Café Nhà Sàn - Nơi quá khứ không phải câu chuyện buồn

Red. 2014-07-03 18:14
- Một không gian nghệ thuật đương đại, mang âm hưởng của thời kỳ bao cấp, hòa hợp trong ngôi nhà sàn rộng rãi nằm gần như tách bạch với đô thị ồn ào và nắng nóng.
Trước khi chính thức đặt chân đến Café Nhà Sàn, với trí nhớ của tôi về hình ảnh cũ của ngôi nhà sàn này mà tôi đã có cơ hội được thăm, cùng với những hình ảnh mới mà tôi được nhìn qua những bức hình đăng trên Facebook, tôi đã ngay lập tức vừa háo hức vừa thoáng một chút ngần ngừ. Quán hoài cổ mang hơi hướng retro, vintage hay mang cảm hứng thời kỳ bao cấp, hay vay muợn màu sắc cộng sản không phải là phong cách gì lạ lẫm nữa. Nhưng nếu như nét hoài cổ được áp dụng trong đa số các quán xá chỉ mang tính tạo phong cách và trang trí, đôi khi có thể gây cảm giác ngợp hoặc dễ chán; thì ở Café Nhà Sàn, tôi lại sợ không gian ở đấy được mô phỏng quá khứ đúng quá, tôi sợ vì thế mà tôi sẽ có cảm giác nặng nề.
Tôi cũng thoáng chợt nghĩ rằng, những thứ xưa cũ dễ gây nên một trạng thái xúc động không có thực ở những người đương thời - những người có ít hiểu biết và ít trải nghiệm về những thứ ấy. Sự xúc động đó có thể là một cảm xúc được vay mượn từ hiệu ứng của phong trào tìm đến những vẻ đẹp trong quá khứ đang rất thịnh trong mấy năm gần đây.
Nhưng không, đến Cafe Nhà Sàn, tôi thấy tự do vô cùng. Trước hết, Nhà Sàn là một khuôn viên rộng rãi, có gác hai, gần như tách bạch với đô thị ồn ào và nắng nóng. Cái mát mẻ tự nhiên ở một ngôi nhà sàn nằm lui vào dưới một con dốc, giữa một khu dân cư tạm thời giải thoát tôi khỏi sự tù túng của những căn phòng điều hòa khép kín. Tiếp đó, ánh sáng dịu nhẹ, đồ đạc và trang trí phủ lên ngôi nhà một màu trầm tối nhưng chỉ đủ làm thư giãn đôi mắt chứ không âm u do trần nhà rất cao và không gian rất rộng rãi. Và, trên nhất, bàn ghế nơi đây mang một vẻ trung tính hiếm thấy ở đồ nội thất ngày nay, chúng có hình dạng không cầu kì cũng không mang vẻ cũ kĩ lộ liễu, thông điệp quan trọng nhất mà chúng muốn truyền tải đơn thuần là công năng của chúng - là để ngồi, mà hễ ngồi vào là có cảm giác tự nhiên như bước chân vào phòng khách nhà mình, đặt người xuống, bật TV, uống cốc nước...
Café Nhà Sàn là sự kết hợp giữa ngôi nhà sàn của Tây Bắc làm vỏ ngoài, không gian bên trong được đặt những đồ vật được lưu giữ lại từ thời kỳ bao cấp, điểm xuyết một vài sắc thái nghệ thuật. Ngôi nhà sàn được vận chuyển từ Hòa Bình về Hà Nội từ năm 1998, ban đầu được sử dụng làm một không gian nghệ thuật phi lợi nhuận điều hành bởi nghệ sĩ/người phụ trách Trần Lương và nghệ sĩ/người phục chế đồ cổ Nguyễn Mạnh Đức. Sau một thời gian ngắn tạm ngừng sử dụng, gần đây Nhà Sàn mở cửa trở lại với một vẻ ngoài có chút thay đổi và thêm một chức năng mới: Là một không gian café.
Đang tiếp quản Café Nhà Sàn là một thế hệ trẻ, rất trẻ, thế hệ được sinh ra sau khi đất nuớc bước vào giai đoạn Đổi mới. Thời kỳ bao cấp chỉ còn bóng dáng trong những câu chuyện kể của cha chú, của những đồ vật và những bản nhạc còn sót lại.
