồi đột nhiên bất ngờ từ phía nơi tưởng chừng đã vụt tắt ánh sáng đó, gã nghệ sĩhắt mạnh một luồng sáng màu cam rực rỡ cuối cùng ngược lại phía chân trời. Trong thứ khung cảnh kì diệu như một câu chuyện cổ tích thuở bé đó, tôi tự hỏi bản thân mình sẽ còn có mấy lần trong đời có thể ngắm được thứ hoàng hôn rực rỡ đến dường này?

Rực rỡ một Sendai
Nhiếp ảnh gia: Scott, nguồn: Japan-guide

Tạm biệt Sendai, tạm biệt Nhật Bản, thứ ở lại trong tim tôi không phải là những tán hoa rực rỡ hay sự kỳ dị của một lễ hội có một không hai trên toàn thế giới. Chiếm lĩnh tâm trí tôi khi nhắc về Nhật Bản đó là nụ cười của những con người đã đi qua một thứ số phận nghiệt ngã nhưng vẫn viết nên bản hùng ca cho chính mình.

Tống Trần

logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bí kíp mặc đồ gam màu hồng pastel đón hè không bị sến súa