Hóa đơn 150.000 đồng/quả dừa và những màn chặt chém du khách dịp lễ

2019-05-02 11:00
- Suốt 5 ngày nghỉ lễ, du khách thông tin tình trạng chặt chém, bán tour bát nháo xảy ra tại nhiều điểm du lịch như Bãi Cháy (Quảng Ninh), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Cát Bà (Hải Phòng).

Dịp 30/4-1/5 năm nay, học sinh, sinh viên và người lao động được nghỉ 5 ngày. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết phần lớn người dân chọn dịp này để đi du lịch. Bắt đầu từ ngày 27/4 (ngày nghỉ đầu tiên), lượng du khách tại các điểm đến nội địa đồng loạt tăng đột biến.  

Theo dự báo, giá dịch vụ tăng khoảng 20-40% so với ngày thường. Nhiều nơi rơi vào trạng thái quá tải. Tình trạng ùn tắc có thể xảy ra tại nhiều điểm đến. Tuy nhiên, bên cạnh các rắc rối này, nhiều du khách còn phải đối mặt với những tình huống khó chịu, đặc biệt là chuyện chặt chém ngày lễ. 2 triệu đồng/kg đỗ ngự.  

Theo báo Người Lao Động , khoảng 9h15 ngày 29/4, công an phường Bãi Cháy (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) đã bắt 2 đối tượng lừa đảo khách du lịch khi bán đỗ ngự với giá cao gấp 20 lần.     

   Tang vật tịch thu tại cơ quan công an phường Bãi Cháy.     

Cụ thể, 2 đối tượng này đã bán cho khách du lịch 2 kg đỗ ngự với giá 2 triệu đồng/kg trong khi giá mua vào chỉ 100.000 đồng/kg và 2 túi mã tiền giá 1,5 triệu đồng.  

Các đối tượng đã khai nhận hành vi lừa đảo tại cơ quan công an. Hiện tại, công an phường Bãi Cháy tạm giữ 2 đối tượng để điều tra và làm rõ vụ việc.  Chuyến đi nhớ đời  

Cùng ngày 29/4, tài khoản Hải Minh chia sẻ câu chuyện bức xúc của mình lên một diễn đàn du lịch. Cụ thể, anh và 3 người bạn đã đăng ký tour đi vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) và chèo thuyền kayak qua một con tàu.  

Khi hành trình bắt đầu, người phụ trách đưa đoàn đến đảo Khỉ (hay còn gọi là đảo Cát Dứa) và thông báo thời gian tắm biển là 30 phút kèm theo cảnh báo: "Nếu không lên đúng giờ, tàu đi, du khách phải tự chịu trách nhiệm".  

"Tôi hỏi bao giờ qua vịnh Lan Hạ chơi, họ bảo đảo Khỉ là một trong những quần thể của vịnh Lan Hạ rồi", Hải Minh cho hay. Lúc tàu đến đón khách từ đảo Khỉ, 2 người bạn của anh suýt phải ở lại khi đang chờ đến lượt.     

   Khách đang chờ lên tàu nhỏ tại đảo Khỉ để đi ra tàu lớn. Ảnh: Hải Minh .     

Câu chuyện của họ vẫn chưa dừng lại tại đó, Hải Minh tiếp tục tố tàu du lịch đưa nhóm khách đến làng chài khoảng 5 phút rồi quay tàu về luôn. "4 người thu một triệu. Tiền chỉ là vấn đề nhỏ nhưng tôi bực mình vì tư tưởng làm ăn chộp giật", anh nhấn mạnh.  

Bài viết của Hải Minh được nhiều du khách đến đảo Cát Bà hưởng ứng và cho biết họ cũng gặp phải tình huống tương tự.  

Thành viên Hai Bui cho hay: "Nhà tôi thuê ca nô riêng nhưng cũng dính phải trò lừa đảo, chộp giật. Ca nô phóng như ăn cướp. Khi chúng tôi góp ý đi chậm lại, họ còn quát".  

Người này cũng cho biết khi mới ở đảo Khỉ một lúc, người lái ca nô đã giục gia đình đến làng chài. Song, vì không có nhu cầu mua hải sản nên họ yêu cầu ca nô đi ra vịnh Lan Hạ nhưng chỉ nhận được câu trả lời: "Vừa đi qua đấy thôi". Sau đó, ca nô nhanh chóng đưa cả đoàn trở lại đảo Cát Bà (Hải Phòng).  

Bên cạnh những chia sẻ đồng cảm về chuyện dính phải tour bát nháo, tài khoản Phương Quyền tiết lộ: "Lễ tân khách sạn nói mấy ngày lễ này, họ hay cắt bớt chương trình tour để chạy khách".  

Một số người đã khuyên các du khách gặp chuyện nên liên hệ đường dây nóng của các cơ quan chức năng.  Đi taxi 4 km, trả 300.000 đồng  

Tại một diễn đàn du lịch khác, thành viên Oanh Đàm bày tỏ sự hoang mang khi phải trả cho taxi 300.000 đồng cho quãng đường từ trung tâm thị trấn Sa Pa (Lào Cai) đến bản Cát Cát, khoảng 4 km.  

Bên cạnh các ý kiến nhận xét mức giá này đắt quá mức, nhiều người cho rằng con số này khá bình thường khi đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ.  

