Hàng kém chất lượng và tâm lý "dùng liều" của người tiêu dùng

2014-09-09 17:19
- (Em đẹp) - Sự thờ ơ hay dễ tính của người tiêu dùng khi mua và sử dụng hàng hóa đã góp phần không nhỏ để hàng hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường.
Thực trạng hàng kém chất lượng

Thực phẩm nhiễm chất bảo quản quá hạn mức cho phép, đồ giả như hàng thật, dường như đây không còn là điều gì mới mẻ với người tiêu dùng khi tần suất xuất hiện của chúng ngày càng dầy lên. 

Rất nhiều sản phẩm được nhân dân sử dụng hàng ngày cũng đang được cảnh báo nguy hại cho sức khỏe và hầu hết đều được nhập với giá cực rẻ từ Trung Quốc thông qua nhiều con đường. Và những cuộc điều tra gần đây cho thấy những sản phẩm này đều có hàm lượng chất bảo quản vượt quá mức cho phép của cục An toàn Thực phẩm Việt Nam, ví dụ như ô mai và bột sương sáo không đạt yêu cầu nhập khẩu với hàm lượng các kim loại nặng như: chì, asen, thủy ngân cao hơn từ 1,2 - 1,6 lần so với công bố. Hóa chất thuốc bảo vệ thực vật trong nhiều loại hoa quả Trung Quốc bị phát hiện gồm Carbendazim (dùng để diệt nấm), Difenoconazol, Thiophanate, Propargite (dùng để diệt nhện) và Methomyl cũng vượt ngưỡng.

Bột sương sáo của công ty TNHH 3K nhập khẩu từ Trung Quốc bị phát hiện nhiễm độc chì, thủy ngân ở mức cao

Bên cạnh đó, các chất bảo quản, phụ gia thực phẩm được giới thiệu và buôn bán tràn lan trên thị trường Việt Nam nên không khó gì để các chủ sản xuất sử dụng chúng nhằm lưu giữ được độ tươi, màu sắc của sản phẩm lâu hơn khiến cho  những thực phẩm đơn giản như giò, đậu phụ, gạo… cũng được liệt vào danh sách hàng hóa cần lưu ý về chất lượng an toàn thực phẩm.

Không chỉ dừng lại ở thực phẩm, tất cả các sản phẩm khác gắn bó với đời sống hàng ngày như mỹ phẩm, đồ trang sức, đồ điện gia dụng cũng khiến cho người tiêu dùng lo ngại vì dường như mỗi ngày lại phát hiện ra một thứ nhiễm độc. Hàm lượng chì, triclosan trong những sản phẩm này vượt quá mức cho phép, nhẹ là gây mẩn ngứa, viêm da, nặng là dẫn đến vô sinh. Đồ trang sức cũng không kém cạnh các sản phẩm khác là bao, khi hàng loạt cuộc điều tra cho thấy đồ trang sức lóng lánh hay làm từ nhựa, hợp kim đều tiềm ẩn hiểm họa không hề nhỏ đối với người tiêu dùng. 

Gần đây, loại vòng tay dây chun (dành cho trẻ con) cũng đã được phát hiện có chứa hàm lượng cao phthalates, gây ảnh hưởng đến nội tiết tố của trẻ, giảm số lượng tinh trùng, có khả năng gây viêm vú, tuyến tiền liệt, dị ứng. Nhiều đồ chơi cho trẻ em có hàm lượng phthalates vượt quá tiêu chuẩn cho phép cũng đang được bán tràn lan trên thị trường. 

Không riêng hàng kém chất lượng có nguồn gốc Trung Quốc mà ngay tại thị trường nội địa cũng có không ít những cơ sở sản xuất Việt Nam “ăn gian, làm dối”. Đơn cử như vụ việc thương hiệu chả cá “Hai chị em” của công ty Canh Chua Việt kém chất lượng, nhiễm khuẩn vẫn được bán rộng rãi tại các của hàng, siêu thị hay công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Thanh Mai (xóm Tiền Phong, xã La Phù, huyện Hoài Đức) bị phát hiện sản xuất các loại Champagne, rượu vang nổ, rượu nho bằng nước giếng khoan, hòa với đường, hương liệu, chất tạo màu không rõ nguồn gốc; riêng rượu vang nổ và champagne sục thêm khí CO2 tạo ga. 

Cơ sở sản xuất xập xệ, thiếu vệ sinh song chả cá "Hai chị em" vẫn được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị

Sự thờ ơ của người tiêu dùng cũng là lý do để hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường.

Rõ ràng, thói quen sử dụng là một yếu tố khiến cho nhiều sản phẩm dù đã được phát hiện có chất độc hại vẫn “đứng vững” trên thị trường. Bàn về chuyện thực phẩm bẩn tràn ngập các hàng quán, có người nói: “Ăn cũng chết, không ăn cũng chết, vậy thôi ăn đi cho sung sướng”. Suy nghĩ này không chỉ làm hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn lấy đà cho những chuyến nhập thực phẩm bẩn, chế biến đồ ăn không sạch của các cơ sở sản xuất, quán ăn của Việt Nam.

