Mẹ 9X bật mí cách DẠY CON CẦM THÌA thành thạo ngay từ khi dưới 2 tuổi, mẹ nào cũng nên học ngay!

2018-10-28 06:31
- Đến 17 tháng, trộm vía con đã dùng thìa rất ổn. Lúc nhìn thấy con ăn uống tự lập như vậy, mình rất hạnh phúc.

BLW là phương pháp cho bé ăn dặm tự chỉ huy. Bé chủ động trong việc ăn uống của mình và được học cách ăn thô từ ngày bữa ăn đầu tiên trong đời. Với BLW các bé sẽ được lần lượt trải qua các giai đoạn: Bốc ném, vứt đồ ăn - Bốc, nắm cho đồ ăn vào miệng - Bốc, nhón đồ ăn có kích thước nhỏ đưa vào miệng- Vứt ném bát đĩa - Sử dụng bát đĩa, cầm cốc uống nước. Và sau khi trải qua những giai đoạn cơ bản, mục đích cuối cùng của BLW là giúp bé khéo léo sử dụng được thìa, dĩa, đũa để tự chủ động trong việc ăn uống của mình. Vậy làm thế nào để bé biết cách sử dụng thìa, dĩa, đũa một cách thành thạo nhất để hoàn thành quá trình ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy? Đây là một vấn đề được nhiều mẹ bỉm sữa quan tâm. 

Như chị Lê Phương Anh (21 tuổi ở Hà Nội) cũng cho con trai là bé Hoàng Minh Đăng (bé Shin) ăn dặm theo kiểu BLW và đến thời điểm hiện tại, chị Phương Anh đã thu được quả ngọt rất đáng tự hào. Cậu con trai của chị Phương Anh đã rất chủ động trong việc ăn uống hàng ngày, sử dụng thìa, dĩa, đũa một cách thành thạo.

cách cầm thìa

Chị Phương Anh và con trai. Ảnh: NVCC

Chị Phương Anh chia sẻ: "Lúc Shin được 11 tháng, mình cho con học cách cầm thìa, dĩa. Lúc đầu con chỉ cầm nghịch, chọc thức ăn rồi hẩy thức ăn, nhưng hãy kiên trì các mẹ ạ! Khi con được 14 tháng, con bắt đầu sử dụng dĩa khá thành thạo, lúc ấy mình chuyển cho con sử dụng cả thìa song song. Ban đầu con không xúc được gì mà cho lên miệng. Sau dần dần con tự mình điều khiển chiếc thìa một cách khéo léo để đưa thức ăn vào miệng. Và đến 17 tháng, trộm vía con đã dùng thìa rất ổn. Lúc nhìn thấy con ăn uống tự lập như vậy mình rất hạnh phúc".

cách cầm thìa

Đến nay, bé Shin đã xúc thìa thành thạo. Ảnh: NVCC

Xúc thìa với người lớn là một việc chẳng có gì là khó khăn, thế nhưng với một em bé thì lại không hề đơn giản. Chị Phương Anh nói: "Để dùng thìa xúc thức ăn rồi đưa lên miệng một cách chính xác, bé phải thực hiện 1 chuỗi các hoạt động phức tạp như: Não nhận tín hiệu từ mắt. Tay được não điều khiển cầm thìa để xúc được thức ăn. Não còn phân tích quãng đường bao xa từ thìa đến miệng. Tay phối hợp với miệng để khéo léo đưa thìa thức ăn đó vào miệng mà không rơi. 

Không chỉ là sự phối hợp của các bộ phận trên cơ thể, kĩ năng xúc thìa còn đòi hỏi sự dẻo dai và khéo léo của bàn tay, cổ tay và cánh tay của con (bàn tay con cần đủ khéo léo để cầm chắc chiếc thìa. Cổ tay cần đủ sự linh hoạt và mềm dẻo để di chuyển chiếc thìa sao cho múc được thức ăn vào thìa. Cánh tay cần đủ sự chắc chặn và độ dẻo dai để nhấc thìa lên đưa thìa đến gần miệng chính xác và chờ miệng há ra để đưa thức ăn vào miệng".

Đó là cả một quá trình dài và khó khăn mà con cần phải học mà mẹ cũng cần phải thật kiên nhẫn thì mới gặt hái được thành công. 

cách cầm thìa

Nhiều mẹ vì nóng lòng muốn con hoàn thiện đầy đủ các kĩ năng của BLW mà đã cho con làm quen với bát thìa từ sớm với hy vọng, con sẽ làm quen và tập luyện để hoàn thiện kĩ năng nhanh hơn. Nhưng thực tế lại không phải vậy. Khi con chưa hoàn thiện kĩ năng bốc, nhón thì không thể hoàn thiện kĩ năng cầm thìa một cách khéo léo.

Khi bé trải qua giai đoạn bốc nhón và khám phá thức ăn thì bé sẽ thấy hứng thú hơn với "các bạn mới" (bát, thìa), như thế bé sẽ  tập trung hơn trong giai đoạn tập cầm thìa. 

