Nhạc vàng - Xưa và nay

Nguyễn Tuấn 2014-12-12 15:11
- Như một mạch nước ngầm chảy mãi với thời gian, với sự cuốn hút đặc biệt, những năm gần đây, nhạc vàng ngày càng được nhiều thế hệ công chúng lựa chọn và yêu thích.
Nhạc Vàng, hay còn gọi là nhạc Bolero ra đời từ những năm 1960, xuất hiện tại miền Nam Việt Nam rồi lan tỏa đến cả vùng Bắc Việt. Sau nhiều thăng trầm của thời đại, của binh biến, của xu hướng… nhạc vàng đã có những khi tưởng như bị nhấn chìm như một thứ văn hóa xấu xa, yếu mềm. Tuy nhiên, như một mạch nước ngầm chảy mãi với thời gian, với sự cuốn hút đặc biệt, những năm gần đây, nhạc vàng ngày càng được nhiều thế hệ  công chúng lựa chọn và yêu thích.
Nền âm nhạc Việt Nam có nhiều biến động và kéo theo sau nó là cung bậc cảm xúc của khán thính giả cả nước. Có thời gian, sự xuất hiện của những băng đĩa nhạc Mưa Bụi do Studio Kim Lợi sản xuất đã đi vào tiềm thức của thế hệ thanh thiếu niên 7x. Vài năm sau đó, cũng tại Sài Gòn xuất hiện một sân chơi được khán giả cả nước nồng nhiệt đón nhận, trào lưu có tên “Làn sóng xanh” mang đến một đời sống âm nhạc năng động, thú vị và có trách nhiệm với mỹ học, đã trình làng nhiều những ca khúc hay cùng những gương mặt sáng giá cho nền âm nhạc Việt vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đến giờ đã là những cái tên tiêu biểu, là cánh chim đầu đàn trong giới showbiz thời kỳ hội nhập… 
Một số danh ca nhạc vàng hải ngoại.
Nhưng sau đó, kỷ nguyên nhạc Thị trường cũng đã bắt đầu có thị phần của mình, họ tấn công giới trẻ bằng những sản phẩm dễ thuộc, dễ hát. Tính ẩn dụ trong tâm hồn thi ca đặc thù của âm nhạc thời gian này đã phần nào bị dòng nhạc thị trường cào bằng bởi những lyric phi văn học. Nhưng sự nổi lên của các ca sĩ trẻ, đẹp với những bài hát nặng tính gây shock và thiếu trách nhiệm ấy, tuy đã có thời nổi đình nổi đám, nhưng cũng chỉ sau một thời gian, đã lần lượt giảm nhiệt và chìm vào bóng tối showbiz, để lại khoảng trống đủ để những người làm âm nhạc thực thụ bắt đầu cất lên tiếng nói mang tính xây dựng của mình và có trách nhiệm định hướng khán giả quay trở lại với tình yêu âm nhạc thực sự. 
Một số ca sĩ gạo cội, sau khi thành danh trên con đường nghệ thuật đã chủ động tìm lại những bản nhạc vàng nổi tiếng một thời như tìm đến một viện thẩm mỹ của tâm hồn để mong làm đẹp thêm hình ảnh phận tơ tằm của họ. Từ một nền móng của những bản nhạc quá vãng, họ hăng say đầu tư cho dàn dựng phối khí, phòng thu âm với chất lượng cao, nên đã liên tiếp đưa đến khán giả những sản phẩm âm nhạc có yếu tố mới lạ trong cách phối khí và thân thuộc bởi những giai điệu đã lâu không được vang lên… Chính họ, những ca sĩ đương thời đã góp phần khơi dậy đời sống của những tiền nhân, những giọng ca tiêu biểu cho dòng nhạc vàng. Ngoài những người đã vắng bóng trên cuộc đời này, thì vẫn còn nhiều cái tên vẫn đủ sức hấp dẫn cho showbiz Việt thời nay, đó là những danh ca hải ngoại như Chế Linh, Hương Lan, Tuấn Vũ, Thanh Tuyền… Những gương mặt đó đang dần được đưa trở lại các phòng trà, quán bar nơi cố hương để phục vụ đông đảo khán thính giả cả nước, và sự so sánh giữa người cũ và người mới hát nhạc vàng của khán giả cũng bắt đầu…
