Bệnh nhân nữ khám phụ khoa tố phòng khám tư lừa đảo

2016-10-26 20:32
- Lại một bệnh nhân nữ khi đi khám phụ khoa định kì ở phòng khám tư đã bị chẩn đoán mắc nhiều bệnh, “dọa” sắp bị ung thư và thu phí điều trị gần 25 triệu đồng. Tuy nhiên khi bệnh nhân khám ở bệnh viện khác thì kết quả lại hoàn toàn bình thường.

Ngày 19/10 trên trang cá nhân có tên Melissa T. đã đăng tải câu chuyện cảnh báo mọi người nên cẩn thận khi đến khám tại phòng khám đa khoa Thái Bình Dương (36 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM).

“Bản thân mình vừa bị một cú lừa tổng thiệt hại khoảng hơn 22 triệu ở đây vì thiếu hiểu biết khi đến đây khám phụ khoa định kỳ. Đây là phòng khám của người Trung Quốc với chiêu thức lừa đảo là không có bệnh bị hù cho là có bệnh, bệnh nhẹ thành bệnh nặng và chi phí dịch vụ cực kỳ cứa cổ bệnh nhân”, Melissa T. viết.

 

Chia sẻ của chị Mlissa T. trên trang cá nhân.

Theo suy luận của chị Melissa T. dựa trên trải nghiệm của mình, các bác sĩ ở phòng khám này sẽ liệt kê ra một loạt các bệnh, các nguy cơ, cùng các phương pháp điều trị không cần thiết để moi tiền bệnh nhân, giá các chi phí xét nghiệm và giá thuốc cũng đắt gấp đôi hoặc gấp ba những nơi khác (chị còn giữ đủ các hóa đơn, giấy tờ chứng minh).

 

Phòng khám đa khoa Thái Bình Dương ở trung tâm quận 1, TP.HCM

Melissa T. viết tiếp: “Thực tế khi khám bệnh bạn sẽ không biết rõ bác sĩ của mình là ai tên gì vì tất cả phải qua phiên dịch. Vị bác sĩ này cũng không ký trực tiếp vào hồ sơ bệnh án của bệnh nhân mà để cho trợ lý làm. Vì vậy trách nhiệm sẽ rất mập mờ nếu lỡ có sự cố”.

Không điều trị sẽ ung thư cổ tử cung 

Liên lạc với tài khoản Melissa T., chủ tài khoản này cho biết, chị tên Trần Thị Sao M. (41 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM). Chị M. khẳng định, câu chuyện mình đăng tải trên trang cá nhân hoàn toàn có thật.

Chị M. có thói quen khám phụ khoa định kì, ở lần khám gần nhất vào tháng 3/2015 tại bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, kết quả vẫn bình thường. “Tôi khám định kì 1 năm/lần nhưng do vừa rồi qua nước ngoài nên gián đoạn, đến tháng 10/2016 mới khám lại. Tôi kiếm trên mạng thấy phòng khám Thái Bình Dương này xuất hiện đầu tiên lại tiện đường đi làm, không phải chờ đợi lâu nên vào đây”, chị M. nói.

khám phụ khoa

Chị Trần Thị Sao M. với các hóa đơn khám chữa bệnh gần 25 triệu đồng.

Chiều 12/10, chị M. đến phòng khám như đã hẹn trước. Khám cho chị là bác sĩ nữ nói tiếng Trung Quốc, với hai phiên dịch người Việt. Chị được cho siêu âm, nội soi cổ tử cung, thử nước máu, nước tiểu… Riêng siêu âm là bác sĩ nói tiếng Trung thực hiện. Các chi phí này hết hơn 3 triệu đồng.

Hóa đơn xét nghiệm thăm khám chi phí hơn 3 triệu đồng.

Sau khoảng 1 tiếng, vị bác sĩ này kết luận chị M. bị nang Naboth cổ tử cung (một tổn thương lành tính ở cổ tử cung-PV), viêm lộ tuyến cổ tử cung. “Tôi rất hoảng hồn vì trước khi đi khám hoàn toàn cảm thấy bình thường nay lại có mấy bệnh. Bác sĩ còn bảo nếu không điều trị sẽ dẫn đến ung thư cổ tử cung”, chị M. cho biết.

