Chút hụt hẫng với "Chàng trai năm ấy"

Khôi Nguyên 2014-12-29 09:32
- Đủ độ hài để khán giả cười, đủ cảm động để khán giả khóc nhưng khi xem xong “Chàng trai năm ấy”, nhiều người có chung cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối bởi nhân vật trong phim và Wanbi Tuấn Anh ngoài đời dường như là hai con người xa lạ.
Ngay từ ban đầu, đạo diễn Quang Huy đã chia sẻ, “Chàng trai năm ấy” được lấy ý tưởng dựa trên cuốn tiểu thuyết “Bắt đầu từ một kết thúc” của Wanbi Tuấn Anh và nhà báo Lý Minh Tùng. Bởi thế, khi đoàn phim công bố Sơn Tùng MT-P được giao đảm nhận vai chính Đình Phong – nhân vật mà có nhiều tình tiết dựa trên cuộc đời thật của Wanbi khiến nhiều khán giả lo ngại. Ngoài sự khác nhau về ngoại hình thì Sơn Tùng chưa một lần đóng phim, lại ít tiếp xúc với nhân vật nguyên bản, liệu anh có thực sự truyền tải được tinh thần, cảm xúc và đặc biệt là niềm lạc quan sống đó. Thậm chí, ngay trước buổi công chiếu đầu tiên trước báo giới tại Tp.HCM những lo lắng dành cho Sơn Tùng cũng được đặt ra. Tuy nhiên, bản thân anh và đạo diễn Quang Huy hơn một lần nhấn mạnh: Hãy dành cho phim sự công bằng, đón xem nó trong tâm thế thoải mái nhất sau những lùm xùm đã qua và nhìn nhận những tâm huyết mà đoàn phim dồn vào. 
Vì là bộ phim được lấy ý tưởng và mục đích để trân quý, tưởng nhớ đến Wanbi Tuấn Anh như chính phần after credit đã đề nên trong “Chàng trai năm ấy”, khán giả dễ dàng bắt gặp lại những chi tiết gắn liền trong cuộc đời của chàng ca sĩ đoản mệnh. Chớm nổi tiếng và được khán giả yêu mến nhưng ngay sau đó anh mắc phải căn bệnh hiếm – một khối u trên não khiến thị lực của anh bị suy giảm. Dù đã trải qua một đợt điều trị, có dấu hiệu hồi phục nhưng ngay sau đó bệnh tình càng trầm trọng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Đình Phong được quản lý Lâm (Hứa Vỹ Văn) và 3 người bạn gồm Sky (Hari Won), Băng (Phạm Quỳnh Anh) và Hà (Ngô Kiến Huy) đưa sang Singapore điều trị. Chấp nhận cơ hội 50-50, Đình Phong trở về nước với một mắt sáng hơn, còn mắt kia gần như không thấy gì. Tuy nhiên, căn bệnh của anh ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Cuối cùng, sau đêm liveshow để đời đón nhận tình yêu thương của các bạn đồng nghiệp, anh đã vĩnh viễn ra đi. 