Nhất gạo nhì rau/ Tam dầu tứ muối/ Thịt thì đuôi đuối/ Cá biển mất mùa/ Đậu phụ chua chua/ Nước chấm nhạt thếch/ Mì chính có đếch/ Vải sợi chưa về/ Săm lốp thiếu ghê/ Cái gì cũng thiếu…
Đời sống khó khăn là thế, thời kỳ ấy cũng không có nhiều thành tựu sáng chói về văn hóa, nghệ thuật, kinh tế lại càng không. Ấy vậy mà chủ đề bao cấp lại được khai thác nhiều thế, cha chú chúng ta sao lại hoài nhớ về quãng thời gian ấy nhiều thế?
Riêng trong lĩnh vực nội thất nói chung và quán xá nói riêng, phong cách mô phỏng thời bao cấp gần đây đang được chuộng. Nhiều người tìm mua những vật dụng còn sót lại từ thời bao cấp, hoặc những sản phẩm “giả bao cấp”, những quán ăn tem phiếu và quán café bao cấp xuất hiện ngày càng nhiều - và đều đông khách. Người có tuổi tìm đến để có cơ hội hồi tưởng lại về những năm tháng khó khăn cũ, người trẻ tìm đến vì tò mò những thứ lạ lẫm với họ. Từ đó hình thành nên một phong trào nho nhỏ và vô hình chung gắn chặt hình ảnh thời kỳ bao cấp với những cái bàn cái ghế ấy, với đôi dép cao su, với chiếc xe đạp Thống Nhất...
Tất nhiên, khái niệm ấy không có gì sai, chỉ là chưa đủ. Phép liên tưởng ấy chỉ mang tính hình ảnh, theo lời chủ nhân của Nhà Sàn, cái làm chú nhớ nhất và yêu quý nhất - cái nằm sau những kỷ vật - là tình cảm gắn bó được gửi gắm vào trong đó. Đời sống thiếu thốn nên sở hữu được cái gì là cái ấy quý giá lắm. Cũng vì thiếu thốn, con người thời ấy, vốn không phải ai cũng là nghệ nhân, tự chế vật dụng từ những thứ bỏ đi và lượm lặt được. Những vật dụng ấy không mang tính mỹ nghệ, không tinh xảo, nhưng đều là độc bản, mang tính ngẫu hứng và mang nặng tình cảm của người làm ra. Sau bao nhiêu năm, chúng phủ lên một màu thời gian, vừa kể câu chuyện quá khứ vừa phản ánh hiện tại. Bởi vậy mà chúng cứ thôi thức người xưa nhớ về chúng, tìm cách tái hiện chúng, và hấp dẫn người nay dù rằng chúng vô cùng xa lạ với họ.
Nhưng Café Nhà Sàn ra đời không phải với mục đích tái hiện một thời kỳ đã qua của đất nước. Mà trước nhất, là để tiếp tục duy trì một không gian tổ chức triển lãm, sự kiện cho những nghệ sỹ trẻ. Đồng thời, cũng là để thỏa mãn nỗi nhớ mong và tình yêu thương mà chủ nhân Nhà Sàn dành cho những đồ vật thời bao cấp mà ông sưu tập được. Cuối cùng, ông muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ, rằng đừng nên đặt nặng quá khứ là một thời kỳ huy hoàng - quá khứ đau thương lắm, đừng lấy những thành tựu trong quá khứ làm mục tiêu để cố gắng đạt được. Thay vào đó, hãy dựa trên những gì mình đang có - tài năng, mơ ước, hiện tại - và kế thừa quá khứ, để từ đó tự vạch ra một hướng đi cho tương lai mình.
Café Nhà Sàn
Địa chỉ: Ngõ 462, đường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội
 
Red.
Ảnh: Lu, Nowhere
logo smaill
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


3 động tác yoga giúp giảm đau lưng hiệu quả