Và bác sĩ đưa ra những phác đồ như tiểu phẫu có gây mê, cắt leep, đốt nang Naboth là 18,8 triệu. Gói 15,5 triệu thì không gây mê, không đốt nang Naboth. Nếu đốt riêng thì chi phí là hơn 5 triệu đồng.

Hóa đơn với phí tiểu phẩu 18,8 triệu.

Chị M. chia sẻ, do quá lo sợ nên chị đã vội chọn mức điều trị 18,8 triệu đồng. “Khi họ đưa tôi vào phòng tiểu phẫu thì hầu hết là bác sĩ nói tiếng Trung, chỉ có hai y tá là làm phiên dịch viên luôn. Gây mê khoảng 15 phút tôi được chuyển qua phòng khác truyền kháng sinh, khi về nhà thấy rất choáng váng”, chị M. chia sẻ.

Hôm sau, chị lại đến để lau rửa vết thương, truyền dịch, chiếu đèn hồng quang…với chi phí tổng cộng hơn 2 triệu. Sau đó chị được bác sĩ khuyên mỗi ngày đều nên đến khám lại do không biết vết thương khi nào sẽ lành! Tổng cộng, số tiền chị M. phải chi trả để điều trị ở phòng khám là gần 25 triệu đồng.

Hóa đơn phí tái khám hơn 2 triệu đồng.

Chị bức xúc nói: “Đến lần tái khám thứ 2 tôi không đồng ý truyền dịch vì mỗi lần truyền xong đều thấy mệt, tiêu chảy. Tôi xin lấy toa thuốc để lấy ngoài thì họ khó chịu, mãi mới đưa toa. Lúc ra ngoài lấy thuốc giá chỉ 250 ngàn, trong khi ở phòng khám tiền thuốc là gấp đôi. Tôi thấy mình bị lừa nên không đến tái khám nữa”.

Phòng khám để lộ thông tin bệnh nhân lên mạng?

Ngày 19/10, chị M. đến khám ở bệnh viện FV thì bác sĩ kết luận bình thường, không có vấn đề gì phải điều trị. Sau khi chị đăng bài cảnh báo lừa đảo trên mạng XH, đã có hàng chục cuộc gọi đến, khi chị M. nghe máy thì được biết là người của phòng khám Thái Bình Dương đề nghị chị gỡ bài đã đăng trên facebook cá nhân.

 

Giấy khám ở bệnh viện FV của chị M. với chẩn đoán bình thường.

“Ngoài ra tôi còn phát hiện một tài khoản biết rõ thông tin cá nhân, đăng tải cả phiếu khám bệnh tại phòng khám này, hình ảnh, trang cá nhân của tôi lên facebook. Nội dung viết có những đoạn sai sự thật, với mục đích chính thanh minh cho phòng khám. Bài viết sau đó đã được gỡ bỏ”, chị M. nói.

Theo chị M. rất có thể đây là việc làm của phòng khám Thái Bình Dương, vì chỉ có phòng khám mới có đầy đủ thông tin, phiếu khám bệnh, hình ảnh chụp nội soi… để có thể tung lên mạng. “Tôi bức xúc vì họ công khai thông tin bệnh nhân khi chưa có sự đồng ý của tôi”, chị M. nói. Trong đoạn thông tin được đưa lên mạng XH còn đưa rất nhiều nội dung sai lệch, tự bình luận theo kiểu bệnh nhân "quan hệ nhiều" nên mới bị bệnh, suy diễn để bảo vệ phòng khám, lại còn cho biết "thông tin về bệnh tình của cô ấy được cung cấp từ 1 người bạn trên mạng" (?), kèm theo tất cả hình ảnh nội soi, phiếu kết quả xét nghiệm, facebook cá nhân của bệnh nhân.

 

 

Câu chuyện và thông tin cá nhân của chị M. được công khai trên facebook.

