Khóc, cười và sợ với “Chung cư ma”

Khôi Nguyên 2014-12-30 11:30
- Ánh sáng mập mờ với hình ảnh cô gái mặc váy đỏ khuôn mặt rùng rợn, gớm ghiếc; âm thanh rầm rập, hối thúc; câu chuyện bất ngờ đến phút chót… “Chung cư ma” có nhiều điểm cộng khiến khán giả hài lòng khi đến rạp.
“Chung cư ma” xoay quay cuộc đời của Lan – một nhà văn viết truyện trinh thám vì không chịu được nỗi đau về sự phản bội mà người chồng đã gây ra nên quyết định cùng cậu con trai 5 tuổi tên Bi rời khỏi ngôi nhà và đến thuê căn hộ trong một chung cư cũ kỹ để sống. Những người quen của Lan ở chung cư đó có Thảo - một người chị đang sống cùng chồng và một cô con gái tuổi teen khá ương bướng tên Ngọc. Cùng thời gian Lan dọn đến chung cư sống thì Vũ - một anh chàng nhạc sĩ nghiệp dư cũng chọn một căn hộ nơi đây để “trú thân”. 
Nỗi đau về sự phản bội vẫn dày vò mỗi ngày khiến cho Lan gặp ác mộng thường xuyên trong giấc ngủ. Cô phải cần đến bác sĩ trị liệu tâm lý cũng như uống thuốc hàng ngày. Một lần tình cờ, con trai của Lan được bà Chu quản lý chung cư tặng cho một hộp nhạc. Kể từ đó những cơn ác mộng trong đêm bỗng trở nên nhiều hơn một cách bất thường. Lan cùng với Vũ quyết định cùng nhau đi tìm sự bí ẩn đang diễn ra nơi chung cư của họ. Cuối cùng, tất cả phát hiện ra có một điều gì đó bất thường rất ma quái liên quan đến chiếc hộp nhạc.
Câu chuyện của “Chung cư ma” thoạt xem khán giả sẽ có cảm giác nó na ná hoặc gần giống với những bộ phim cùng thể loại từng được phát hành trước đó của Hollywood hay Thái Lan. Khi nhắc đến phương diện này, đạo diễn Văn M. Phạm chia sẻ rằng anh cảm thấy không công bằng bởi những sự so sánh ấy. Vị đạo diễn trẻ được đào tạo bài bản tại Mỹ thừa nhận: “Khi xem ‘Chung cư ma’ có thể khán giả mường tượng họ từng xem đó ở đâu đó. Tuy nhiên, nếu đòi hỏi một đạo diễn xây dựng kịch bản với câu chuyện mới mẻ 100% là điều không thể bởi những chất liệu đó Hollywood và cả nền công nghiệp điện ảnh thế giới họ đã khai thác gần như cạn kiệt. Tôi nghĩ, cái hay của bộ phim là từ những gì tưởng chừng hơi giống đó mà làm nên những khác biệt mới là thú vị”.

Một cảnh trong phim "Chung cư ma".
Cái thú vị của “Chung cư ma”, như lời đạo diễn Văn M. Phạm chia sẻ không khó để cảm nhận. Thứ nhất, khác với mô-típ thông thường của dòng phim kinh dị ngày nay thường dồn các nhân vật chính vào một không gian đóng không thể thoát ra, để tạo nỗi kinh hoàng xuyên suốt thì phim chọn không gian mở. Căn hộ chung cư nơi mẹ con văn sĩ Lan ở còn đặc biệt hơn khi nó được thiết kế mang đậm phong cách Nhật Bản với những họa tiết, bức tranh và các vật dụng trong nhà. Chính điều này càng làm tăng lên độ ma mị nơi khán giả.
Thứ hai, nếu theo dõi “Chung cư ma”, khán giả bị cuốn vào mạch truyện tương đối logic và tròn trịa với những bất ngờ khó có thể đoán trước được. Những chi tiết đắt giá nhất trong phim khi lần lượt Lan, Vũ và cậu con trai Bi trải qua đề đẩy khán giả lên đỉnh điểm của cảm xúc. Nhưng, không đơn thuần là sự sợ hãi mà còn có cả những tiếng cười bật lên nhờ những tình huống khá duyên. Và cuối cùng, bộ phim khép lại bằng những giọt nước mắt cảm động. Khán giả khi xem đến đoạn gần cuối đoạn Vũ dọn khỏi khu chung cư đều ngỡ phim kết thúc ở đó. Tuy nhiên, ngoài yếu tố để lách cửa kiểm duyệt bởi phim có nhiều chi tiết mang tính tâm linh thì kết thúc này hoàn toàn nằm trong kịch bản ban đầu của đạo diễn. Yếu tố bất ngờ ở phân đoạn kết này có thể có người thích, người không nhưng rõ ràng nó là điều không ai có thể đoán trước được.
Thứ ba, giữa câu chuyện hư hư thực thực trong một không gian nhiều cảnh âm u, đạo diễn đã đan cài những chi tiết hài hước để khán giả có thể thả lỏng, có thể cười và giảm nhịp căng thẳng cho bộ phim. Sự đan cài này là cần thiết và tương đối khéo léo.
So với các bộ phim cùng thể loại, “Chung cư ma” có lẽ vượt trội hơn một chút về mặt âm thanh và ánh sáng. Đạo diễn chia sẻ, anh đã thực hiện phần âm nhạc cho phim tại Mỹ, Riêng về ánh sáng: “Với một bộ phim rùng rợn, hình ảnh và ánh sáng đóng vai trò then chốt, bởi vậy tôi đặc biệt chú trọng đến khâu thiết kế ánh sáng. Tôi cũng yêu cầu những khuôn hình được quay bằng máy kỹ thuật số vẫn phải đạt được hiệu ứng hình ảnh gần như được quay bằng phim nhựa”. Hiệu ứng thị giác mạnh mẽ bởi những hình ảnh đầy tính ám ảnh cộng với hiệu ứng về thính giác bởi âm thanh lúc đường đột, khi dồn dập, lúc lại khoan thai ma mị tất cả tạo nên mạch cảm xúc khá tròn trịa. Ở phương diện này rõ ràng đạo diễn đã mang được cái chất ám ảnh của phim kinh dị đến với khán giả Việt Nam. Tuy nhiên, nếu hiểu đây là một phim thuần kinh dị chưa hẳn chính xác bởi như lời đạo diễn chia sẻ, cái chất kinh dị chỉ là bề nổi cho những cảm xúc, độ sâu của câu chuyện mà anh muốn truyền tải. 
Về mặt diễn xuất, bộ ba nhân vật chính mang đến cho khán giả những cảm xúc khác nhau.
Lần đầu đảm nhận vai nữ chính trong một bộ phim điện ảnh, Phương Mai có một vai khó. Cái khó là ở chỗ nhân vật này có sự biến thiên về cảm xúc khá nhanh, phức tạp: một văn sĩ mơ mộng, một bà mẹ hết mực yêu con, một người phụ nữ mạnh mẽ và cả những ám ảnh bởi tai nạn đáng tiếc. Phương Mai diễn tròn vai và không phá hỏng mạch cảm xúc của người xem. Tuy nhiên, bởi phim hướng đến yếu tố tâm lý và nội tâm là điều cốt yếu nên cô chưa thật sự xuất sắc ở phương diện này. Cùng là cười, là đau, là sợ hãi… nhưng Phương Mai vẫn chưa tạo được chiều sâu cho nhân vật của mình, đặc biệt là về cơ mặt khi diễn xuất và lời thoại còn thiếu phần nào đó cảm xúc. 