Chị Phương Anh còn chia sẻ thêm: "Hoàn thành kĩ năng bốc nhón còn có nghĩa là bé sử dụng các ngón tay khéo léo hơn, cổ tay cũng đã được rèn luyện uyển chuyển hơn thì khi chuyển sang cầm thìa bé cũng sẽ thực hiện được dễ dàng hơn. Tất nhiên nếu các mẹ muốn, thì vẫn có thể cho bé làm quen với bát thìa sớm. Tuy nhiên, thời điểm một bé 6, 7 tháng và một bé 9, 10 tháng từ lúc mới chơi với bát, thìa đến lúc nhận ra thìa dùng để làm gì hầu như là giống nhau (trung bình bé sẽ biết điều đó khi được 11 tháng trở lên). Vậy nên, với những bé được chơi từ lúc 6, 7 tháng thì mẹ nên kiên trì hơn 1 chút và nên hiểu rõ về sự phát triển của con để tránh việc cảm thấy lo lắng, căng thẳng vì mãi mà con vẫn chẳng chịu làm gì với cái thìa".

cách cầm thìa

Khi được hỏi về cách chọn thìa phù hợp với con, chị Phương Anh chia sẻ: "Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thìa dành cho các bé. Tuy nhiên, trong số đó có những loại thìa sản xuất dành cho những bé được bón thức ăn chứ không phải cho những bé tập xúc. Do đó, việc các mẹ cần làm là xác định xem những loại thìa nào hỗ trợ bé tập xúc dễ dàng. Mẹ nên chọn: 

Có lòng hình tròn hoặc hoặc oval hơi tròn, đường kính khoảng 2-3 cm để bé khi bé xúc thức ăn vào thìa được dễ dàng.

Cán thìa vừa phải (ngắn hơn thìa người lớn hay ăn 1 chút) cho bé cầm không bị vương víu chiều dài khoảng 7-9cm.

Có độ sâu, để thức ăn ở trong thìa được lâu và không bị rơi vãi hết do thời gian đầu bé chưa điều khiển được thìa đúng cách rất dễ di chuyển linh tinh khuyến thức ăn rơi ra ngoài.

Làm bằng gỗ, inox hoặc nhựa an toàn cho bé, độ nặng vừa phải sao cho người lớn cầm lên thấy hơi nhẹ hơn một chút là được". 

cách cầm thìa

Sau khi mất khoảng từ 1 đến 3 tháng khám phá, làm quen với "người bạn mới" (ngắm nhìn, dùng chọc đồ ăn, cho vào mồm gặm, thậm chí là vứt bỏ xuống sàn...), con sẽ dần nhận ra vai trò của chiếc chìa. "Bạn ấy" không chỉ đơn thuần là một món đồ chơi như con vẫn tưởng mà "bạn ấy" còn có vai trò giúp con đưa thức ăn vào miệng. Trong mỗi bữa ăn, mẹ hãy dùng thìa, xúc đồ ăn thật chậm để con chú ý và làm theo. Chị Phương Anh kể: "Lúc đầu, Shin hay cáu vì xúc mãi không được giống mẹ, có lần con còn vứt thìa, vứt đồ ăn, khóc lóc đòi ra khỏi ghế, rồi thậm chí, quay về ăn bốc như trước kia. Đây là khoảng thời gian vô cùng khó khăn của con. Bố mẹ cần phải động viên, khuyến khích con tập xúc và phải thật kiên trì với con, không nên thúc ép con. Bởi có thể đây là thời gian bé tự thấy mình chưa đủ yếu tố cần thiết để dùng thìa nên quay lại ăn bốc một thời gian để hoàn thiện kĩ năng cho tới lúc sẵn sàng (mất khoảng từ 2 đến 5 tháng)".

Lúc Shin tập xúc, mình còn hay giả vờ nịnh Shin xúc cho mẹ ăn với, con tỏ ra rất hào hứng. Hoặc, ngoài giờ ăn, mình hay cho con chơi đồ hàng, rồi giả vờ xúc đồ ăn cho đưa vào miệng mình, rồi lại giả vờ đưa vào miệng con. Sau đó, mình hướng dẫn con lặp lại động tác này với mẹ. Đây cũng là cách để rèn luyện các kĩ năng cho con. Hiện bé Shin được 21 tháng, việc chỉ mẹ chỉ là nghĩ cách chế biến thật nhiều món ngon cho con, còn việc ăn cứ để con tự lo được rồi!", chị Phương Anh hào hứng nói.

Mẹ hãy là người đồng hành cùng con và là người hiểu con nhất thế nên mẹ hãy biết động viên bé. Với mỗi thìa xúc thành công vào miệng mẹ đừng quên khen bé. Còn khi bé bị xúc ra ngoài làm rơi vãi, mẹ cũng không nên mắng mỏ bé. Mẹ hãy kiên trì và tin tưởng rằng, con mình sẽ làm được thì ắt hẳn mọi việc sẽ thành công. 

Mẹ Khoai

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hãy mạnh mẽ lên, từ bỏ một người không xứng đáng với tình yêu của bạn