Phan Nhân – nhạc sĩ của “núi sông hôm nay và mai sau”

Lê Đức 2015-06-30 08:41
- Tác giả của “Hà Nội niềm tin và hy vọng” đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 29/6 để lại một khoảng trống không nhỏ trong trái tim những người yêu nhạc.

Gia tài âm nhạc: Không tính về số lượng mà là chất lượng

Phan Nhân sáng tác không nhiều như một số nhạc sĩ cùng thời nhưng những bài hát của ông hầu như đều nổi tiếng và được mọi người đánh giá cao. Nhiều người thắc mắc tại sao một nhạc sĩ tài năng và tâm huyết như Phan Nhân lại chỉ vẻn vẹn chục bài, ông thẳng thắn trả lời “Đúng là tôi viết ít. Nhưng tôi nghĩ mình thuộc loại không tính về số lượng mà là chất lượng”. Phan Nhân ít viết không phải vì ông là người cầu toàn mà vì ông chỉ sáng tác khi bản thân có cảm xúc. Vị nhạc sĩ sinh năm 1930 tuyệt nhiên không phải là người có thể sáng tác nhạc theo đơn đặt hàng hay theo nhu cầu, sở thích của một ai đó vì ông luôn coi người nghe là đối tượng hướng đến của mình như chia sẻ “Điều quan trọng là biết đủ. Tôi không đòi hỏi cao xa, ví dụ như trong kháng chiến, cơm muối với rau rừng thôi mà vẫn thấy đủ, vẫn thấy bằng lòng. Có người cho mình thiệt thòi, cảm thấy thiếu nhiều thứ là do họ không được an tâm. Trong nghề, tôi muốn là một nhạc sĩ sáng tác bình thường, viết bài hát được người ta nghe và chấp nhận được.”
Phan Nhân – nhạc sĩ của “núi sông hôm nay và mai sau”
Dẫu không có gia tài âm nhạc đồ sộ về số lượng nhưng Phan Nhân vẫn được ghi nhận như một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của thế kỷ XX. Ông cũng được cho là người khá khắt khe trong việc chọn đề tài sáng tác, mỗi tác phẩm của Phan Nhân đều phải là sự thấm đượm của không gian và thời gian, thậm chí cả ký ức và kỷ niệm. Phan Nhân không mấy khi viết về tình yêu đôi lứa mà dành trọn nốt nhạc để khắc họa quê hương, đất nước, những vùng đất mà ông đã có dịp sinh sống và trải nghiệm. 

Chàng trai miền Nam với tình yêu dành cho đất Bắc

Phan Nhân sinh ra và lớn lên ở Long Xuyên, An Giang. Ông tham gia quân đội từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp và có nhiều năm hoạt động trong đoàn văn công giải phóng. Năm 1954, Phan Nhân tập kết ra Bắc, sau đó công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam với tư cách là một biên tập biên kiêm phóng viên. Trong thời gian hoạt động báo chí, Phan Nhân có dịp đi nhiều nơi và mỗi chuyến đi lại là một cuộc hành trình khám phá đầy thú vị và mới mẻ đối với chàng trai Nam Bộ. Phan Nhân nhanh chóng say mê những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống miền Bắc như chèo, quan họ Bắc Ninh,... Vì thế trong nhiều sáng tác của ông sau này, người ta nhận thấy ít nhiều có sự ảnh hưởng của giai điệu dân ca Bắc Bộ như ca khúc “Em ở nơi đâu” , “Nhớ về Pác Bó” đặc biệt là tuyệt phẩm “Hà Nội niềm tin và hy vọng”.
Phan Nhân – nhạc sĩ của “núi sông hôm nay và mai sau”
“Hà Nội niềm tin và hy vọng” là ca khúc minh chứng cho tình cảm của chàng trai miền Nam đối với miền Bắc hậu phương và Thủ đô yêu dấu. Ca khúc đã làm rung động biết bao triệu trái tim những người dân Việt. Trong trận “Ðiện Biên Phủ trên không”, 12 ngày đêm Hà Nội chống trả với bom B52 của Mỹ, hầu hết mọi người trong Ðài đều xuống hầm trú ẩn, nhưng riêng Phan Nhân thì lại chạy lên sân thượng với mong muốn được nhìn cho rõ khung cảnh Hà Nội lúc bấy giờ. Dẫu cho có thể bị bom rơi hoặc một viên đạn lạc nào trúng người nhưng Phan Nhân vẫn đứng đó vượt qua mọi nguy hiểm để đứng lặng yên, nghĩ về Hà Nội với một tình yêu không thể nào đẹp hơn được nữa. Phan Nhân vẫn đầy niềm tin về một Hà Nội bình yên, một Hà Nội chiến thắng và hy vọng về một khung cảnh hòa bình nơi Thủ đô yêu dấu.
“Hà Nội niềm tin và hy vọng” được xem là một trong những bài hát hay nhất viết về Hà Nội. Ca khúc này cũng được ban tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long chọn làm ca khúc chủ đề, phát ngay sau bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngày 10/10/2010. Giai điệu của bài hát nhắc nhở về một Hà Nội anh dũng, hào hùng với “tiếng ca át tiếng bom rền” đủ để làm cho mọi thế hệ đều cảm thấy xúc động và tự hào.

Một Phan Nhân rất khác trong các sáng tác về thiếu nhi

Ngoài những bài hát thuộc dòng nhạc cách mạng, Phan Nhân còn ghi dấu ấn với một loạt ca khúc viết cho thiếu nhi như “Hàng cây ơn Bác”, “Vườn cây của ba”, “Em là bông lúa Ðiện Biên”, “Em là con gái má Út Tịch”, “Chú cừu Mộc Châu”,… đặc biệt không thể không kể đến “Chú ếch con”. Đây là một trong những bài hát được các em nhỏ hát nhiều nhất và gần như ai cũng thuộc. “Chú ếch con” có giai điệu vui nhộn, nhí nhảnh, ca từ thì hồn nhiên, gần gũi với sự xuất hiện của những con vật quen thuộc thông qua bút pháp nhân hóa đầy chủ ý của tác giả khiến cho các em nhỏ không khỏi thích thú, nhún nhảy và cất tiếng hát.
Phan Nhân – nhạc sĩ của “núi sông hôm nay và mai sau”
Viết về thiếu nhi tưởng dễ nhưng rất khó, Phan Nhân đã làm được điều mà không phải người viết nhạc nào cũng làm được đó là hóa thân và tinh chế phù hợp với tâm hồn trẻ nhỏ. Bên cạnh đó thì ông cũng biến lý trí khô khan thành tình cảm để các em nhỏ có thể dễ dàng cảm thụ những nốt nhạc. Đó là một Phan Nhân rất khác trong các sáng tác về thiếu nhi, ở đó ông trở thành người bạn hiểu hết tâm lý của các em nhỏ. Phan Nhân trở thành một nhạc sĩ không chỉ của núi sông, của quá khứ với những sáng tác hào hùng mà còn là một nhạc sĩ của hôm nay và mai sau với những tuyệt phẩm viết cho thiếu nhi Việt Nam.

Lê Đức
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Chỉ với 5 phút mỗi ngày với 6 bài tập, bạn sẽ sớm có vòng eo đẹp như Ngọc Trinh