Thiếu nữ hôn mê vì viêm não mô cầu, Hà Nội khoanh vùng dịch như thế nào?

2016-12-03 06:28
- Viêm não mô cầu diễn biến nhanh nguy cơ tử vong cao, trường hợp bệnh nhân nhiễm não mô cầu cấp tính có thể tử vong trong vòng 24h từ khi khởi phát bệnh.

Vi khuẩn cư trú ở họng, mũi

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cách ly 3 bệnh nhân do bệnh viêm não mô cầu. Trong đó, một người được xác định nhiễm não mô cầu, 2 người còn lại tiếp xúc với người bệnh có biểu hiện sốt đang chờ kết quả xét nghiệm.

Theo TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Sở Y tế Hà Nội đã nhận được thông tin, đã có bệnh nhân mắc bệnh viêm não mô cầu tại hà Nội. Sau khi, tiếp nhận thông tin cán bộ y tế đã xuống nơi bệnh nhân cư trú khoanh vùng dịch. Thực hiện công tác khử khuẩn môi trường, điều tra dịch tễ, lập danh sách những người tiếp xúc gần với người bệnh”.

viêm não mô cầu

Bệnh viêm não mô cầu nếu không được phát hiện kịp thời có thể bị tử vong rất nhanh, ảnh minh họa.

Bệnh viêm não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, vi khuẩn có thể gây tổn thương nhiều nơi trong cơ thể chủ yếu là nhiễm trùng huyết và viêm màng não. 

“Bệnh viêm não mô cầu có thể mắc ở cả những người đang khỏe mạnh. Bản thân vi khuẩn gây bệnh đã cư trú tại họng, mũi khi cơ thể yếu hoặc số lượng vi trùng tăng lên có thể gây ra bệnh. Bệnh rất dễ lây thành dịch rất nhanh, do lây từ người sang người khi tiếp xúc có các hạt nước bọt bắn ra”, TS. Hoàng Đức Hạnh nói.

Cũng theo TS. Hoàng Đức Hạnh, khi bị mắc bệnh viêm não mô cầu bệnh nhân thường phải đưa vào phòng cách ly, điều trị triệt để. Đối với những trường hợp tiếp xúc với người bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh phòng bệnh. Môi trường xung quanh nơi bệnh nhân ở cần phải được xử lý bằng hóa chất.

Bệnh có thể mắc ở người khỏe mạnh

Đa phần mọi người cho rằng bệnh viêm não mô cầu chỉ mắc ở trẻ nhỏ. Nhưng TS. Hoàng Đức Hạnh cho biết, bệnh có thể mắc ở bất cứ ai kể cả người đang khỏe mạnh nếu bị cảm nhiễm.  Bệnh dễ bùng phát thành dịch vào mùa lạnh, và có thể xuất hiện vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa.

TS. Hoàng Đức Hạnh chia sẻ: “Bệnh nhân mắc viêm não mô cầu thường sốt cao đột ngột, mệt mỏi, đau đầu, nôn ói, xuất hiện chấm đỏ ở mông, hông, đầu gối, cánh tay. Bệnh nhân nặng có thể không nhận thức được, tay chân lạnh, vã hồ hôi, chấm xuất huyết to ra…”

Bệnh thường biểu hiện với 3 thể lâm sàng: viêm màng não, viêm màng não kèm nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng huyết không có viêm màng não.

Bệnh nhân khi mắc phải thể nhiễm trùng huyết tối cấp có thể bị suy tuần hoàn, suy hô hấp và tử vong chỉ sau 6-12 mắc bệnh. Ở thể này bệnh nhân thường thay đổi tri giác sớm, tay chân lạnh, mạch và huyết áp không còn. Đối tượng tử vong cao ở thể lâm sàng này thường là trẻ dưới 2 tuổi, thanh niên đang khỏe mạnh.

“Bệnh viêm não mô cầu nếu không được phát hiện kịp thời có thể bị tử vong rất nhanh. Trong trường hợp bệnh khỏi cũng có thể để lại di chứng: liệt, ảnh hưởng tới thần kinh”, TS. Hoàng Đức Hạnh nói.

TS. Hoàng Đức Hạnh khuyến cáo, viêm não mô cầu đã có vắc xin phòng ngừa, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin. Người sống tại vùng dịch cần phải đeo khẩu trang, vệ sinh mũi miệng, rửa tay bằng xà phòng.

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu như sau:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

- Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ và người tiêm. Vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.


Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Ăn bưởi mà không tránh những điều này chẳng khác gì rước bệnh vào người