Ngộ độc thực phẩm khi mang thai: Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Thiên Khuê 2024-04-17 16:00
- Ngộ độc thực phẩm khi mang thai có thể gây bất lợi cho sức khỏe của mẹ và bé. Emdep sẽ giúp bạn giải tỏa những băn khoăn về vấn đề này nhé.

Bà bầu phải trải qua những thay đổi về cơ thể và tâm lý, vì vậy mọi sinh hoạt hằng ngày đều cần có sự quan tâm nhiều hơn để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh. Trong đó, chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng.

Ngộ độc thực phẩm khi mang thai thông thường là do bạn tiêu thụ một thức ăn nào đó có chứa virus, vi khuẩn hoặc độc tố. Tình trạng này không những gây khó chịu như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng mà còn có thể nguy hiểm cho mẹ và em bé trong bụng.

Ngộ độc thực phẩm khi mang thai: Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Nguyên nhân khiến bà bầu bị ngộ độc thực phẩm là gì và triệu chứng của nó

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

Khi mang thai, không những chỉ có nội tiết tố thay đổi mà đồng thời hệ miễn dịch của bạn cũng khác trước đây. Lúc này, mẹ bầu dễ bị nhiễm trùng hơn do sức đề kháng suy yếu hơn bình thường.

Ngoài ra, người có thể chất nhạy cảm (dị ứng) càng nên thận trọng khi sử dụng thực phẩm vì nguy cơ ngộ độc càng cao. Cảm giác thèm ăn cũng có thể khiến mẹ bầu tiêu thụ nhiều thực phẩm một lúc, gây ra những bất lợi cho sức khỏe.

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Triệu chứng điển hình nhất của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Bên cạnh đó, tùy theo thể trạng và mức độ nhiễm độc mà bà bầu có thể kèm theo những triệu chứng khác như:

- Đau và khó chịu ở dạ dày

- Đau đầu

- Sốt

- Môi khô, rát cổ họng do mất nước

- Phân lỏng có máu

Ngộ độc thực phẩm khi mang thai: Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Ngộ độc thực phẩm khi mang thai cũng có nhiều loại, điển hình là nhiễm các virus, vi khuẩn như Listeria, E.Coli, Norovirus, Salmonella… Các loại nhiễm độc này có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Bạn không nên chủ quan khi có triệu chứng ngộ độc.

Đôi khi bạn dễ nhầm lẫn giữa ngộ độc thực phẩm với tình trạng ốm nghén hoặc bệnh khác. Vì vậy nếu không phán đoán chắc chắn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm, chẩn đoán nguyên nhân chính xác và điều trị kịp thời.

Xử lý và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm như thế nào?

Tình trạng dễ thấy khi ngộ độc là cơ thể mất nước do nôn và tiêu chảy. Mẹ bầu nên bổ sung nước bằng cách uống từng ngụm nhỏ, vừa ngăn ngừa mất nước vừa giảm cơn buồn nôn. Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch và kê toa thuốc hợp lý.

Để phòng ngừa ngộ độc, mẹ bầu nên thận trọng trong chế độ ăn uống hằng ngày. Ăn chín, uống sôi và hạn chế tiêu thụ thức ăn bên ngoài. Một số loại thức ăn hiếm lạ, không phổ biến thì tốt nhất không nên ăn.

Ngộ độc thực phẩm khi mang thai: Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Sản phẩm đóng gói sẵn cần bảo quản đúng cách, mỗi lần chỉ nên mua số lượng ít để không phải giữ quá lâu, dễ gần ngày hết hạn sử dụng và gây ngộ độc. Đặc biệt, đồ ăn để qua đêm không nên cho mẹ bầu sử dụng.

Ngoài ra, dù là thực phẩm quen thuộc và an toàn, bạn cũng nên tiêu thụ ở mức độ có kiểm soát, kết hợp với chế độ nghỉ ngơi và vận động hợp lý để nâng cao hệ miễn dịch, giúp cơ thể có sức chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.

Hy vọng bài viết sẽ giúp mẹ bầu có thông tin khái quát về ngộ độc thực phẩm khi mang thai, từ đó có biện pháp xử lý và phòng ngừa hiệu quả.

Thiên Khuê (Theo Parent)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Nhảy sexy 5 phút mỗi ngày để có thân hình bốc lửa