Phương Mai lần đầu đảm nhận vai nữ chính trong một bộ phim điện ảnh.
Vai ông Xung của Hoàng Phúc có lẽ không cần nói nhiều bởi vai ác đã là thế mạnh của nam diễn viên này. Hoàng Phúc đủ ác từ ngoại hình, hành động cho đến lời thoại, đặc biệt toát lên từ ánh mắt. 
Vai diễn gây nhiều tranh cãi trong phim chính là Vũ của Quang Sự. So với “Để mai tính 2”, Quang Sự có sự tiến bộ nhất định nhưng vẫn chưa khiến khán giả hài lòng, nhất là khi anh được gắn mác được học diễn xuất ở Hàn Quốc. Ở nhân vật Vũ khán giả có cảm nhận Quang Sự chưa toát ra được tính cách như mọi người vẫn định hình về một rocker của giới underground. Anh diễn còn khá đều đều, một màu. Là tuyến nhân vật hài để làm giảm nhẹ sự căng thẳng của câu chuyện nhưng Quang Sự nói nhiều hơn làm và tiếng cười nơi khán giả đều bắt nguồn từ những câu thoại hơn là về diễn xuất của anh. 
Dàn diễn viên phụ gồm: Chi Pu, Hoài An hay bé Minh Phước… khiến khán giả tạm hài lòng.
Tuy nhiên, “Chung cư ma” vẫn là một bộ phim còn nhiều hạn chế. Chính đạo diễn thừa nhận bởi vấn đề kinh phí, câu chuyện kiểm duyệt nên anh chưa dám bung hết mình ra cho bộ phim để đẩy nỗi sợ hãi, sự kịch tính hay cả tiếng cười lên đỉnh điểm của câu chuyện. Phim còn một số tình tiết chưa thật sự hợp lý: cảnh Lan và Vũ phá căn hộ cô đang ở, cảnh đánh nhau giữa cả hai với ông Xung… dù “trời long đất lở” giữa đêm nhưng lại không hề có sự can thiệp của những người hàng xóm. Điều này khó lý giải bởi trước đó việc người thợ sửa ống nước chết trong nhà Lan hay sau khi Ngọc bị đẩy ngã chân cầu thang lại có quá nhiều người vây quanh. Nhịp phim ở phần đầu câu chuyện khá chậm khiến không ít khán giả cảm thấy sốt ruột trước khi đi vào phần cao trào nhất. Ở các phân cảnh kinh dị, quy luật chiếc hộp nhạc mở - bóng ma xuất hiện khiến khán giả không khó để đoán biết. Đặc biệt, chính bởi diễn xuất còn nhiều hạn chế của Quang Sự nên phần hài đan xen trong phim đôi khi gây ra tác dụng ngược. Khán giả có thể cười, nhưng đó là nụ cười còn gượng gạo. 
Nhìn tổng thể, “Chung cư ma” trước hết tròn trịa bởi nó truyền tải đúng về mặt thể loại của một bộ phim mang yếu tố kinh dị. Phim công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 24/12 vừa qua. 
 
Khôi Nguyên
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

6 bài tập đơn giản trước khi đi ngủ giúp nàng "lười chảy thây" cũng có eo thon, chân dài