5 bộ phim khiến ai xem cũng phải bật cười

Thụy Dương 2015-05-31 10:02
- Những bộ phim này không chỉ mang lại những phút giây thư giãn cho khán giả mà đâu đó còn để lại những suy ngẫm.

The Duck Soup – 1933

The Duck Soup – 1933
Là một bộ phim trong series phim do 4 anh em nhà Max tham gia được chấp bút bởi biên kịch Bert Kalmar, Harry Ruby và Leo McCarey làm đạo diễn. Mặc dù so với những bộ phim trước đó, "Duck Soup" không đạt được thành công phòng vé như mong đợi tuy nhiên đây vẫn là một bộ phim với đề tài chính trị vui nhộn đáng xem. 
Bộ phim được công chiếu khoảng 10 tháng sau khi Adolf Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng Đức. Thật khó để không liên hệ hai sự kiện này với nhau khi hình tượng nhân vật chính (ngài tổng thống Firefly) lại giống ngoại hình của Hitler đến khó tin đặc biệt là khuôn mặt với kiểu ria mép “độc quyền” của Hitler. Chuyện phim xoay quanh việc ngài tổng thống của nước cộng hòa Freedonia vì bảo vệ danh dự cho “người đẹp” mà sẵn sàng phát động chiến tranh với Sylvania. Mặc dù những năm 30, những bộ phim có đề tài phản chiến luôn được đánh giá cao và gây tiếng vang, "Duck Soup" lại đi ngược lại xu thế hô hào chiến tranh? Tuy nhiên dưới góc nhìn hài hước, "Duck Soup" đã biến chính trị khô khan thành một bản nhạc vui nhộn. Vào năm 1990, Thư viện quốc hội Hoa Kỳ đã chính thức xếp "Duck Soup" vào danh sách những bộ phim có giá trị “văn hóa, lịch sử, và thẩm mỹ” đồng thời đưa vào lưu giữ trong bảo tàng phim quốc gia. 

The Ladykiller – 1955

The Ladykiller – 1955

"The Ladykiller" (tạm dịch: Kẻ cắp gặp bà già) là một phim được xây dựng đúng như cái tên của nó. Một băng cướp giả danh những nghệ sĩ chơi nhạc thính phòng đối đầu với một góa phụ “ngây thơ” sức lực có hạn nhưng “thủ đoạn” có thừa. Chuyện phim chỉ diễn ra trong khuôn viên khu nhà của bà góa Wilberforce nhưng đủ “thượng vàng hạ cám”. Từ việc giả tập nhạc, tới bàn kế hoạch đào hầm cướp vàng, rồi tìm cách đánh lừa bà lão. Bà lão tuy già nhưng rất “tỉnh” và giáo sư Marcus thì khá “dễ thương”. Những tình tiết cười ra nước mắt trong bộ phim đã mang lại cho khán giả những giây phút thư giãn tuyệt vời.
Biên kịch William Rose của bộ phim đã từng tiết lộ rằng ông đã phác họa lên câu chuyện phim từ một... giấc mơ. Giấc mơ kì lạ của một biên kịch đã đặt nền móng cho một bộ phim hài vô cùng xuất sắc. Với bàn tay của đạo diễn Alexander Mackendrick cùng sự tham gia diễn xuất rất thành công Alec Guinness trong vai giáo sư “lừa” Marcus, Katie Johnson trong vai bà lão đã góp phần tạo nên thành công của bộ phim. Năm 2004, một bản remake của "The Ladykiller" được anh em nhà Coen thực hiện với sự tham gia của tài tử Tom Hanks nhưng dù có kĩ xảo đẹp mắt và ghi điểm ở những bản nhạc sôi động của hiphop, jazz... nhưng chuyện phim hoàn toàn rập khuôn bản 1955. Bộ phim đã không đạt được thành công như mong đợi. 

Some Like It Hot – 1959

Some Like It Hot – 1959

Là một trong những bộ phim hiếm hoi có sự tham gia của quả bom “sex” Marilyn Monroe. "Some Like It Hot" bộ phim hài của đạo diễn Billy Wilder được xem là một trong những tác phẩm kinh điển bền vững theo thời gian khi biết cách mượn tội ác và lòng tham lam để nói về tình dục. Các nhân vật trong phim đều có những dục niệm khác nhau. Nếu như Joe (Curtis) bị ám ảnh bởi tình dục thì nhân vật Sugar của Marilyn Monroe lại chỉ yêu tiền. Chuyện phim lấy bối cảnh thời kì cấm rượu năm 1929 với hai nhân vật trung tâm là hai nhạc sĩ thất nghiệp chuyên chơi đàn thuê cho các bar rượu lậu. Joe (Tony Curtis) chơi kèn saxophone đẹp trai, đa tình, còn Jerry (Jack Lemmon) chơi bass hiền lành, chân chất và hết lòng vì bạn. Một lần quán bar lậu bị cảnh sát vây bắt, không một xu dính túi, lại bị thua độ hai chàng trai trở thành người vô gia cư và bắt buộc phải tìm mánh làm ăn mới. Họ tìm tới ông bầu Poliakoff (Billy Gray) với bao nhiêu hy vọng, nhưng họ lại một phen vỡ mộng vì người ta chỉ cần nhạc công nữ. Vừa để kiếm sống, vừa để trốn khỏi sự truy lùng của mafia, hai chàng quyết định giả nữ để chơi cho ban nhạc Sweet Sue của Poliakoff. Joe lấy tên là Josephine, còn Jerry là Daphne. Và kể từ đây rắc rối vừa bi vừa hài lần lượt xảy ra với hai người.
Bộ phim với những mẩu thoại “bóc trần” những dục vọng của con người: tiền bạc, tình dục, lòng tham cùng những tràng cười vừa sảng khoái vừa như một lời giễu nhại được coi là một trong những bộ phim hài xuất sắc nhất của điện ảnh Mỹ. 