Ta có thể nhận thấy những cái tên trong thời kỳ “hậu vàng” này gồm toàn những ngôi sao như Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Quang Lê (hải ngoại), Lệ Quyên… đã góp phần nâng tầm nhạc vàng lên một bước cao hơn, những bản phối khí mang sự biến thiên và sinh động hơn, khi công nghệ âm thanh tại các phòng thu cũng góp phần trang điểm cho giọng ca của họ thêm nhiều tính thuyết phục với các tai nghe bảo thủ của dòng nhạc này, cho nên khán giả dòng nhạc vàng cũng bớt đi cái định kiến đã được đóng khung, và họ đã “thích nghi” với lớp người hát nhạc vàng mới. Ta có thể hình dung từ “thích nghi” và hiểu theo một cách rõ nghĩa hơn, đó là – vừa thích thú, vừa nghi ngờ – để nói về cách cảm nhận từ phía khán giả đứng tuổi đang hướng về lớp ca sĩ trẻ hát nhạc vàng. Trong khi những danh ca của dòng nhạc này, họ đã có những “tuyên ngôn” vào nghề bằng những bản nhạc như dành sẵn cho họ, bằng cái “duyên” của người nhạc sĩ và người ca sĩ đã từng sống với nhau cùng một thời đại, cùng chung một Sài Thành hoa lệ mà ở đó, những ánh đèn vàng mà nếu có thắp lên hàng dãy phố vẫn không thể làm nguôi đi những nỗi lòng hiu hắt đầy tâm sự… Bởi vậy, họ đã hát bằng cả trái tim đa cảm của thời cuộc, đã hát như sự hít thở sống còn của nghiệp cầm ca… 
Ca sĩ Cẩm Ly.
Thì những ca sĩ tiếp nối của dòng nhạc này, họ có xứng đáng được so sánh với các tiền bối không? Những giọng ca đương thời, so ra không hề kém cạnh các bậc tiền bối về chất giọng để chiều theo quãng của dòng nhạc này, thậm chí, họ có ngoại hình đẹp hơn, có thể hát và diễn xuất tốt hơn lớp người xưa… 
Nhưng có vẻ như, họ tập trung phần lớn năng lượng với việc mở khẩu hình để đưa ra những âm thanh đẹp khi xử lý tác phẩm để có một sản phẩm tròn trịa nhiều học thuật hơn. Chính điều đó đã làm thiếu đi tính tự nhiên, cái thô ráp cần thiết của nhạc vàng. Ta có thể thấy một Quang Lê, một Lệ Quyên với những bài hát mà từ đầu đến cuối với cách xử lý ngọt ngào và mượt mà. Nhưng nhạc vàng theo tôi nghĩ, nó không cần quá cầu kỳ về thanh nhạc, nhạc vàng cũng giống như một con người, phải có cả sự tinh tế và sự thô ráp cần thiết mới có thể mang hình thái sống động được - nhạc vàng cần sự trải nghiệm.
Gần đây, tại miền Bắc, ca sĩ Anh Thơ, một giọng ca nổi tiếng của dòng nhạc dân gian phía Bắc cũng kịp thời cho ra mắt một MV gồm những ca khúc nhạc vàng tiêu biểu. Nhưng ca sĩ Anh Thơ đã có vẻ như chưa chuyển tải được không gian của nhạc vàng, bởi cách luyến láy rất có nghề ấy lại không nằm trong cái văn hóa cảm thụ nhạc vàng của phần đông khán giả, sự lệch pha của giọng hát còn kèm theo những đoạn clip không thực sự tốt và thiếu tính liên quan với giai điệu và ca từ. 
Ca sĩ Anh Thơ trong show diễn mới nhất của Thanh Lam (Ảnh: Luci Kr).
Gương mặt cuối cùng được nhắc đến rất quen thuộc với khán giả của nhiều lứa tuổi: Đàm Vĩnh Hưng - với chất giọng khá đặc biệt, đáp ứng được tiêu chí nghe nhạc vàng của những tai nghe lớn tuổi bằng sự gần gũi, thô ráp, khiến người nghe như cảm nhận được cả cái “tình” và “đời” của nhạc vàng một cách đúng nghĩa.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong một buổi họp báo gần đây tại Hà Nội (Ảnh: Zun Phan).
Thế mới thấy, điều gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Âm nhạc khi được coi như thời trang, như vẻ bề ngoài, sẽ có độ “hot” chỉ trong một khoảng thời gian nhất định. Còn hầu hết những tác phẩm nhạc xưa đều có giá trị cao bởi chúng được viết và được hát từ trong trái tim nên nó chạm đến trái tim người nghe rất sâu sắc và có giá trị rất lâu bền.
 
Nguyễn Tuấn
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những 'Hoa hậu hở bạo nhất Vbiz': Tiểu Vy gia nhập muộn nhưng chẳng kém cạnh đàn chị!