“Bố ơi! Mình đi đâu thế?” bản Việt và những điểm hút

Tuấn Thanh 2014-11-11 16:58
- Như một món ăn cần thời gian thưởng thức, phiên bản Việt hóa đã dần có những nét riêng sau 2 số lên sóng.
Chương trình truyền hình thực tế “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” phiên bản Việt đã phát sóng được 2 số. Ngay từ thời gian đầu khi nhà sản xuất thông báo mua bản quyền Việt hóa chương trình này thì đã có ý kiến trái chiều từ khán giả trên các báo đài và mạng xã hội. Với cái bóng quá lớn của phiên bản gốc từ Hàn Quốc cũng như sự nổi đình đám gần đây của bản Trung Quốc, liệu phiên bản Việt của chương trình này có tạo được sức hút hay sẽ chìm như bao chương trình truyền hình thực tế được Việt hóa chưa tới?

Sự bất ngờ và làm nên yếu tố thành cộng của “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” ở bản gốc chính là các bố con sẽ cùng đi du lịch qua các nơi và từ đó sẽ xảy ra các tình huống mà họ không thể lường trước được, nhất là khi không có người mẹ bên cạnh. Khác với phiên bản gốc có 5 cặp bố con thì ở phiên bản Việt chỉ có 4 cặp cùng tham gia, gồm bố con MC Phan Anh, nhạc sĩ Minh Khang, ca sĩ Hoàng Bách và diễn viên Trần Lực.

Trong 2 tập đầu tiên, các bố con đã tới một ngôi làng chăn nuôi heo, bò, gà ở Hóc Môn để ở đó 2 ngày 1 đêm. Mỗi gia đình đã chọn cho mình một căn nhà để ở và các bé bắt đầu thích nghi với cuộc sống không có mẹ bên cạnh, cũng như khám phá những điều mới mẻ trong 2 ngày nay.

4 bố con trên đường đến một ngôi làng ở Hóc Môn.

Gây ấn tượng trong suốt 2 tập đầu chính là bé Tê Giác con của ca sĩ Hoàng Bách. Sự hồn nhiên, hòa mình vào môi trường mới và nhanh nhẹn của bé dễ dàng gây được thiện cảm với người xem. Tê Giác rất thương bố và quan tâm lo lắng cho bố của bé. Như khi thấy Hoàng Bách không ăn trứng, bé đã hỏi: “Sao bố không ăn trứng? Bố ăn đi, con ăn một cái trứng là nhiều rồi”. Hay bé không muốn đánh thức bố mình khi đang ngủ nên đã nói: “Con không nỡ đánh thức bố dậy…”. Ở một cậu bé đang tuổi ăn tuổi ngủ mà đã có thể nói những lời nghe qua rất đỗi bình thường nhưng mấy ai có thể nói ra được cảm xúc chân thực được như vậy. Tình cảm cha con của Hoàng Bách cũng làm người xem xúc động và tạo nên hứng thú khi đến cảnh quay của hai bố con này.

Ca sĩ Hoàng Bách và bé Tê Giác.

Ba bé còn lại, mỗi bé cũng có những nét đáng yêu riêng. Như bé Bo của nhà MC Phan Anh đậm chất tiểu thư thành thị khi thái độ không hòa đồng, cũng như hay khóc và không nghe lời. Việc này đã phải làm cho MC Phan Anh trở thành ông bố nghiêm khắc trong chương trình, tuy nhiên bé Bo lại chính là nhân tố hấp dẫn người xem, người xem có thể thấy bé dần trưởng thành và thay đổi thế nào qua mỗi tập.

Bé Bo hay khóc nhè nhà Phan Anh.

Bé Bờm nhà diễn viên Trần Lực nhỏ tuổi và hồn nhiên, vô tư nhất. Những câu nói hài hước trong 2 tập đầu của bé như: “Con thích việc mê gái của bố”, “Con muốn vẽ bố đánh răng còn con đang đi tè” đã tạo ra những tràng cười thú vị và chắc chắn bé sẽ trở nên “người lớn” hơn khi chương trình vẫn còn rất dài phía trước. Trần Lực không nghiêm khắc như Phan Anh, anh dễ tính và từ từ khuyên bảo, động viên con trai mình. Khi Bờm giành được số mía ít nhất và nhận ít phút nhất khi gọi điện về cho mẹ, bé đã tỏ ra thất vọng thì anh đã an ủi, động viên bé rằng đừng so đo hơn thua tỷ số vì bé đã làm hết sức mình.

Bố con Trần Lực - bé Bờm.

Bé Suti nhà nhạc sĩ Minh Khang cũng là một nhân tố bí ẩn thú vị. Ra dáng đàn chị trong chương trình, nhưng bé lại có những câu nói rất ngây ngô và đáng yêu như: “Du lịch là đi gì vậy?” hay “Ước gì mình không được sinh ra”. Tuy rằng Minh Khang có vụng về trong nấu ăn hay nhiều lúc vẫn chưa hiểu được tâm lý của Suti, nhưng ông bố “hậu đậu” này bằng sự cố gắng và chăm lo cho con gái cũng đã tạo được thiện cảm nơi khán giả.

Nhạc sĩ Minh Khang và cô con gái Suti.

Điểm trừ cho chương trình sau 2 số phát sóng chính là hiệu ứng và font chữ các dòng caption kèm theo chương trình chưa thực sự đẹp và hài hước, nhạc tình huống được lồng vào cũng chưa thực sự hay và hợp lý. Ngoài ra việc biên tập cắt đoạn đột ngột cũng làm cho người xem bị tuột cảm xúc. Ví dụ như đoạn bé Tê Giác hỏi các chú quay phim, “Ở đây không được dùng đồ công nghệ nhưng tại sao mấy chú lại dùng máy quay phim được làm từ công nghệ?” và đã không được trả lời, hay những đoạn các bé chưa nói dứt câu đã bị cắt qua cảnh khác. Có lẽ việc này do chương trình bị áp lực thời gian chỉ có 50 phút chiếu trên VTV3 kèm quảng cáo. Tuy vậy chương trình nên đầu tư và kiểm tra kỹ lưỡng phần biên tập thì sẽ tạo được hiệu ứng tốt và tạo sự đồng cảm nơi khán giả hơn. Các thử thách được chương trình đưa ra cho các bố con như nấu cơm, xin đồ ăn từ các nhà lân cận… hợp lý và tự nhiên, tuy rằng đôi khi các ông bố chưa được tự nhiên và có cảm giác đang gồng “diễn”.

Dòng captain thực sự chưa đẹp và hài hước.

“Bố ơi! Mình đi đâu thế?” phiên bản Việt tuy chỉ mới lên sóng 2 tập đầu, nhưng đã nhanh chóng tạo được thiện cảm nơi khán giả, dù rằng cũng còn nhiều ý kiến so sánh với phiên bản Hàn và Trung. “Đường dài mới biết sức ngựa”, vì vậy vẫn còn những bất ngờ ở thời gian tới, nhất là khi chương trình kéo dài suốt 1 năm với 52 tập.


2 tập đầu tiên của “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” phiên bản Việt


Tuấn Thanh
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Ly hôn, loạt sao nam này vẫn giữ mối quan hệ thân mật với vợ cũ