Để có được thông tin chính thức và rõ ràng từ 2 phía, bệnh nhân và phòng khám, chiều 25/10, qua số đường dây nóng, chúng tôi liên hệ với phòng khám đa khoa Thái Bình Dương nhưng không nhận được câu trả lời. Khi chúng tôi đề nghị gặp chủ đầu tư hoặc bộ phận phụ trách truyền thông nhưng cũng không được chấp nhận.

Mới đây, cũng đã có bệnh nhân phản ánh tình trạng tương tự tại phòng khám tư. Cụ thể, ngày 25/8, chị Trần Ngọc Thanh H. (ngụ quận 4-TP.HCM) cũng đi khám phụ khoa định kì tại một phòng khám ở Quận 5. Sau khi được thăm khám bởi bác sĩ Trung Quốc, kết luận chị H. bị: viêm âm đạo, viêm loét cổ tử cung thời kì 2, chuẩn bị bước sang ung thư, ứ dịch vùng chậu, nang naboth cổ tử cung (những u nhỏ, hình thành trên bề mặt tử cung, là một tổn thương lành tính-PV), huyết trắng và không còn cách điều trị nào khác là phải mổ. 

Theo lời tư vấn của phòng khám, phẫu thuật cổ tử cung có 3 mức giá: 5,8 triệu công nghệ laser tê của Việt Nam, đau và biến chứng sau này. Mức 9,8 triệu là công nghệ Hàn Quốc, có thuốc mê và không biến chứng, không đau và mức 13,8 triệu được quảng cáo là công nghệ của Mỹ, đảm bảo không bị gì. Tổng chi phí điều trị của chị H. hơn 70 triệu đồng, tuy nhiên sau đó chị đi khám ở bệnh viện khác thì "ngã ngửa" vì phát hiện chi phí đội lên nhiều lần so với cơ sở khám bệnh khác, và không cần điều trị hay phẫu thuật. Sau khi sự việc được chị đăng tải trên mạng XH, phía phòng khám đã thương lượng và hỗ trợ chi phí điều trị với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Chuyên gia phụ khoa nói gì? 

Bác sĩ – Tiến sĩ Bùi Chí Thương (giảng viên sản phụ khoa, Bệnh viện Đại học Y dược - Bệnh viện Từ Dũ) phân tích: “Lộ tuyến cổ tử cung thường chỉ gặp ở trẻ gái sau dậy thì, phụ nữ mang thai hoặc có sử dụng thuốc ngừa thai uống. Người bị thường tiết dịch âm đạo do mô tuyến tiết nhiều dịch nhầy hoặc chảy máu khi giao hợp”.

Theo bác sĩ Thương, lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng sinh lý lành tính nên không cần điều trị. Chỉ điều trị bệnh kèm theo như viêm âm đạo hoặc tạm ngưng thuốc ngừa thai. Ngoài ra, còn nhiều bác sĩ còn dùng từ "viêm lộ tuyến cổ tử cung" nhưng thuật ngữ này không chính xác, khiến nhiều chị em lo lắng.

Về nang Naboth cổ tử cung, theo bác sĩ Thương chỉ là tổn thương lành tính của cổ tử cung không gây nguy hiểm cho sức khỏe, nó có thể tự mất đi, không cần điều trị. Nang Naboth không phải là một dấu hiệu của ung thư cổ tử cung.

“Thực ra, để khám ung thư thì xét nghiệm sinh thiết mới chuẩn đoán được, chứ không thể qua thăm khám bình thường mà chẩn đoán được. Còn nếu bị viêm âm đạo cũng chỉ đặt thuốc chứ không có truyền kháng sinh hay nước biển. Riêng mức độ nặng thì buộc phải vô bệnh viện truyền thuốc”, bác sĩ Thương nói.

Bác sĩ Thương cho biết thêm: “Còn cắt leep chính xác là khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện, chỉ sử dụng phương pháp này khi có tổn thương tiền ung thư và chỉ bệnh viện hoặc phòng khám có chức năng thẩm định mới được làm. Mức giá cắt leep ở bệnh viện thì chưa đến 1 triệu đồng”.

 

Theo Trí Thức Trẻ

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Chân to như cột đình bẩm sinh cũng thon dài như đôi đũa, chỉ nhờ 4 bài tập đơn giản trong 15 phút