"Năm ngoái, đi một km trả 200.000 đồng. Bạn đi 3-4 km trả 300.000 đồng là rẻ", tài khoản A Huyên thông tin.   

Một số khác cho hay giá taxi từ thị trấn Sa Pa đến bản Cát Cát thường không tính giá theo km.   

"Bạn nên hỏi giá taxi trước khi đi, tra Google Map là ra quãng đường. Nếu mặc cả trước, chẳng ai dám lấy cao hơn. Trường hợp bạn chấp nhận giá đó thì là thuận mua vừa bán, không trách được", thành viên Tuấn Anh Đỗ nêu quan điểm.     

   Chiếc xe taxi mang đến kỷ niệm không vui cho du khách đến Đà Lạt trong dịp lễ 30/4-1/5. Ảnh: NVCC .     

Cũng gặp vấn đề với taxi, một du khách đến Đà Lạt (Lâm Đồng) cùng gia đình trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 cho hay không chỉ vướng phải tình trạng chặt chém, ông và vợ còn bị tài xế dọa đánh.  

Cụ thể, ngày 29/4, cặp đôi muốn di chuyển từ nhà hàng chay Hoa Sen (số 43 Nguyễn Văn Cừ, Đà Lạt) về khách sạn Terracotta (Khu du lịch Tuyền Lâm, TP Đà Lạt). Khi vừa bước lên xe, tài xế đã kì kèo, mặc cả giá tiền và đòi khách phải trả tiền luôn.  

Theo báo Giao Thông , vị khách nam thấy không ổn nên đã yêu cầu dừng xe. Tuy nhiên, thay vì làm theo lời của khách, tài xế phóng xe với tốc độ nhanh.  

"Vợ tôi đòi trả tiền luôn nhưng tôi không đồng ý vì rất bức xúc với thái độ của tài xế này. Về đến khách sạn, đồng hồ báo 78.000 đồng nhưng tài xế đòi 150.000 đồng", người này kể.  

Khi cặp đôi từ chối và chỉ đồng ý trả theo số tiền trên đồng hồ, tài xế tỏ thái độ hăm dọa nhưng bảo vệ của khách sạn xuất hiện và can ngăn. "Sau đó, tài xế chửi bậy rồi bỏ đi", ông nói.  Khi quả dừa trong resort có giá 150.000 đồng  

Mới đây, Facebook Anna Phương chia sẻ trên trang cá nhân thông tin bị chặt chém tại biển Hải Tiến (Thanh Hóa) kèm theo video chứng minh cuộc nói chuyện của du khách với quán.  

Cụ thể, nhóm phải thanh toán tổng cộng gần 900.000 đồng. Trong đó, gần 400.000 đồng tiền đồ ăn và 500.000 đồng tiền cho 6 chiếc bàn ngồi trong 3 tiếng.  

"Trước khi ngồi, tôi đã hỏi nhưng người ta không nói là bàn ngồi phải thuê 50.000 đồng/h", người này viết.     

   Một thành viên trên diễn đàn còn nhận xét rằng con số này còn đắt gấp đôi giá dừa ở Mỹ.      

Trước đó, ngày 30/4, nhiều diễn đàn đăng hình ảnh tờ hóa đơn của một resort tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng số tiền gần 900.000 đồng. Điều đặc biệt trên hóa đơn nằm ở giá nước dừa là 150.000 đồng/quả, sinh tố bơ 170.000 đồng/cốc và nước ép dâu 150.000 đồng. Mức giá này chưa bao gồm phí dịch vụ (5%) và VAT (10%).  

Những con số này đã gây ra làn sóng tranh cãi trong cộng đồng mạng. Trong khi nhiều người bất ngờ với mức giá đắt gấp 10 lần con số thông thường, một số thành viên cũng tranh thủ "bóc phốt" những nơi khác.  

"Vũng Tàu là thánh địa chặt chém. Khách sạn xấu, cũ nhưng chỗ nào cũng hét 2-3 triệu/đêm", tài khoản Lưu Minh Châu viết.  

Thành viên Thảo Iris thông tin: "Dân Vũng Tàu Đây. Em trai thèm tôm tít nên tôi ra chợ xóm lưới hỏi mua. Bình thường giá 60.000 đồng/kg nhưng hôm nay họ chém 500.000 đồng/kg".   

Ngoài ra, nhiều người cho hay resort bị tố là một trong những cơ sở đẹp và sang trọng nhất Vũng Tàu nên con số trên hóa đơn là bình thường. Hơn nữa, nơi đây phục vụ theo giá niêm yết nên không thể nói resort chặt chém.  

Ngày 1/5, đoàn kiểm tra liên ngành đến cơ sở cũng ghi nhận resort có niêm yết công khai giá và giá đã có từ lâu, không phải tăng bất ngờ trong dịp lễ. Bên cạnh đó, quán cũng có các loại giấy phép kinh doanh.  

Khách chen chúc trên cầu gỗ ở đảo Kỳ Co Khách du lịch chen chúc nhau, không xếp theo hàng lối tạo nên cảnh tượng "khó thở" trên cầu gỗ ra tàu ở Kỳ Co (Quy Nhơn).     

 

Theo Zing.vn

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Nếu được chọn lại, em vẫn sẽ yêu anh