Kiến trúc nguy nga của nhà thờ Đức Bà Paris trước hỏa hoạn

2019-04-20 11:00
- Mỗi năm đón tới 13 triệu lượt khách, nhà thờ Đức Bà Paris trở thành một trong những điểm check in hot nhất bản đồ du lịch thế giới.

 

Ngọn lửa dữ dội bùng lên lúc 18h50 ngày 15/4 (23h50 giờ Hà Nội) tại nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris (Pháp) đã khiến tháp chuông và phần lớn mái vòm nhà thờ đổ sập. Trước khi trận hỏa hoạn kinh hoàng diễn ra, nơi đây từng là biểu tượng của không chỉ nước Pháp mà còn là mơ ước của biết bao du khách trên khắp thế giới. Nhắc tới tên công trình này, người ta không thể không nhớ tới tác phẩm văn học nổi tiếng Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris của đại văn hào Pháp Victor Hugo.   

Nhà thờ được xây dựng vào năm 1163 bởi vua  Louis IX (Saint Louis) và Giám mục Maurice de Sully. Công trình đã mất 200 năm để hoàn thiện, với sự góp sức của vô số kiến trúc sư, thợ mộc, thợ cắt đá... tài ba. Nhà thờ gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi vị trí đắc địa ngay trung tâm thủ đô, các tòa tháp và những cột đá đồ sộ. Công trình cao 70m, trong nhiều năm liền là nơi cao nhất Paris, được đánh giá là kiệt tác của kiến trúc Gothic Pháp và là một trong những di tích vĩ đại thời Trung cổ còn sót lại.   

Nhà thờ Đức Bà cũng là một trong những công trình đầu tiên thời Trung cổ được xây dựng với kỹ thuật sử dụng các trụ chống. Giải pháp này giúp củng cố kết cấu của tòa tháp và ngăn chặn phần mái vòm sụp đổ. Tuy nhiên, những trụ chống này qua 8 thế kỷ tồn tại đã không cứu được phần mái vòm khỏi sự hư hại nặng nề trong vụ hỏa hoạn mới đây.   

Mặt tiền phía Tây của nhà thờ được thiết kế hoành tráng, đồng thời thể hiện sự kỳ công của những người thợ chế tác đá. 28 vị vua Pháp qua các thời kỳ được điêu khắc tinh xảo theo phong cách High Gothic. Tuy nhiên, một số bị hư hại do những người dân quá khích phá hủy trong các cuộc cách mạng.   

Tòa tháp đôi của nhà thờ mở cửa bán vé cho du khách tham quan, từ cửa trước tại phố Rue du Cloître Notre-Dame. Du khách sẽ phải leo bộ qua 387 bậc thang để lên tới nóc, nơi có thể chiêm ngưỡng tháp chuông Emmanuel Bell nổi tiếng ở khoảng cách gần. Từ vị trí này, người xem có thể quan sát hầu hết khu phố cổ Paris, thậm chí là cả khu vực La Défense hiện đại ở phía xa.   

Linh vật Gargoyles khá quen thuộc trong kiến trúc các nhà thờ châu Âu thời Trung cổ. Chúng vốn là nơi thoát nước của những máng nước mưa nhưng được thiết kế thành những bức tượng kỳ lạ. Nước mưa theo mái vòm chảy xuống sẽ tuôn ra từ miệng của bức tượng. Tuy nhiên, với nhà thờ Đức Bà Paris, Gargoyles chỉ đơn thuần là trang trí, không có đầu thoát nước.   

Nhắc tới kiến trúc của nhà thờ này, không thể bỏ qua những ô cửa kính thiết kế tỉ mỉ, lắp ghép từ những mảng kính nhuộm màu. Chính chi tiết này đã khiến nhà thờ Đức Bà Paris trở nên nổi tiếng và được công chúng yêu thích. Với hệ thống cửa này, khi ánh sáng chiếu xuyên qua, chúng sẽ tạo ra những luồng màu sắc lung linh, huyền bí cho không gian bên trong nhà thờ.   

Điểm nhấn của nội thất bên trong nhà thờ chính là 3 bộ ô kính hình hoa hồng có từ thế kỷ 13. Ô cửa đầu tiên, cũng là nhỏ nhất, nằm ở bề mặt phía tây, được hoàn thành vào khoảng năm 1225. Cửa kính hình hoa hồng ở phía nam có đường kính gần 13 mét và được làm từ 84 ô nhỏ. Cửa sổ còn lại được tạo ra vào năm 1260. Hiện chưa rõ những ô kính đặc biệt này có còn nguyên vẹn sau vụ hỏa hoạn không.   

The Serene Sanctuary là một trong những hạng mục quan trọng của nhà thờ, có diện tích rộng lớn, cao 35 m và dài 130m, hơn cả một sân bóng đá. Mang phong cách kiến trúc Gothic điển hình, khu nhà có 5 lối đi bao quanh với hai dãy nhà nguyện, một khu nhà dành cho dàn hợp xướng. Khu vực sảnh có 75 trụ đá khổng lồ và sức chứa lên tới 9.000 người.   

Không chỉ là một công trình kiến trúc đồ sộ, nhà thờ Đức Bà Paris còn cất giấu một kho cổ vật quý giá, bao gồm nhiều trang sức bằng đồng, đá quý, vàng, các bức tượng thánh, thánh giá, chén thánh, áo choàng khi đăng cơ của Napoleon... Khu vực này mở cửa đón khách vào chiều thứ hai, chủ nhật và thứ bảy hàng tuần.   

Phía dưới nhà thờ là một hầm mộ được xem như một bảo tàng cổ vật. Từ nơi này, các nhà khoa học đã tìm thấy nền nóng của công trình kiến trúc thời La Mã. Ngoài ra, các tàn tích cổ xưa, bản đồ, hình vẽ từ thời cổ đại, Trung cổ vẫn được bảo toàn đến trước vụ hỏa hoạn ngày 15/4.   

Hiện nhà chức trách Pháp vẫn chưa thống kê được sự hủy hoại của trận hỏa hoạn đối với công trình lịch sử này. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp cho rằng "điều tồi tệ nhất đã qua đi" vì vẫn giữ được bộ khung cho công trình, tránh sự sụp đổ hoàn toàn.   

Giới chức Paris cho biết cấu trúc khung chính của nhà thờ không bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức để trùng tu lại công trình này. Trước hỏa hoạn, mỗi năm, nhà thờ đón 13 triệu lượt khách tham quan.   

Theo Ngoisao.net

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Trẻ nhỏ sinh vào 7 ngày này, tương lai thành danh, bố mẹ mở mày mở mặt