Đình Phong và nhóm "tứ quái" trong "Chàng trai năm ấy".
“Chàng trai năm ấy” được chia làm hai phân khúc rõ ràng. Suốt từ đầu cho đến phần giữa, phim mang màu sắc vui tươi, nhí nhảnh và tràn đầy tiếng cười. Tạo hình ngố ngố và là lạ của Hà và Băng cùng những phát ngôn của cả hai khiến khán giả không ít lần bật cười sảng khoái. Sky – cô gái lai Hàn Quốc trong vai bạn gái của Đình Phong lơ lớ chất giọng Việt – Hàn lại đá đưa nhiều câu nói bằng tiếng mẹ đẻ toát lên vẻ hồn nhiên, dễ thương. Thậm chí, cả nhân vật Đình Phong cũng bộc lộ cái vẻ lí lắc, có lúc lại là khôn lỏi, láu cá. Nếu chỉ nhìn bề nổi, có lẽ nửa đầu bộ phim tạo cảm giác thoải mái cho khán giả. Nhưng, phân khúc sau bắt đầu bước vào những nút thắt đầy cảm động từ khi Đình Phong phát hiện ra mình bị bệnh hiểm nghèo. Những câu chuyện nhiều nước mắt hơn bởi xung đột, kịch tính và những mâu thuẫn trong nhóm tứ quái Lâm – Băng – Hà – Sky. Cao trào nhất của bộ phim đó là khi Đình Phong xuất hiện trong đêm nhạc quyên góp tiền cho anh điều trị bệnh. Đoạn độc thoại của Đình Phong trên sân khấu, nước mắt ngập tràn của những người bạn thân và đồng nghiệp khiến nhịp phim chùng xuống. Tuy nhiên, cái kết mở với những câu chuyện có hậu của Băng – Hà; hạnh phúc mới của Sky đã phần nào kéo nhịp phim trở lại không khí vui tươi. Nếu chỉ nhìn bề nổi, nếu ai chưa hề biết về cuộc đời và tính cách của Wanbi Tuấn Anh, có lẽ, “Chàng trai năm ấy” là một bộ phim đủ để hài lòng. Nhưng…
Về mặt diễn xuất, không thể phủ nhận được sự nỗ lực của Sơn Tùng MT-P khi lần đầu chạm ngõ điện ảnh. Sự nỗ lực ấy được thể hiện qua những cung bậc cảm xúc khác nhau: khi hân hoan, lúc hờn giận, khi tràn đầy niềm tin, lúc tuyệt vọng… Tuy nhiên, Đình Phong đó là của Sơn Tùng chứ không phải con người Wanbi Tuấn Anh. Sơn Tùng đã đặt khá nhiều cái tôi cá nhân với những tính cách: lí lắc nhưng lại quá teen, thông minh nhưng có phần láu cá và đặc biệt nét diễn lạc quan ở phân đoạn cuối còn khá nửa vời. Những ai biết đến Wanbi đều biết chàng ca sĩ này vốn tính hiền lành, hồn hậu, lễ phép và cực kì thông minh. Đặc biệt, ở giai đoạn cuối đời khi mắc bệnh hiểm nghèo nhưng anh vẫn toát lên tinh thần lạc quan, vẫn đi hát phục vụ khán giả với nụ cười rất tươi luôn nở trên môi. 
Lần đầu chạm ngõ điện ảnh, nhưng Sơn Tùng đã chứng tỏ được năng khiếu diễn xuất của mình.
Trong khi cố gắng để lột tả niềm vui ở phần đầu thì ở đoạn cao trào nhất, cần lấy nước mắt khán giả Sơn Tùng lại diễn khá lên gân. Nét lạc quan cần có nhất của nhân vật không thật sự toát ra. Đó còn chưa kể cử chỉ, điệu bộ khi Đình Phong nức nở trên sân khấu trong đêm nhạc cảm ơn kia lại bị cho là… hơi kịch. Rõ ràng, Sơn Tùng vẫn chỉ dừng lại là Sơn Tùng mà thôi.
Nếu tuyến nhân vật của Hari Won hay Hứa Vỹ Văn khá tròn trịa về mặt diễn xuất bởi hai nét diễn: một hồn nhiên, nhí nhảnh, một lạnh lùng, sắt đá thì Băng của Phạm Quỳnh Anh hay Hà của Ngô Kiến Huy có phần… lố.  Nhiều người tự hỏi việc xây dựng tính cách có phần khác người từ trang phục, trang điểm cho đến cái điệu bộ chu môi, giọng nói cố tình lên gân khi the thé, lúc thủ thỉ của Băng hay vẻ ngốc nghếch, hậu đậu của Hà trong phim nhằm hướng đến câu chuyện gì. Nếu chỉ mang tính chất chọc cười cho khán giả, hoặc nằm trong ý đồ của đạo diễn nhằm xây dựng “tứ quái” độc nhất thì có lẽ, phim cần sự tiết chế hơn. Nhiều chi tiết ở phần đầu của câu chuyện có phần hơi dư thừa, đều đều. Ở phân đoạn sau, tính cách của những nhân vật này có nhiều biến đổi, đặc biệt cái kết có phần duyên dáng hơn.

Hứa Vĩ Văn đã có một vai diễn tròn vai
Sơn Tùng và Hari Won

Cặp đôi Băng - Hà
Tất nhiên, nói như thế không phải khẳng định “Chàng trai năm ấy” là một bộ phim tệ. Xét trên tổng thể, phim khá dễ xem với những góc máy và khung hình đẹp, kể cả những cảnh toàn hay đặc tả. Phim có những chi tiết khiến khán giả cười dù sau đó nó được lặp lại không ít lần. Từ phân đoạn, Đình Phong trở về sau chuyến điều trị ở Singapore đến hết, có một vài chi tiết đủ khiến khán giả cảm động. Câu nói “giá như...” hoặc “nếu…” sẽ thành dư thừa nhưng thực sự, nếu đạo diễn Quang Huy biết cách tiết chế cho các nhân vật, tạo nên những chi tiết làm điểm nhấn của câu chuyện trong từng phân đoạn và đẩy nó lên đến cao trào nhất có lẽ sẽ thuyết phục khán giả nhiều hơn. Điều mà người ta mong chờ nhất trong vai diễn của Sơn Tùng đó chính là sự chân thành để anh thật sự hóa thân vào nhân vật hơn là cố gắng diễn cho ra nhưng lại không hoàn toàn thành công. 
Đúng như đạo diễn Quang Huy chia sẻ vì cuộc đời Wanbi quá lạ, có quá nhiều thứ khiến anh cảm động nên anh trong phạm trù nào đó không muốn thuật lại mà chỉ cố gắng để toát lên tinh thần. Tuy nhiên, dường như sự loay hoay đó đã bộc lộ khá rõ nét khi anh đã không thể làm được hết những gì mình ấp ủ. Xoay quanh nhân vật Đình Phong nhưng “Chàng trai năm ấy” lại chưa thật sự tạo nên những chi tiết mang tính cao trào, nút thắt để đẩy câu chuyện lên đến kịch tính khiến khán giả cười thật sự, khóc thật sự cùng nhân vật trong phim. Đó là điều thật sự đáng tiếc. 
Như tâm sự của nhà báo Lý Minh Tùng – đồng tác giả cuốn sách “Bắt đầu từ một kết thúc: “Tôi nghĩ đạo diễn phim nợ cậu ấy một lời xin lỗi. Và bản thân tôi thấy mình cũng phải xin lỗi WanBi!”.
Chàng trai năm ấy chính thức ra rạp từ ngày 31/12. 
 
Khôi Nguyên
(Theo Congluan.vn)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Dấu hiệu cảnh báo mắc ung thư phổi, nhiều người không ngờ đến