Vừa qua, hãng tin Bloomberg (Mỹ) đã trích dẫn một báo cáo khoa học về những tác hại của chất Triclosan có trong kem đánh răng Colgate Total của công ty Colgate  - Pamolive. Nghiên cứu này cho thấy, chất Triclosan có thể gây ra sự phát triển của các tế bào ung thư, sinh non hoặc khiến hệ xương kém phát triển ở động vật. Đứng trước thông tin này, người tiêu dùng cũng không quá quan tâm nhà sản xuất nói gì, sự thực về chuyện này ra sao. Chị Thanh (Tương Mai – Hoàng Mai) cho biết: “Do gia đình đã sử dụng Colgate quá lâu rồi, thấy hiệu quả đem lại vẫn tốt, sức khỏe không có vấn đề gì, nên dù đây là thông tin chuẩn xác đi nữa thì gia đình vẫn sẽ dùng sản phẩm này thôi, nếu phải thay, cũng chẳng biết thay loại nào”. Anh Tùng (Tây Hồ) thì dửng dưng vì: “Trước tới giờ lúc nào chả có thông tin sản phẩm này có độc, sản phẩm kia có hại, quen dùng gì thì dùng đó thôi, chả tin được báo chí”

Ngoài ra, tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng cũng là lý do (chủ yếu) khiến cho hàng kém chất lượng, hàng giả tuồn vào Việt Nam vô tội vạ. Khi được hỏi về thói quen mua, sử dụng đồ trang sức, bạn Giang (học sinh cấp 3, Hoàng Mai Hà Nội) cho biết: “Em chưa làm ra tiền nhưng nhu cầu làm đẹp khá cao. Các bạn ở lớp em cũng thế. Em hay mua những đồ lóng lánh giá rẻ, mẫu mã đẹp ở Khương Thượng, những đồ này phối đồ rất thích. Quan trọng hơn là sau khi dùng vài lần, em không thích nữa, hoặc chúng đổi màu thì cũng có thể vứt đi mà không thấy quá tiếc.”

Những món đồ trang sức rẻ tiền được bày bán tràn lan và thu hút khá đông lượng khách hàng trẻ tuổi

Còn với đồ mỹ phẩm, nhiều người khi thấy hàng xách tay giá rẻ liên nổi lòng tham, mua thật nhiều để đến khi đem về thì dị ứng, khô da… nặng hơn là viêm da kích ứng, lở loét. Tất cả chỉ vì lòng tham. Người xưa đã dạy rằng, tiền nào của đấy, vậy mà sao người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa thật sự thấm thía câu này? Tất nhiên, bên cạnh đó cũng có những lý do rất thuyết phục như:“Hàng quần áo chất lượng tốt, bền đẹp thì giá cả đắt quá, nên đành chọn hàng Trung Quốc vậy. Kiểu dáng cũng khá được mà phù hợp túi tiền” chị Trang (Cầu Giấy) bày tỏ.

 Cần có nhiều người tiêu dùng nghiêm khắc hơn để thị trường được “xanh, sạch”

Đứng trước tình trạng các mặt hàng kém chất lượng nhập lậu từ Trung Quốc, các sản phẩm của doanh nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các nhãn hàng nổi tiếng thế giới cũng bị phát hiện không an toàn cho người sử dụng, nhiều người tiêu dùng Việt đã chọn lựa cách “người Việt dùng hàng Việt” và luôn lưu ý những sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng hay chưa. Những mặt hàng “nghi” là nhập lậu từ Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng nên tẩy chay và tránh xa. 

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đang hướng đến hình thức “handmade/ homemade”, tức là tự chế biến, tự làm theo nhu cầu của gia đình, bạn bè hoặc đặt làm từ một người quen thân. Hình thức này khiến cho người tiêu dùng yên tâm hơn vì đảm bảo không có hóa chất bảo quản, làm đến đâu tiêu thụ đến đó. 

Người tiêu dùng cũng cẩn trọng hơn khi lựa chọn các loại mỹ phẩm, đồ trang sức, không tham rẻ, kiểm tra nguồn gốc sản phẩm rõ ràng trước khi mua. Thiết nghĩ, tuy rằng người tiêu dùng đã phải hoang mang trong vô vàn những thông tin cảnh báo về sản phẩm độc hại, nhưng cũng từ đó mà nhiều người đã quan tâm hơn về “tiêu dùng an toàn” hay “tiêu dùng thông minh”. Cũng từ đây, sản phẩm “made in Vietnam” lên ngôi và có chỗ đứng nhất định đối với người tiêu dùng.


Tiểu Nguyễn
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Sự nhẹ nhàng của người phụ nữ đến từ sự chiều chuộng của người đàn ông