 Marilyn Monroe - Nàng Song Tử hời hợt hay cô đào sâu sắc?

 

5 bộ phim khiến ai xem cũng phải bật cười 2

 

Annie Hall – 1977

Annie Hall – 1977

Đây là cuộc hành trình lãng mạn của nhà hài kịch tâm thần Alvy Singer (Woody Allen) cùng cô bạn gái Annie Hall (Diane Keaton) cũng tâm thần không kém. Bộ phim lần theo tiến trình phát triển của mối quan hệ từ buổi đầu gặp mặt, và trở thành tư liệu lịch sử thú vị về tình yêu đôi lứa những năm 70.
Cốt truyện không có gì đặc biệt. Mở đầu phim là cảnh Alvy kể lể sơ qua về bản thân và sau đó kể về mối tình đã qua với Annie. Đặc sắc nhất ở bộ phim có lẽ là phần đối thoại vô cùng thông minh và dí dỏm. Alvy là một người đàn ông trung niên, hình thức không mấy gì hấp dẫn (gày gò, nhỏ thó), tính tình thì tinh vi, miệng luôn liến thoắng những câu nói mỉa mai, châm biếm, chê bai cuộc đời và con người. Alvy có cách nhìn cuộc sống vô cùng cực đoan. Lúc nào cũng suy tư, lo lắng, trăn trở về cái chết và sự khổ sở của kiếp người. Ngược lại với Alvy, Annie tuy cũng không còn trẻ trung nhưng rất hồn nhiên, vô tư, và nhiều lúc rất trẻ con. Cả bộ phim là một chuỗi những cuộc tranh luận không mệt mỏi giữa Annie và Alvy. Hai người đều thích lý sự và rất hay mâu thuẫn nhau. Nhiều lúc mâu thuẫn đến mức không chịu nổi nhau và phải bỏ đi. Bỏ nhau rồi quay lại. Rồi lại bỏ nhau. Giữa họ tồn tại nhiều tình cảm nhưng họ không sống được bên nhau vì không giải quyết được những xung khắc. Nét đặc sắc của phimkhông phải ở những tình tiết lãng mạn, sướt mướt, mùi mẫn, hay kịch tính thường thấy ở các phim hài, lãng mạn mà ở khía cạnh rất đời thường của một mối tình. Phim không hề mô tả tình yêu qua những cuộc hẹn hò lãng mạn, những cảnh ân ái nỏng bỏng mà ngắm nhìn tình yêu qua một lăng kính “thực tế”. Cũng có lẽ nhân vật trong bộ phim khá “đặc biệt”. Câu chuyện tình yêu của Annie không chỉ để lại nghĩ suy tư trong lòng khán giả của những năm 70, mà còn cả những khán giả của thời đại ngày nay.

Borat - 2006

Borat - 2006

Nhắc đến Sacha Baron Cohen, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những bộ phim hài “khó đỡ” kiểu dung tục. Hình ảnh chàng phóng viên Borat Sagdiyev, người đàn ông nổi tiếng thứ sáu ở Kazakhstan vẫn là hình ảnh tưng tửng thường thấy trong các vai diễn của Sacha. Borat là nhà báo hàng đầu làm việc cho Hệ thống truyền hình toàn quốc. Để thực hiện ước mơ, anh rời ngôi nhà êm ấm ở đất nước Kazakhstan bắt đầu chuyến đi tới Mỹ để thực hiện một bộ phim tài liệu. Trong hành trình của mình Borat gặp người thật việc thật với những “pha” kích động. Và hàng loạt những trận cười nghiêng ngả sẽ bắt nguồn từ đây.
Nói đến phần hình ảnh của Borat, đầu tiên phải khẳng định rằng có rất nhiều cảnh rất thô và tục. Bộ phim sử dụng khá nhiều hình ảnh nhạy cảm một cách công khai, có thể sẽ khiến một số người xem rất khó chịu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận ngoài những hình ảnh đó, bộ phim cũng có không ít những thước phim rất đẹp. Bộ phim mang màu sắc cổ điển, với tông màu sáng sủa. Đặc biệt, qua chuyến phiêu lưu của nhân vật, phim mang đến những khung hình đẹp của nước Mỹ. Nói thẳng và nhìn thẳng, lấy những hình ảnh dung tục để giễu nhại những tật xấu của xã hội. Chính vì lẽ đó mà bộ phim đã đạt được nhiều thành công lớn. Riêng Sachan sau vai diễn này, anh đã vinh dự được nhận giải thưởng danh giá Quả cầu vàng và được mời làm giám khảo Oscar năm 2008.
Thụy Dương
Nguồn ảnh: IMDb, The Guardian
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 mỹ nhân Việt lấy chồng xong càng chuộng mốt khoe body