Nghệ sĩ Tự Lẫm: “Tự Long ba chìm bảy nổi với nghề”

Lê Đức 2015-06-17 14:00
- Nghệ sĩ Tự Lẫm bật mí rằng, NSƯT Tự Long - con trai ông cũng phải ba chìm bảy nổi mới có được thành quả ngày hôm nay.

Nghệ sĩ Tự Lẫm là diễn viên điện ảnh, nghệ sĩ quan họ và cha đẻ của NSƯT – danh hài Tự Long. Ông từng ghi dấu ấn với vai diễn Chi trong bộ phim “Đến hẹn lại lên”, cùng NSND Như Quỳnh - vai Nết. Trong miền Quan họ, ông là một anh Hai nổi tiếng, là người góp phần không nhỏ trong quá trình lưu giữ và bảo tồn các bài dân ca quan họ cổ. Ông hiện sống tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. 

Nghệ sĩ Tự Lẫm: “Tự Long ba chìm bảy nổi với nghề”
- Mới đây, Tự Long chia sẻ rằng anh sống thiếu tình cảm cha mẹ từ khi còn nhỏ. Ông lý giải sao về điều này?
Quả thực là Long sống thiếu tình cảm của cha mẹ từ khi còn nhỏ. Khi đó chúng tôi ở Đoàn dân ca quan họ còn Long ở quê cùng bà nội. Long sớm phải tự lập vì khi đó gia đình cũng không khá giả gì. Long đi bán kem để phụ giúp gia đình. Với tôi, lúc nào Long cũng là một đứa con ngoan và có hiếu, từ nhỏ đã vậy và bây giờ cũng vậy.
- Tại sao trong các con của ông chỉ có Tự Long là theo nghệ thuật?
Vợ chồng tôi có tất cả 3 người con, Tự Long là con trai lớn và là đứa con duy nhất theo nghiệp cha mẹ. Đứa út lúc đầu cũng định theo nghệ thuật nhưng nhiều việc xảy ra nên cuối cùng vợ chồng chúng tôi cho đi học y nhưng bây giờ cũng làm trái ngành, trái nghề. Hơn nữa, trong số các con tôi cũng chỉ thấy có mỗi Tự Long là có duyên với nghệ thuật hơn cả. 
- Tự Long gặt hái được nhiều thành công trong nghệ thuật ông cảm thấy thế nào?
Tôi cảm thấy vui trước những thành quả của con. Nhưng Tự Long cũng phải ba chìm bảy nổi mới có ngày hôm nay. Lúc đầu chúng tôi cho Long đi học quan họ nhưng do không thuận buồm xuôi gió nên chúng tôi lại cho đi học hát chèo. Long hoạt động nghệ thuật ở Nhà hát Chèo Hà Bắc một thời gian thì đi học Khoa Chèo, trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Ra trường, Long về đầu quân cho Nhà hát Chèo Việt Nam trước khi chuyển sang Đoàn Chèo Quân đội. Long có vẻ hợp với môi trường quân đội, sau khi vào đây công việc của Long thuận lợi hơn. Bây giờ Long đang là Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội. Tự Long là niềm tự hào của vợ chồng chúng tôi.
- Ông được xem là một trong những người thuộc nhiều bài quan họ cổ nhất. Quá trình sưu tầm của ông diễn ra như thế nào?
Cuối năm 1969, đầu năm 1970 lãnh đạo văn hóa tỉnh giao cho chúng tôi sưu tầm và gìn giữ các bài dân ca quan họ cổ. Đầu tiên chúng tôi đến sống tại làng Lim, một trong làng cổ quan họ. Ở đây, chúng tôi mời tất cả các nghệ nhân đến hát, hát đến bao giờ hết bài thì thôi. Chúng tôi ngồi lắng nghe và ghi chép lại. Tuy nhiên một làng cũng không được bao nhiêu nên năm sau chúng tôi chia nhau ra đi khắp 49 làng quan họ cổ. Chúng tôi sống trong nhà dân, cùng ăn, cùng ở với các nghệ nhân để cố gắng thuộc những bài dân ca mà các nghệ nhân hát khi họ đang lao động. Quá trình sưu tầm dân ca quan họ cổ tương đối vất vả, nhiều khi chúng tôi chưa thuộc được một bài thì nghệ nhân đó đã quy tiên.
Nghệ sĩ Tự Lẫm: “Tự Long ba chìm bảy nổi với nghề”
Nam diễn viên “Đến hẹn lại lên” chia sẻ rằng, nghệ sĩ cũng có những nỗi khổ riêng (Ảnh: NVCC)
- Bộ phim “Đến hẹn lại lên” mang lại thành công ngoài mong đợi cho NSND Như Quỳnh, tạo đà để nữ nghệ sĩ đến với những vai diễn đặc sắc khác. Còn ông thì sao?
Tôi khác với Như Quỳnh, bà là một diễn viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản về điện ảnh, còn với tôi, điện ảnh chỉ một sự tình cờ hay nói là may mắn cũng được. Sau vai diễn này tôi vẫn là một nghệ sĩ quan họ, hoạt động trong Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc chứ không trở thành một diễn viên điện ảnh bởi vì tôi nghĩ mỗi người có một đam mê riêng, với tôi đam mê lớn nhất là dân ca quan họ.
Bộ phim này cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm mà đến giờ tôi vẫn không thể quên từ những câu hát đến những cảnh quay bên sông. Tôi thấy hình ảnh của mình trong vai diễn, một anh Hai quan họ sống hết mình với tình yêu.
- Hiện nay, nhiều người học quan họ cốt để kiếm tiền chứ không phải vì đam mê như thế hệ của ông. Ông nghĩ sao?
Tôi thực sự cảm thấy buồn khi người ta hát quan họ chỉ cốt để kiếm tiền. Tất nhiên mình cũng trách được người ta vì nếu không như vậy họ cũng rất khó sống. Nhưng tôi chỉ mong mỏi rằng người nghệ sĩ quan họ cần dung hòa được đời sống và nghệ thuật. Vấn đề cơm, áo, gạo, tiền là một vấn đề đáng quan tâm nhưng không thể coi nó là vấn đề quan trọng hàng đầu của người nghệ sĩ được. Người nghệ sĩ phải đến sự cống hiến và khán giả lên trên tất cả.
Nhiều người bảo gia đình ông sướng thế bố mẹ lẫn con đều là nghệ sĩ. Thế nhưng đâu phải cứ gia đình nghệ sĩ là sướng, nghệ sĩ cũng có những nỗi khổ riêng, những trăn trở riêng mà nhiều khi chỉ người trong cuộc mới hiểu được. 
- Sau khi nghỉ hưu ông chuyển sang hát chầu văn, ông có chia sẻ gì về điều này?
Ngoài quan họ, tôi yêu thích nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác như chầu văn, xẩm. Tôi đến với chầu văn vì tôi thấy chầu văn rất thuần Việt và chứa nhiều điều đặc sắc như một hình thức lễ nhạc của tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong vai trò của một cung văn tôi nhận thấy lời ca của chầu văn có nội dung ca ngợi công đức của Mẫu, thánh thần hay các anh hùng dân tộc. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chầu văn cần được hiểu đúng với bản chất lành mạnh, tốt đẹp tránh biến chầu văn cũng như tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành mê tín dị đoan.
Cảm ơn ông về những chia sẻ quý báu!
Lê Đức
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Lý do bạn nên sử dụng sữa rửa mặt Klairs