Sau vụ nổ ở Hà Đông: Lo ngay ngáy cơ sở thu mua phế liệu gần khu dân cư

2016-03-21 17:08
- Việc để các cơ sở thu mua phế liệu giữa khu dân cư sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Sau vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú khiến 4 người tử vong và hàng chục người bị thương, nhiều người nói về sự bất cẩn, thiếu quan tâm đến mức độ an toàn và kiến thức của người gây ra sự việc. Nhưng cũng có không ít người bày tỏ lo lắng trước những cửa hàng thu mua phế liệu tự phát, mọc lên giữa khu dân cư có thể tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe, sự an toàn cho cả khu dân cư cũng như các gia đình xung quanh. 

Kết quả xác minh của công an sau vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú cho thấy, anh Phạm Văn Cường (Quê xã Nam Hùng, Nam Trực, Nam Đinh) thuê căn nhà số 15-TT19 (Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) từ năm 2013. Tại đây, anh Cường hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi thu mua các loại phế liệu, anh Cường mang về nơi trọ cất giữ. 

Hàng ngày, anh Cường đều mang phế liệu ra vỉa hè trước nhà thuê để phân loại. Thậm chí, anh còn dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn. 8h30 sáng 19/3, anh Cường nhờ một nam thanh niên hàng xóm lăn giúp từ trong nhà thuê trọ ra vỉa hè trước cửa (nơi xảy ra vụ nổ) một khối kim loại hình trụ bằng sắt khoảng trên 100 kg. Quá trình anh Cường cắt phá khối kim loại này bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Cơ sở phế liệu tự kinh doanh?

Từ một điểm chứa các đồ phế liệu hư hỏng gây nên sự việc kinh hoàng cho nhiều người. Thực tế, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội cũng như tại nhiều địa phương trong cả nước, các điểm thu mua phế liệu mọc lên tự phát để kinh doanh không phải là hình ảnh hiếm. Chị T một người từng cho người khác thuê nhà bên cạnh để thu mua phế liệu cho hay, sau khi đọc tin về sự việc cũng không khỏi rùng mình.

Theo lời chị T, gia đình chị từng cho người thu mua sắt vụn, phế liệu, tái chế nhựa thuê nhà trong 4 năm. Vào thời điểm đó, gia đình chị cũng không hề quan tâm họ thu mua những gì bởi chỉ biết là thu mua các đồ dùng bằng sắt, dép nhựa, giấy, chai lọ bằng nhựa đã cũ.

Sau vụ nổ ở Hà Đông: Lo ngáy ngáy cơ sở thu mua phế liệu gần khu dân cư

Cơ sở thu mua phế liệu mọc lên giữa khu dân cư

"Từ lâu nhiều người xem đây như là một nghề kinh doanh. Ngay cả người đứng ra kinh doanh cũng xem đó như là một cửa hàng chứ không ai nghĩ đến việc nó sẽ tiềm ẩn nguy cơ. Bởi nhiều người nghĩ đồ đã cũ, hoen gỉ thì ít có thể gây tai nạn cho những người xung quanh. Trong khi tôi cho họ thuê nhà cũng không có ai kiểm tra hay cấp giấy phép gì. Chủ yếu họ đảm bảo an toàn, vệ sinh sạch sẽ không gây ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh thôi", chị T nhớ lại.

Theo quan sát của chúng tôi tại một số điểm thu phế liệu, không chỉ có các sách báo cũ, dép nhựa mà ngổn ngang còn có các đồ bằng sắt, thậm chí vỏ bình ga, bình oxy...Những vật dụng này nếu không được kiểm tra kỹ sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào.

Nói chuyện với một người thu mua phế liệu, chúng tôi được biết, việc kinh doanh phế liệu hoàn toàn tự do như mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa hay quán trà đá, không cần phải cấp phép. Địa điểm và mặt bằng hoàn toàn do người mua tự xác định.

Không nên để cơ sở phế liệu trong khu dân cư

Sau vụ nổ tại Văn Phú (Hà Đông), nhiều người bắt đầu dấy lên lo ngại với những địa điểm cho thuê nhà giữa khu dân cư để thu mua phế liệu. Chị Vân (Khu đô thị Văn Phú) chưa hết bàng hoàng sau vụ nổ cho biết, gia đình chị chuyển về sống ở khu Văn Phú được hơn 1 năm. Con đường nơi xảy ra vụ nổ là nơi chị và chồng vẫn thường đi bộ và dắt cháu đi chơi. Tuy nhiên, bản thân chị Vân và chồng không hề biết đến sự tồn tại của một cửa hàng phế liệu. 

"Tôi hết sức kinh hoàng về vụ nổ, thử nghĩ nếu lúc đó tôi và chồng cũng đang đi bộ thì điều gì sẽ xảy ra. Tại sao lại có thể cho một cửa hàng thu mua phế liệu mọc giữa khu dân cư. Một người thiếu bất cẩn kéo theo đó là tai họa cho biết bao con người vô tội rồi cả những ngôi nhà xung quanh được xây dựng vững chãi cũng chịu tác động nặng nề", chị Vân nói.

Còn ông Đức Vận (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, cần phải đưa các cơ sở thu mua phế liệu ra xa khu dân cư. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra để người dân yên tâm.

"Nên có các khu thu mua phế liệu, còn nếu để các cơ sở nhỏ lẻ như hiện nay không ai quản lý rất dễ tiềm ẩn những nguy cơ. Bởi trên thực tế, có nhiều nơi vẫn còn sót lại những vật liệu nổ từ thời chiến tranh. Nếu quy trình thu mua không cẩn thận rất dễ dẫn đến nguy cơ nổ", ông Vận cho biết.

Ngoài những tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ thì việc để những  cơ sở như vậy ở trong khu dân cư sẽ có thể gây ô nhiễm môi trường, tiếng động gây ảnh hưởng đến người già và trẻ em.

Hàn Phong

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Ngồi xem TV vẫn có thể giảm cân siêu tốc nhờ 5 bài tập cực dễ ai cũng tập được